Số hai trong ngôn ngữ và văn hóa người Việt

Trong hệ thống khoa học và ngôn ngữ của mỗi dân tộc, những con số luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Nếu như ở địa hạt khoa học, con số giữ vai trò thúc đẩy cho toán học và các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên phát triển, thì ở địa hạt xã hội và nhân văn, những con số mang trong mình nhiều biểu hiện phong phú và sống động về lịch sử văn hóa của mỗi cộng đồng. Nói về số, người ta nhấn mạnh hơn cả đến dãy số có một chữ số, được xem là các đơn vị mang tính điển mẫu cơ sở, nhằm cấu tạo nên tất cả những đơn vị còn lại. Trong tiếng Việt, dãy số cơ sở này được gọi tên là: không, một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín. Đứng từ góc độ ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng số hai là đơn vị có nhiều điểm đặc biệt hơn cả.

1. Có thể nói ngay rằng, so với tất cả những đơn vị định danh chỉ số còn lại, số hai trong tiếng Việt là đơn vị mang nhiều tên gọi nhất. Có tới 10 đơn vị ngôn ngữ có thể được sử dụng để biểu đạt về số hai, mỗi đơn vị lại mang theo nó những giá trị ngữ nghĩa và cách sử dụng đặc thù, cụ thể gồm có: hai, đôi, nhị, nhì, lưỡng, song, thứ, cặp, đúp, kép.

“Hai” có thể xem là đơn vị ngôn ngữ mang tính điển mẫu cao nhất và phổ biến nhất, thông dụng nhất khi được dùng để biểu thị số hai. Sắc thái của nó được xem là trung tính, có thể diễn đạt về ý niệm số hai trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh hơn cả. Trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), “hai” được định nghĩa là “số tiếp theo số một trong dãy số tự nhiên”. Trong thi ca, “hai” được sử dụng trong những ngữ cảnh mang tính chất miêu tả thông thường, ít nhiều mang tính chất số học: “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (Quê hương - Giang Nam), “Tôi đi bằng nhịp điệu/ Một hai ba bốn năm/ Em đi bằng nhịp điệu/ Sáu bảy tám chín mười” (Tình khúc Ơ bai - Trịnh Công Sơn). Trong diễn đạt về tình yêu đôi lứa, “hai” được sử dụng trong những hoàn cảnh khi hai người vẫn còn có khoảng cách, chia xa, chưa thực sự là của nhau, chưa thực sự hạnh phúc và viên mãn. Biểu đạt rất tinh tế này sẽ hoàn toàn khác nếu ta so sánh với sắc thái của “đôi”: “Hai đứa như hai vì sao xa. Trôi trên sóng bồng bềnh bồng bềnh. Bao tháng năm đã từng trôi qua. Mà sao mãi lênh đênh lênh đênh” (Lênh đênh - Nhạc và lời: Hồng Đăng), “Đời hai ta, đời hai ta, gắn bó với hai sông. Anh Vàm Cỏ Tây em Vàm Cỏ Đông. Mỗi tối chiều lên, chao sóng nước. Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng” (Thì thầm với dòng sông, thơ: Hoài Vũ, nhạc: Thuận Yến)

