Văn hóa gia đình và văn hóa gia đình Việt Nam là một vấn đề được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, nhiều lĩnh vực trong xã hội đã phát triển nhanh và xa hơn trước. Diện mạo đời sống xã hội đã có nhiều sự đổi thay. Và gia đình cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các giá trị văn hóa trong gia đình người Việt đang biến đổi theo hướng hiện đại cùng với xu thế phát triển của kinh tế - văn hóa - xã hội ngày nay. Bài viết đề cập đến văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống và những biến đổi của gia đình Việt Nam thời hiện đại.
Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2024 - Ảnh: baobinhthuan.com.vn
1. Gia đình, văn hóa và văn hóa gia đình
Gia đình
Từ lâu, vấn đề gia đình đã được các nhà tư tưởng, nhiều trường phái triết học đề cập dưới các giác độ khác nhau. Mỗi một học thuyết, quan điểm đều đưa ra những góc nhìn về gia đình. Nho giáo cho rằng: “Gốc của thiên hạ ở nước; gốc của nước ở nhà; gốc của nhà ở mỗi người (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân)” (1). Nho gia xưa có một câu để chỉ con đường mà người quân tử phải lấy đó làm sự phấn đấu cả đời: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu này có thể hiểu theo nghĩa: “Đầu tiên là sửa mình, sau đó là lo việc nhà, việc nước, rồi việc trong thiên hạ, sao cho tất cả đều được hài hòa, trật tự”. Thực chất thì trong sự hình dung của nhà Nho, gia đình chính là mô hình gốc của tất cả, quốc gia hay thế giới chẳng qua cũng chỉ là sự phóng chiếu, nhân bội của gia đình mà thôi. Ở phương diện này thì cách hiểu của người xưa về gia đình có phần nào đó giao cắt với cách hiểu ngày nay: gia đình, ấy chính là “tế bào gốc” của xã hội, mà cũng là “tế bào gốc” cả về mặt văn hóa.
C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng gia đình “tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển của lịch sử: hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái” (2) . Luật số 52/2014/QH13 của Quốc hội: Luật hôn nhân và gia đình, thì gia đình được định nghĩa: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau làm hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (3).
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, vào ngày 10-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Trong các bài viết hay phát biểu, Người cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Gia đình là hạt nhân của xã hội” (4).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”. Tinh thần này tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (5).
Nói một cách khác, gia đình là tập hợp của những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống, gắn bó với nhau bằng các quan hệ tình cảm, trách nhiệm, nuôi dưỡng và giáo dục. Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân, của xã hội, của quốc gia. Gia đình chính là tế bào của xã hội, tế bào có khỏe mạnh thì cơ thể xã hội mới có thể khỏe mạnh được.
Văn hóa
Văn hóa là một khái niệm với nội hàm rộng, có định nghĩa về văn hóa khác nhau, dựa trên góc độ tiếp cận hoặc chuyên ngành. Có thể hiểu cơ bản: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình” (6).
“Giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nó được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng, tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Giá trị văn hóa hướng đến thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ), từ đó bồi đắp và nâng cao bản chất Người. Giá trị văn hóa luôn ẩn tàng trong bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng, chuẩn mực văn hóa. Chính vì vậy mà văn hóa thông qua hệ giá trị của nó góp phần điều tiết xã hội” (7).
Văn hóa gia đình cũng là nền tảng của văn hóa và giá trị văn hóa, có đóng góp to lớn tạo nên diện mạo văn hóa của một dân tộc.
Văn hóa gia đình
Văn hóa gia đình, hay còn gọi là truyền thống gia đình, hay trong nhiều trường hợp còn được gọi nôm na là nếp nhà hoặc gia phong, được định nghĩa là tổng hợp các thái độ, quan niệm, lý tưởng và môi trường xã hội mà một cá nhân thừa hưởng, kế tục từ cha mẹ và ông bà tổ tiên (8).
Trong bài viết Văn hóa gia đình và gia đình văn hóa (1997), Tạ Văn Thành định nghĩa văn hóa gia đình bằng cách liệt kê hàng loạt các yếu tố được coi là thuộc về văn hóa gia đình như cách xử lý giữa các thành viên trong gia đình với nhau, các quan hệ đạo lý, chuẩn mực, được phép trong sinh hoạt, các quan hệ tình cảm vợ chồng, việc chăm sóc giáo dục con cái, việc thờ cúng tổ tiên...
