Tóm tắt: Bài viết khám phá sâu sắc mạch nguồn trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh, một nhà thơ có sự nghiệp gắn liền với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Bài viết đã làm nổi bật sự kết hợp hài hòa giữa trữ tình cá nhân và trữ tình công dân trong thơ ông. Tác giả đã phân tích các bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh như: Ngôi nhà của mẹ, Sang thu và Phan Thiết có anh tôi để làm rõ nét phong cách trữ tình độc đáo của nhà thơ từ góc nhìn văn hóa. Qua đó, bài viết đã khẳng định vị trí quan trọng của nhà thơ Hữu Thỉnh trong nền văn học Việt Nam.
Từ khóa: Hữu Thỉnh, thơ, trữ tình.
Abstract: The article deeply explores the lyrical vein in Huu Thinh’s poetry, a poet whose career is closely associated with Vietnamese history and culture. The article highlights the harmonious combination of personal and civic lyricism in his poetry. The author analyzes Huu Thinh’s typical poems such as: Mother’s house, Passing Autumn, and Phan Thiet has my brother to clarify the poet’s unique lyrical style from the cultural view. Thereby, the article affirms Huu Thinh’s important position in Vietnamese literature.
Keywords: Huu Thinh, poetry, lyrical vein.
“Không có sách, chúng tôi làm ra sách
Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”
(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)
Nhà thơ Hữu Thỉnh (họ và tên khai sinh: Nguyễn Hữu Thỉnh), sinh ngày 15-2-1942. Quê quán: làng Phù Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963, nhập ngũ, vào bộ đội Tăng - Thiết giáp. Nhiều năm (1970-1975) tham gia chiến đấu tại các chiến trường Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 1975, học Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 1 (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1979-1983); Lớp bồi dưỡng cao cấp Học viện Văn học quốc tế mang tên Gorki (Liên Xô trước đây); Các chức vụ đã kinh qua: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ; Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 6, 7, 8, 9; Đại biểu Quốc hội khóa 10, 11; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn hóa nghệ thuật Trung ương; Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Âm vang chiến hào (thơ, in chung, 1976), Đường tới thành phố (trường ca, 1979), Từ chiến hào tới thành phố (thơ ngắn & trường ca, 1985), Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung, 1985), Thư mùa đông (thơ, 1994), Trường ca biển (trường ca, 1994), Thơ Hữu Thỉnh (thơ tuyển, 1998), Sức bền của đất (trường ca, 2004), Thương lượng với thời gian (thơ, 2005), Mùa xuân trên tháp pháo (bút ký, truyện ngắn, 2009), Lý do của hy vọng (tiểu luận - phê bình, 2010), Trăng Tân Trào (trường ca, 2019), Ghi chú sau mây (thơ, 2020), Bến văn và những vòng sóng (tiểu luận - phê bình, 2020), Giao hưởng Điện Biên (trường ca, 2024).
Giải thưởng văn học: Giải Ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ, năm 1972-1973, với bài Mùa xuân đi đón; Giải A cuộc thi báo Văn nghệ 1975-1976, với bài Chuyến đò đêm giáp ranh; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1980, với trường ca Đường tới thành phố; Giải xuất sắc của Bộ Quốc phòng, năm 1994, với Trường ca biển; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1995, với tập thơ Thư mùa đông; Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật, năm 2001; Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, năm 1999; Giải A cuộc vận động sáng tác VHNT học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2020, với trường ca Trăng Tân Trào; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa nghệ thuật, năm 2012.
Năm 2022, nhà thơ Hữu Thỉnh vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận: “Trong hơn 60 năm sáng tạo văn học nghệ thuật, ông là tác giả của nhiều tác phẩm văn học gồm thơ, bản ký văn học và lý luận phê bình, ghi dấu hai chặng đường lớn của văn học dân tộc; thơ ca những năm chống Mỹ, cứu nước và thơ ca trong chặng đường đổi mới” (1). Nhà thơ Hữu Thỉnh là một đại biểu điển hình của thế hệ nhà văn đồng hành cùng Đất nước, Nhân dân như Xuân Diệu viết “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến dấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân).