Cùng mang gốc thuần Việt nhưng “đôi” khác hẳn với “hai”, thường được dùng để chỉ những “tập hợp gồm hai vật cùng loại, hai cá thể tương ứng với nhau và làm thành một đơn vị về mặt chức năng, công dụng hoặc sinh hoạt” (Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học). Trong đời sống thường ngày của người Việt, ta vẫn thường quen thuộc với những cách nói như: đôi đũa, đôi giày, đôi găng tay. Khi dùng “đôi” để biểu thị cho những mối quan hệ xã hội, sắc thái thân thiết, tình cảm được nổi hẳn lên, có thể thấy điều này qua các diễn đạt như: đôi bạn, đẹp đôi, đôi lứa. Trong thi ca, khi diễn đạt về tình yêu nam nữ, “đôi” rõ ràng thể hiện một sự khăng khít, gắn bó bền chặt hơn nhiều so với “hai”: “Vợ chồng như đũa có đôi/ Hai con người ấy chẳng rời nhau ra (Tỳ Bà truyện - Nguyễn Bính), Đôi ta như thể con ong/ Con quấn con quýt con trong con ngoài” (Ca dao). “Đôi” đi vào tên gọi của những tác phẩm văn học nổi tiếng như Đôi lứa xứng đôi của Nam Cao - chính là tên gọi tiền thân của truyện ngắn nổi tiếng Chí Phèo. Nhà văn Nhất Linh cũng từng có một tiểu thuyết lãng mạn trước 1945 được nhiều người biết đến với tựa đề Đôi bạn. Trong tình yêu, kể cả khi hai người ở cách xa nhau, thì việc dùng “đôi” luôn có một ngụ ý gửi gắm, những khoảng cách về mặt địa lý chỉ là cái giới hạn nhất thời, chắc chắn sẽ tới ngày hai người trở lại bên nhau. Thi sĩ vì thế dùng “đôi” chứ không dùng “hai”: “Nỗi cách xa trong tình yêu đôi ta/ Như cơn gió tràn qua ánh lửa/ Gió thổi bùng ngọn lửa to cháy đỏ/ Hoặc dập vùi tia lửa nhỏ mong manh” (Thơ nước ngoài), “Anh không ngủ hẳn vì em đang nhớ/ Một trời sao rực cháy giữa đôi ta” (Chế Lan Viên).

Hai đơn vị thuần Việt còn lại biểu thị số hai là képcặp. Kép là đơn vị được dùng gọi tên cho những sự vật “có cấu tạo gồm hai thành phần đi liền nhau” (Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học), chẳng hạn áo kép, xà kép. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, người Việt yêu thích trò chơi xổ số thường gọi những số có hai chữ số lặp lại nhau là kép, để khu biệt với tất cả các số có hai chữ số còn lại. Như vậy, có tất cả 10 đơn vị số được quy về kép: 00, 11, 22, 33, 44, 55, 66, 77, 88, 99. Về hình thức ngữ âm, cặp, kép và thậm chí cả kẹp nữa có lẽ là những đơn vị có cùng một gốc, bởi sự tương ứng - đồng dạng rất dễ nhận thấy giữa phụ âm đầu, phụ âm cuối, thanh điệu cũng như tính chất của nguyên âm. Chữ cặp với ý nghĩa “hai thanh cứng để kẹp đồ vật và giữ chặt lại” theo chúng tôi cũng phái sinh từ chữ cặp với ý nghĩa chỉ số hai.

So với đôi, cặp có nhiều biểu hiện tương đồng về ngữ nghĩa, cũng dùng để chỉ “tập hợp gồm hai cá thể, hai vật cùng loại đi đôi với nhau thành như một thể thống nhất” (Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học). Ta vẫn thường nghe người ta nói: cặp môi, cặp mắt, cặp vợ chồng. Đối với một số sự vật hiện tượng, nhận thấy có việc sử dụng song song cả hai biến thể đôicặp, chẳng hạn: “đôi môi” và “cặp môi”. Theo cảm nhận của chúng tôi, “đôi môi” dường như gợi cảm hơn và tạo ra tính hình tượng cao hơn, găm vào trí nhớ người đọc lâu bền hơn. Còn “cặp môi” giống như một lát cắt, một khoảnh khắc, có lẽ sẽ mau chóng trôi nhanh và dễ quên hơn. Ta hãy thử so sánh hai cách diễn đạt này trong thi ca của những tác giả nổi tiếng: “Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em bằng đôi môi/ Của một người nô lệ” (Phùng Quán), “Ngủ đi em đôi môi lửa cháy” (Trịnh Công Sơn), “Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho ta nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say sưa anh khẽ bảo em rằng/ Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm” (Xuân Diệu). Có lẽ về mặt âm điệu, cặp vừa là thanh trắc lại kết bằng phụ âm tắc vô thanh nên hiệu quả nhạc tính không được thoải mái và phóng khoáng như đôi, vì thế mà trong thi ca, có thể thấy đôi dường như được ưa dùng hơn nhiều so với cặp.

