Người đặt nền móng

Khi thị trường phim Việt phát triển, vấn đề khiến nhiều hãng sản xuất, các êkip làm phim lo lắng là đầu vào, chất lượng kịch bản. Nhằm tăng cường, phát triển đội ngũ biên kịch, một số công ty trong và ngoài nước đã bắt tay tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng biên kịch. Dù có nhiều bạn trẻ tham gia vào công việc này nhưng để có một đội ngũ vững vàng, chắc tay, tài năng để cung cấp nguồn kịch bản chất lượng cho phim Việt cũng không phải chuyện một sớm, một chiều.

Cảnh trong phim Em và Trịnh

Thu hút người yêu điện ảnh

Liên tiếp các cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng ở lĩnh vực biên kịch từ sân khấu đến điện ảnh cho thấy tầm quan trọng của những người đặt nền móng cho câu chuyện. Nếu với văn học và sân khấu, các tài năng phần lớn là những cá nhân đơn lẻ thì điện ảnh từ các cuộc thi đang hy vọng tìm thấy một hoặc một nhóm các nhà biên kịch để từ đó có thể mở rộng thị trường kịch bản. 

Nói về thị trường thì ngay từ nhiều năm trước, những ông bầu, những nhà sản xuất, biên kịch gạo cội đã nhìn thấy sự hấp dẫn của thị trường kịch bản. Một vài sàn kịch bản đã ra đời nơi những tác giả, nhóm tác giả có niềm đam mê, yêu thích viết lách có thể tìm đến nhau, kết hợp trong những dự án chung. Tham vọng của những người lập ra các sàn kịch bản là sẽ có được nguồn cung dồi dào để các nhà sản xuất, các êkip làm phim chọn lựa. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch cũng như nguy cơ bị trộm ý tưởng và sự thiếu vắng những chế tài, quy định, luật pháp bảo hộ về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ khiến các sàn kịch bản nhanh chóng lụi tàn hoặc chỉ tồn tại trên lý thuyết, thiếu tính thực tế cũng như sự kết nối.

Vì thế, các cuộc thi là một trong những kênh được tổ chức để tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng cho lĩnh vực này. Một số cuộc thi tìm kiếm tài năng biên kịch đã tìm thấy tác giả, nhóm tác giả đoạt giải và ngày càng được trẻ hóa. Điều này đã đem lại những kỳ vọng khi tuổi trẻ luôn gắn liền với nhiệt huyết, sự nhanh nhậy, khả năng cập nhật cái mới. Nhận xét về các biên kịch trẻ, nhiều nghệ sĩ cho biết họ kỳ vọng ở sức trẻ, sự năng động, dấn thân sẽ làm nên làn gió mới. Không phủ nhận đã có những tác giả, nhóm tác giả được nhắc tới sau thành công của một số dự án. Các biên kịch trẻ như Trần Khánh Hoàng với Em chưa 18, Huỳnh Châu Ngọc với êkip biên kịch Siêu sao siêu ngố, Hoàng Anh đồng biên kịch Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Nguyễn Hữu Hoàng với Ống kính sát nhân, êkip biên kịch của phim Nhắm mắt thấy mùa hè… Họ với sức trẻ, sự nhiệt huyết, những góc nhìn tươi mới đã đóng góp rất nhiều vào thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu phòng vé cho các dự án mà mình tham gia. Góc nhìn trẻ, không ngại thử nghiệm, các biên kịch, nhóm biên kịch trẻ đã góp phần tạo nên diện mạo, sự tươi mới cho điện ảnh Việt và ngày càng khẳng định thương hiệu cá nhân.

Nhìn lại các lễ trao giải gần đây, phần lớn những cái tên được vinh danh ở các giải thưởng cao nhất cũng đều là những gương mặt rất trẻ như Phạm Duy Thuận (Jun Phạm), Vũ Nguyễn Nam Khuê, Dương Quỳnh Anh, Phạm Ngọc Lân… Chia sẻ về lứa biên kịch trẻ, biên kịch Dương Quỳnh Anh bộc bạch: Về mặt lợi thế, chúng em có nhiều ý tưởng, thích xem phim, được xem nhiều phim và mong muốn được làm phim. Một ưu thế không ai có thể phủ nhận ở những người trẻ, đặc biệt là lớp biên kịch trẻ chính là sự nhiệt huyết.

Lý giải cho lý do nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm đến thử sức ở lĩnh vực này, nhà biên kịch trẻ Trần Khánh Hoàng cho biết: Sự thành công của phim Việt trong các năm qua tạo ra nhu cầu lớn về đội ngũ biên kịch. Quy luật tất yếu có cầu sẽ có cung. Phim ảnh cũng là một trong những môn nghệ thuật gắn với lớp trẻ. Tôi cho rằng trong cuộc sống, ở mọi lĩnh vực đều có những sự dấn thân và những trào lưu nghề nghiệp. Và nghề biên kịch hiện cũng nằm trong số đó. Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay các biên kịch trẻ dường như có sự bắt nhịp khá nhanh với thị trường, đồng thời cũng cho thấy ở họ sự nhiệt huyết, am hiểu, tìm tòi và đặc biệt chịu khó.

