Mưa đỏ - Bản tráng ca bất hủ về cuộc chiến Thành cổ

Đoàn Chèo Hải Phòng vừa “chơi sang” khi diễn liền hai đêm 30, 31/7 ở Nhà hát Lớn Hà Nội vở chèo Mưa đỏ (kịch bản văn học: Chu Lai, chuyển thể: Đức Minh, đạo diễn: NSND Trịnh Thúy Mùi, âm nhạc: NSƯT Đào Tuấn Hải, họa sĩ NSƯT Đạt Tăng thiết kế sân khấu, thạc sĩ Hoài Anh dàn dựng múa…) và ghi được ấn tượng sâu đậm với khán giả Thủ đô vốn vẫn được coi là khán giả khó tính. Chèo về đề tài chiến tranh cách mạng, hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, nhưng vượt qua những khó khăn của một kịch bản kịch nói, với tay nghề của ê kip sáng tạo và dàn diễn viên đồng đều của Đoàn Chèo Hải Phòng và một số đoàn nghệ thuật thành phố đã khiến khán giả khóc cười suốt thời gian diễn.

Cảnh trong vở Mưa đỏ

Người xem như được sống lại không khí của những năm tháng khốc liệt thời chiến tranh chống Mỹ, cùng sự trong veo của tâm hồn con người khi tất cả tâm nguyện là chiến đấu cho lý tưởng thống nhất đất nước. Các nhân vật cách mạng đa phần là sinh viên các trường đại học ở miền Bắc, tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị giai đoạn ác liệt nhất khi cả thế giới đều hy vọng Hiệp định Paris đem lại hòa bình ở bán đảo Đông Dương. Đối lập với các chàng trai, cô gái cách mạng là những sĩ quan ngụy, trong đó cũng có những nhân vật với nét tính cách rất đời và rất người, cũng lấy lý tưởng theo quan điểm của phía họ làm lẽ sống.

Các nhà nghiên cứu chèo đều nhận định, chèo thiên về giới nữ, thường lấy nhân vật nữ làm hình tượng nhân vật trung tâm với những câu chuyện về làng quê Việt, giàu tính trữ tình và hài hước… nên khi đưa nội dung chiến tranh lên sân khấu chèo sao cho mềm mại, không bị sai lệch âm hưởng chèo là điều rất khó thực hiện. Nhưng NSND Thúy Mùi đã thực hiện tốt khi chỉ lấy không khí chiến tranh với tiếng súng, sự thương vong đến khắc nghiệt… ở những màn đầu, rồi lựa chọn, đi sâu vào “kể” về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, tình yêu đôi lứa, cả tình cảm yêu thầm nhớ trộm của một sĩ quan phía bên kia với cô giao liên Việt cộng xinh đẹp, trong sáng… Câu chuyện đẫm tính nhân văn, đầy xúc cảm với số phận của các nhân vật, vượt qua được những cái khó để đem tới một đêm diễn ấn tượng. Cặp nhân vật chính, đôi trai gái được kể với mối tình xuyên suốt vở diễn đã trải qua rất nhiều kịch tính từ sự hiểu lầm đến một tình yêu thật đẹp đẽ nhưng họ không có được cái kết viên mãn như mong muốn của khán giả mà phải đi theo logic cuộc sống: chàng trai hy sinh trong cuộc chiến cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị, cô gái mang theo hình bóng người yêu đi tới ngày chiến thắng cuối cùng.

Cuộc tình của họ chiếm lĩnh vị trí trung tâm, nhưng những xúc cảm rất lớn của công chúng cũng dành cho đội quân chiến đấu, hy sinh vô cùng oanh liệt ở thành cổ, địa danh đã trở thành biểu tượng cho mất mát thương đau của cuộc chiến tranh Vệ quốc, là nguyên nhân khiến ai cũng rưng rưng với câu thơ: Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước… Đó là cảnh trạm xá dã chiến, các bác sĩ quân y đau đớn gạt nước mắt vì các chiến sĩ bị thương đưa về đến trạm thì đã tắt thở. Rồi cảnh buộc phải mổ “sống” cho chiến sĩ vì không có thuốc gây mê mà vẫn không cứu được thương binh... Tình người, tính nhân văn thấm đẫm với những câu chuyện về tình người, tình đồng đội sống chết bên nhau… 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở Mưa đỏ

