Di sản Sundarbans trong tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie

Năm 1981 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của tiểu thuyết Ấn Độ viết bằng tiếng Anh với thành công rực rỡ của Salman Rushdie, một người Anh gốc Ấn tha hương, được thế giới biết đến qua tiểu thuyết đạt giải thưởng văn học Man Booker danh giá Những đứa con của nửa đêm. Yếu tố nghệ thuật, sự đa dạng sắc màu văn hóa và chiều sâu của thế giới nội tâm trong tác phẩm đã làm say mê công chúng. Vận dụng lý thuyết phê bình phân tâm học, kết hợp kiến thức liên ngành, bài viết mong muốn thâm nhập, khám phá lịch sử, con người và văn hóa Ấn Độ nhằm giải mã tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm thông qua biểu tượng rừng Sundarbans.

1. Hành trình chia cắt - biến cố trước bình minh

Tiểu thuyết đương đại Ấn Độ đạt giải thưởng văn học Man Booker được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy là một hiện tượng văn học nổi bật và có đóng góp to lớn cho nền văn học đương đại Ấn Độ nhưng số lượng các công trình nghiên cứu còn hạn chế. Các công trình nghiên cứu vẫn chưa đi sâu vào phương diện tâm lý, vô thức cá nhân, vô thức tập thể. Tác phẩm trên không dừng lại ở chỗ phản ánh số phận cá nhân hay hiện thực đời sống thông qua nghệ thuật ngôn từ. Đằng sau những vấn đề nêu trên còn có sự hiện diện của lớp trầm tích ký ức và nỗi đau chia cắt của dân tộc Ấn Độ.

Tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm đoạt giải Man Booker năm 1981, xoay quanh câu chuyện tự thuật của nhân vật chính Saleem Sinai. Thời khắc Saleem chào đời cũng là ngày quốc khánh Ấn Độ, giữa đêm 15-8-1947. Giống như hai đứa trẻ sinh đôi, nhân vật Saleem đã cùng đất nước lớn lên theo những bước song hành. Vận mệnh của Saleem và vận mệnh quốc gia đã trở thành nhất thể song hành. Tác phẩm là câu chuyện về nhân vật Saleem trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Vào giữa đêm 15-8-1947, Saleem bổ nhào ra giữa thế gian, 31 năm sau, anh cảm thấy cơ thể mình như tan rã. Nếu Saleem mệt nhoài và mặc cảm, thì đất nước Ấn Độ cũng chịu nhiều tổn thương từ bên ngoài và chia rẽ sâu sắc ở bên trong. Vận mệnh Ấn Độ vào những năm 1970 của TK XX, tràn ngập những nguy nan. Đất nước lúc bấy giờ đang trong thời kỳ khẩn cấp. Nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp, công nghiệp lạc hậu, chính trị rối ren, lòng người chia rẽ. Bằng những câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc, Rushdie hy vọng khơi dậy tình thương và sự thật từ trong thẳm sâu của suối nguồn tinh thần Ấn Độ. Trong khi độc giả nước ngoài xem Những đứa con của nửa đêm là câu chuyện thần thoại kỳ ảo thì người dân Ấn Độ nhận ra tiểu thuyết “gần như một cuốn sách lịch sử” (1). Ba mươi chương của tác phẩm đã khắc họa những biến cố trong cuộc đời của nhân vật Saleem. Anh và gia đình đã di chuyển chỗ ở nhiều nơi trên đất nước từ Kashmir, Delhi, Bombay đến Pakistan... Ở nơi đâu, Saleem cũng vô tình có mặt trong những điểm nóng của lịch sử. Saleem tham gia lên kế hoạch chính biến ở Parkistan (Chương Cuộc hành quân của lọ gia vị), bị mất trí nhớ do bom rơi trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan; tham gia đội trinh sát Liệp khuyển với vai trò chó săn (nghĩa đen) để thảm sát phong trào ly khai ở Bangladesh; bỏ trốn vào rừng Sundarbans, trở thành bạn của những người dụ rắn, bị Chính phủ Ấn Độ bắt trong chiến dịch triệt sản. Trong đó, biểu tượng rừng Sundarbans đóng vai trò quan trọng, thể hiện những góc khuất của tâm hồn dân tộc.

