Xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Mấy ý kiến nhỏ về một đề tài lớn

Hạnh phúc ngọt ngào - Ảnh: Phạm Công Thắng

Gia đình và văn hóa gia đình, dù trong bối cảnh, giai đoạn nào, vẫn luôn là những vấn đề hết sức quan thiết đối với toàn nhân loại. Không khác, ở nước ta, vấn đề gia đình cũng như văn hóa gia đình (thường được nhìn nhận qua hệ giá trị văn hóa gia đình) đã được quan tâm tìm hiểu như một đối tượng của đa khoa học và liên khoa học. Chẳng hạn, từ bình diện chung, gia đình được coi như một thiết chế tự nhiên của cấu trúc xã hội trong mối tương quan với các thiết chế khác. Ở những góc độ khác, gia đình được chú trọng với tư cách một đơn vị kinh tế cơ bản, hay một thực thể văn hóa... Những cách tiếp cận và đánh giá ấy, dù không giống nhau, nhưng đều có một xuất phát điểm chung: đi tìm diện mạo và vị thế của gia đình, văn hóa gia đình trong xã hội thông qua những hệ giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội... vốn có của nó nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy và đổi mới mẫu hình gia đình và văn hóa gia đình trong kỷ nguyên mới.

Trong giai đoạn hiện nay, gia đình và văn hóa gia đình ở Việt Nam đã thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc, có tác động sâu sắc đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI đã đề ra chủ trương: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” (1). Gần đây, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong mục tiêu cụ thể, nhấn mạnh nhiệm vụ “kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống, để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh” (2); đồng thời chú trọng việc “xây dựng quy chế, nội quy, bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong: gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức xã hội... nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử...” (3). Và, ở tầm chiến lược cũng như những sách lược triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thực tiễn, đây là những vấn đề cần được làm rõ. Văn hóa gia đình là một đề tài mở, có nội hàm, nội dung hết sức rộng lớn, bao quát với nhiều vấn đề, bình diện, khía cạnh khác nhau. Ở đây, một cách khái quát, chúng tôi chỉ xin góp một vài suy nghĩ nhỏ về mấy nội dung hết sức quan trọng của đề tài lớn này, qua đó, gợi mở một số vấn đề có thể giúp ích cho việc xây dựng gia đình và văn hóa gia đình trong bối cảnh mới. Đó là: khái quát vấn đề gia đình từ góc nhìn văn hóa; thử quan niệm về văn hóa gia đình; môi trường văn hóa gia đình và Văn hóa đạo đức gia đình.

1. Khái quát vấn đề gia đình từ góc nhìn văn hóa

Từ lâu nay, vấn đề gia đình đã được tiếp cận như một đối tượng của đa khoa học và liên khoa học từ nhiều góc độ và mức độ khác nhau. Chẳng hạn, từ những bình diện chung, gia đình được coi như một thể chế xã hội, một đơn vị tự nhiên của cấu trúc xã hội trong mối tương quan với làng xã, vùng miền, quốc gia, khu vực, thế giới. Ở khía cạnh khác, gia đình được coi như một thực thể văn hóa, đơn vị văn hóa, với nội hàm gia đình văn hóa và văn hóa gia đình... Và, từ các góc độ khác nhau ấy, các nhà khoa học đã đưa ra không ít quan niệm và định nghĩa về gia đình cũng như các kiểu loại gia đình.

Trên thế giới, nhiều người tán đồng với khái niệm xã hội gia đình, trong đó gia đình trở thành một nguyên tắc chủ chốt của tổ chức xã hội, của Levi Strauss, nhà nhân học Pháp, người đã dành nhiều thời gian để tiến hành các nghiên cứu xuyên - văn hóa về quan hệ gia đình, họ hàng... (4). Ông cho rằng, về đại thể, gia đình là một nhóm xã hội được quy định bởi ba đặc điểm thường thấy nhiều nhất: bắt nguồn từ hôn nhân; bao gồm vợ - chồng - con cái phát sinh từ sự hôn phối của đôi nam nữ (tuy rằng có thể có mặt trong gia đình những họ hàng, bà con, con nuôi, người ở, bạn bè...); các thành viên của gia đình được gắn liền với nhau bởi các ràng buộc pháp lý, các nghĩa vụ và quyền lợi có tính chất kinh tế, tôn giáo, bởi sự tổng hợp không bất biến về tình cảm, tâm lý như tình yêu, tình thương, sự kính trọng, sự sợ hãi... Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục… giữa các thành viên.

Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học, với những nhiên cứu về gia đình, thống nhất với quan điểm coi gia đình là một thiết chế xã hội cơ sở. Tác giả Trần Đình Hượu, trong một bài viết, cho rằng: “Gia đình là một thiết chế xã hội mang màu sắc dân tộc và đánh dấu tiến trình phát triển về văn hóa. Đó là một hiện tượng đặc trưng của văn hóa dân tộc... Gia đình là một thiết chế cơ sở, nằm bên cạnh các thiết chế xã hội khác như họ, làng, xóm, phường hội, dân tộc, nhà nước…” (5). Thiết chế ấy hội tụ những tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc, ẩn tàng trong những hình thức được xã hội, cộng đồng, cá nhân thừa nhận. Đó là gia phong tức nề nếp, lề thói bộc lộ sắc thái riêng của gia đình, loại gia đình mà mọi người thuộc gia đình hoặc gia tộc đều phải tuân theo trong ứng xử và giao tiếp, trong hành vi và nói năng, trong quan hệ trong và ngoài gia đình... Đó là gia giáo tức hình thức, kiểu cách giáo dục gia đình, mà cơ bản là đạo lý làm người, đạo đức, phẩm chất, nhân cách người của từng thành viên trong quan hệ trong và ngoài gia đình. Đó là gia lễ, gia pháp tức những phép tắc, những quy định, nghi thức nhằm đảm bảo trật tự kỷ cương, thứ bậc, đẳng cấp trên dưới, nhằm ngăn ngừa những vi phạm, những sai trái của thành viên gia đình đối với nền nếp, chuẩn mực, tiêu chuẩn giáo dục gia đình...

Như vậy, từ góc độ văn hóa, có thể tán đồng ý tưởng coi gia đình là một thiết chế xã hội cơ sở, đồng thời, coi văn hóa gia đình là bộ phận đặc trưng của văn hóa dân tộc. Với vị thế đó, gia đình, xét cho cùng, có vai trò điều chỉnh chức năng của các cộng đồng lớn nhỏ (thân tộc, làng xóm, nhóm xã hội, dân tộc, quốc gia...), điều tiết, chế ngự và làm hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, khiến cho từng con người, từng nhân cách có điều kiện phát triển tốt nhất trong một hệ sinh thái văn hóa gia đình, đặc biệt là trong một môi trường văn hóa gia đình mở hết sức đặc biệt.

2. Thử quan niệm về văn hóa gia đình

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, trong lý luận và thực tiễn lâu nay đã và đang tồn tại khái niệm văn hóa gia đình. Khái niệm này được định danh như là một bộ phận của hệ thống cấu trúc văn hóa, đồng thời là hệ thống của những giá trị văn hóa hình thành trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như giữa thành viên gia đình với người ngoài gia đình. Tuy nhiên, đi tìm một định nghĩa chuẩn mực về văn hóa gia đình, cho đến nay, vẫn là một vấn đề nan giải. “Một số tác giả định nghĩa văn hóa gia đình bằng cách liệt kê hàng loạt các yếu tố được coi là thuộc về văn hóa gia đình như cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau, các quan hệ đạo lý, chuẩn mực, khuôn phép trong sinh hoạt, các quan hệ tình cảm vợ chồng, việc chăm sóc giáo dục con cái, việc thờ cúng tổ tiên, quan hệ giữa gia đình với xóm giềng, bạn bè… Các tác giả khác quy văn hóa gia đình thành các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của đời sống gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải chấp nhận tuân theo và có nghĩa vụ thực hiện ...” (6). Không ít nhà khoa học coi “văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc và các khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội” (7)...

Những cách thức quan niệm trên đều bao chứa những hạt nhân hợp lý để có thể nhìn nhận về văn hóa gia đình ở Việt Nam. Trên những cơ sở đó và từ góc độ giá trị học, chúng tôi cho rằng, nhìn vào sự phát triển xã hội và thiết chế gia đình ở Việt Nam trong nhiều giai đoạn khác nhau, có thể nhận thấy, chúng ta coi văn hóa gia đình là toàn bộ những giá trị, sản phẩm, kết quả mà gia đình Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử của nó. Như vậy, có thể coi văn hóa gia đình là một hệ thống tập hợp toàn bộ những giá trị của những biểu hiện văn hóa trong mối quan hệ bên trong và bên ngoài gia đình trên các bình diện khác nhau, trong các cấp độ môi trường khác nhau. Hơn nữa, trong thực tiễn, ở một bình diện thông thường hơn, văn hóa gia đình còn cơ bản được coi là truyền thống gia đình, hay trong nhiều trường hợp còn được gọi nôm na là nếp nhà hoặc gia phong, được định nghĩa như là sự tổng hợp các thái độ, quan niệm, lý tưởng và môi trường văn hóa xã hội mà một cá nhân thừa hưởng, kế tục từ cha mẹ và ông bà tổ tiên của họ. Vì lẽ đó, trong nhận diện văn hóa gia đình, một nội dung hết sức quan trọng là nhận diện những biểu hiện văn hóa liên quan tới gia đình trên các bình diện: cấu trúc của gia đình; chức năng của gia đình; mô hình và kiểu loại gia đình; các hình thức lao động sản xuất của gia đình; đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần, tâm linh của gia đình; hệ thống ứng xử trong và ngoài gia đình; những đặc trưng của mô hình gia đình trong từng giai đoạn phát triển... Sự tổng hợp về chất của những biểu hiện văn hóa ấy tạo nên hệ giá trị và cao hơn, tạo nên diện mạo văn hóa gia đình như là yếu tố đặc trưng, đồng thời là sợi dây chi phối toàn bộ những giá trị, cũng như những biểu hiện của văn hóa gia đình trong môi trường bên trong gia đình và môi trường bên ngoài gia đình.

