Tóm tắt: Bài viết đưa ra một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa sáng tạo cá nhân và trách nhiệm xã hội. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra những thách thức mà văn học nghệ thuật Việt Nam đang phải đối mặt và tin rằng, với sự nỗ lực của các nhà văn, các nghệ sĩ và sự quan tâm của xã hội, văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và có vị trí xứng đáng trên bản đồ văn học thế giới.
Từ khóa: văn học nghệ thuật, kỷ nguyên mới, văn nghệ sĩ.
Abstract: The article presents a comprehensive overview of the development of Vietnamese literature and art in the context of a rapidly integrating and developing country. The author emphasizes the importance of combining tradition and modernity, individual creativity and social responsibility. At the same time, the article also points out the challenges facing Vietnamese literature and art. The author believes that with the efforts of writers, artists, and the attention of society, Vietnamese literature and art will continue to develop and have a worthy position on the world literary map.
Keywords: literature and art, new era, literary artist.
Lễ công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật được nghiệm thu tại cuộc vận động sáng tác với chủ đề "Sống mãi với thời gian" 2024 - Ảnh: thethaovanhoa.vn
Gia tốc thời đại nhìn từ phát triển bền vững
Trong những ngày tháng cuối năm Giáp Thìn (2024) đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học Việt Nam trở nên sôi động và tràn trề sinh lực, tinh thần lạc quan về tiền đồ của đất nước với nhiều thành tựu, quyết sách lớn. Quốc hội thông qua các chương trình có tính vĩ mô, chiến lược như Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với huy động vốn 67 tỷ USD; tái khởi động Chương trình Điện hạt nhân Ninh Thuận sau một thời gian dài tạm hoãn nhằm giải quyết triệt để nhu cầu về điện trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân và nhu cầu sinh hoạt của 100 triệu dân; đặt chỉ tiêu GDP 2025 đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Đặc biệt là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức của cả hệ thống chính trị (cơ quan Đảng và Nhà nước) nhằm tạo chuyển biến, tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị đưa đất nước cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đề án quy mô quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh được phát động từ 2021 đang ngày càng gia tăng độ phủ xanh lãnh thổ đất nước, tăng cường sức đề kháng của con người vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu trong tình thế khủng hoảng môi trường có tính toàn cầu. Việt Nam đang tiến tới một mục tiêu/ phạm trù “xanh”: Công nghiệp xanh, Y tế xanh, Giáo dục xanh, Môi trường xanh, Vùng sống xanh (Blue zone) và đến lượt Văn học xanh như ước nguyện tuyệt vời Sống mãi với cây xanh (một thiên truyện xuất sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu) để con người có được cái khả năng kỳ diệu Người bay trong gió xanh (nhan đề tập truyện ngắn hay của nhà văn Phạm Duy Nghĩa, xuất bản gần đây).
Chương trình phát triển Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã tạo đà cho nông thôn Việt Nam vững bước trên con đường phát triển bền vững. Việt Nam phấn đấu trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại, đồng thời chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường để nông nghiệp là “lợi thế của quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Điều này, đòi hỏi một cuộc cách mạng toàn diện, trong đó hạt nhân vẫn là: “Con người - Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào” (M. Gorki). Nhưng con người Việt Nam hàng ngàn năm gắn với lễ giáo phong kiến, văn minh lúa nước, văn hóa làng xã, nặng tính cộng đồng, nặng về giáo dục khoa cử đang chuyển mình theo những yêu cầu cao và mới của thời đại gia tốc về tất cả các phương diện. Không gian, thung thổ “tam nông” (nông thôn - nông nghiệp - nông dân) vẫn là không gian đậm đặc tính chất truyền thống của người Việt trong khi thời đại lại mang đậm dấu ấn phi truyền thống trên tất cả các phương diện đời sống xã hội. Giữa truyền thống và hiện đại có sự kế thừa, phát triển nhưng bên cạnh đó cũng đang diễn ra những trục trặc (đứt gãy) trong quá trình tiếp biến văn hóa cần những giải pháp mạnh mẽ.
Giải thưởng VinFuture Prize 2024 lần thứ tư (khởi xướng từ 2020) với Giải thưởng chính (Grand Prize) 3 triệu USD một lần nữa xác nhận Việt Nam là điểm đến của khoa học và công nghệ thế giới trong kỷ nguyên số hóa và trí tuệ nhân tạo như là đà cất cánh vào kỷ nguyên mới trong xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam hội nhập thế giới bằng những bước đi vững chắc và tự tin trên các mặt trận quan trọng để bước vào kỷ nguyên mới thịnh vượng mà bản lề quan trọng sẽ là năm Ất Tỵ 2025.