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình” (9).
Văn hóa gia đình đối với xã hội không chỉ gián tiếp thông qua tác động của nó với gia đình mà còn trực tiếp tác động tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh thần, đạo đức, lối sống, kinh tế, chính trị, khoa học, thẩm mỹ… Văn hóa gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội, dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp; lưu giữ, bảo tồn các giá trị, chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của các cộng đồng trong đời sống gia đình.
Theo GS, TS Nguyễn Lân Dũng, gia đình là nơi con người Việt tìm thấy sự ấm áp, an toàn và yêu thương. Tình cảm gia đình đậm đà giúp họ có sự tự tin, sự ủng hộ tinh thần để đối mặt với khó khăn trong học tập và vượt qua thử thách trong cuộc sống. Gia đình và dòng họ hỗ trợ con người Việt Nam phát triển tính tự lập và trách nhiệm. Những phẩm chất này giúp họ biết quản lý thời gian, chủ động học hỏi, đối diện với trách nhiệm cá nhân và cộng đồng.
Đồng thời, đây cũng là nguồn gốc hình thành đạo đức và phẩm chất của con người Việt Nam. Những giá trị về lòng kiên nhẫn, lòng kiên trì, lòng nhân ái và tình người là những phẩm chất tốt đẹp được xây dựng thông qua tình yêu thương và giáo dục của gia đình.
Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là đảm bảo cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.
2. Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống
Gia đình người Việt cơ bản là tiểu gia đình phụ quyền với các chức năng cơ bản: kinh tế tự chủ, tái sản xuất sức lao động, bảo tồn nòi giống, thờ cúng, nuôi dưỡng, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, cân bằng tâm sinh lý và tình cảm.
Gia đình truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống, có thể cùng chung sống từ 3 thế hệ trở lên: ông bà - cha mẹ - con cái mà người ta quen gọi là “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”. Đây là kiểu gia đình khá phổ biến và tập trung nhiều nhất ở nông thôn, cơ sở phát sinh và tồn tại của nó xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông.
Chịu ảnh hưởng của văn hóa nông nghiệp và nếp sống nông thôn quần tụ khép kín, tự cung tự cấp. Văn hóa gia đình truyền thống là sự kết hợp nhuần nhuyễn của nếp sinh hoạt, tập quán làng xã nông thôn, tín ngưỡng tôn giáo, đạo đức xã hội... Đối với không gian văn hóa làng - xã, nền nếp của gia đình phong kiến vốn đã định hình qua nhiều thế kỷ vẫn giữ được sự bền vững. Những yếu tố mang giá trị cốt lõi của gia phong, gia lễ, gia pháp trong gia đình người Việt gần như vẫn được duy trì, bảo lưu và truyền dạy qua các thế hệ (10).
Văn hóa gia đình có thể được hiểu là một thứ “gia phong” sâu rễ, bền gốc, đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của gia đình người Việt thuở ban đầu dựng nước và giữ nước, hình thành nên những nét truyền thống quý báu, khởi nguồn cho hệ thống giá trị văn hóa, được truyền lại cho đời sau kế thừa, gìn giữ, phát huy. Minh giải bởi sắc thái “gia phong” được xác lập như những chuẩn mực mang giá trị văn hóa có cội rễ từ rất sớm này, chúng ta mới có thể góp phần lý giải cho hàng nghìn năm lịch sử về sau, người Việt vẫn giữ được nếp sống địa phương mang giá trị đạo đức với sắc thái riêng của mình, chống được tư tưởng đồng hóa và thống trị về văn hóa của các thế lực ngoại xâm phương Bắc và phương Tây (11).
