Sáng 14-7, tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (Số 19 Hàng Buồm, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), Kỷ lục gia Nhiếp ảnh Việt Nam Phạm Công Thắng.
Đông đảo các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ và độc giả yêu văn chương đã tới tham dự chương trình
Phạm Công Thắng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh - vùng “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng. Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí và nhiếp ảnh, ông từng là phóng viên ảnh thời sự, sau đó đảm nhiệm vai trò Thư ký tòa soạn của hai tờ báo. Trong sự nghiệp của mình, ông đã gặt hái nhiều giải thưởng báo chí, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, ông được biết đến rộng rãi với vai trò người sáng lập Không gian Ký ức Nhiếp ảnh - một địa chỉ văn hóa đặc biệt, lưu giữ và tôn vinh di sản của các nghệ sĩ nhiếp ảnh qua những hiện vật quý giá. Tháng 6-2025, ông vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phong tặng danh hiệu Kỷ lục gia - Người sáng lập Không gian Ký ức Nhiếp ảnh độc đáo nhất Việt Nam. NSNA Phạm Công Thắng từng tổ chức hai triển lãm ảnh cá nhân: Quê hương (1999) và Khoảnh khắc (2011).
Không chỉ dừng lại ở nhiếp ảnh, từ năm 2020 đến nay, ông dấn thân vào con đường văn chương, liên tiếp cho ra mắt bốn tập truyện ngắn: Ngã rẽ (Nxb Văn học 2020), Tình yêu thời hậu chiến (Nxb Hội nhà văn 2022), Bão đời (Nxb Văn học 2024). Trong đó nhiều tác phẩm đã được đăng tải, giới thiệu trên các báo lớn và nhận được sự quan tâm của độc giả yêu văn chương cũng như các đồng nghiệp. Truyện ngắn của ông từng được lọt vào Top 5 truyện ngắn làng quê Việt Nam hay nhất năm 2024.
Linh hồn ký ức (Nxb Văn học 2025) là tập truyện ngắn thứ tư của ông - tập truyện mang màu sắc ma mị, tâm linh, được viết bằng sự rung cảm chân thành và trải nghiệm sâu sắc của một người cầm bút bước ra từ làng báo và nhiếp ảnh. Mỗi truyện ngắn như một lát cắt lặng lẽ của đời sống – nơi những linh hồn đã khuất vẫn âm thầm hiện diện, nói bằng ngôn ngữ của kỷ vật, ánh sáng, giấc mơ, hay nỗi ám ảnh mơ hồ từ quá khứ. Gồm 20 truyện ngắn, tác phẩm như một hành trình đưa độc giả xuyên qua miền ký ức, tâm linh, từ một chiếc máy ảnh cũ, một di ảnh mờ… cũng hé lộ một thân phận bị lãng quên, những câu chuyện tưởng như đã ngủ yên. Ẩn sâu trong mỗi câu chuyện là tình yêu với con người, với cái đẹp lặng thầm của cuộc sống, sự trân trọng ký ức và cả những suy tư, trăn trở gửi gắm, mong chạm tới một phần ký ức nào đó trong mỗi con người.
Tác giả Phạm Công Thắng chia sẻ tại buổi ra mắt sách
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, tác giả Phạm Công Thắng xúc động bày tỏ, vốn là một người viết văn không chuyên, ông đến với văn chương như một lối rẽ tự nhiên từ nghề báo và nhiếp ảnh – nơi ông đã gửi gắm trọn đam mê. Có những điều ống kính không thể ghi lại hết, có những tâm sự mặt báo không thể giãi bày trọn vẹn. Vì vậy, văn chương – với ông là cách kể tiếp phần ký ức còn thiếu.
Ông bộc bạch: “Tôi viết về những điều khó diễn đạt thành lời, viết cho những linh hồn từng hiện diện và cả những người đang sống với day dứt chưa yên. Ẩn sâu trong từng câu chuyện là tình yêu dành cho con người, cho lịch sử và ký ức dân tộc - đặc biệt là những linh hồn đã khuất, vẫn âm thầm hiện diện quanh ta qua từng kỷ vật, bức ảnh”. Không chỉ gửi gắm những thông điệp mang tính nhân văn, những triết lý về nhân quả trong đời, tập truyện ngắn này còn như một lời tri ân mà ông dành cho bạn bè, người thân – những người luôn đồng hành và ủng hộ ông trên hành trình cầm bút.