3. Môi trường văn hóa gia đình

Dù tồn tại ở giai đoạn nào và dưới kiểu loại mô hình nào, thì gia đình, trước hết và bao giờ cũng là một môi trường xã hội với biểu trưng cơ bản là tính văn hóa của nó. Vì thế, đi tìm hệ thống giá trị văn hóa gia đình cũng chính là cách đi tìm và khẳng định diện mạo con người, rồi con người - văn hóa, trong môi trường gia đình vốn dĩ đa dạng, phức tạp và không bền vững. Ngay từ thuở sơ khai nhất, gia đình đã là một thực thể văn hóa, một môi trường văn hóa bao hàm những mối liên hệ khăng khít (có tính chất sinh học và văn hóa, cá nhân và tập thể, tự nhiên và xã hội...) giữa các thành viên bên trong nó. Với xã hội bên ngoài, gia đình vừa thể hiện sự phản ánh của nó vừa tác động trở lại, tạo nên mối quan hệ qua lại, hữu cơ giữa “tiểu xã hội” (gia đình) và “đại xã hội” (toàn bộ xã hội). Nói cách khác, môi trường văn hóa gia đình, với hệ giá trị văn hóa thể hiện trong môi trường đó, là một hệ thống vận động, chuyển đổi, có bổ sung, có loại trừ để thích ứng với bối cảnh xã hội trong những giai đoạn khác nhau và điều kiện khác nhau. Như thế, hiển nhiên, nằm trong văn hóa xã hội có văn hóa gia đình; nằm trong môi trường văn hóa xã hội có môi trường văn hóa gia đình với hệ giá trị luôn biến động của nó. Cũng như thế, nằm trong hệ giá trị văn hóa gia đình, môi trường văn hóa gia đình có hệ giá trị văn hóa cá nhân, môi trường văn hóa cá nhân. Chuỗi liên kết môi trường văn hóa theo các cấp độ cá nhân - gia đình (gia tộc, dòng họ) - cộng đồng (làng xã, vùng miền) - quốc gia - khu vực - thế giới thể hiện mối quan hệ vừa tương tác chặt chẽ, vừa độc lập tương đối của các thiết chế trong phản ánh đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... Mỗi một thành tố trong chuỗi đó có những giá trị văn hóa vừa bao hàm những cái riêng nó có, vừa bộc lộ những cái chung trong mối liên hệ nhiều chiều. Văn hóa gia đình, và hệ giá trị của văn hóa gia đình, cũng thể hiện cả hai tính chất riêng và chung như vậy trong sự vận động theo tiến trình phát triển chung cũng như sự phát triển của riêng nó và hình thành một môi trường văn hóa gia đình đặc thù.

Như vậy, có thể coi môi trường văn hóa gia đình là toàn bộ những điều kiện tác động bên ngoài toàn bộ những giá trị, sản phẩm, kết quả... mà gia đình sáng tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử của nó. Nói cách khác, môi trường văn hóa gia đình là một hệ thống tập hợp giá trị của những biểu hiện văn hóa gắn liền với quan hệ, đời sống và sự phát triển gia đình trong lịch sử. Theo chúng tôi, việc tìm hiểu môi trường văn hóa gia đình, vừa như là nội dung vừa như là điều kiện phát triển gia đình, cần chú trọng tới hệ giá trị của văn hóa gia đình. Thực tế cho thấy, hệ giá trị của môi trường văn hóa gia đình Việt Nam, rốt cuộc, bao gồm hai loại chính: những giá trị văn hóa thể hiện qua mối quan hệ bên trong môi trường gia đình và những giá trị văn hóa thể hiện qua mối quan hệ bên ngoài môi trường gia đình. Tất nhiên, mỗi loại bao hàm những quan hệ đa dạng, phức tạp và giữa hai loại còn có những quan hệ khác không kém phần phong phú trong mối liên kết qua lại với nhau.

