Văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng trong khu đô thị (nghiên cứu trường hợp khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội)

Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra song song với quá trình công nghiệp hóa đã hình thành rất nhiều các khu đô thị (KĐT) hiện đại, tiện nghi đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Đô thị phát triển cũng là nơi thu hút nhiều thành phần cư dân khác nhau, dẫn tới sự đa dạng, phức tạp trong mối quan hệ giữa các cá nhân với môi trường sống, giữa từng hộ gia đình với cộng đồng cư dân, giữa các thành viên trong từng hộ gia đình. Nghiên cứu về văn hóa ứng xử của cư dân hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng môi trường văn hóa đô thị.

1. Văn hóa ứng xử trong khu đô thị

Văn hóa ứng xử được các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, xuất phát từ sự đa dạng của nội hàm khái niệm này. Nhìn chung, văn hóa ứng xử được hiểu là tổng hòa những hoạt động của con người trong những điều kiện sống nhất định, được chi phối bởi những hệ thống chuẩn mực do cộng đồng quy định. Khi những điều kiện sống thay đổi thì những giá trị chuẩn mực của văn hóa ứng xử cũng cần có sự thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện sống của con người. Văn hóa ứng xử được biểu hiện qua nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng ứng xử và được gắn với mối quan hệ của chủ thể văn hóa với môi trường xung quanh.

Đặt trong không gian sinh hoạt là KĐT, văn hóa ứng xử có vai trò quan trọng đó là: xây dựng môi trường văn hóa KĐT; điều tiết, gắn kết các mối quan hệ trong KĐT; xây dựng văn hóa cho cư dân trong KĐT. Theo đó, những biểu hiện của văn hóa ứng xử trong KĐT được xác định theo các mối quan hệ chính như: văn hóa ứng xử của cư dân với môi trường sinh hoạt hằng ngày, văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, văn hóa ứng xử của cư dân trong gia đình.

2. Thực trạng văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng trong KĐT Việt Hưng

Văn hóa ứng xử của cư dân với Ban quản lý (BQL) KĐT Việt Hưng

Hiện nay, KĐT Việt Hưng trực thuộc quản lý của UBND phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Bên cạnh sự quản lý gián tiếp của UBND phường còn có Ban quản trị vận hành chung cho toàn KĐT. Mỗi chung cư đều có Ban quản trị và Tổ trưởng Tổ dân phố riêng, do người dân tín nhiệm bầu ra. Họ đa phần đều là những cán bộ nghỉ hưu, có kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm, đứng ra đại diện cho tiếng nói và quyền lợi chung cho mọi người. Để hiểu rõ thực trạng văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng trong KĐT Việt Hưng; tác giả đã tiến hành khảo sát cư dân KĐT Việt Hưng (200 phiếu) vào năm 2019. Qua đó, cho thấy thái độ ứng xử của cư dân với BQL trong KĐT Việt Hưng được thể hiện: 67% người trả lời hài lòng, 33% người không hài lòng với BQL. Lý do mà cư dân cảm thấy chưa thực sự hài lòng là vì BQL chưa xử lý được nhanh, kịp thời các sự cố xảy ra trong tòa nhà. Đối với các gia đình trong KĐT, những việc cần đến sự giúp đỡ của BQL chủ yếu liên quan đến các vấn đề về lợi ích như: các sự cố về kỹ thuật, vệ sinh môi trường, bởi vậy chỉ khi nào cư dân phản ánh thì BQL mới đến giúp đỡ theo hình thức trực tiếp. Trung bình ở trong KĐT Việt Hưng, cứ 2 tòa chung cư với khoảng hơn 500 hộ dân thì có 7 người trong Ban quản trị, tòa nhà ít hộ dân hơn thì có 3 người trong Ban quản trị. Với số lượng cư dân lớn như vậy, việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả các công việc chung cũng tương đối khó khăn với Ban quản trị tòa nhà. Mặt khác, dù Ban quản trị là những người trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh, song, về nguyên tắc, họ vẫn phụ thuộc vào BQL vận hành tòa nhà cũng như phụ thuộc vào các cấp quản lý của UBND phường.

Ứng xử của cư dân đối với BQL không chỉ nhìn nhận ở thái độ hài lòng hay không hài lòng mà còn bộc lộ thông qua hành vi ứng xử cụ thể. Đa số cư dân đều hài lòng về BQL, nhưng đánh giá về mức độ giúp đỡ của BQL với cư dân và sự hài lòng của BQL về ứng xử của cư dân đã cho thấy mối quan hệ vẫn còn lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau. Chủ yếu các hoạt động tương tác giữa BQL và cư dân là dựa trên việc đáp ứng quyền lợi, theo quy định chứ chưa mang tính chất chủ động, tích cực.