Rừng ngập mặn Sundarbans, nằm bên vịnh Bengal, thuộc lãnh thổ Ấn Độ và Bangladesh, được hình thành do quá trình bồi đắp của hạ lưu sông Hằng, là khu dự trữ sinh quyển quý giá, là nhà của nhiều loài động thực vật đặc trưng ở tiểu lục địa Ấn Độ. Sundarbans được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1987. Không chỉ được biết đến như khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, Sundarbans còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển về kinh tế và văn hóa của địa phương.

Về văn hóa, Sundarbans là một địa danh cổ đại với các sự kiện lịch sử và thần thoại bản địa. Trong mối tương quan, giao hòa với thiên nhiên, dân cư nơi đây đã tạo nên những nét văn hóa mới lạ, đặc trưng như phương pháp lấy mật ong rừng, lễ hội tôn giáo, ca múa nhạc và nghề mặt nạ truyền thống... Sundarbans thật sự là điểm tựa về đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống trên vùng duyên hải.

Bên cạnh việc cung cấp nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào, nuôi sống cộng đồng dân cư, Sundarbans còn đóng vai trò là vùng đệm, che chắn bão lụt, triều cường, bảo vệ miền Nam Bangladesh. Hằng năm, các cơn bão nhiệt đới đổ bộ từ vịnh Bengal có sức tàn phá rất ghê gớm. Gió lớn và thủy triều luôn gây thiệt hại khủng khiếp cho người dân nơi đây. Một trong những cơn bão nổi tiếng nhất lịch sử từng quét qua Sundarbans có tên là Bhola (1970). Cơn bão kinh hoàng không chỉ cướp đi tính mạng, tài sản nhân dân, mà còn thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh đẫm máu. Cuộc nội chiến 1970 đã làm sâu thêm vết rạn khổng lồ trên tiểu lục địa Ấn Độ, nơi mà những quốc gia từng là anh em một nhà, cùng chung nền văn minh vĩ đại của Himalaya, sông Ấn, sông Hằng. Năm 1971, giữa Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh (Đông Pakistan) đã nổ ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và sau đó, dẫn đến sự ra đời của Cộng hòa Nhân dân Bangladesh.

2. Rừng Sundarbans - mộ địa của những giấc mơ và chia rẽ

Theo Jean Chaverlier, “sự tối tăm và sự bắt rễ ăn sâu tượng trưng cho vô thức” (2). Tương tự như vậy, C. Jung cũng cho rằng rừng đồng nghĩa với vô thức. Trong các công trình nghiên cứu về cổ mẫu trong chuyện kể dân gian, C. Jung nhận thấy sự biểu hiện của cái vô thức thông qua biểu tượng văn học dân gian rất phong phú. Đặc biệt, hầu hết chúng xuất hiện thông qua biểu tượng rừng. C. Jung cho rằng những vị vua rừng trong thần thoại chính là biểu tượng của cái vô thức. Nó thuộc về các cổ mẫu tinh thần, vừa tiêu cực vừa tích cực. Theo đó, TK XX, thế kỷ của hai cuộc chiến tranh đẫm máu và xung đột tôn giáo, sắc tộc. Trước một thế giới đổ nát và hỗn loạn, con người trở nên hoang mang, họ muốn tìm lại sự nguyên vẹn của linh hồn trong thế giới huyền thoại.

Rừng không chỉ là nhà ở mà còn là những điện thờ. Linh hồn tổ tiên sẽ nương náu ở từng gốc cây, hòn đá. Theo A. Daoud (3), trong gần một thế kỷ, dưới sự tàn phá của nhiều cuộc chiến tranh, cùng sức ép phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngày nay, những cánh rừng trong vòng 100 năm qua đã thu nhỏ lại rất nhiều. Thế nhưng tại nhiều nước, người ta vẫn nhìn thấy dọc theo những dãy núi ven bờ biển, nhiều cánh rừng bạch dương làm nơi chôn cất và thờ phụng những vị thánh nhân. Có thể thấy những khu rừng quý giá này còn tồn tại, một phần là nhờ yếu tố tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Rừng núi bên ngoài dường như đứng yên nhưng trong sâu thẳm vẫn không ngừng biến đổi. Nó tiềm ẩn vô vàn nguy cơ đối với con người. Rừng có thể mang đến sự sống nhưng cũng hứa hẹn nhiều biến cố khôn lường. Rừng vươn lên thành một thế lực siêu nhiên trong các tín ngưỡng cổ sơ.