Đạo diễn, NSND Thúy Mùi trưởng thành, cống hiến hết tuổi thanh xuân cho chèo, lại chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, đọc nhiều, suy ngẫm kỹ nên đã tạo được nhiều màn diễn mang tính tổng hợp, rất hiện đại mà cũng rất chèo, như đánh giá của nhà văn Hà Đình Cẩn: “Chèo Mưa đỏ là vở diễn của câu chuyện chiến tranh nhiều tiếng súng, vẫn là chèo, đặc sệt chèo từ bố cục các mảnh diễn ước lệ, thay vào chuyện súng đạn là tình người, ngôn ngữ tinh túy, kỹ càng và tiết chế từng câu hát phù hợp với con người thời bom đạn”. 

Người ta có thể thấy những màn mô tả cảnh giao tranh trực diện, thậm chí đánh giáp lá cà khốc liệt với tiếng súng rầm rầm đinh tai nhức óc, khói mù mịt, sân khấu nhuộm màu đỏ rực lửa, những tiếng hô xung phong, những tiếng kêu khi bị trúng đạn,… Hay cảnh nhân vật nữ chính chèo đò đưa quân tiếp viện qua sông Thạch Hãn, gió và rừng cây chuyển động nhờ vào diễn viên đẩy đạo cụ, lại đưa tay vẫy vẫy chứ không tìm cách giấu mình hoàn toàn. Đặc biệt ở cảnh giao tranh giữa hai quân nhân, đại diện của mỗi bên, trên tay họ là lá cờ của bên mình và vũ khí để trực tiếp chiến đấu nhằm cắm được cờ lên vị trí cao nhất thành cổ… Những màn diễn khiến người xem thán phục vì vừa chân thật, hợp lý mà cũng lại rất ước lệ, rất chèo, cũng rất hiện đại. Làm được điều đó, không chỉ là tư duy của người làm chèo mà còn là cách để áp dụng những thành tựu công nghệ vào sân khấu. Sử dụng công nghệ hiện đại cho sân khấu kịch hát truyền thống cũng là một vấn đề. Làm sao để chèo múa hát, nói lối, diễn đúng chất chèo trên sàn diễn có một màn hình LED khổng lồ trên sân khấu thay phông màn truyền thống… cùng những âm thanh, ánh sáng rất ấn tượng… quả là bài toán không phải đạo diễn nào cũng giải được một cách trơn tru, hợp lý và tài tình. Với cái nhìn tổng quan, cách sử dụng liều lượng, tiết tấu được tính toán kỹ lưỡng, đạo diễn cùng ê kip sáng tạo đã cống hiến cho khán giả nhiều mảng miếng đẹp, hiện đại nhưng rất chèo nhờ vào sự xử lý rất khéo léo, khiến người am hiểu chèo cũng rất tán thưởng. 

Mưa đỏ đã ghi được dấu ấn sâu đậm với khán giả Thủ đô

Sự tham gia diễn xuất thể hiện được thực lực của dàn diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng mà nổi bật là nghệ sĩ Thùy Dương và nghệ sĩ Nhật Hóa (Đoàn Chèo Thanh Hóa)- cặp đôi chính, cặp đôi được chú trọng để xây dựng hình tượng. Họ có những khoảnh khắc lãng mạn nhất, là tâm điểm của đêm diễn và cả hai đều có giọng hát hay, diễn giỏi, góp phần rất lớn trong thành công của đêm diễn.

Những vở chèo nội dung có tính tuyên truyền, lại là đề tài được khai thác rất nhiều mà vẫn hấp dẫn khán giả, hiện đại mà vẫn rất chèo… rất cần được dàn dựng, công diễn để đem tới sự cảm nhận mới mẻ cho khán giả, nhất là khán giả trẻ, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu chèo, từ đó cảm nhận đúng và đầy đủ những thông điệp cần thiết của tác phẩm.

CAO NGỌC 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

 

;