Tăng cường giáo dục giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam

Gia đình là tế bào của xã hội, cũng là tổ ấm mang lại hạnh phúc cho cá nhân, “được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý báu của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy”(1). Do đó, Đảng xác định, cần “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” (2). Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29-5-2012 đã khẳng định, gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua bao thế hệ, gia đình Việt Nam đã hình thành và bồi đắp nên các gia phong, gia lễ, gia đạo. Mà nổi bật là những giá trị quý báu như lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương, gia đình, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách... Những giá trị truyền thống tốt đẹp đó được nảy nở, tồn tại và phát triển, được cộng đồng xã hội cũng như từng gia đình thừa nhận, hướng tới, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Đó cũng chính là sức mạnh nội sinh góp phần xây dựng gia đình thật sự trở thành tổ ấm, thành cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người. Giáo dục gia đình là phương thức có hiệu quả nhất làm cho những chuẩn mực tốt đẹp đó thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, lý tưởng sống của từng thành viên trong gia đình. Với tổ ấm tràn đầy tình yêu thương, đây chính là trường học đầu tiên hình thành, phát triển phẩm chất, đạo đức, lối sống, trí tuệ và tâm hồn của mỗi con người. Do đó, “giáo dục trong một gia đình văn hóa tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng thực hiện và đó cũng chính là gia lễ, gia phong - cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam và tạo cho gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt” (3).

Trong những năm qua, đã có nhiều hoạt động để phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục con cái nói chung, giáo dục giá trị truyền thống nói riêng. Đặc biệt, năm 2019, ngành VHTTDL tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các địa phương và đông đảo các gia đình hưởng ứng. Bộ tiêu chí gồm bốn tiêu chí ứng xử chung (tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ) và bốn tiêu chí ứng xử cụ thể (ứng xử vợ chồng; của cha mẹ với con, ông bà với cháu; của con với cha mẹ, cháu với ông bà; của anh, chị, em với nhau). Sau một thời gian triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác gia đình cũng như giáo dục gia đình.

 

Gia đình đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng - Ảnh: Hà Hữu Nết
 

Nhiều gia đình đã có ý thức hơn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình và hoàn thiện bản thân, góp phần rất lớn tạo nên sự ổn định, văn minh cho toàn địa bàn. Đồng thời, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy vai trò hạt nhân xã hội của gia đình trong thời kỳ hiện đại và hội nhập quốc tế. Nhiều gia đình đã chú trọng bảo lưu, phát huy tốt các gia phong, gia lễ, gia đạo; kết hợp phương pháp truyền thống với các phương pháp hiện đại trong giáo dục con cái nói chung, giáo dục giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam nói riêng. Trẻ nhỏ được cha mẹ dạy dỗ về thái độ, giao tiếp, ứng xử lễ nghĩa, kính trọng người già, nhường nhịn người nhỏ tuổi; uốn nắn, ngăn chặn hành vi, cử chỉ bất nhã, bất hiếu của con trẻ. Nhiều gia đình đã quan tâm thực hiện các nghi lễ truyền thống vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình để các giá trị quý báu đó được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, phát triển, hoàn thiện nhân cách con người, cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, dưới tác động của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, cả mặt tích cực và tiêu cực của xã hội đang ảnh hưởng đến cuộc sống của từng gia đình, tác động trực tiếp đến giáo dục gia đình. Một số gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục và tự giáo dục của các thành viên mà chủ yếu tập trung phát triển kinh tế. Mặt khác, nhiều gia đình quan tâm đến giáo dục hệ giá trị tuyền thống thì tỏ ra lúng túng cả về nội dung và phương pháp. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ rõ: “Sự thiếu quan tâm đến việc giáo dục gia đình là một nguyên nhân quan trọng khiến cho gia đình chưa phát huy được vai trò của nó với tư cách là môi trường tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho xã hội. Nhiều gia đình vẫn khoán trắng cho xã hội và nhà trường việc giáo dục trẻ em. Một số không ít các bậc cha mẹ chưa dành được thời gian thích đáng để quan tâm tới con cái. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục con cái một cách khoa học” (4).

 Điều đó, đã tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách, thậm chí sự thành công của con trẻ ở tương lai. Thực tế trong những năm gần đây, nổi lên nhiều vụ án mạng chỉ vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình. Theo thống kê, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm tới 18% - 20%, nhiều vụ mang tính chất “thảm sát” chỉ vì lợi ích kinh tế hoặc những mâu thuẫn, xích mích trong gia đình. Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa tội phạm giết người, khi có tới 60% đối tượng ở độ tuổi dưới 30 (5)… Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi (6). Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên có xu hướng gia tăng là do hoàn cảnh gia đình như: bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, làm ăn phi pháp, đặc biệt là do bố mẹ bỏ bê, không quan tâm đến sự phát triển của các con.