Trong Những đứa con của nửa đêm, nhân vật Buddha cảm thấy chán ngán sự tàn nhẫn của cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn, thiên tính trong sâu xa tiềm thức thôi thúc anh làm cuộc hành trình đào ngũ. Con đường mà anh trốn chạy khỏi cuộc sống là lối mòn tìm lại sự toàn vẹn bản ngã của mình. Đó là lối đi mải miết hướng về phương Nam. Cuộc hành trình theo âm vang của sâu thẳm linh hồn.

Buddha đưa đồng đội mình vào khu rừng Sundarbans “xanh như mộ địa”. Rushdie viết: “khi một toa thuốc hiện thực quá liều sẽ sinh ra khao khát bức bối muốn vượt thoát đến thế giới an toàn của những giấc mơ” (4). Thế nhưng, cõi vô thức của con người là chốn u minh và bí hiểm vì ý thức của con người chưa một lần đặt dấu chân vào chốn sâu thẫm tối tăm đó. Mặt khác, vô thức vẫn là miền hứa hẹn, khiêu khích sự tò mò của chúng ta qua các giấc mơ. Nó kể cho chúng ta nghe về chính bản thân mình, theo cách riêng của nó: không xác định được không gian lẫn thời gian, như một người không có tuổi... rừng Sundarbans là “chốn vô danh không lịch sử của rừng mưa” (5). Trong hành trình về miền vô thức, những toan tính, suy nghĩ thuộc về ý thức bắt đầu rơi rụng “dưới ánh sáng biến dạng của rừng Sundarbans đã nảy sinh đặc tính của một ảo tưởng lố bịch, cho phép họ rũ bỏ nó vĩnh viễn”(6). Đó là quá trình tiềm thức hội nhập cùng ý thức, kết tạo thành những hình ảnh trong mơ. Bằng cách này tiềm thức tiết lộ tất cả các khía cạnh của bản chất con người “ánh sáng và bóng tối, vẻ đẹp và vẻ xấu, thiện tính và ác tính, sâu sắc và ngu muội” (7).

Trong chiến tranh, quân Liệp khuyển chỉ biết tuân theo lệnh cấp trên. Để hoàn thành nhiệm vụ săn lùng và thảm sát, họ phải gạt đi cảm giác tội lỗi trong trái tim mình. Nhưng ở Sundarbans, người ta buộc phải đối diện tất cả những gì bị đẩy lùi vào vô thức. Đêm đêm, trong cõi u huyền của rừng mưa, lại văng vẳng bao tiếng khóc than ai oán của “những người vợ có chồng bị họ săn lùng và bắt giữ, tiếng gào khóc chí chóe của những đứa trẻ đã mất cha dưới tay họ” (8). Nhân vật Ayooda bắt đầu mơ thấy ma ám và bị liệt cánh tay. Anh trở về tuổi thơ và cảm thấy tội nghiệp cho thân phận của mẹ mình. Trong khi đó, gã Buddha cảm giác ký ức đang dồn về vây quanh hắn... Không chỉ đối mặt với lịch sử cá nhân, họ còn đi xa hơn vào địa hạt của những vùng sâu tiềm thức. Trong tình trạng tinh thần mê loạn, những con khỉ mặt người đã đến viếng thăm... Và cuối cùng là đến vùng sâu nhất của vô thức, ngôi đền Kali - lãnh địa của Id (bản năng), nơi mà tất cả khát ái của nhân vật trong tác phẩm được bộc lộ và thỏa mãn hoàn toàn.