Từng đảm nhận vị trí biên kịch qua các bộ phim Tấm Cám: chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay, Về quê ăn Tết… trước khi giành giải Nhà biên kịch tài năng với kịch bản Gia vị nhân gian, biên kịch Jun Phạm cho biết: Quan trọng nhất là bạn nhạy bén, biết lắng nghe và có câu chuyện thú vị để kể. Biên kịch Dương Quỳnh Anh thì cho biết: Kịch bản là văn bản mang tính kỹ thuật, dành cho mọi người. Từ ý tưởng triển khai thành kịch bản dày cả trăm trang thì rất cần một tư duy hình ảnh. Để thực hiện đúng câu chuyện, truyền tải được cảm xúc cần có sự ăn ý của nhiều bộ phận: đạo diễn, diễn viên, âm thanh….

Vận động... để theo kịp với nghề

Dẫu có những cơ hội, sự hào quang của nghề nghiệp mang lại nhưng để đi xa cùng nghề các biên kịch trẻ phải không ngừng cố gắng, nỗ lực học hỏi để có đủ tri thức, sức bền, sự kiên trì để đi đường dài với nghề. Nhà sản xuất Thanh Thúy từng đứng sau thành công của rất nhiều bộ phim như Taxi - em tên gì, Anh thầy ngôi sao, Trạng Quỳnh... chia sẻ trong một hội thảo nghề nghiệp rằng chị đã từng chủ động đi tìm các bạn trẻ có đam mê biên kịch và hướng dẫn hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, qua hai khóa đào tạo, mỗi khóa không dưới 10 người nhưng kết quả vẫn nằm ngoài mong đợi. Chia sẻ về những khó khăn của nghề này, nhà sản xuất cho biết: Với nghề biên kịch, để trụ lại và đi đường dài với nghề rất khó. Vì từ ý tưởng đến đề cương một trang giấy A4 là cả quá trình dài. Có kịch bản khi viết xong còn phải sửa tới sửa lui đến hàng chục lần mới đạt yêu cầu. Vì thế, rất nhiều bạn trẻ đã không chịu được áp lực, nản chí và đành bỏ cuộc dù ban đầu ai cũng có đam mê.

Cảnh trong phim 1990

Đạo diễn Charlie Nguyễn từng chia sẻ rất thật trong một khóa học rằng: Ở Hollywood muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp, mỗi tác giả cần phải có 5 - 6 kịch bản đã được dựng thành phim. Điều đó đồng nghĩa các tác giả phải có nhiều năm rèn giũa với nghề. Nhiều nghệ sĩ chia sẻ: Nghề này cần có sự học hỏi, kiến thức rộng, cái gì cũng cần phải biết và đặc biệt phải đọc sách nhiều, đọc các thể loại chứ không đơn thuần chỉ có tiểu thuyết. Ý thức được điều đó, với chút kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và đã thực hiện một số phim ngắn, biên kịch Vũ Nguyễn Nam Khuê tâm sự: Yếu tố đầu tiên chính là cần có kiến thức. Hiện nay nhiều bạn thường làm theo đam mê mà thiếu đi kiến thức nền. Bên cạnh đó, phải có sự kiên trì. Nếu không có đủ kiên trì thì nên tìm nghề khác, công việc khác phù hợp hơn. 

Dù vẫn thiếu trầm trọng các kịch bản hay nhưng biên kịch cũng là nghề có quy luật đào thải khắc nghiệt. Theo nhiều nghệ sĩ, sự đào thải này trước hết diễn ra với mỗi nhà biên kịch. Để theo được với nghề, anh phải tự đào thải, loại bỏ trong mình những gì cũ kỹ từ cách kể, cách xây dựng câu chuyện, nhân vật. Thành công đã có không đồng nghĩa anh mãi đi theo lối mòn đó. Hơn bao giờ hết, nghệ thuật trong đó có điện ảnh luôn đòi hỏi những người theo đuổi nó phải không ngừng sáng tạo, làm mới mình, tạo ra các xu hướng mới để dẫn dụ, thu hút khán giả. Một trong những yếu tố mà các bạn trẻ đang thiếu là kỹ thuật và kinh nghiệm. Tuy nhiên, giống như bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác, dám bứt phá, dám theo đuổi và kiên trì niềm đam mê đó cũng là một trong những tố chất để các bạn trẻ có thể đi đường dài và gặt hái những thành công với nghề.

PHI YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;