Môi trường văn hóa bên trong gia đình có thể được nhìn nhận qua các mô hình, kiểu loại gia đình khác nhau với những dạng thức môi trường khác nhau. Có thể thấy, kết cấu mẫu hình gia đình sẽ quyết định giá trị cộng đồng, cộng cảm giữa các thế hệ chung sống trong môi trường gia đình, ở những mức độ khác nhau. Lịch sử hình thành, phát triển gia đình đã chứng kiến và ghi nhận sự chuyển đổi nhiều mô hình, nhiều kiểu loại gia đình khác nhau với hệ thống cấu trúc và môi trường văn hóa khác nhau. Có gia đình phụ quyền, có gia đình mẫu quyền; có gia đình phụ quyền gia trưởng, lại có gia đình phụ quyền dân chủ; có gia đình hạt nhân, lại có gia đình mở rộng... Càng ngày, càng xuất hiện không ít mô hình, kiểu loại gia đình khác nữa. Mỗi một mô hình, kiểu loại gia đình lại tương ứng và phù hợp với cách thức và tính chất hôn nhân; cơ cấu thế hệ sống chung trong một mái nhà; vai trò quyết định hay không của người chủ gia đình... trong những giai đoạn phát triển xã hội khác nhau. Và như thế, rõ ràng rằng mỗi mô hình, mô thức, kiểu loại gia đình, và những vấn đề bên trong nó, tạo nên những hệ giá trị văn hóa và môi trường văn hóa gia đình không giống nhau. Trong đời sống thực tiễn ở Việt Nam xuất hiện nhiều kiểu gia đình, mà đến nay vẫn chưa có định danh chính xác. Chí ít, và thông thường, ta bắt gặp hai kiểu loại: gia đình hạt nhân (gồm bố mẹ và con cái chưa cưới vợ, cưới chồng) và gia đình mở rộng tam tứ đại đồng đường gồm nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Còn trong từng kiểu loại ấy, lại có những mẫu hình khác: gia đình hạt nhân một thế hệ (vợ chồng chưa có con hoặc không có con); gia đình hạt nhân khuyết thiếu (chỉ ông hoặc bà, bố mẹ, con cháu...); gia đình mở rộng ba, bốn thế hệ và nhiều hơn. Như thế, về kết cấu mẫu hình gia đình, có thể đưa ra khá nhiều mô hình khác nhau với độ đậm nhạt không giống nhau; mỗi mô hình gia đình lại có một mạng lưới quan hệ các thành viên khác nhau về số lượng các mối quan hệ, đồng thời cũng không đồng nhất về chất lượng mối quan hệ ứng xử trong môi trường văn hóa gia đình. Đó là những dị biệt. Nhưng, cái tương đồng, như một giá trị chung của môi trường văn hóa gia đình, chính là tính chất cộng đồng và tinh thần cộng cảm trên cơ sở huyết thống. Dù là gia đình gia trưởng hay gia đình dân chủ, gia đình đầy đủ hay gia đình khuyết thiếu, gia đình hạt nhân hay gia đình mở rộng... thì sợi chỉ xuyên suốt vẫn là quan hệ cùng huyết thống, thân thích, ruột thịt, một nhà. Môi trường văn hóa gia đình, hay giản đơn hơn, nếp nhà (gia phong, gia giáo, gia lễ...) chính là yếu tố góp phần điều chỉnh mối quan hệ ứng xử trên dưới, tôn ti, bình đẳng... ở những mức độ khác nhau, giữa các thế hệ cũng như giữa các thành viên gia đình để đảm bảo được giá trị cộng đồng, cộng cảm trong gia đình. Vấn đề môi trường văn hóa bên trong gia đình còn được nhìn nhận thông qua một loại giá trị chức năng tiêu biểu khác trong gia đình. Xét đến cùng, gia đình có một số chức năng cơ bản sau: chức năng tái sinh sản, chức năng giáo dưỡng, chức năng kinh tế, chức năng xã hội hóa, chức năng chăm sóc người cao tuổi... Những chức năng ấy hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau trong một hệ thống, biểu hiện và chi phối hoạt động của gia đình theo những mức độ và chuẩn mực vừa có tính đồng nhất, vừa có tính khác biệt trong những bối cảnh và giai đoạn khác nhau.