3. Rừng thiêng Sundarbans - nơi hòa giải của tâm hồn

Trong tác phẩm, chi tiết đáng chú ý là nhân vật Buddha dẫn đồng đội chạy vào rừng Sundarbans để trốn khỏi cuộc nội chiến. Buddha là biệt danh của nhân vật Saleem bởi “từ hắn tỏa ra một không khí hết sức cổ xưa. Buddha là một kẻ già trước thời đại… một sự mơ hồ may mắn trong cách phiên âm” (9). Một cổ mẫu của sự suy ngẫm sâu sắc, khôn ngoan, sắc bén giải thoát con người trong tình cảnh nguy cấp nhất. Nhân vật Saleem có thói quen trầm tư, tĩnh lặng. Anh thường “ngồi xếp bằng dưới một gốc sundri, mắt và tâm trí dường như trống rỗng, và về đêm, hắn không bị tỉnh giấc nữa” (10). C. Jung cho rằng “những lớp bản năng đó bây giờ vẫn còn, nhưng chúng phải lui vào tiềm thức và không còn cách phát lộ nào khác là dùng tiếng nói của những hình ảnh giấc mơ… xuất hiện dưới hình thức những biểu tượng, chúng đóng vai trò chủ yếu trong cái mà tôi gọi là chức vụ đền bù của giấc mơ” (11).

Theo quá trình tiến hóa của nhân loại, rừng bước ra từ tiềm thức con người để đi vào những câu chuyện kể bên đống lửa của các nền văn minh lâu đời. Rừng rậm nguyên sinh, với vô số đại thụ khổng lồ, bộ rễ già nua ăn sâu vào lòng đất, cành lá cao chót vót hút mắt nhìn… là chỉ dấu nối liền địa ngục với thiên đàng. Theo Bauman (12), người Hy Lạp cổ đại tôn thờ cây cối và những khu rừng. Họ cho rằng đó là nơi cư ngụ đầu tiên của những vị thần linh. Trong khi đó, thần thoại các dân tộc Bắc Âu coi rừng và cây cối là mối dây liên hệ giữa cõi không gian trong trời đất, nơi mà Yggdrasil - cây sồi khổng lồ bắt nhịp cầu thông suốt chín cõi thế gian.

Rừng rậm hoang vu là biểu tượng cho thế giới vô thức sâu thẳm của con người. Cuộc hành trình trong đại ngàn hun hút biểu trưng cho nỗ lực khám phá bản thân mình. Trên hết, nhiệm vụ của giấc mơ và vô thức không phải là trừng phạt con người: “Cánh rừng thần bí, sau khi hành hạ họ vì những tội ác họ gây ra, đang dẫn dắt họ đến một tuổi trưởng thành mới” (13). Biểu tượng rừng Sundarbans đã tạo thành một “bầu sinh quyển” giúp bù đắp những tổn thương của tinh thần, đồng thời tạo mối liên hệ sâu sắc hơn giữa ký ức và ý thức. Rừng sundarbans, một biểu tượng của vô thức, đã giúp con người giải phóng ẩn ức, khổ đau và chữa lành tâm hồn.

Từ tên nhân vật đến sự kiện, người đọc dễ dàng liên tưởng đến ý tưởng về những cánh rừng bên dãy Tuyết Sơn mà Đức Phật Gautama đã đặt dấu chân giải thoát. Chi tiết Buddha hóa giải những đau khổ của tâm thức thông qua phương tiện giấc mơ này khiến chúng ta liên tưởng đến huyền tích Đức Phật Gautama bỏ lại sau lưng kinh thành tráng lệ để vào rừng núi Uruvela tĩnh tâm quán chiếu. Trải qua nhiều phương pháp tập luyện tâm linh khác nhau: như du già, ép xác, thiền na... cuối cùng ngài Giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề tại Bodh Gaya. Trong quá trình chuyển hóa tâm thức từ phàm nhân sang toàn giác, sự xuất hiện và che chở của thần rắn Naga mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa của các năng lượng sống tiềm tàng (14). Buddha đã hợp nhất với quá khứ của mình nhờ con độc xà mù. Nhiều tôn giáo trên thế giới sử dụng biểu tượng con rắn như dấu hiệu của Mặc Khải. Sự giác ngộ của gã Buddha không gì khác chính là về bản thân y. Huyền thoại về sự giác ngộ của một người tên là Gautama đã trở thành cứu cánh nhằm khẳng định chỗ đứng và sự tồn tại của Saleem trong thế giới. Theo quan niệm của Phật giáo nguyên thủy, rừng núi là chốn u minh đại diện cho tâm thức con người chứa đầy ham muốn và do ham muốn gây nên cố chấp và lo sợ. Mặt khác, đối với bậc giải thoát đã đạt đến tự do trong tâm thức, núi rừng là biểu tượng cho sự vắng lặng và thanh tú của tâm hồn.