Văn hóa ứng xử các thành viên trong gia đình thì hài hòa, trật tự, là những phẩm tính cần đạt đến và duy trì được trong cấu trúc và trong văn hóa gia đình. Đây cũng là giá trị thể hiện rõ trong văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống. Giữa các thế hệ đương nhiên có sự khác biệt về tuổi tác và cũng có thể có những khác biệt về nghề nghiệp, quan niệm giá trị sống, sở thích, quan niệm thẩm mỹ... Tuy nhiên, bất chấp khác biệt, hay nói đúng hơn là vượt lên trên những khác biệt như vậy, sợi dây huyết thống và tình yêu trong hôn nhân đã góp phần hình thành, duy trì những giá trị cốt lõi mà mọi thành viên trong gia đình đều có thể và cần phải tôn trọng: đó là sự “kính trên nhường dưới”, đùm bọc, chia sẻ... người trên với người dưới thì phải biết mẫu mực làm gương, đối xử vừa nghiêm khắc vừa từ ái, người dưới với người trên thì phải biết kính trọng, yêu thương.
Văn hóa thờ cúng tổ tiên, trước hết là thờ cúng tổ tiên trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình. Nó là văn hóa họ tộc/ gia đình, sau đó mở rộng ra là cả dân tộc Việt Nam; các tộc người là “anh em” với nhau, là những người “đồng bào”, tức là cùng trong một bọc, hòa lẫn một dòng máu, thờ chung một tổ tiên (Giỗ Tổ Hùng Vương).
Xây dựng truyền thống gia đình, niềm tự hào gia đình cũng là một nét văn hóa đáng lưu ý gia đình Việt Nam truyền thống và còn lưu giữ đến hiện tại. Cả gia đình thành danh, làm quan, đỗ đạt, cùng làm nghề... Cũng từ chính những gia đình truyền thống như vậy, chúng ta đã có được những tiến sĩ, danh nhân, bác sĩ, tướng quân, quân nhân, nghệ nhân... thậm chí, nhờ văn hóa kế tục niềm tự hào gia đình này mà chúng ta có những nghề truyền thống lưu truyền qua nhiều đời, nhiều thế hệ của một gia đình.
Chính văn hóa gia đình ấy đã góp phần hun đúc nên nhiều giá trị tốt đẹp của cả dân tộc ta. Những giá trị tốt đẹp ấy cần được giữ gìn và phát huy trong thời đại mới để chúng ta vẫn mãi giữ được “bản sắc văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa.
3. Văn hóa gia đình Việt Nam trong thời hiện đại
Trong bối cảnh mới của thực trạng đời sống xã hội, gắn với các không gian văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội, các thiết chế văn hóa cũng thường xuyên được sửa đổi để ứng xử phù hợp với môi trường văn hóa nhân văn của xã hội hiện tại. Giờ đây, văn hóa trong phạm vi không gian gia đình lại càng có vai trò quan trọng, giữ vị thế hạt nhân cho quá trình thực hiện hương ước, quy ước văn hóa mới gắn với chiến lược xây dựng nông thôn mới, vừa đảm trách nhiệm vụ bảo vệ những giá trị văn hóa vốn có, vừa tiếp thu những nét văn minh, hiện đại, những tinh hoa văn hóa từ nước ngoài để làm cho đời sống văn hóa gia đình, dòng họ, làng bản thêm sinh động, văn minh.
Những giá trị đúc kết từ văn hóa gia đình như lòng hiếu thảo, nhường nhịn, yêu thương, cùng với tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng trong giai đoạn hội nhập và phát triển của xã hội đã kết tinh thành “sức mạnh mềm”, góp phần tạo nên động lực xây đắp cho giá trị văn hóa quốc gia - dân tộc, hiện tại và lâu dài.
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, văn hóa gia đình đang chuyển dịch thay đổi, mà trước hết là mô hình gia đình truyền thống, gia đình tứ đại đồng đường có lẽ chỉ phù hợp tồn tại trong môi trường nông thôn ngày trước, với một đời sống kinh tế dường như khép kín và tương đối ổn định về các mối quan hệ xã hội. Còn hiện nay, chúng ta chứng kiến sự phân rã và biến mất dần của kiểu gia đình này. Hiện nay, phổ biến kiểu gia đình hạt nhân, chỉ gồm 2 thế hệ cha mẹ và con cái, hãn hữu lắm mới có kiểu gia đình 3 thế hệ (ông bà - bố mẹ - con cái).
Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh thay đổi tích cực như trên, văn hóa gia đình đang có sự mai một về giá trị.