Môi trường văn hóa bên ngoài gia đình, đúng hơn, là quan hệ gia đình với các cộng đồng, nhóm xã hội và toàn bộ xã hội. Về mặt cấu trúc, được nhìn nhận qua mối quan hệ của hệ thống thiết chế xã hội: cá nhân - gia đình - dòng họ - làng xã - vùng miền - đất nước - khu vực - thế giới mà gia đình là một bộ phận. Vì thế, sự phát triển hay không của gia đình sẽ tác động tốt hay xấu tới cả hệ thống, nghĩa là, gia đình có vai trò tạo thành xã hội, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Về mặt chức năng, môi trường văn hóa gia đình có vai trò quan trọng trong việc góp phần hình thành môi trường văn hóa xã hội, tác động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giáo dục gia đình thực chất là một bộ phận hợp thành của giáo dục xã hội, giáo dục toàn dân. Gia đình là một môi trường văn hóa sản sinh, lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hóa lớn, nhỏ (truyền thống gia đình, dòng họ, văn hóa làng xã, vùng miền, đất nước...) từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là môi trường kinh tế (kinh tế gia đình, kinh tế hộ gia đình), một bộ phận có vai trò không nhỏ trong phát triển kinh tế đất nước theo nguyên lý dân giàu, nước mạnh. Gia đình là một môi trường tốt nhất trong việc chăm sóc trẻ em, phụ nữ, người bệnh, người già... ở phạm vi hẹp, nhưng mang tính xã hội sâu sắc. Và, gia đình no ấm, diện mạo văn hóa gia đình tốt đẹp, hạnh phúc chính là sự thể hiện một cách triệt để nhất mục tiêu của xã hội, của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một môi trường sống ấm no, hạnh phúc về vật chất, tinh thần, tâm linh của toàn dân... Gia đình, vì thế, là hạt nhân cơ bản của xã hội, và môi trường văn hóa gia đình thực sự là một bộ phận cốt lõi của môi trường văn hóa xã hội. Nhìn từ bên ngoài, có thể thấy gia đình như là một tiểu xã hội; môi trường văn hóa gia đình là ánh xạ của môi trường văn hóa xã hội ở tất cả các phương diện văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa ứng xử. Hiện tại, sự tác động mạnh của môi trường xã hội đã và đang ảnh hưởng lớn tới sự vận động của môi trường văn hóa gia đình. Kết cấu lỏng lẻo hơn, chuẩn mực truyền thống nhạt nhòa hơn... là những xu hướng có thực, cần được chú ý trong xây dựng môi trường văn hóa gia đình lành mạnh.

Như vậy, một cách sơ quát, vấn đề môi trường văn hóa gia đình đã được nhận diện qua các thành tố cấu thành nó trên các phương diện cấu trúc và chức năng: các giá trị môi trường văn hóa bên trong gia đình, các giá trị môi trường văn hóa bên ngoài gia đình, các mối quan hệ giữa chúng, vai trò của chúng đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội... Như bất cứ sự vật, hiện tượng, thiết chế xã hội nào, gia đình, và môi trường văn hóa gia đình, cũng có những chuyển đổi, biến động cho phù hợp với điều kiện và bối cảnh xã hội. Từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại, từ gia đình mở rộng sang gia đình hạt nhân, từ gia đình gia trưởng sang gia đình dân chủ... là cả một quá trình biến đổi chất sâu sắc không chỉ về cấu trúc mô hình gia đình mà còn về những chuẩn giá trị văn hóa gia đình theo hướng tiến bộ và văn minh; không chỉ về môi trường vật chất mà còn về môi trường tinh thần - tâm linh của gia đình. Như vậy, có thể thấy, gia đình là (và bao chứa) một môi trường văn hóa đặc biệt. Đặc biệt bởi nó là hạt nhân của chuỗi liên kết cá nhân - gia đình - xã hội. Đặc biệt vì nó là môi trường đầu tiên và suốt đời mà từng con người được tắm mình trong đó để hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách người. Đặc biệt vì khi nó được chú tâm bảo vệ, phát triển một cách lành mạnh, bền vững thì nó tạo điều kiện tiên quyết để hình hành và phát triển một cách lành mạnh, bền vững những môi trường rộng lớn hơn: nhóm xã hội, cộng đồng và toàn bộ xã hội. Vì thế, có thể nói, chăm lo cho môi trường văn hóa gia đình cũng chính là chăm lo cho môi trường văn hóa quốc gia, nhân loại. Và sự chăm lo một cách ưu việt nhất là lấy xây để chống, lấy xây dựng cái tốt để loại trừ cái xấu, lấy xây dựng văn hóa đạo đức gia đình để hình thành cái gốc của môi trường văn hóa gia đình. “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng” (8) là mục tiêu, đồng thời là một giải pháp cơ bản, tổng thể, không thể không tính đến trong việc xây dựng môi trường văn hóa gia đình, môi trường văn hóa quốc gia và sự nghiệp phát triển văn hóa hiện nay.