Nhà văn Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá, các truyện ngắn trong tập Linh hồn ký ức phảng phất chất liêu trai, có nhiều truyện tương đối điển hình. Tác giả chọn cách viết liêu trai để nói trực diện về các vấn đề xã hội – đó là một cách lựa chọn độc đáo và đạt được hiệu quả bởi sự hấp dẫn, lôi cuốn. Từ con mắt của một nhiếp ảnh gia, nhiều truyện ngắn vừa mang chất ma mị, vừa sắc nét như những khung hình của máy ảnh. Ông đánh giá đây là tập truyện ngắn đặc biệt, đi theo một hướng rất khác lạ.
NSNA, nhà báo Hoàng Kim Đáng (Hội NSNAVN) thì cho rằng, Linh hồn ký ức là tập truyện ngắn độc đáo, bởi nó như cuộc trò chuyện giữa một nghệ sĩ nhiếp ảnh với các nhân vật trong ống kính, hiện về từ ký ức, từ những cuộc hẹn trong cõi mộng, trong đó Linh hồn ký ức và Người tình từ cõi âm là những truyện ngắn lạ, rất hấp dẫn. Ông cũng đánh giá cao hành trình viết của Phạm Công Thắng, khi chỉ mới bắt đầu viết vào năm 2020, đến nay, sau 5 năm ông đã cho ra mắt độc giả 4 tập truyện ngắn.
Bìa tập truyện ngắn "Linh hồn ký ức"
Nhà thơ TS Phạm Đình Ân (Báo Văn nghệ) chia sẻ, mượn hồn người đã khuất để nói về trần thế, đây là chú đích của tác giả, một số truyện ngắn về những tình yêu trong mộng phảng phất chất Tự lực văn đoàn. Chuyện ma mị chỉ là cái cớ để tác giả gửi gắm những thông điệp chân - thiện - mỹ, với ngôn ngữ về cái đẹp tràn ngập. Khi bóng đêm buông xuống, đôi khi những giấc mơ không phải là tưởng tượng mà là sự thật, là ký ức mà người còn sống muốn lưu giữ lại. Và lời tự sự của nhân vật Tôi trong truyện ngắn Linh hồn ký ức cũng chính là lời tự sự của tác giả: “Giờ đây, tôi không còn là người giữ máy ảnh cũ – mà là người canh giữ ký ức. Những linh hồn ẩn trong chiếc vỏ kim loại ấy không chỉ là chứng nhân thời gian, mà là mảnh ghép chân thực và thiêng liêng của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới. Giữa thế giới hiện đại số hóa, nơi mọi thứ dễ dàng bị xóa, bị quên, thì ký ức – nhất là ký ức máu thịt của một thế hệ đã khuất – càng cần được trân trọng, bằng mọi giá”.
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự, nguyên Bí thư thứ nhất ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ cảm xúc sau khi đọc xong tập truyện ngắn. Cả ba thế hệ trong gia đình ông đều đọc và có những cảm nhận rất riêng. Cá nhân ông, trước tiên đọc vì tò mò bởi chất ma mị, tâm linh, nhưng các truyện ngắn ngay lập tức cuốn hút ông bởi tác giả đã viết “đúng và trúng”, phản ánh chân thực hiện thực xã hội. Với bút pháp ma mị, văn phong giản dị, 20 truyện ngắn đậm tính nhân văn đi sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống con người và cũng là một hành trình tâm linh, khám phá những ký ức dân tộc qua mỗi lát cắt thời gian, với từng thân phận nhỏ bé.
Nhà báo, NSNA Nguyễn Ngọc Phan (Thời báo Văn học - Nghệ thuật) cho rằng, với lý thuyết tạo sinh cộng thêm thủ pháp nghệ thuật hội họa, tác giả Phạm Công Thắng đã viết nên một tập truyện ngắn hết sức có ý nghĩa bởi tính nhân văn và triết lý gửi gắm trong đó. Có nhiều đoạn kỳ bí, có chi tiết tưởng như hiện ra ở cõi tâm linh xa xăm, người đọc bị cuốn hút với câu chuyện, các chi tiết đan xen giữa thực và mơ. Từ đó mở ra không gian của ký ức, với nhân vật trong những chiếc máy ảnh cũ kỹ phủ bụi thời gian. Ông ấn tượng nhất với hai truyện ngắn Ảo mộng Tam Đảo và Linh hồn ký ức, trong đó nhân vật chính đều xưng tôi - như tác giả muốn bộc bạch với bè bạn, với độc giả. “Tôi sẽ giữ. Sẽ kể. Và không để ký ức lụi tàn!” – lời tự sự của nhân vật chính trong truyện ngắn Linh hồn ký ức cũng chính là tâm niệm của tác giả. Điều tâm niệm mang tính bản thể, thể hiện trách nhiệm của người cầm bút này đã làm ấm lòng người đọc.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN