Trí tuệ nhân tạo (AI) với nhiếp ảnh kỹ thuật số

Sự tiến bộ của công nghệ luôn đóng vai trò của một động cơ đẩy hai chiều đối với nhiếp ảnh kỹ thuật số. Ở chiều tích cực, nó thúc đẩy nhiếp ảnh tiến về phía trước với sự hỗ trợ của các công cụ ngày một tinh vi và tiện lợi. Ở chiều quay ngược lại của động cơ, với sự gia tăng các tiện ích đến chóng mặt, mang đặc chất kỹ thuật, lại như một làn gió thổi ngược, làm dấy lên những hoài nghi không nhỏ cho bộ môn này khi nó đang cố gắng để tìm một chỗ đứng vững chắc, sánh vai với các tên tuổi khác trong ngôi đền nghệ thuật của nhân loại.

 Từ một ảnh có độ phân giải kém (bên trái), AI có thể tạo ra một ảnh chất lượng cao (bên phải)

Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là trong lĩnh vực tạo ra hình ảnh, công nghệ này được gọi là AI sáng tạo (generative AI), là một trong những bước phát triển ấn tượng nhất mà các lĩnh vực sáng tạo đã từng chứng kiến. Năm 2022 là năm AI thực sự bùng nổ trong ngành nhiếp ảnh. Trong khoảng thời gian vài tháng, một công nghệ mới dường như xuất hiện từ hư không và phát triển với tốc độ cực nhanh, cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo ra hình ảnh về bất cứ thứ gì họ muốn chỉ bằng cách nhập mô tả. AI đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong quá trình nó được sinh ra và tồn tại. Và mặc dù chúng ta vẫn còn nghi ngờ chính xác nơi nó sẽ dẫn chúng ta đến, nhưng có vẻ như không thể tránh khỏi được tác động của các phần mềm tạo ra hình ảnh AI lên nhiếp ảnh cũng như các ngành nghệ thuật kỹ thuật số (đồ họa, quảng cáo, minh họa…).

AI là một công nghệ áp dụng quá trình dạy cho máy học. Đó là sự mô phỏng trí thông minh của con người trong máy tính. Các chương trình được học và nhớ thông tin trong quá trình tiến triển. AI tạo ra kết quả chính xác do đã quen thuộc với môi trường của nó. Nếu bạn áp dụng loại máy học này vào nhiếp ảnh, thì về mặt lý thuyết, ta có thể có một chiếc máy chụp những bức ảnh hoàn hảo. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có chương trình nào có công thức tạo khung hình và cho bố cục hoàn hảo. 

 Trên cùng một nền nhưng bạn có thể ra lệnh cho AI đặt các đối tượng khác nhau lên đó với một cú bấm chuột

AI sáng tạo hoạt động thông qua một quá trình được gọi là khuếch tán. Về cơ bản, các bộ dữ liệu khổng lồ được thu thập cùng nhau để đào tạo AI và thông qua một quy trình kỹ thuật, AI có thể tạo ra nội dung mới giống với dữ liệu đào tạo nhưng không giống hệt nhau. Sau khi nó đã xem hàng triệu bức ảnh về một vật gì đó (ví dụ ngôi nhà, và được gắn thẻ từ “ngôi nhà”), nó có thể sắp xếp các điểm ảnh thành hình dạng của một ngôi nhà hoàn toàn mới lạ giống với bộ dữ liệu đến mức chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì khi gắn nhãn cho nó là một ngôi nhà. Tuy nhiên, AI vẫn chưa hoàn hảo - các công cụ hình ảnh AI vẫn gặp khó khăn trong việc hiển thị bàn tay trông giống con người, tỷ lệ cơ thể có thể bị sai lệch và chúng có thói quen tạo ra những chữ viết vô nghĩa.