Văn hóa ứng xử của cư dân với các tổ chức trong KĐT Việt Hưng

Các tổ chức trong KĐT tồn tại dưới hai hình thức: nhóm chính thức (Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, tổ Đảng, Tổ dân phố…) với những sinh hoạt chính quy, bài bản, mang tính định kỳ, có tổ chức (họp tổ dân phố, họp chi bộ, tổ chức ngày Tết Trung thu, hoạt động vệ sinh chung…) và nhóm phi chính thức (nhóm tuổi, nhóm sở thích, nhóm nghề) với những hoạt động chung tự phát, không đều đặn, không có tổ chức, định hướng và mục tiêu rõ ràng, thường được thực hiện bởi các nhóm không chính quy và thiếu tính định kỳ (đi bộ, chơi cầu lông, tập thể dục, tập dưỡng sinh…). Tuy nhiên, trong KĐT Việt Hưng chủ yếu tồn tại các nhóm hoạt động mang tính chính quy mà thiếu những nhóm hoạt động do người dân chủ động tổ chức.

Nghiên cứu về ứng xử của cư dân với các hội nhóm tại KĐT Việt Hưng, tác giả nhận thấy có 34% số người trả lời có tham gia vào các câu lạc bộ, hội, đoàn thể và 66% trả lời là không tham gia. Hầu hết, tham gia vào các hoạt động đó lại đa phần là những người già nghỉ hưu, họ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên mục đích tham gia vừa là đảm bảo theo quy định chung, vừa là để tìm niềm vui. Đối với những nhóm cư dân trong độ tuổi lao động, do bận rộn với công việc, chăm sóc gia đình nên rất ít tham gia vào các hội, nhóm và cũng không có nhiều nhu cầu giao lưu, kết nối với những thành viên khác trong KĐT. Trẻ con do bận rộn với việc học hành, không gian vui chơi hạn hẹp nên có rất ít nhóm chơi với nhau.

Các hoạt động chung được tổ chức trong KĐT Việt Hưng chủ yếu là những hoạt động mang tính chất chính quy, định kỳ như: họp cộng đồng dân cư (74,5%); tổ chức các ngày lễ, Tết (63,5%); hoạt động vệ sinh chung (54%); tổ chức thăm hỏi giúp đỡ (44,5%); hướng dẫn phòng cháy chữa cháy (32%); hoạt động chăm sóc sức khỏe (27,5%); tổ chức các hội thi, giao lưu (21,5%); hoạt động khác (1%). Theo 81,5% ý kiến của người dân, những hoạt động này của chung cư là thiết thực và có ý nghĩa với cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ tham gia của cư dân hầu hết là mang tính chất bắt buộc theo quy định và mức độ tham gia chưa cao: 48,0% cư dân thỉnh thoảng tham gia, 36,0% tham gia đầy đủ, còn lại là hiếm khi hoặc không bao giờ tham gia.

Mục đích người dân tham gia các hoạt động chung chủ yếu xuất phát từ nhu cầu là đóng góp ý kiến, liên quan đến các quyền lợi riêng, sau đó là vì quy định của KĐT. Chẳng hạn, họ tham gia các cuộc họp là để yêu cầu BQL xử lý việc này, đáp ứng yêu cầu kia hay phản ánh về các dịch vụ còn chưa tốt… Còn lại, các nhu cầu về giải trí, xây dựng các mối quan hệ hay nhận được sự giúp đỡ không được mọi người quan tâm nhiều. Để tổ chức các hoạt động này hiệu quả, cần đến không gian chung, nhưng trên thực tế, các không gian này trong KĐT Việt Hưng hầu như không được đầu tư đúng mức và ít có những hoạt động gắn kết cư dân. Đây cũng chính là lý do tạo nên khoảng cách khá lớn giữa các cư dân trong KĐT.