Sự gắn kết với truyền thống như “gia phong” hay “nếp nhà” đã giảm đáng kể sức mạnh của nó. Trong xã hội Việt Nam đương đại, quan niệm sống, sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là sự giáo dục về nhân cách, lối sống cho con cái trong gia đình người Việt ở không ít nơi đã và đang dần bị phai nhạt. Thậm chí nhiều bố mẹ trẻ cho rằng, những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam không có phương hướng để lựa chọn lối sống cũng như trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội và đất nước.
Sự biến đổi của thời đại, khiến lối sống trong các gia đình người Việt đang biến đổi nhanh do các nhu cầu về mưu sinh, về kinh tế, khẳng định vị trí của mọi thành viên trong gia đình. Gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Gia đình mất đi sự kết nối vốn có, lối sống vội vã, lối sống vật chất, vị kỷ... khiến nhiều người lạc lõng, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều bố mẹ không chú trọng làm gương cho con, nhiều con cái không còn tôn trọng bố mẹ, tỷ lệ tội phạm vị thành niên gia tăng.
Văn hóa gia đình thay đổi theo bối cảnh thời đại là điều tất yếu. Quan trọng thay đổi như thế nào? Có làm mất đi các giá trị cốt lõi quý giá hay không mới là điều cần nhìn nhận. Dựa trên tình hình thực tế hiện tại, gia đình người Việt ngày nay nên kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có như hiếu đạo (thờ tự tổ tiên, ghi nhớ công ơn tổ tiên, tiền nhân...), tôn trọng sẻ chia yêu thương, tự hào về tình cảm gia đình, dòng họ, đề cao truyền thống hiếu học… và loại bỏ những tư tưởng cổ hủ, lỗi thời không còn phù hợp. Bên cạnh đó, gia đình người Việt hiện nay nên tiếp thu những giá trị tiến bộ của văn hóa phương Tây như tính dân chủ, tôn trọng tự do cá nhân, tính tự lập, sự bình đẳng... Điều dễ nhận thấy là có những giá trị văn hóa cốt lõi mà các gia đình đều nên chia sẻ và tôn trọng. Hãy bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhất từ trong ứng xử của các thành viên trong gia đình: lòng khoan dung, hành vi hòa hiếu của ông bà, cha mẹ cùng con cái trong một gia đình không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích, để phá vỡ rào cản thế hệ, phá vỡ rào cản im lặng vô cảm - một thực tế đáng buồn của xã hội hiện đại.
4. Kết luận
Văn hóa gia đình là một trong những nền tảng xây dựng nên văn hóa dân tộc Việt Nam. Dù trong quá khứ hay hiện tại, văn hóa gia đình vẫn luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong sự phát triển văn hóa, trong sự bảo tồn truyền thống dân tộc, cũng là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách con người.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024) đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, trong đó, thêm một lần khẳng định sự đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp phát triển văn hóa của Đảng những năm qua, đồng thời nêu ra 6 giải pháp thiết thực, trong đó, giải pháp thứ hai đã được nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia - dân tộc và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” (12).
___________________
1. Mạnh Tử, Tứ thơ Mạnh Tử, Tập hạ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.13.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.41.
3. Quốc hội, Luật số 52/2014/QH13 của Quốc hội: Luật hôn nhân và gia đình, ban hành ngày 19-6-2014.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 524.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.77.
6, 7. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010. tr. 232, 112.
8. GS, TS Lê Hồng Lý, Văn hóa gia đình - một giá trị cốt lõi của văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hdll.vn, 27-8-2018.
9. Bộ Văn hóa - Thông tin, Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1997, tr.18.
10. Bùi Quang Thanh, Từ gia phong trong gia đình phong kiến (trước 1945) đến gia đình người Việt đương đại, in trong Văn hóa gia đình trong xã hội đương đại (Từ Thị Loan tuyển chọn - giới thiệu), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2019, tr. 8-27.
11. Xem: Phần thứ ba Thể chế xã hội và chính trị, mục Tổ chức xã hội (tiểu mục Gia đình) và phần thứ tư Đời sống văn hóa, in trong sách Thời đại Hùng Vương (Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng), tái bản, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007, tr.120, 171.
12. Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 979, 12-2021, tr.10-11.
Ths NGUYỄN THỊ HẢO:
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024