Triển lãm Điêu khắc toàn quốc 2023: Đậm bản sắc Việt Nam

Lễ trao giải Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc năm 2023 diễn ra vào ngày 15/9 vừa qua tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm điêu khắc tham dự đã kể cho người xem về một hình ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc từ truyền thống tới hiện đại.

Ban Tổ chức trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải - Ảnh: Linh Chi

Mỗi tác phẩm là một phong cách riêng... 

Không còn định kỳ 10 năm một lần, Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc đã được Bộ VHTTDL rút ngắn thời gian tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Nhờ đó, sự kiện này đã quy tụ được nhiều tác phẩm điêu khắc xuất sắc từ các nhà điêu khắc hơn. Tại Lễ khai mạc, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu: Các tác phẩm chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm của các nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét; thể hiện những chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm; sự mở rộng, phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách; sự đa dạng về chất liệu với những tìm tòi thể nghiệm mới... Qua mỗi kỳ triển lãm, chúng ta cùng đánh giá, nhìn lại chặng đường phát triển của điêu khắc Việt Nam. Chính sự góp sức hùng hậu, sự chuyển tiếp liền mạch giữa các thế hệ nhà điêu khắc đã tạo nên sự thành công, phát triển của điêu khắc Việt Nam. Một thế hệ nhà điêu khắc trẻ đã và đang trưởng thành với những tư duy sáng tạo mới, những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhận xét: Ngôn ngữ tạo hình của các tác phẩm đem đến triển lãm năm nay không chỉ phản ánh đời sống nội tâm của người nghệ sĩ, điêu khắc gia, mà còn thể hiện đời sống của người Việt Nam đương đại. Bên cạnh đó, các tác phẩm có sự kế thừa từ truyền thống, từ người đi trước, để tạo nên những câu chuyện mới của ngày hôm nay. Đồng thời, với sự phong phú về đề tài, mỗi tác phẩm còn thể hiện được những cá tính riêng, những đặc trưng riêng của từng vùng miền. Qua đây, chúng ta có thể tin rằng, ngày càng có thêm nhiều nghệ sĩ trẻ tiếp tục dựng xây tương lai của nền điêu khắc Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham quan Triển lãm 5 năm Điêu khắc Toàn quốc 2023 - Ảnh: Linh Chi

... Nhưng đều kể về câu chuyện Việt Nam 

Các tác phẩm đem đến Cuộc thi và Triển lãm lần này được tạo tác bằng nhiều chất liệu, nhiều phong cách khác nhau, song tựu chung lại, chúng đều thay tác giả kể về một Việt Nam trữ tình, kiên cường, giàu truyền thống, bản sắc. 

Một Việt Nam đậm đà tính nhạc qua tác phẩm Tình ca phương Nam, giải Nhì của nhà điêu khắc Châu Trâm Anh, giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật Bình Dương. Dáng dấp của tác phẩm lấy cảm hứng từ chiếc xe thổ mộ chở trên đó những sản vật của người dân phương Nam trên cuộc mưu sinh. Trong lịch sử, xe thổ mộ là phương tiện đồng hành cũng những bà con người Việt trong chuyến hành trình xuôi về phương Nam khai hoang, lập ấp. Ngày nay, tại các tỉnh thành phía Nam, ta vẫn có thể bắt gặp chiếc xe thổ mộ chở hoa, trái cây, các sản vật khác bày bán trong những phiên chợ xuân. Hình ảnh chiếc xe thổ mộ in sâu trong ký ức của tác giả. Ngồi trên xe là một chàng trai đang ôm trên mình cây đờn kìm - một loại nhạc cụ đặc trưng trong nghệ thuật đờn ca tài tử - được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngồi phía sau là cô gái chân chất, tần tảo, một lòng đi theo chàng trai trên những bước đường rong ruổi trên mảnh đất phương Nam. Trên chuyến xe đó ăm ắp biết bao trái ngọt, sản vật đặc trưng vùng đất này. Đặc biệt hơn cả, bước vào sáng tạo nghệ thuật dưới bàn tay của tác giả Châu Trâm Anh, chiếc xe thổ mộ ấy còn chuyên chở những giai điệu hò xự xang xê cống ngân vang, trầm bổng của những con người đất phương Nam hiền lành, chân chất. Bản tình ca đó, với Châu Trâm Anh, được kết tinh từ tình cảm đôi nam thanh nữ tú, tình cảm gia đình, và lớn hơn là tình yêu đất nước, tình đoàn kết dân tộc nối dài từ Bắc chí Nam.