Chỉ bằng một cú nhấp chuột, giờ đây người dùng có thể dễ dàng thực hiện những việc như xóa nền, thay đổi kiểu hoặc vùng sáng trong ảnh, phát hiện khuôn mặt, nhận dạng môi trường để làm mờ hậu cảnh, nhận dạng bầu trời để tự động giảm mờ do quá sáng, thêm họa tiết, làm sắc nét hoặc tô màu ảnh và nâng cấp hình ảnh lên độ phân giải rất cao.

Các bức ảnh do AI tự tạo ra: Cô gái đội nón

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, AI xuất hiện với tư cách cả phần cứng và phần mềm. Ở phần cứng, AI tham gia vào phần sụn của các máy ảnh để tự động bám và lấy nét đối tượng, tự phân biệt và làm mờ hậu cảnh cho ảnh chân dung v.v.. Trong lĩnh vực phần mềm, AI tham gia vào việc làm siêu nét, nâng cao độ phân giải cho bức ảnh, tô màu cho những bức ảnh đen trắng, tạo nên được những bức ảnh thông qua mô tả bằng văn bản hay lời nói…

Liệu AI có thể sẽ xóa bỏ được nền nghệ thuật nhiếp ảnh của nhân loại hay không? Từ bản chất của AI, người ta có thể kết luận: không bao giờ. Có thể khẳng định ngược lại nếu không có nhiếp ảnh truyền thống AI sẽ không thể tồn tại. Một bức ảnh của AI, dù là do nó tự sáng tạo hay được xây dựng dựa trên chuỗi mệnh lệnh của con người, dù đẹp đến đâu cũng đều dựa trên một cơ sở dữ liệu ảnh khổng lồ đã có sẵn, được sáng tạo bằng nhiếp ảnh truyền thống. Từ nguyên lý “Máy học (Machine Learning)” có thể suy ra AI sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra những tác phẩm đặc sắc, có tính bước ngoặt, có thể coi là cơ sở để tạo dựng nên một trường phái mới, bởi trước đó chưa có bức ảnh nào như vậy để cho máy học. 

Các bức ảnh do AI tự tạo ra: Vịnh Hạ Long

Sự xuất hiện của AI đã dấy lên nhiều câu hỏi lớn: Nó có thực sự được coi là nghệ thuật hay không? Có vai trò nào đúng đắn cho AI với tư cách người hỗ trợ cho nhiếp ảnh trong tương lai không? Làm cách nào để chúng ta được đảm bảo rằng bức ảnh sẽ là trung thực không có sự can thiệp của AI? Ý nghĩa của nhiếp ảnh AI đối với phóng sự ảnh và các nhiếp ảnh tài liệu khác là gì? Làm cách nào để giám sát bản quyền và quyền sở hữu tác phẩm khi mà AI luôn lấy bộ dữ liệu lớn của nhân loại làm tài liệu học tập của nó ?

Thật ra, từ hàng thập kỷ nay, sự tồn tại của thế giới này rất phụ thuộc vào đạo đức của mỗi người đang tham gia vào các lĩnh vực công nghệ nói chung và nhiếp ảnh số nói riêng. Chính vì điều đó mà nghệ sĩ Boris Eldagsen đã từ chối giải thưởng danh giá của Sony đối với tác phẩm AI của mình. Ông trả lời phỏng vấn như sau: “Tôi đã đăng ký thi với tư cách là một chú khỉ táo tợn, để tìm hiểu xem các cuộc thi đã chuẩn bị sẵn sàng cho hình ảnh AI tham gia chưa. Hóa ra họ (thế giới) vẫn chưa sẵn sàng,” 