Nơi rừng Sundarbans tăm tối, gã Buddha ngồi tĩnh tọa gợi nhớ về các đấng ngộ đạo trong huyền thoại. Tuy sử dụng cổ mẫu ngộ đạo của Đức Phật nhưng tác giả không để nhân vật Buddha nói lên chân lý về vũ trụ, nhân sinh mà chỉ nói về thân phận của mình. Qua đó, Rushdie muốn nhấn mạnh vai trò của tôn giáo trong việc giúp con người tìm lại sự hiểu biết bên trong tâm thức của chính mình. Sự hiểu biết đó đạt được bằng trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm tâm linh. Biểu tượng rừng Sundarbans và cuộc đời phiêu bạt của nhân vật Saleem biểu trưng cho cuộc hành trình tâm thức đó. Và ở chiều sâu xa “tăm tối” của cuộc hành trình tâm linh, ngạc nhiên thay, điểm đến của sự chữa lành, nơi khổ đau và hận thù được hóa giải. Quan trọng hơn, con người tìm thấy sự hòa giải và tha thứ đối với chính bản thân mình.

Bằng sự trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về tâm lý, các tiểu thuyết gia đã chạm tới những rung động sâu xa nhất trong từng thân phận cá nhân. Tinh thần hậu thuộc địa thể hiện sâu đậm trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Bằng lối kể chuyện mang phong cách truyền khẩu dân gian, cuốn tiểu thuyết vừa là những ký ức thời thơ ấu vừa là bản tường trình về đất nước sau độc lập. Giọng văn sắc sảo, hài hước đã làm sống lại những huyền thoại của Ấn Độ cổ xưa mà “âm hưởng bi thương mỗi lúc một lớn dần” (15). Thông qua những câu chuyện ngụ ngôn đậm màu văn hóa Ấn Độ, Salman Rushdie đã thể hiện sự suy tư về hiện thực và tương lai của đất nước mình.

Tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie đóng một vai trò quan trọng, mang tính chất tiên phong, mở ra thời kỳ mới cho nền văn học đương đại Ấn Độ. Như nhận định của The New York Times, Những đứa con của nửa đêm khắc họa một đất nước đầy biến động bằng hơi thở đậm chất dân tộc và văn hóa lâu đời “vang vọng như một lục địa tìm được tiếng nói của mình” (16). Tác phẩm của Salman Rushdie không chỉ phản ánh đời sống bên ngoài, mà còn phơi bày chân thực bức tranh tinh thần đa diện của con người. Qua đó, hiện thực nội chiến và chia rẽ được dựng lên dưới bút pháp hiện thực huyền ảo nhằm phơi bày bức tranh tâm thức đầy mâu thuẫn và phức tạp của dân tộc Ấn Độ sau năm 1947. Đồng thời, qua những câu chuyện ngụ ngôn dân gian pha trộn hiện thực lịch sử, Rushdie đã thể hiện khát vọng phục hưng văn hóa Ấn Hằng như một cứu cánh để chữa lành những vết thương ẩn sâu trong tâm hồn dân tộc.

_________________

1, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 13, 15, 16. Salman Rushdie, Những đứa con của nửa đêm, Nham Hoa dịch, Nxb Hội Nhà văn, TP.HCM, 2014, trang bìa, tr.472, 472, 475, 476, 458, 477, 477, trang bìa, trang bìa.

2. Jean Cheavalier, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, 1997, tr.787.

3. Ali Daoud, Tree formations around places of worship in the Near East (Sự hình thành cây xung quanh những nơi thờ cúng ở vùng Cận Đông), Tạp chí Unasylva, số 2, 2003, tr.47-50.

7, 11. Phạm Minh Hạc, Tâm lý học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.154, 61.

12. L.J. Musselman, Trees in the Koran and the Bible (Cây cối trong kinh Koran và Kinh thánh), Tạp chí Unasylva, số 2, 2003, tr.45-46.

14. Đào Ngọc Chương, Phê bình huyền thoại, Nxb Đại học Quốc gia, TP. HCM, 2009, tr.162

Tác giả: Huỳnh Thị Diễm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

;