4. Văn hóa đạo đức gia đình

Cùng với môi trường văn hóa gia đình, văn hóa đạo đức gia đình là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng của văn hóa gia đình trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, mỗi xã hội đều có những hệ chuẩn mực tác động định hướng nhân cách, mà phổ quát nhất là các chuẩn mực đạo đức, pháp luật, thẩm mỹ, giao tiếp... Mỗi gia đình, tế bào xã hội, cũng có một gia phong, chuẩn mực đạo đức, luân lý, thẩm mỹ, giao tiếp... riêng, nhưng chắc chắn phải dựa trên nền tảng cái chung, phải phù hợp với hệ chuẩn mực xã hội. Trong hệ chuẩn mực đó, văn hóa đạo đức gia đình là một chuẩn mực quan trọng, là một trong những bộ phận cơ bản cấu thành nên đạo đức cộng đồng, đạo đức xã hội. Nền tảng văn hóa đạo đức cá nhân trong gia đình, nền nếp luân lý, gia phong của gia đình tốt hay xấu, đúng chuẩn hay lệch chuẩn sẽ quyết định chất lượng tốt hay không tốt của văn hóa đạo đức xã hội. Ở đây, cần phân biệt chút ít về mối quan hệ giữa luân lý và đạo đức. Luân lý vốn được hiểu là những (lý) lẽ thường trong xã hội, cộng đồng, gia đình mà con người phải theo. Có tác giả định nghĩa luân lý là “tập quy tắc hành động và giá trị vận hành với tư cách là những chuẩn mực trong một xã hội” (9). Ở ý nghĩa này, luân lý có nội hàm gần trùng khít với đạo đức. Tuy nhiên, trên thực tế, luân lý bao giờ cũng rộng hơn đạo đức, bao giờ cũng gồm và bao trùm đạo đức khi đạo đức được coi là “một tập hợp riêng biệt những quy tắc xử sự” (10). Ở Việt Nam, nhất là trong quan hệ gia đình, khái niệm luân lý và khái niệm đạo đức thường được dùng đồng nghĩa. Vậy, ở chừng mực nào đó, có thể coi văn hóa đạo đức gia đình là những quy tắc, phép tắc trong gia đình mà mỗi thành viên phải tuân theo để giữ gìn sự ổn định và phát triển gia đình, để hình thành và gia tăng các mối quan hệ trong và ngoài gia đình... Văn hóa đạo đức gia đình là một hệ thống cấu thành của nhiều bộ phận, nhiều phương diện quan hệ ứng xử và giao tiếp khác nhau của đời sống gia đình và đời sống con người, trong xã hội truyền thống và hiện đại.

Nhìn chung, trong gia đình xưa và nay hình thành ba quan hệ cơ bản, cũng là ba phương diện quan hệ ứng xử, ba lĩnh vực bộc lộ đạo lý, phép tắc gia đình: quan hệ cha con, quan hệ anh (chị) em, quan hệ vợ chồng. Các gia tộc, gia đình mở rộng, gia đình tam tứ, đại đồng đường có mối quan hệ phức tạp hơn về cả số và chất lượng của mối quan hệ. Xưa nay, về mặt đạo đức, luân lý, giao tiếp, ứng xử... trong gia đình, con người coi trọng cách thức thực hiện của từng thành viên nhằm làm cho gia đình ổn định, hòa thuận để hòa nhập vào cộng đồng, đất nước. Một trong những cách làm đạt hiệu quả là tạo ra cho gia đình một trật tự trên dưới phân minh, không xảy ra tình trạng bình đẳng thái quá, người nói không có kẻ nghe. Trật tự đó được gọi là gia lễ. Tuy nhiên, trật tự, phép tắc này, ở Việt Nam, nhất là trong thời đại hiện nay, không phải được duy trì bằng cách áp đặt, pháp trị, mà là đức trị, là quan hệ tình cảm, huyết thống. Với người Việt Nam, mà tình nghĩa nhiều khi trở nên rất quan trọng, thậm chí lấn át, thì quan hệ trên dưới, trật tự trước sau ít phân minh, rạch ròi hơn. Ở Việt Nam, người ta không nói quan hệ này, quan hệ khác mà nói tình cảm gia đình, tình cha con, tình anh em, tình chồng vợ... Con người ứng xử nghĩa tình với nhau như một bổn phận, một cách tự nhiên, không hàm ý, không đòi hỏi, không mưu cầu lợi lộc. Con người Việt Nam được coi là con người có nhân cách, có đạo đức, khi biết coi trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình (gia tộc, cộng đồng...) cao hơn sở thích, hạnh phúc cá nhân; coi cách ứng xử, tình, nghĩa, lễ phép trên dưới hơn tình cảm riêng bản thân mình. Nói tóm lại, một gia đình nề nếp là một gia đình trong đó mọi người ứng xử với nhau bằng lễ, bằng nghĩa, bằng tình; mọi người làm trọn chức năng và bổn phận riêng chung của mình sao cho cuộc sống ổn định, trên dưới thuận hòa, vừa thấu lý, vừa đạt tình, vừa trọn nghĩa. Tất cả những điều đó được hình thành từ giáo dục, bằng giáo dục, trong đó quan trọng nhất là vai trò giáo dục của cha mẹ đối với con cái, đặc biệt về mặt tu dưỡng, bồi bổ và hoàn thiện nhân cách. Từng thành viên gia đình, từng cá nhân trong gia tộc đều soi xét mình bằng những chuẩn mực đạo đức, luân lý chung của gia đình, gia tộc đó nhằm xây dựng và bảo vệ nền nếp, gia phong, tộc ước, hương ước. Cho nên, nói văn hóa đạo đức gia đình là nói cách duy trì nền nếp, luân lý ở gia đình lớn (thậm chí gia tộc) mà trong đó, mỗi cá nhân bộc lộ nhân cách của mình, được đánh giá và quy chiếu theo hệ chuẩn đạo đức của gia đình, gia tộc, cộng đồng, quốc gia... vừa có những cái riêng, bộ phận, vừa tuân thủ những cái chung, toàn bộ...

