• Nghệ thuật > Văn học

Giao lưu văn hóa Việt - Nga trong lĩnh vực văn học: Nhìn lại để bước tiếp

Mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga được xây dựng, củng cố và phát triển xuất phát từ những điểm đặc thù trong số phận của hai dân tộc và được kiểm chứng, thử thách qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Trong hơn nửa thế kỷ từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, việc giới thiệu, quảng bá văn học giữa hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn. Văn học Việt Nam đã tiếp thu được nhiều ảnh hưởng tích cực từ văn học Nga Xô viết và ngược lại, văn học Việt Nam cũng được nồng nhiệt đón nhận ở Liên Xô và nước Nga. Tuy nhiên, từ khi Liên Xô tan rã, quan hệ giao lưu, hợp tác về mọi mặt nói chung, về văn học nói riêng giữa Việt Nam và Liên bang Nga có sự sụt giảm đáng kể. Bài viết đánh giá thẳng thắn, khách quan về thực trạng giao lưu văn học giữa hai nước trong những năm gần đây, từ đó có những đối sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả giao lưu văn hóa trong thời gian tới, là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, khi Việt Nam đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Nga trong một thế giới đa cực với nhiều biến động quốc tế phức tạp và khó lường như hiện nay.

Hindu giáo trong một số tác phẩm văn học của Campuchia thời kỳ Angkor (802-1442)

Chung một mẫu số với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, ngay từ đầu công nguyên, qua con đường thương mại và truyền giáo, Campuchia đã có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ. Quá trình giao lưu, tiếp xúc này dẫn tới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Campuchia, đặc biệt là các tôn giáo lớn, trong đó có Hindu giáo. Cũng như văn hóa Ấn Độ, Hindu giáo du nhập một cách hòa bình và dần dần thấm sâu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Bài viết đề cập đến ảnh hưởng của tôn giáo này lên đời sống văn học, nghệ thuật Campuchia thời kỳ Angkor (802 - 1442), khẳng định sự chi phối mạnh mẽ của đạo Hindu lên đời sống văn hóa người Khơme; nhấn mạnh tính chủ động và sáng tạo của cư dân bản địa trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các luồng văn hóa đến từ bên ngoài.

Các vỉa tầng văn hóa trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Liên văn bản (intertextuality) là một phát hiện quan trọng của lý luận - phê bình văn học thế giới cuối TK XX, manh nha từ tư tưởng triết học của Mikhail Mikhailovich Bakhtin, được chính thức định danh bởi Julia Kristéva và tới Roland Barthes nội hàm khái niệm này được làm rõ. Ra đời trong bối cảnh các chủ thuyết cấu trúc luận đang có nguy cơ đổ vỡ, liên văn bản làm biến đổi mạnh mẽ tư duy văn học và ảnh hướng nhất định đến quá trình tiếp nhận văn học. Hòa vào dòng chảy chung của văn học thế giới như một tất yếu, tiểu thuyết Việt Nam đương đại sau năm 1986 là cuộc trình hiện và đối thoại của các vỉa tầng văn hóa. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã và đang trên hành trình đổi mới tư duy nghệ thuật. Nhà văn sử dụng các thủ pháp tự sự hiện đại với mục đích đối thoại đa chiều về/với hiện thực, trong đó có việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản.

Hình tượng vua quỷ Ravana và vua khỉ Hanuman - từ nhân vật sử thi đến văn hóa đại chúng Thái Lan

Ramayana là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng lâu đời, là tuyệt tác văn chương của nền văn hóa Ấn Độ. Bộ sử thi này có sự ảnh hưởng sâu đậm và rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á. Ramayana là tác phẩm thuộc văn hóa tinh hoa đã dần trở thành văn hóa đại chúng không chỉ tại Ấn Độ mà còn ở các nước tiếp nhận nó. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến hai nhân vật quan trọng trong Ramayana là Ravana và Hanuman, vốn xuất thân từ tác phẩm kinh điển, nay đã trở thành hình tượng văn hóa đại chúng ở Thái Lan.

Về khái niệm chủ âm và thủ pháp trong lý thuyết Hình thức Nga

Lý thuyết của trường phái Hình thức Nga là một hệ hình lý thuyết tiến bộ. Chúng tôi đã tiếp cận các quan niệm và khái niệm cơ bản này, đặc biệt là giới thuyết kỹ hai khái niệm chủ âm và thủ pháp. Đây là hai khái niệm công cụ có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận văn bản văn học theo quan điểm của các nhà hình thức Nga mà chúng ta có thể tiếp biến. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi khái lược lịch sử, tác giả, những quan niệm, khái niệm chính của trường phái; sau đó tập trung luận giải hai khái niệm chủ âm, thủ pháp và ý nghĩa của việc tiếp nhận lý thuyết này trong nghiên cứu.