Thực trạng báo động về sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức, lối sống, nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay đòi hỏi các cấp, ngành, nhất là mỗi gia đình cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ. Trong đó, tăng cường giáo dục gia đình nói chung, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình nói riêng là giải pháp đặc biệt quan trọng và trực tiếp nhất. Để tăng cường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam trong các gia đình hiện nay, cần thực hiện một số phương pháp cơ bản sau:

Một là, giáo dục thông qua tấm gương cha mẹ, ông bà

Ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu noi theo đã trở thành nét đẹp văn hóa của gia đình Việt Nam. Tất cả những việc làm, cách ứng xử, lối sống, việc đối nhân xử thế của ông bà, cha mẹ đều là những hình ảnh trực quan sinh động tác động đến nhận thức, hành động, lối sống của con cái. Vì vậy, mỗi gia đình cần quan tâm giáo dục con cháu thông qua thái độ, cách thức ứng xử hằng ngày của cha mẹ đối với ông bà, họ hàng, những người xung quanh và xã hội. Đồng thời, giáo dục con cháu không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm đẹp.

Hai là, giáo dục thông qua tổ chức cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của gia đình

Bằng những công việc hằng ngày trong gia đình, ông bà, cha mẹ có thể lồng ghép những giá trị văn hóa truyền thống để dạy dỗ con cái các kĩ năng sống, cách sắp xếp tổ chức công việc và đời sống. Đặc biệt, bữa cơm gia đình được coi như một “diễn đàn” hay một lớp học nhỏ để cha mẹ, ông bà có dịp dạy dỗ con từ chuyện nhà đến chuyện xã hội. Quanh bữa cơm, con cái nói chuyện học hành, bạn bè trong lớp, ngoài đời, một mặt bố mẹ biết được tình hình của con khi không có mình bên cạnh, từ đó có thể góp ý, sửa chữa cũng như đưa ra những giải pháp giúp con có cách ứng xử trước các tình huống, trường hợp nhạy cảm mà con cảm thấy khúc mắc, khó khăn nếu giải quyết một mình. Cha mẹ chia sẻ những kinh nghiệm cho con cái, an ủi, dạy bảo những điều hay lẽ phải cho con vừa tạo nên sự gần gũi, vừa truyền dạy những bài học về cuộc sống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm thía.

Tình yêu thương, chăm sóc, thăm hỏi ông bà, chú bác, cô dì, anh em, họ hàng những lúc ốm đau, trắc trở, tai nạn, những chuyện vui buồn xảy ra… sẽ tạo cho con trẻ sự cảm thông, tình yêu thương, tính nhân văn trong cách đối nhân xử thế. Sự nhường nhịn đối với anh chị em trong nhà nếu được nuôi dạy từ lúc trẻ sẽ tạo nên lòng bao dung, lòng vị tha, thương người cho mỗi đứa trẻ khi lớn lên và bước vào cuộc đời. Thái độ đối với con cái trong những công việc gia đình, sự phân công hợp lý công việc, thái độ đối với lỗi của con cái, sự công bằng trong việc giải quyết những việc nhỏ nhặt hằng ngày sẽ là những tác động đến hình thành tính cách của con cái cũng như cách xử lý của chúng trong tương lai. Với những phương pháp giáo dục vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, chủ yếu là thuyết phục, hướng dẫn, chỉ bảo và bằng những việc làm, hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, những nét đẹp văn hóa gia đình sẽ được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự giác.

Ba là, giáo dục thông qua các thực hành nghi lễ gia đình

Giá trị truyền thống của gia đình được thể hiện rõ ở các nghi lễ được thực hiện trong gia đình, nổi bật nhất là các nghi lễ trong các sự kiện quan trọng như ngày giỗ, Tết và cưới xin, ma chay... Đây là dịp cha mẹ, anh em, bà con họ hàng sum họp, chia sẻ những tình cảm, kinh nghiệm trong cuộc sống mà mình từng trải từ người này cho người khác. Bằng việc cùng nhau tham gia những nghi lễ này, mọi người trong gia đình dễ đồng cảm cũng như bỏ qua cho nhau những căng thẳng, xích mích từng xảy ra. Thông qua các dịp gặp gỡ này, mọi người cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ, bày biện, sắp đặt, trang trí ban thờ tổ tiên cũng tạo ra sự gắn kết tình cảm bền chặt hơn.

Giáo dục giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là một công việc hệ trọng, cần phải được diễn ra thường xuyên, liên tục, lâu dài trong suốt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Trước khó khăn, thách thức mới và những biến đổi của gia đình trong xã hội hiện đại, cần thực hiện đồng thời nhiều phương pháp để bảo tồn giá trị truyền thống của gia đình, xây dựng gia đình thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội. Trong đó, tăng cường phát huy vai trò của giáo dục gia đình là phương thức quan trọng bậc nhất để trao truyền, thẩm thấu và lan tỏa những giá trị truyền thống một cách tự nhiên trong mỗi gia đình Việt Nam, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

_______________

1. Vũ Dũng, Từ điển Tâm lý học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008, tr.14.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.128.

3. Văn Thị Thanh Mai, Đinh Quang Thành, Giáo dục gia đình góp phần quan trọng hình thành và phát triển nhân cách con người, tuyengiao.vn, 11-3-2020.

4. Gia đình và giáo dục gia đình trong bối cảnh xã hội ngày nay, nhandan.com.vn, 27-06-2017.

5. Nguyễn Phương, Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp từ trong gia đình, nhandan.com.vn, 20-9-2020.

6. Lê Tú, Khi tội phạm ngày càng trẻ, nhandan.com.vn, 30-10-2019.

Tác giả: Nguyễn Việt Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

;