• Nghệ thuật > Văn học

Ngôn ngữ thơ văn xuôi nhìn từ đặc điểm ngôn ngữ thơ

Sự giao thoa, tương tác giữa thơ và văn xuôi đã cho ra đời hai thể trung gian: thơ văn xuôi và văn xuôi trữ tình. Khi được gọi là thơ văn xuôi tức thể loại này đã được xếp vào địa hạt thơ (1). Như vậy, ngôn ngữ thơ văn xuôi đương nhiên cũng mang đặc điểm của ngôn ngữ thơ nói chung bên cạnh những đặc trưng ngôn ngữ rất riêng của thể trung gian này. Tham chiếu ngôn ngữ học hiện đại, đặc biệt là những lý thuyết cơ bản của Roman Jakobson thể hiện trong Thi học và ngữ học, có thể xác định ngôn ngữ thơ với hai đặc điểm cốt lõi: đó là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng và ngôn ngữ của nguyên lý tương đương.

Sự chi phối của phật giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại

Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc ở Việt Nam trên suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Trong dòng chảy văn hóa cộng đồng qua nhiều thời đại khác nhau, Phật giáo từng chiếm vị trí dẫn lưu của hệ tư tưởng chính thống. Thực tiễn cho thấy, “từ nhiều thế kỷ (...), mặc dù Nho giáo là quốc giáo độc tôn, có thể xác nhận rằng tôn giáo của người Việt Nam chủ yếu là Phật giáo” (1). Cũng như Nho giáo và Đạo giáo, Phật giáo chi phối tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với văn học, Phật giáo để lại dấu ấn đậm nét trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại. Trong đó, đáng lưu ý là hệ chủ đề về bi kịch gia đình.

Thân phận con người trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu từ góc nhìn Phật giáo

Nhật Bản là một quốc đảo có nền văn hóa Á Đông đặc sắc kết tinh từ bản nguồn dân tộc và tiếp biến các giá trị văn hóa bên ngoài một cách tài tình. Từ lịch sử phát triển, xã hội Nhật Bản tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ rất sớm và lan tỏa mạnh mẽ đến các thành tố văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, đặc biệt đậm đặc trong Truyện Genji. Bài báo tập trung làm rõ sự ảnh hưởng của Phật giáo ở Nhật nói chung, quan niệm của Phật giáo về thân phận con người nhằm làm rõ những ảnh hưởng của nó trong văn học nghệ thuật. Trên cơ sở đó, làm rõ dấu ấn triết lý Phật giáo về số phận con người qua các yếu tố như con người trước nghịch cảnh của số mệnh, sống tự tại và mộ đạo. Từ đó, phát hiện màu sắc Phật giáo độc đáo trong sự hài hòa với tôn giáo tín ngưỡng bản địa thể hiện trong tác phẩm.

Sự tích hợp Đông - Tây trong thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945

Nếu tư duy phương Đông nghiêng về đơn tính, kiến tạo thi ảnh đơn diện, một nghĩa, gắn với các thủ pháp ẩn dụ thì thơ tượng trưng phương Tây nghiêng về phức tính, kiến tạo thi ảnh nhiều lớp nghĩa, nhiều bình diện nghĩa chồng lên nhau, vì vậy họ phải xây dựng các biểu tượng mà ở đó hội tụ các nghĩa giao thoa, tương giao giữa các mặt nghĩa. Cũng chính vì vậy, thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945 đã có sự ảnh hưởng, tác động qua lại để tích hợp cách kiến tạo giữa thơ Pháp và thơ Đường, sử dụng và “chuyển hóa” nhuần nhuyễn giữa các yếu tố Đông - Tây, tạo nên chất liệu đặc trưng trong thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945.