2. Chuyển qua những đơn vị ngôn ngữ biểu thị số hai mang nguồn gốc vay mượn, ta có năm đơn vị vay mượn từ tiếng Hán là nhị, nhì, lưỡng, songthứ. Nhị là đơn vị biểu thị số thứ tự một cách khách quan, tương đương về giá trị ngữ nghĩa cơ bản nếu ta so với hai. Nhị tham gia cấu tạo một số đơn vị từ ngữ trong tiếng Việt như nhị diện, nhị hỉ, nhị nguyên, nhị phân. Nhị cũng được dùng để chỉ tên một loại nhạc cụ dân tộc gồm hai dây. Nhị cũng đi vào thành ngữ qua đơn vị “độc nhất vô nhị” (tạm dịch: có một không hai). Nhì được xem là một biến âm của nhị. Nếu như Nhị được sử dụng với ý nghĩa chỉ số lượng thì Nhì lại được dùng chủ yếu với ý nghĩa chỉ thứ tự hoặc xếp hạng, chẳng hạn “về nhì”, “thứ nhì”. Có thể thấy ý nghĩa chỉ thứ tự của nhì đã đi vào một loạt thành ngữ của người Việt: “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”, “Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân”. “Nhất má nhì mông tam lông tứ diện” (xem tướng lợn).

Lưỡngsong cũng đếu biểu thị ý niệm số hai, cùng đi vào tham gia cấu tạo một loạt những từ ngữ quen thuộc được sử dụng trong tiếng Việt. Về lưỡng, ta có các đơn vị thông dụng như: lưỡng chiết, lưỡng cư, lưỡng lự, lưỡng phân, lưỡng quyền (hai gò má), lưỡng thê. Về song, ta có các đơn vị thông dụng như: song hỉ, song kiếm, song hành, song ngữ, song phương, song sinh, song song, song tấu, song thai, song thân, song thất lục bát, song tiết, song toàn.

Ba đơn vị nhị, lưỡng, song có điểm tương đồng là thường được lựa chọn để đặt tên cho các thuật ngữ khoa học, những tổ hợp này mang tính ổn định và chuẩn mực cao. Hơn thế nữa, các từ Hán Việt thường gợi được không khí nghiêm cẩn, trang trọng.

Đơn vị thứ nguyên gốc trong tiếng Hán vốn mang nghĩa là bậc dưới (theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh), khi vào tiếng Việt mang ý nghĩa chỉ “hàng thứ hai”, đã đi vào một loạt các tổ hợp quen thuộc trong đời sống như: vợ thứ, con thứ, thứ trưởng. Trên thực tế, đơn vị thứ đôi khi được sử dụng đồng nghĩa với vị trí duy nhất sau số một. Chẳng hạn, trong một gia đình có hai người con, thì người con thứ cũng có nghĩa là người thứ hai. Nhưng tình hình này sẽ thay đổi trong trường hợp “thứ trưởng”, bởi cơ quan cấp Bộ như hiện nay có thể có nhiều thứ trưởng. Khi ấy, “thứ” tương ứng với nghĩa “hàng thứ hai” chứ không phải vị trí thứ hai duy nhất.

 Đơn vị cuối cùng biểu thị số hai có nguồn gốc từ tiếng Anh, chữ đúp trong tiếng Việt hiện nay vốn bắt nguồn từ chữ “double”. Chữ đúp hiện nay chỉ được sử dụng trong một vài tổ hợp mà có lẽ tiêu biểu nhất là “cú đúp”, thường dùng để chỉ việc cầu thủ ghi được hai bàn thắng trong một trận bóng, hoặc một vận động viên hai lần lập công trong một trận đấu thể thao nói chung. Ngoài ra, người Việt cũng sử dụng đúp trong trường hợp học sinh phải học lại hai lần một cấp độ nào đó, chẳng hạn, “nó bị đúp lớp hai”, “học đúp”.