Khơi dậy khát vọng cống hiến và sáng tạo của văn nghệ sĩ
Những người hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ đang mang khí thế Phù Đổng với ước mơ có cơ sở hiện thực khi trong tương lai gần, Việt Nam sẽ là một trung tâm tài chính khu vực và thế giới, trung tâm AI của thế giới, sẽ là nước sản xuất chip có thương hiệu, sử dụng ngay nguồn lao động chất lượng cao trong nước, ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám. Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của thế giới... Đó là những cao vọng, niềm hy vọng thiêng liêng không hề ảo tưởng. Người Việt Nam thông minh, nhạy bén và thực tiễn có đủ khả năng xây dựng cơ đồ đất nước ngày càng rạng rỡ.
Việt Nam là một đất nước có bề dày truyền thống văn minh, văn hiến, văn hóa, văn học như Nguyễn Trãi đã tự hào viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo). Tính đến năm 2023, Việt Nam đã có 7 danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh, đa số là các văn nhân. Trong chiến tranh (1945-1975) gian khổ và ác liệt, chúng ta đã xây dựng được một nền văn học “Xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nền văn học tiên phong chống đế quốc trong thời đại ngày nay”. Đất nước đã sinh ra một thế hệ nhà văn - chiến sĩ “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?, Chế Lan Viên), mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Từ Đổi mới (1986), văn học nghệ thuật đã thực sự có nhiều tìm tòi cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện. Nhưng đổi mới nghệ thuật là liên tục, triệt để, bền vững. Vì thế bước vào kỷ nguyên mới, trước yêu cầu mới của đất nước, văn nghệ sĩ phải nuôi chí lớn, cao vọng đầy để thực hành sáng tác tốt hơn, tạo tác nhiều thành tựu cao hơn. Không thể lấy thành tích trong quá khứ làm thước đo để hài lòng, tự mãn. Hiện tại chúng ta đang nhập siêu văn học nghệ thuật, nhất là văn học. Nhà văn Việt Nam phải nỗ lực để ghi điểm trên bản đồ văn học thế giới trong tương lai gần. Đến lúc đó tình trạng “tiếng Việt cô đơn” sẽ được tháo gỡ, xóa bỏ. Thế giới rồi sẽ biết đến văn học Việt Nam vốn giàu nhân bản và phong phú trong các hình thức nghệ thuật đậm đà tính dân tộc.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” vừa được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2024 như một cánh cửa mở rộng, hỗ trợ văn nghệ sĩ cả về thế và lực. Đây sẽ là đà, đòn bẩy kích thích hoạt động sáng tạo trong một không gian văn hóa nhân văn có tác dụng làm nảy nở tài năng của mỗi cá nhân nghệ sĩ đến độ cao nhất, hiệu năng và hiệu quả nhất. Văn nghệ sĩ sẽ hành động theo tinh thần thực tiễn, phấn đấu trở thành những nhân cách văn hóa “hồng thắm chuyên sâu” (tâm và tầm). Nếu chúng ta không nuôi dưỡng cao vọng, không hành động thiết thực sẽ tụt hậu với thời cuộc khác nào gã hề đồng lóc cóc chạy theo đời sống. Cần phải đón đầu, tăng tốc, bứt phá trong một thời đại gia tốc về kinh tế, khoa học công nghệ với khí thế “Trời cao ta với tận cung trăng”. Sự tiến bộ vượt bậc của văn nghệ sĩ sẽ tạo điều kiện thế và lực xây dựng “Bộ hồ sơ tinh thần dân tộc” trong quá trình hội nhập theo xu thế toàn cầu hóa.
Văn hóa của nghệ sĩ - năng lượng chính phát triển văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới
Văn hóa là thước đo chính xác và bền vững (có ý nghĩa định tính) giá trị và tầm kích của một nền văn học nghệ thuật bất kỳ. Một nhà văn lớn đồng thời phải là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn như cách UNESCO đã từng vinh danh 7 danh nhân văn hóa thế giới Việt Nam. Trong hàng trăm định nghĩa về văn hóa thì định nghĩa: “Văn hóa là cách sống cùng nhau” (ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên) là thuyết phục tôi hơn cả. Văn hóa bao hàm các thành tố giá trị, bản sắc, ứng xử. Ứng xử liên quan đến phạm trù tài năng và đức hạnh (trước đây chúng ta gọi là “chuyên” và “hồng”). Năng khiếu, tài năng là bẩm sinh, là vốn liếng “trời” cho. Tuy nhiên, không thể dựa dẫm hoàn toàn vào bản năng, bẩm sinh, hay năng lực trực giác dù ở mức cao. Đành rằng trời cho là ân huệ tối cao nhưng cũng phải gian nan rèn luyện mới thành công bởi thiên tài là bẩm sinh và kiên nhẫn phấn đấu đi liền nhau như hai mặt của một tờ giấy. Văn hóa là phần tố chất được đưa từ ngoài vào do học hỏi, bồi đắp, tích lũy, nhân lên, tăng trưởng, lan tỏa. Năng khiếu là tĩnh, năng lực văn hóa là động. Những tấm gương tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tầm văn hóa của nhà văn phụng sự sáng tác ngày càng thành công, có nhiều ví dụ điển hình có thể