Người mẹ như là khởi đầu mạch nguồn trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh
Tác phẩm đầu tay thường nằm lòng tác giả suốt cả đời cầm bút sáng tác, dẫu được công bố trên báo chí sách vở hay không. Nó là mối tình đầu trong sáng, tinh khiết, vẹn nguyên, trở thành ký ức sáng tạo. Bài thơ đầu tay của nhà thơ tương lai Hữu Thỉnh có nhan đề Nhớ mẹ (viết 1956) không đăng ở báo nào “Nhưng là kỷ niệm khó quên với hành động cầm bút của tôi. (...). Bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Người giáo viên nhân dân, năm 1962, có nhan đề Trường em (...). Mỗi lần nghĩ đến hai bài thơ đầu tay ấy, lúc nào tôi cũng thấy rạo rực” (2). Ở đây chúng ta cần lưu ý đến quy luật sáng tạo của nghệ thuật nói chung, của thơ ca nói riêng - sức mạnh của trực giác như là giai đoạn phát khởi của hoạt động tinh thần. Một thiếu nhi 14 tuổi viết thơ về mẹ, hình ảnh cụ thể, gần gũi nhất với một sinh linh bé bỏng đầu đời. Những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời tạo hóa đã ban tặng cho cậu bé chỉ có thể qua người mẹ - người mang nặng đẻ đau, người nuôi dưỡng mầm sống như một niềm hy vọng thiêng liêng. Đại văn hào Nga M. Gorki đã viết: “Không có người Mẹ, không có anh hùng, cũng không có thi nhân”. Rời bàn tay người mẹ, rời ngôi nhà và mảnh vườn thân yêu của mình cậu bé dần từng bước trưởng thành và bước vào một ngôi trường làng nào đó. Đây là bước đi thứ hai tuần tự trên đường đời của một con người. Nếu gia đình là trường học đầu tiên thì nhà trường là trường học thứ hai vô cùng trọng đại với mỗi con người, tiếp theo là trường đời. Bài thơ đầu tiên đăng trên Báo Văn nghệ - một diễn đàn văn chương sang trọng bậc nhất ở Việt Nam trước đây cũng như hiện nay có tựa Về một khúc sông. Ai rồi cũng sinh ra bên một dòng sông trên dải đất hình chữ S. Ai rồi khi ra đi cũng nhớ về một con sông quê. Thi sĩ Bế Kiến Quốc có những câu thơ hay nằm lòng bao thế hệ “Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông” (Những dòng sông). Cũng dễ hiểu vì sao nhạc phẩm Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Lê Huy Mậu lại da diết đến thế với những ai xa quê theo số thiên di vì bất kỳ lý do nào. Điều đó giải thích vì sao thi phẩm Nhớ con sông quê hương của thi sĩ Tế Hanh lại thành mẫu mực của tác phẩm văn chương được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.
Nói về mạch nguồn trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh, vì thế không thể không quan sát và quan tâm đến thi liệu, thi hứng, thi ảnh buổi đầu đời đến với thơ ca theo lý thuyết trực giác trong quá trình nhận thức và sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ. Vì thế, bài thơ Về một khúc sông được viết năm 1966, nghĩa là ba năm sau ngày nhập ngũ của chàng thanh niên Hữu Thỉnh với tuổi đôi mươi tràn trề sức sống, hoài bão và lý tưởng của một thế hệ “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”. Nhưng dù bàn chân đã in dấu trên nhiều miền quê đất nước cả trong hòa bình, cả trong chiến tranh thì thi sĩ vần không thôi ghi hình ảnh của Mẹ và ngôi nhà của mẹ vào trong tâm trí, tâm cảm. Bài thơ Ngôi nhà của mẹ (1980), theo chúng tôi, là một trong những bài thơ hay nhất của Hữu Thỉnh: “Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con/ Khi con về với mẹ/ Con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa/ Nơi mẹ vẫn ngồi khâu, cha thường chẻ lạt/ Bao xa cách lấp bằng trong chốc lát/ Trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưa/ Xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước/ Gánh bao nhiêu trong mát để dành/ Xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói/ Để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta/ Ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ”. Bài thơ dựa vào một cấu tứ thâm sâu “Người ta sinh ra vốn không phải đã là lính”. Nên những khao khát giản dị, bình thường cũng chính là hạnh phúc. Nên nói về mạch nguồn trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh chính là nói về quá trình truy nguyên, trở về trạng thái bình thường của đời sống. Còn nữa thì cả một thế hệ đã luôn gồng mình để sống, để chiến thắng trong một trạng huống không bình thường của chiến tranh “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Đường tới thành phố). Đấy liệu có phải là “đại bác gầm thì họa mi ngừng hót” (?!). Ở đâu đó trên thế giới này có thể như thế. Nhưng ở Việt Nam không như thế trải qua bốn cuộc chiến tranh cách mạng, chính nghĩa (1945 - những năm 80 của TK XX).
