Quan hệ gia đình, dòng họ và sự lựa chọn lối sống trong quá trình đô thị hóa ở Xuân La, Hà Nội

     ​​​​​​​Phường Xuân La thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Trước năm 1945, kinh tế tiểu nông và chế độ xã hội phong kiến - thực dân là cơ sở của văn hóa truyền thống nơi đây. Khi đó, thiếu thốn về vật chất, nghèo nàn về tinh thần. Vai trò của dòng họ lúc bấy giờ còn chưa được coi trọng, khả năng gắn kết các thành viên trong dòng họ không cao. Sau 1954, cuộc sống người dân có nhiều cải thiện. Từ sau năm 1986, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, Xuân La có nhiều thay đổi, cư dân nơi đây ngày càng đông đúc. Bên cạnh số đông là người định cư nhiều đời còn có một bộ phận mới được chuyển đến.

 

Hội thi “Tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng”
tại phường Xuân La, Hà Nội - Ảnh: Đinh Tiên Hường

 

     1. Các yếu tố tác động đến các mối quan hệ gia đình, dòng họ ở Xuân La

     Năm 2011, tổng diện tích của phường là 235,704ha, trong đó, diện tích đất thổ cư chiếm 134,624ha. Phường Xuân La có 5.436 hộ gia đình và 22.058 nhân khẩu, chia thành 49 tổ dân phố. Từ sau năm 1986, nhất là từ năm 2000 đến nay, sau khi từ xã được chuyển sang phường, Xuân La tham gia vào quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh. Về cơ sở kinh tế, đất sản xuất nông nghiệp còn rất ít, thậm chí nghĩa địa, một vùng đất cố hữu vốn được coi là thiêng liêng không ai dám động chạm đến đã buộc phải di chuyển đến một vùng khác. Do bán đất và tiền đền bù đất, đời sống kinh tế của nhiều gia đình nâng cao hơn trước. Nhiều hộ gia đình xây nhà cho thuê và có khoản thu nhập không nhỏ. Đây là một nét mới trong mưu sinh, việc làm này không bao giờ có ở nông thôn truyền thống.

     Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp người dân Xuân La nói riêng cũng như người dân châu thổ Bắc Bộ nói chung ngày càng tiếp nhận được nhiều tri thức, biết được cuộc sống muôn màu muôn vẻ từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Phim ảnh, báo chí, truyền hình đã tác động nhiều đến nhận thức, suy nghĩ của người dân Xuân La về lối sống, cách ứng xử. Mặt tích cực thể hiện ở chỗ, người ta cổ vũ cho lối sống trẻ trung, năng động, phù hợp với sở thích và nguyện vọng cá nhân, không bị bó chật bởi bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình. Nếu trước kia, gia đình xum họp, quây quần, anh em hòa thuận là một giá trị đáng quý thì ngày nay, sự thành đạt và phát triển cá nhân, thành công về kinh tế lại là những giá trị mới được coi trọng.

     Đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của chính phủ và thành phố cũng có những tác động to lớn đối với cuộc sống của người dân Xuân La. Các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học… đã làm thay nhiều phần việc của dòng họ trước kia trong các lễ mừng thọ, đám hiếu, hay động viên khích lệ các thanh thiếu niên trên con đường học tập… Đây là những nhân tố quan trọng trong việc làm biến đổi quan hệ giữa dòng họ và các gia đình của người dân Xuân La hiện nay.

     Một mặt, do luật pháp ngày càng hoàn thiện, mọi công dân đều bình đẳng, có khi dòng họ chỉ có vai trò mờ nhạt, một số cá nhân có thể không tuân theo quy định của dòng họ. Mặt khác, do đời sống khá giả, người ta có thể đóng góp theo suất đinh và công đức một số tiền lớn hơn trước để xây nhà thờ họ và công việc chung của họ. Do tư tưởng nam nữ bình đẳng, hiện nay những người phụ nữ là con dâu, cháu dâu, người nam giới là con rể, cháu rể cũng được tham gia và đóng góp như mọi người. Thậm chí có trường hợp ở dòng họ Nguyễn Xuân, con dâu trưởng đứng ra lo mọi việc trong dòng họ.

     Đã từng tồn tại cả loại gia đình hai thế hệ và loại gia đình nhiều thế hệ nhưng từ năm 2000 đến nay, số gia đình hai thế hệ ngày càng tăng, thậm chí loại gia đình một thế hệ là hai bố mẹ già sau khi tất cả con cái đã ra ở riêng cũng ngày càng phổ biến. Điều này cho thấy xu hướng tất yếu của việc cổ vũ tính tự do, năng động, tự chủ của mỗi cá nhân. Nhiều gia đình trẻ có cơ hội để phát triển và không phải giải quyết những mâu thuẫn khác biệt về nhu cầu, sở thích giữa các thế hệ. Tuy nhiên, có một số ít cha mẹ già rơi vào tình trạng cô đơn khi con cái đã ra ở riêng không quan tâm đúng mức.