rút ra từ thực tiễn văn học nghệ thuật nước nhà thời kỳ hiện đại. Xuân Diệu là một ví dụ tiêu biểu. Ông thuộc thế hệ nhà văn tiền chiến (trước 1945), được tấn phong là thi sĩ “Mới nhất trong các nhà thơ mới” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân). Là một nhà thơ không phải theo lối “để tâm hồn treo ngược cành cây”, trái lại, thi sĩ là một người có trí tuệ mẫn tiệp, thông thái đông tây kim cổ, tác giả của công trình nghiên cứu đồ sộ Các nhà thơ cổ điển Việt Nam. Ông cũng là tác giả của tiểu luận Sự uyên bác với việc làm thơ hết sức thú vị và bổ ích với các cây bút dám dấn thân vào con đường chữ nghĩa, thơ ca. Nghệ sĩ chân chính và tài năng luôn sáng tác theo đường hướng có tính nguyên tắc: “Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức thành công Hội thảo khoa học toàn quốc tại Hà Nội với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn vai trò của văn hóa trong việc hình thành một bản lĩnh, nhân cách văn hóa của một nghệ sĩ tài năng thời hiện đại đã đem toàn bộ sức lực, tình cảm và trí tuệ xây dựng tác phẩm mang hơi thở thời đại và tình yêu cuộc sống, con người với tâm thế “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới/ Lòng ta bát ngát ánh bình minh” (Đất nước). Nếu trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta tâm niệm: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” thì trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập, có thể nói đến một tư thế mới “vóc nhà thơ” phải đứng ngang tầm văn hóa.
Nếu nói văn hóa chính là ứng xử thì dâng hiến của cả một thế hệ nhà văn đã từng ký thác sự nghiệp của mình trong sự nghiệp chung lớn lao và anh hùng của đất nước và nhân dân là một bài học nghệ thuật, theo cách thể hiện của thi sĩ Xuân Diệu: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Cùng sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân). Hiện nay, không ít văn nghệ sĩ (nhất là lớp trẻ) đang có xu hướng hướng vào “tự ngã trung tâm”, cố gắng thể hiện cao độ cái tôi cá nhân. Không có gì là không đúng khi sáng tác văn học nghệ thuật là một hành động (lao động) ở đó nghệ sĩ nhằm thể hiện cái tôi của mình. Nhưng dẫn đến cực đoan như cách lớp trẻ hiện nay “khéo thêu thùa cho bản thân hơn chăm chút vá may cho đồng loại” (nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh về văn trẻ). Người có văn hóa bao giờ cũng biết điều hòa trong ứng xử.
Tinh thần và phương pháp tiếp biến văn hóa - đón nhận theo tinh thần sáng tạo tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc và nhân loại cũng là nhân tố quyết định phẩm tính văn hóa của nhà văn. Hiện, đang có tình trạng hướng ngoại, ngoại lai khi tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới một cách thiếu chọn lọc và thiếu sáng tạo trong vận dụng, nên ít hiệu quả trong hoạt động thực tiễn. Chúng ta không nên bảo thủ vì “ngoài trời còn có trời”, nhưng cũng không nên háo hức cấp tiến để tránh “dục tốc bất đạt”. Một khuynh hướng khác ngược lại có chủ trương khước từ truyền thống văn hóa dân tộc, tạo nên sự đứt gãy các giá trị bền vững, mưu toan kiến thiết một giá trị “tân cổ điển”. Nhưng rút cuộc là bất thành. Đổi mới nghệ thuật, sáng tạo cái mới (không phải cái lạ) bao giờ cũng xuất phát từ nội dung, khởi thủy là tư tưởng nhân văn tiến bộ vì con người viết hoa. Tuyệt nhiên không phải bao giờ cũng “khởi thủy là lời” (hiểu là hình thức nghệ thuật thuần túy).
Niềm hy vọng thiêng liêng...
Tinh thần ôn cố tri tân là quan trọng nhằm lưu giữ ký ức lương thiện của dân tộc. Nhưng cảm hứng về tương lai càng quan trọng hơn. Nó kích thích nhiệt huyết và cao vọng của người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. “Giấc mơ Nobel văn học” đang là tâm thế tích cực của nhà văn Việt Nam khi đồng nghiệp tại các nước trong khu vực đã được xướng tên từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc đến Hàn Quốc mới nhất năm 2024. Hiện, Việt Nam đang là nước “nhập siêu” trong lĩnh vực văn học. Nếu các nhà văn trau dồi bản lĩnh, vốn sống, vốn văn hóa sẽ đến một ngày, văn học Việt Nam ắt hẳn có vị trí xứng đáng trên bản đồ văn học thế giới.
Thành công không đến một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo không ngừng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, sự hội nhập quốc tế và sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chưa từng có. Chính vì vậy, văn học nghệ thuật cần cất cánh cùng dân tộc, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 6-1-2025; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025