Tự tình với thiên nhiên như là mạch nguồn trữ tình bền bỉ trong thơ Hữu Thỉnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh lần đầu nhận giải Ba cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, 1972-1973, với bài Mùa xuân đi đón: “Bắt gặp đám cỏ non/ Lòng thơ như trẻ con/ Muốn gọi đàn bê đến/ Bứt cỏ đưa nó ăn/ Một thoáng vã hành quân/ Hai chân phồng dộp cả/ Quấn khăn vẫn còn đau/ Nhiều lúc “đi bằng đầu”/ Đến đây kỳ lạ chưa/ Không ai ra lệnh hết/ Tất cả đều tụt dép/ Ướm nhẹ lên cỏ mềm/ Được màu xanh tắm gội/ Lòng rân rân cả lên/ Chúng tôi vui tính lắm/ Những chuyện như không đâu/ Cũng ồn áo bàn tán/ Mà trước cỏ bây giờ/ Chỉ nhìn nhau im lặng/ Chỉ im lặng nhìn nhau/ Mùa xuân hẳn bắt đầu/ Trên quê mình lất phất/ Mấp máy lúa chiêm lên/ Cỏ đội bờ thả sức/ Ở đây nghe rõ nhất/ Bao lời quê nhắn nhe/ Chiến trường đang gọi đi / Súng hành quân mải miết/ Mùa xuân cho cỏ biếc/ Đi đón ta dọc đường”. Ở chặng đường thơ tiếp theo thứ hai này, thơ Hữu Thỉnh vẫn tựa hẳn vững vàng trên căn đế chân thành như là kim chỉ nam. Chân thành và chân phương cả trong nội dung và hình thức. Nhưng nó báo hiệu cả chặng đường thơ dài lâu sau này của Hữu Thỉnh - luôn đi trên con đường tới cỏ cây, luôn khao khát hướng tới tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên khi nhà phê bình Lý Hoài Thu có bài viết đặc sắc: Cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh (in trong sách Những sinh thể văn chương Việt, Nxb Hội Nhà văn, 2019). Thiết nghĩ, nếu viết đầy đủ hơn phải là: “Cỏ cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh” (?!). Đọc Mùa xuân đi đón của Hữu Thỉnh, chúng ta hẳn nhớ tới Cỏ non (truyện ngắn) của Hồ Phương, Dấu chân qua trảng cỏ (trường ca) của Thanh Thảo, Cỏ lau (truyện) của Nguyễn Minh Châu, Thanh xuân như cỏ (tiểu thuyết) của Lê Hoài Nam... đều hướng tới mối quan hệ giữa tự nhiên và con người - ở đây là người lính chiến thực thụ mang tâm hồn thi sĩ, không đơn giản chỉ là: “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong”.