     Tóm lại, để tạo nên sự biến đổi về văn hóa nói chung, mối quan hệ giữa dòng họ và gia đình nói riêng ở Xuân La có nhiều nhân tố, trong đó sự biến đổi về kinh tế của cư dân, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quản lý của chính quyền thủ đô đóng vai trò quan trọng nhất.

     2. Sự đa dạng trong lối sống, mặt tích cực và mặt hạn chế

     Khi nghĩ đến xã hội hiện đại, không ít người nghĩ đến lối sống đề cao tự do cá nhân. Có người sống hết mình cho nguyện vọng, sở thích cá nhân và họ đã thành công, thành đạt. Sự thành đạt của họ góp phần vào sự ổn định và phát triển của xã hội. Một bộ phận lớn những người này thường không có cuộc hôn nhân bền vững và họ cũng ít tham gia vào những sinh hoạt chung của dòng họ. Bên cạnh đó, lại có những người theo lối sống cá nhân, sa vào hưởng thụ, lười biếng, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Ở Xuân La, có một số ít người phát triển theo xu hướng đề cao cá nhân và thành đạt nhưng cũng có những người theo lối sống cá nhân thiên về hưởng thụ, thiếu ý chí phấn đấu, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

     Ở Xuân La cũng xuất hiện những gia đình tiêu biểu có lối sống thiên về cộng đồng. Điển hình là gia đình ông L. Năm nay ông 55 tuổi, vốn là thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu, vợ ông làm nội trợ và buôn bán nhỏ. Ông không phải là người gốc Xuân La nhưng đã định cư ở đây hơn 30 năm. Ông bà có 3 người con, cô con gái đầu đã lập gia đình, còn hai người con còn lại (một trai, một gái) đang học phổ thông. Gia đình ông sống trong một ngôi nhà 5 tầng với diện tích mặt sàn là 40m2. Ông là người sống có trách nhiệm với gia đình, dòng họ. Những người anh em, họ hàng mỗi khi về Hà Nội không có chỗ ăn ở đều được gia đình ông đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. Các cháu về Hà Nội học tập hoặc làm việc, trong thời gian ăn ở tại nhà ông, ông đều không nhận một đồng tiền ăn. Có thời điểm, bà con nội, ngoại đến ở nhà ông bà lên đến gần chục người, việc có nhiều người sinh sống trong nhà đã gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt gia đình nhưng ông bà và các thành viên không lấy điều đó làm phiền hà, ngược lại còn rất vui vẻ. Ngoài việc cho các cháu ở nhờ và chu cấp ăn uống, ông còn xin việc cho một số người trong dòng họ trong khả năng của mình. Ngay cả cô con gái ông, sau khi đã lập gia đình riêng và sống ở nhà chồng một thời gian, nay cũng chuyển về chung sống với ông bà để tiện việc kèm hai em học tập. Đây chính là một mô hình gia đình thiên về lối sống cộng đồng. Theo khảo sát, kiểu mô hình này ở Xuân La khá hiếm (1).

     Hiện nay, ở Xuân La nói riêng, ở nhiều nơi khác nói chung, diễn ra hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là quan hệ dòng họ phai nhạt. Xu hướng thứ hai là quan hệ dòng họ vẫn được giữ gìn, nhờ mối quan hệ này mà một số người được tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống, mưu sinh… Đây là mặt tích cực của sự bền chặt trong quan hệ dòng họ, song vẫn tồn tại một số mặt trái. Hiện tượng “Một người làm quan, cả họ được nhờ” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp trên đã có những biện pháp hạn chế sự tiêu cực này như việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến nơi này đã hạn chế một phần lớn những người cùng dòng họ “bầu bán” cho nhau. Ngay ở một địa bàn cơ sở như Xuân La, việc luân chuyển cán bộ cũng đã cho thấy hiệu quả tích cực của chủ trương, chính sách này.

     Những người quá đề cao tự do, phát triển cá nhân thường ít coi trọng giá trị của gia đình và dòng họ. Vì vậy, ở một số nhóm nghề nghiệp trong xã hội, tỉ lệ ly hôn khá cao (ví dụ giới nghệ sĩ). Nếu trong xã hội có quá nhiều công dân thiên về lối sống tự do cá nhân sẽ gây những bất ổn, thậm chí là gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, những người chủ trương lối sống vì gia đình, dòng họ lại thường hạn chế, thậm chí triệt tiêu nguyện vọng, sở thích cá nhân.

     Cả ba lối sống (thiên về tự do cá nhân, thiên về cộng đồng, kết hợp cả hai) nếu không vi phạm luật pháp thì đều được bảo vệ. Vấn đề là người ta sẽ lựa chọn mô hình nào cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, sở trường và sở đoản của mỗi cá nhân, không nên phê phán mô hình này và đề cao mô hình khác. Ở Xuân La hiện nay, mô hình kết hợp giữa tự do cá nhân và tính cộng đồng được thực hành và chấp nhận hơn cả.

_____________

     1. Tư liệu tác giả điền dã ở phường Xuân La vào ngày 9-10-2016.

 

Tác giả: Trần Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;