Đạo đức gia đình, một cách tổng thể, biểu hiện rõ ở gia phong, ở ý thức về gia phong của mỗi thành viên, ở sự kết hợp những ý thức ấy trong mối quan hệ giữa các thế hệ. Nếu coi gia phong như là trạng thái trật tự, là nền nếp của các quan hệ gia đình được hình thành, vận động, phát triển thành nếp nghĩ, nếp hành động, ứng xử trên cơ sở những truyền thống, tập quán, lề thói, phép tắc riêng, quy tắc nhất định nào đó, thì trong lịch sử từ trước đến nay, gia phong đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục gia đình, trong kế thừa và phát triển các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, phát huy cái tốt, gạn lọc và bài trừ cái xấu; trong tác động, giáo dục và hoàn thiện nhân cách cá nhân. Mặc dù, gia phong cũ (với ý nghĩa là nếp nhà trước kia) thường hay gắn với chữ lễ khắt khe, với tam tòng tứ đức, với gia trưởng, với phu xướng phụ tùy... song, trong tất cả những cái mà ta ngỡ là hết sức phong kiến kia cũng lại chứa đựng không ít hạt nhân hợp lý, điều hay lẽ phải, mà đến ngày nay cần phải làm theo, chí ít cũng phải xem xét bằng nhãn quan tiến bộ hơn.

Thực tiễn biến động gia đình ở Việt Nam cho thấy, ý thức giữ gìn gia phong, giữ gìn nếp nhà vẫn luôn hằn sâu trong tâm thức con người Việt Nam các thế hệ. Đó là một trong những tiền đề tốt để giữ văn hóa đạo đức gia đình ở dạng vừa phù hợp với quy chuẩn truyền thống, vừa tiếp cận được với chuẩn mực đạo đức mới, nhằm đi tới chuẩn mực đạo đức của con người mới, gia đình mới, văn hóa, văn minh. Nhìn chung, ngoài ý thức giữ gìn và bảo vệ gia phong, các biểu hiện cụ thể khác về luân lý, về ứng xử, giao tiếp như: sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau; quan niệm lá lành đùm lá rách; sự hòa thuận vợ chồng và đoàn kết giữa các thành viên; lòng khoan dung, vị tha; sự coi trọng con người không kể thân phận cao sang hay thấp hèn; sự coi trọng đồng thời và nhuần nhị cả ba mối quan hệ hiện tồn tại bên trong và bên ngoài gia đình như quan hệ huyết thống, quan hệ láng giềng, quan hệ công dân... chính là nền tảng cho một văn hóa đạo đức gia đình thực sự. Do đó, không chỉ gia đình truyền thống mà cả gia đình hiện đại đều duy trì, bảo vệ mô hình của mình chủ yếu bằng những chuẩn mực luân lý, đạo lý, đạo đức, phong tục, lễ nghi và pháp luật... Văn hóa đạo đức (kể cả ở phương diện hương ước, phong tục, lề thói lẫn phương diện pháp luật) luôn luôn có vai trò quan trọng không chỉ trong giáo dục gia đình, giữ lề thói gia đình mà còn trong việc bảo vệ gia đình khỏi những nguy cơ tan vỡ. Chính sự xa rời văn hóa đạo đức gia đình đã tạo nên sự lung lay, bất ổn, thậm chí khủng hoảng, tan vỡ gia đình. Xu hướng này, mà sự bộc lộ là ly thân, ly hôn, ngoại tình... đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Có lẽ vì thế mà gần đây, trong khi tiếp tục vươn theo những tiêu chuẩn hiện đại thì gia đình Việt Nam có xu hướng trở lại gốc gác văn hóa đạo đức phù hợp với mình. Đó là những chuẩn mực đạo lý tồn tại, hòa nhập và chi phối cuộc sống gia đình và cộng đồng trong xã hội Việt Nam từ nhiều năm nay. Đó là gia phong, gia giáo, gia lễ, gia pháp... những biểu hiện của văn hóa đạo đức gia đình. Xây dựng gia phong, gia giáo, gia lễ, gia pháp kiểu mới chính là hướng đích, đồng thời là công cụ, phương tiện để xây dựng và bảo vệ gia đình, bảo vệ những giá trị truyền thống của văn hóa gia đình với những đặc sắc riêng. Gia phong tốt thì nếp sống xã hội tốt. Muốn có gia phong tốt, tất phải có gia giáo (giáo dục gia đình) hợp lý. Gia giáo bộc lộ nhiều ở chữ lễ (quan hệ trên dưới, phép tắc ứng xử các thế hệ, cha mẹ, vợ chồng con cái...), ở đạo đức ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Đối với quan hệ ngoài gia đình, nếp nhà gắn chặt với luật nước, phép nước, việc giữ gìn nếp nhà là nền tảng để giữ gìn phép nước. Trong mối quan hệ này, sự bảo vệ gia phong, thanh danh gia tộc, dòng họ cũng như sự tôn trọng trật tự, kỷ cương đất nước biểu hiện đạo lý làm người, đạo đức gia đình cũng như nhân cách mỗi thành viên trong gia đình.

Văn hóa đạo đức gia đình Việt Nam đang đứng trước những phát triển mới, những khó khăn và những thách đổi mới. Không ít gia đình, không ít thành viên gia đình trong bối cảnh mới, đang vấp phải nguy cơ khủng hoảng, bị tha hóa, bị đảo lộn giá trị, bị phá vỡ triệt để hoặc nửa vời với nhiều biểu hiện của lối sống thuần kinh tế, của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, của sự phá vỡ đạo lý truyền thống, của ly hôn và tệ nạn xã hội ùa vào gia đình tăng cao... Trong bối cảnh mới, gia đình và đạo đức gia đình còn có nhiều biến động theo những xu thế đa dạng và phức tạp, những xu hướng truyền thống hóa và hiện đại hóa... Bản thân các vấn đề liên quan tới gia đình như gia phong, gia giáo, gia pháp... cũng như nếp sống cá nhân, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa các gia đình... cũng còn bộc lộ nhiều điều phong phú, đa dạng, nhiều giá trị cũng như nhiều lệch chuẩn. Tuy nhiên, đây là những biểu hiện bề nổi, còn thực tế, chuẩn mực văn hóa đạo đức gia đình Việt Nam vẫn giữ được gốc gác, vẫn có sự chi phối mạnh mẽ đến sự phát triển gia đình trong bối cảnh mới. Bên cạnh sự kế thừa truyền thống, phát triển những giá trị tích cực của văn hóa đạo đức gia đình truyền thống, gia đình Việt Nam đang có sự thích nghi, lựa chọn những xu hướng mới, những giá trị mới, những sắc thái văn hóa đạo đức mới... để có thể kết hợp nhuần nhuyễn cũ và mới, dân tộc và hiện đại, giá trị truyền thống và giá trị mới trong gia đình, một thiết chế xã hội vừa lớn lao, vừa nhỏ nhoi, vừa phức tạp, vừa nhạy cảm.

5. Kết luận

Trong bối cảnh mới hiện nay, sự nghiệp “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” (11) đang đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Quá trình xây dựng gia đình và văn hóa gia đình ở Việt Nam cũng đang trong tình trạng kế thừa, chuyển đổi theo hướng thích ứng, nâng cao, bổ sung và loại trừ một cách hết sức đa dạng. Hệ thống giá trị văn hóa gia đình vốn có những hằng số (giá trị cộng đồng huyết thống, vấn đề hôn nhân và tái sản sinh nòi giống, vấn đề xã hội hóa trẻ em thông qua giáo dục gia đình, vấn đề gia đình góp phần đảm bảo sự ổn định xã hội, vấn đề trân trọng những giá trị tâm linh trong và ngoài gia đình...) và những biến số (sự biến động mạnh của mô hình gia đình, sự biến đổi tỷ lệ sinh sản, sự nhạt dần của quyền uy gia trưởng, sự gia tăng của những ứng xử bình đẳng...). Nói như vậy chỉ là cách tạm phân chia cho rạch ròi, còn trong thực tiễn hàng ngày, những gì gọi là hằng số của văn hóa gia đình cũng đang trong quá trình chuyển đổi, thích ứng rộng rãi. Có những giá trị văn hóa khó biến đổi. Có những giá trị văn hóa biến đổi chậm. Có những giá trị văn hóa biến đổi nhanh hơn. Và cũng có những giá trị văn hóa bị phủ quyết bởi thực tiễn. Những biến động chóng mặt và khó lường của sự tồn tại, vận động và phát triển văn hóa gia đình trong bối cảnh mới, với không ít sự kiện, hiện tượng về những vấn đề bên trong và bên ngoài gia đình, đã minh chứng khá rõ nét nhận định này. Đây chắc chắn là những vấn đề còn thu hút sự quan tâm của không ít người trong hành trình tìm kiếm giải pháp xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam (trong đó, đặc biệt quan trọng là môi trường văn hóa gia đình Việt Nam và văn hóa đạo đức gia đình Việt Nam) trong bối cảnh mới.

_____________________

1, 8, 11. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

2, 3. Theo thuvienphapluat.vn, 12-11-2021.

4. Alfredo González-Ruibal (Hà Hữu Nga dịch), Xã hội gia đình và xã hội thân tộc - một trường hợp khảo cổ học châu Âu thời đồ sắt, katiaga - echo, kattigara-echo.blogspot.com, 21-9-2020.

5. Trần Đình Hượu, Gia đình truyền thống Việt Nam và sự chuyển đổi để thích ứng với thời đại mới, Gia đình và vấn đề giáo dục gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.79.

6, 7. Lê Ngọc Văn, Văn hóa gia đình, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 3-2011.

9, 10. Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.116, 117.

PHẠM VŨ DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

_____________________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).

;