Các bức ảnh do AI tự tạo ra: Thủ đô Hà Nội

Tất nhiên, có một số cá nhân lo ngại về sự trỗi dậy của AI. Như với bất kỳ ngành nào, một số người lo sợ AI có thể thay thế các kỹ năng của người chụp ảnh, nhà sáng tạo và người làm hậu kỳ ảnh. Họ lo sợ những bức ảnh được tạo hoặc chỉnh sửa bằng AI có thể lấy đi công việc của họ. Thật ra thì khi nói đến nhiếp ảnh, AI đã chứng tỏ là một công cụ tuyệt vời cho những người lo sợ đó. Nó có thể nâng cao những tài năng hiện có của họ và tăng tốc công việc của họ, đồng thời giúp họ đạt đến những tầm cao sáng tạo mới. AI đang định hình lại quy trình làm việc của chúng ta và cho phép chúng ta thao tác nhanh hơn và sáng tạo hơn. Nó cũng sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc lưu lại những hình ảnh quý giá cho tương lai.

Và, ở một mức độ nào đó, sự ra đời của AI sẽ là tín hiệu cảnh tỉnh cho những ý tưởng nghèo nàn, chuyên thích sao chép, lặp lại. Bởi vì, không một sự bắt chước nào vượt qua được AI. Lúc đó có thể nghệ thuật không AI sẽ chỉ còn những tác phẩm đặc sắc nhất mà thôi. 

Các bức ảnh do AI tự tạo ra: Cánh đồng lúa xanh

Tuy nhiên không phải AI không có những khó khăn với những rào cản về pháp lý. Người ta bắt đầu xem xét đến vấn đề bản quyền của các bức ảnh trong kho dữ liệu khổng lồ, cái mà hiện nó được sử dụng không phép để đào tạo cho các hệ thống AI sáng tạo. Các nghệ sĩ chuyên sáng tác ảnh ý niệm và các họa sĩ minh họa, những người hiện đang bị tổn thương nghề nghiệp nhiều nhất vì AI, đã lập lên những hội đoàn để bảo vệ quyền lợi. Họ xây dựng công cụ có tên “Tôi đã được đào tạo chưa?” để giúp các nghệ sĩ khám phá xem tác phẩm nghệ thuật của họ có nằm trong số 5,8 tỷ hình ảnh được sử dụng để đào tạo các mô hình AI. Hiệp hội Nghệ thuật Ý niệm (CAA) nhấn mạnh rằng thiệt hại đã xảy với họ, vì các công cụ đã được đào tạo dựa trên tác phẩm của các nghệ sĩ mà không có sự đồng ý của họ. Karla Ortiz, một họa sĩ minh họa và thành viên hội đồng quản trị của CAA cho biết: “Giống như ai đó đã cướp của bạn và nói: ‘Bạn có muốn từ chối việc tôi cướp của bạn không?”. Thậm chí không chỉ có các tác phẩm nghệ thuật không thôi. Phân tích cơ sở dữ liệu đào tạo cho AI sáng tạo người ta còn thấy cả ảnh y tế riêng tư, ảnh của các nhân vật nổi tiếng (đôi khi cùng với tên đầy đủ của họ) có cả nội dung khiêu dâm.

AI mới chỉ dừng ở mức làm ra những hình ảnh long lanh trong mắt người xem. Những người chuyên sáng tác thể loại ảnh ý niệm thì cho rằng: AI không thể hiểu được thay con người trong những khoảnh khắc sụp đổ của thời gian, ký ức, suy nghĩ, cảm xúc - tất cả những thứ đó là kỹ năng thực sự của con người, để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải thứ gì đó trông đẹp mắt. Trong lĩnh vực biên tập ảnh cũng vậy, chắc chắn sẽ còn một chặng đường dài phía trước trước để cho AI có thể đưa việc chỉnh sửa ảnh lên một cấp độ gần ngang với cấp độ của một chuyên gia mà không cần sự can thiệp của con người. Máy tính chỉ có một lượng dữ liệu tham khảo hạn chế, trong khi đó với một bức ảnh sáng tạo nó đòi hỏi hơn thế rất nhiều. Văn hóa, kiến thức, tầm nhìn sáng tạo, và góc quan sát độc đáo của con người là cái mà máy móc khó bắt chước được.

LƯU PHƯƠNG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

 

;