Châu Trâm Anh - Bình Dương, Tình ca Phương Nam. Giải Nhì, Tượng tròn, đá trắng

Với nhà điêu khắc Nguyễn Thăng Long, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp HN, ngày hôm nay mà Nguyễn Thăng Long thấy, là một đất nước mà cả 2 yếu tố truyền thống lẫn hiện đại cùng chung sống trong sự cân bằng, hài hòa. Từ đó, trân trọng, kế thừa truyền thống, song, cũng bắt kịp với xu hướng hiện đại, là kim chỉ nam định hướng cho tác giả tạo nên tác phẩm 12 con giáp - chất liệu gốm, đạt giải Ba. 12 con giáp là hình tượng từ lâu đời đã nhuốm màu văn hóa chung của nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam, và cho đến nay, những linh vật ấy vẫn còn có hiện diện trong cuộc sống đương thời. 

Việt Nam trong con mắt của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ luôn mạnh mẽ, dũng cảm trong cả thời bình, chứ không chỉ trong thời chiến. Ở đó, có những người anh hùng thầm lặng xông pha vào hiểm nguy, bảo vệ sự sống cho đồng bào mình. Sự hi sinh của 3 người lính cứu hỏa trong khi làm nhiệm vụ tại một quán karaoke ở Hà Nội vào năm 2022 đã khiến tác giả xúc động và ấn tượng sâu sắc. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành tác phẩm Anh hùng - chất liệu gỗ, đạt giải Ba. Hình tượng 3 người chiến sĩ trong tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ đang trong tư thế bước ra sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vẫn luôn giữ cho mình tâm thế sẵn sàng để dấn thân, lao vào những hiểm nguy bất ngờ ập đến bất cứ khi nào. Thay lời muốn nói, tác phẩm là sự bày tỏ tri ân của tác giả với lực lượng cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy. Tác giả Nguyễn Văn Tuệ chia sẻ thêm, sau những ngày thai nghén ý tưởng, anh đã phác thảo trên giấy. Sau đó, ông phác thảo trên chất liệu đất, rồi mới thực hiện tác phẩm trên gỗ. Quá trình chuyển từ đất sang gỗ hết 4 tháng. Cùng với đó, để tác phẩm được sống động và chân thực nhất, trong quá trình sáng tác, đội phòng cháy chữa cháy huyện Thường Tín (Hà Nội) hỗ trợ anh tìm hiểu trang phục, vật tư đặc thù của ngành. 

Nguyễn Văn Tuệ - Hà Nội, Anh hùng. Giải Ba, Tượng tròn, gỗ

Trong bối cảnh khoa học và kỹ thuật phát triển như hiện nay, Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”. Nước ta đang cố gắng làm chủ công nghệ, bắt kịp các quốc gia tiến bộ khác, song dưới góc nhìn của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật VN, con người Việt Nam trong thời đại này đôi khi bị công nghệ chi phối. Say mê trước hình thái của biến đổi của loài sâu bướm và kết cấu vỏ kén, Nguyễn Ngọc Lâm đã sáng tạo nên loạt tác phẩm với tựa đề Kén. Tại cuộc thi năm nay, anh đã mang đến 2 tác phẩm, trong đó, Kén 06 - chất liệu tổng hợp, giành được giải Khuyến khích. Chất liệu điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng đã cho thấy sự đối lập rõ nét. Bao bọc bên ngoài là chất liệu kim loại, ẩn dụ cho sự phát triển của khoa học - kỹ thuật. Nằm gọn bên trong vỏ bọc là gỗ tạo tác thành con ấu trùng, đại diện cho yếu tố tự nhiên. Qua đó, ông gửi gắm suy nghĩ, hệ thống mạng lưới khoa học công nghệ dày đặc đã bao phủ lấy những gì thuộc về tự nhiên, và chi phối cuộc sống của chúng ta. Ấu trùng nằm trong kén, cũng chính là sự ẩn dụ đầy khéo léo cho việc con người đang bị công nghệ bủa vây. Nhưng rồi, một ngày nào đó, ấu trùng cũng phá kén chui ra ngoài, trở thành con bướm lộng lẫy. Con người cũng vậy, ta hoàn toàn có thể phá vỡ sự chi phối của công nghệ, điều đó nằm ở ý chí và sự quyết tâm của mỗi chúng ta. 

Nguyễn Thăng Long - Hà Nội, 12 con giáp. Giải Ba Tượng tròn, sắp đặt, gốm

Bên cạnh những tác phẩm kể trên, câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam sẽ còn tiếp tục được nối dài qua lời kể của hơn 220 tác phẩm khác hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm sẽ còn kéo dài từ nay đến hết ngày 10/10.

Nguyễn Ngọc Lâm - Hà Nội, Kén 06. Giải KK, Tượng tròn, Tổng hợp

NAM PHONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;