Có thể tổng kết những đơn vị ngôn ngữ biểu đạt khái niệm số hai xét từ tiêu chí nguồn gốc qua bảng sau:

3. Trở lại với định danh mang tính điển mẫu và thông dụng nhất là hai. Ngoài giá trị số học như những đơn vị khác, hai còn tham gia vào những đơn vị ngôn ngữ biểu hiện những ý nghĩa tâm lý - văn hóa. Trong tiếng Việt, ta thấy có sự hoạt động của một loạt đơn vị như: hai mang, hai lòng, hai mặt mang sắc thái tiêu cực, nhằm phê phán sự không chung thủy, tráo trở, lật lọng, phản bội của con người. Cũng diễn đạt về mặt biểu hiện tâm lý nhưng có sắc thái trung tính hơn là “nước đôi”. Ta vẫn thường nghe nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nói về “tâm lý nước đôi” trong ứng xử của người Việt, chẳng hạn vừa trong lý vừa trọng tình, vừa thích tiền vừa chê tiền…

Điều cuối cùng chúng tôi muốn thử lý giải. Đó là tại sao số hai lại là số có nhiều tên gọi đến vậy trong tiếng Việt, nếu ta so sánh với tất cả các số còn lại. (Sau số hai, số một là số có nhiều đơn vị định danh hơn cả nhưng cũng chỉ dừng lại ở 6 đơn vị: một, nhất, đơn, độc, nhõn, mỗi ). Chúng tôi cho rằng, việc số hai có nhiều tên gọi như vậy chắc chắn phải bắt nguồn từ một nhân sinh quan của người Việt, cũng là người phương Đông nói chung khi suy tư về triết học, khi nhìn nhận và đánh giá về thế giới. Nếu chỉ có một yếu tố thôi thì dường như quá cô đơn, chưa đủ tiềm năng cho sự sinh sôi. Chỉ đến khi có hai yếu tố, cũng có nghĩa từ số một phát triển sang số hai, thì mới bắt đầu có sự hòa quyện của âm và dương, một giá trị khai sinh được nảy nở làm phát triển muôn loài. Triết lý âm dương này quy thế giới về sự lưỡng phân, luôn luôn phải có hai yếu tố thì mới thể hiện được sự bền vững và ổn định, chẳng hạn: nóng lạnh, lửa nước, nam nữ, cao thấp, béo gầy, mặt trời mặt trăngKinh Dịch, một tác phẩm kinh điển thể hiện tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại cũng có câu: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng”, trong đó lưỡng nghi được coi là khởi nguồn của Kinh Dịch, chính là bao gồm hai yếu tố âm và dương. Ở phương Tây, triết gia kiêm nhà toán học người Đức Leibniz (1646-1716) có lẽ cũng ảnh hưởng một phần từ Kinh Dịch của phương Đông nên mới phát minh ra phép Nhị tiến trong số học để thay cho phép Thập tiến, nghĩa là chỉ cần dùng hai chữ số 1 và 0 là có thể biểu đạt tất cả những trạng thái/ ý nghĩa của số học. Phép Nhị tiến đã được ứng dụng một cách sâu sắc và rộng rãi trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó có cả ngôn ngữ học. Trong đại đa số các ngôn ngữ phương Tây, vị trí và vai trò của số hai cũng rất được đề cao, thể hiện qua cấu tạo của các danh từ đếm được, chỉ cần có hai đơn vị thì danh từ ấy lập tức chuyển sang số nhiều, có khả năng đại diện cho số nhiều, chẳng hạn: book books, pen pens, tabletables.

4. Tìm hiểu về số hai và những biểu hiện của nó trong ngôn ngữ, ta thấy được sự phong phú, sống động, linh hoạt và giàu sức biểu cảm, sáng tạo của người Việt. Đồng thời, ta còn thấy ẩn sâu bên trong cả một nhân sinh quan, một triết lý về âm - dương khi nhìn nhận về thế giới mà cả phương Đông và phương Tây đều có sự giao thoa, gặp gỡ.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển (tái bản), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Chomsky N, Language and Mind, N.Y, 1968.

3. Nguyễn Văn Chiến, Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.

4. Lakoff . G and Mark Johnson, Metaphor we live by, University of Chicago Press, 1980.

5. Phan Ngọc, Cơ sở văn hóa Việt Nam (tái bản), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.

6. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010.

7. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (tái bản), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

8. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2010.

9. Đỗ Anh Vũ, Vẻ đẹp của yêu tinh (Hỗn luận), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2017.

Tác giả: TS Đỗ Anh Vũ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

 

;