Sang thu (tác phẩm được chọn đưa vào SGK Ngữ văn 9), như lời tác giả là một trong hai bài thơ ông ưa thích nhất trong văn sản của mình (Sang thu, Phan Thiết có anh tôi). Về sự ra đời bài thơ này và những vấn đề liên quan đến sáng tác thơ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Hữu Thỉnh Trò chuyện với SANG THU (đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, 7-2021). Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói gọn lại: Sang thu (1977) được viết vào một thời điểm nhạy cảm, nếu độc giả tinh ý sẽ thấy trong thi hứng, thi liệu, thi ảnh được thi sĩ chọn lựa đan bện trạng thái cảm xúc trước tự nhiên và trước những bước đi âm thầm của đời sống xã hội trong thời hòa bình nhưng chưa thực sự hoàn toàn thanh bình. Một cái gì vừa có vẻ mơ hồ, vừa có vẻ hiện hữu đang lơ lửng đâu đó: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình thư thu đã về/ Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu/ Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Bài thơ lột tả trạng thái cảm xúc tâm hồn của thi nhân trước tạo vật thiên nhiên. Nhưng cảnh và tình ở đây khăng khít. Câu thơ “Sấm cũng bớt bất ngờ” có tính chất của “ý tại ngôn ngoại”, nếu chúng ta nhớ lại bối cảnh thời kỳ đó khi ở phía Biên giới Tây Nam Tổ quốc đang có những biến động không thể nói là không dữ dội, báo hiệu những gian nan còn chưa hết sau 30 năm kháng chiến trường kỳ và thắng lợi. Đó là dự cảm, dự báo bằng cả lý trí, bàng cả trực giác của thi sĩ.
Phan Thiết có anh tôi như tiếng nói trữ tình công dân tiêu biểu trong thơ Hữu Thỉnh
Mạch nguồn trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh có biệt sắc của sự hài hòa giữa trữ tình riêng tư và trữ tình công dân, khăng khít đến độ như hai mặt của một tờ giấy. Nghĩa là “cái tôi trữ tình” trong thơ Hữu Thỉnh có nội hàm sâu rộng, đa nghĩa. Đôi khi ai đó ngây thơ (hay đơn giản) cố gắng chỉ ra bài thơ này hay khác của Hữu Thỉnh là để nói về quan hệ thầm kín của nhà thơ với một người cụ thể (a,b,c nào đó), đôi khi độc giả thường gán cho Thơ viết ở biển chẳng hạn (bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng Biển, nỗi nhớ và em). Ở một khía cạnh nào đó, có vẻ như vậy, bởi vì những ANH, những EM trong bài thơ này như là hình bóng (nhân ảnh) của thi nhân và mỹ nhân theo lối cảm xúc truyền thống trong mắt ai yêu thích thi ca. Nhưng bất kỳ một nghệ sĩ tài năng đích thực nào cũng không bao giờ chỉ thuần túy viết cho riêng mình, vì mình.
Phan Thiết có anh tôi (1981) là một trong những bài thơ hay nhất trong tài sản thơ Hữu Thỉnh. Chính nhà thơ cũng chia sẻ, đây là một trong hai bài thơ ông ưng ý nhất khi viết (cùng với Sang thu, 1977). Sang thu hài hòa giữa tự sự và trữ tình, giữa trữ tình riêng tư và trữ tình công dân. Phan Thiết có anh tôi có cùng phẩm tính. Tự sự ở cách nhà thơ kể chuyện đi tìm mộ anh trai hy sinh ở Phan Thiết trong chiến tranh. Việc nghĩa này thực tế có hàng nghìn hàng vạn người đã từng làm trong các gia đình có con em hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Công việc đi tìm đồng đội, đi tìm người thân ruột thịt đến nay vẫn còn tiếp diễn sau 50 năm chiến tranh đã lùi xa. Từ một công việc có tính cá nhân của riêng nhà thơ, nó được “hòa mạng” vào công việc/ chương trình lớn ở tầm quốc gia, toàn dân, dài lâu, mang ý nghĩa nhân văn, văn hóa tâm linh sâu săc, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Mỗi câu thơ trong bài thơ đều như tiếng nức nở được kìm nén, như nước mắt được nuốt vào trong “Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ/ Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ/ Đất và trời Phan Thiết có anh tôi/ Chính ở đây anh thấy biển lần đầu/ Qua cửa hầm/ Sau những ngày vượt dốc/ Biển thì rộng căn hầm quá chật/ Khẽ trở mình cát trắng đổ hai vai/ Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi/ Tim anh đập không sao ghìm lại dược/ Gió nồng nàn hơi nước/ Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi/ Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya/ Những người lính mở đường đi lấy nước/ Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp/ Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi/ Biển ùa ra xoắn lấy mọi người/ Vì yêu biển mà họ thành sơ hở/ Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ/ Mất chỉ còn cách nước một vài gang”. Những tự sự da diết ấy cho ta biết hoàn cảnh hy sinh của người anh và đồng đội. Trong chiến tranh bom đạn không chừa ai, lúc nào, ở đâu. Nhưng thật đau đớn ở chỗ “Vì yêu biển mà họ thành sơ hở”. Ở đây không có chỗ cho hai chữ “giá như” (?!). Bởi vì hai chữ này lịch sử đôi khi có thể còn thay đổi. Huống hồ chiến tranh và số phận con người. Bài thơ dài nhưng không làm phân tán hay nản lòng người đọc vì mạch thơ hội tụ cái tình nghĩa thiêng liêng cao vời vợi giữa người sống và người đã hy sinh vì đại nghĩa, vì “Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc” (Nguyễn Đức Mậu). Đọc tiếp, độc giả như bị cuốn vào câu chuyện chưa đến hồi kết phải cùng nhà thơ đi đến tận cùng “Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì/ Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng/ Anh chưa biết đã tan cơn báo động/ Chưa biết tin nhà không nhận ra em/ Không nằm trong nghĩa trang / Anh ở với đồi xanh cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ/ Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em/ Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm/ Đèn thành phố soi người đi câu cá/ Anh không ngủ người đi câu không ngủ/ Biển đêm đêm trò chuyện với hai người/ Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi”. Điểm tựa của thơ là cảm xúc đến độ chín, run bật, ngân vang, lan tỏa, tạo liên tưởng. Những phẩm tính hội tụ trong Phan Thiết có anh tôi. Người đọc không phân biệt được đâu là trữ tình riêng tư, đâu là trữ tình công dân. Hai như một. Một là hai. Đâu là hướng nội. Đâu là hướng ngoại.
Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ - phong cách thơ Hữu Thỉnh
Lý thuyết văn học thường phân định ra các loại hình phong cách trong thơ: phong cách trí tuệ (Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Việt Phương, Bằng Việt...); phong cách trữ tình (Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh...)... Nhưng thực tiễn văn học cho thấy ở những tài năng văn chương đích thực thường diễn ra tình hình “trữ tình” và “trí tuệ” đan cài, hòa hợp tinh tế đến mức khó phân biệt rách ròi kiểu màu xanh (trữ tình), hay màu đỏ (trí tuệ). Đại văn hào Nga TK XIX, L. Tolstoy, tác giả tuyệt phẩm Chiến tranh và hòa bình cũng đã hơn một lần khẳng định “Chính bản thân tôi cũng không chắc chắn mình là nhà hiện thực hay nhà lãng mạn”. Nên nếu tách bạch thành trí tuệ và tình cảm trong sáng tạo nghệ thuật cũng là khiên cưỡng, bất cập. Tất cả chỉ là tương đối.
Mạch nguồn trữ tình là căn cơ, xuyên suốt, bền bỉ trong thơ Hữu Thỉnh. Tất nhiên. Nhưng Hữu Thỉnh cũng là nhà thơ của trí tuệ mẫn tiệp, tầm cao, thể hiện cả trong thơ ngắn, cả trong trường ca (Đường tới thành phố, Sức bền của đất, Trường ca biển, Trăng Tân Trào, Giao hưởng Điện Biên). Vì thế, khi minh định phong cách thơ Hữu Thỉnh, thiết nghĩ không có hình dung nào sát thực hơn cách diễn đạt sau: “Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Ngay nhan đề các trường ca cũng đã thể hiện sâu sắc sức nghĩ (tư duy) của nhà thơ về lịch sử, xã hội, và tự nhiên, cũng như về những “vĩ mô” của cuộc sống. Đó là kiểu nhà thơ tự vượt lên và trưởng thành với tinh thần Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình.
_____________________
1. Nhà thơ Hữu Thỉnh được tặng Huân chương Độc lập, baochinhphu.vn, 9-5-2022.
2. Bùi Việt Thắng, Trò chuyện với SANG THU, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 7, 2021.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 27-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửachữa:14-3-2025; Ngày duyệt đăng: 29-3-2025.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025