Văn hóa ứng xử giữa cư dân với cư dân trong KĐT Việt Hưng

Mối quan hệ ứng xử của cư dân với cư dân trong KĐT là mối quan hệ láng giềng, hàng xóm dựa trên yếu tố tình cảm, tôn trọng lẫn nhau. Nếu như trong xã hội nông thôn, mối quan hệ gắn kết cộng đồng được thể hiện rõ nét trong việc đề cao “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “tình làng nghĩa xóm” thì trong môi trường của KĐT có sự khác biệt. Nhìn chung, yếu tố cộng đồng trong các KĐT hiện nay bị suy giảm và mất dần tính truyền thống, sự gắn kết trong tình làng nghĩa xóm thiếu vắng dần. Đối với vấn đề ứng xử của cư dân trong KĐT Việt Hưng cũng có những biểu hiện như vậy. Trong đó, 62,5% cư dân đều bày tỏ quan điểm rằng, việc tôn trọng, giữ hòa khí với những người xung quanh là cần thiết, vì họ thường xuyên ra vào va chạm với nhau. Mặc dù hiếm khi cần sự giúp đỡ, nhưng cùng chung một không gian sinh sống, cũng nên nhìn nhau mà sống và cần giao tiếp xã giao. Mối quan hệ thường xuyên giúp đỡ của cư dân còn ít, chỉ chiếm 28,5%.

Đánh giá về mức độ hài lòng của cư dân về cách ứng xử của các gia đình hay thành viên khác trong KĐT thì kết quả thu được: 91,5% là hài lòng và 8,5% ý kiến không hài lòng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi với mức độ chỉ giao tiếp xã giao với nhau thì họ ít có cơ hội va chạm để dẫn tới việc nảy sinh những mâu thuẫn. Hằng ngày, họ còn dành thời gian cho công việc, chăm sóc con cái và gia đình nên hiếm có thời gian để giao lưu, trò chuyện và hiểu nhau hơn. Nhu cầu sống của con người trong KĐT đề cao tính riêng tư, khép kín nên họ cảm thấy hài lòng với cách sống như vậy. Việc giao lưu với hàng xóm chủ yếu thông qua những câu chuyện xã giao giữa người già hay trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến hài lòng về cách ứng xử của các thành viên khác trong KĐT, vẫn có 8,5% ý kiến chưa thực sự hài lòng. Điều này xuất phát từ sự khác biệt về đặc điểm cư dân Việt Hưng như: nguồn gốc xuất thân, độ tuổi hay quan niệm sống…

Như vậy, mối quan hệ của cư dân trong KĐT Việt Hưng hiện nay chưa có sự gắn bó mật thiết, mới chỉ dừng lại mối quan hệ xã giao, khách sáo. Tuy mỗi cá nhân đều có ý thức tôn trọng những người xung quanh và hầu hết có sự hài lòng về cách ứng xử của hàng xóm, nhưng việc chủ động giao lưu, tạo ra những tình cảm “tối lửa tắt đèn có nhau” còn rất hiếm.

Văn hóa ứng xử của cư dân trong gia đình ở KĐT Việt Hưng

Chiếm tỷ lệ cao nhất của mô hình gia đình trong KĐT Việt Hưng là kiểu gia đình hạt nhân, tức là gia đình trẻ có 2 thế hệ là vợ chồng và con cái (52%). Đa số cư dân sinh sống trong KĐT nằm trong độ tuổi lao động và còn trẻ, chiếm tỷ lệ cao từ 24-34 tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh kiểu gia đình này vẫn còn tồn tại mô hình gia đình truyền thống 3 thế hệ, có ông bà, bố mẹ và con cái (21,5%), gia đình 1 thế hệ (20,5%), gia đình không đầy đủ (3%), độc thân (3%). Một điều đáng chú ý là dù số lượng gia đình hạt nhân chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng phần lớn họ đều mong muốn nhận được sự giúp đỡ của ông bà trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái của mình. Nhiều cặp vợ chồng được bố mẹ tạo điều kiện cho ra ở riêng, nhưng họ vẫn lựa chọn ở cùng chung cư với bố mẹ. Như vậy, con cái vừa có không gian và cuộc sống tự lập, lại dễ dàng qua thăm hỏi bố mẹ, ông bà thuận tiện trong việc đỡ đần con cháu khi cần.

Trong ứng xử giữa vợ và chồng, những mâu thuẫn xảy ra thường có nguyên nhân lớn nhất là sự khác biệt trong quan điểm sống (67%), sau đó mới là các nguyên nhân như do cách nuôi dạy con cái (32%), do điều kiện kinh tế (23,5%), từ các mối quan hệ xã hội (10,5%) và nguyên nhân khác (3%). Đặc điểm thành phần cư dân trong KĐT Việt Hưng là đa số nằm trong độ tuổi lao động, trình độ học vấn cao và công việc của họ có thu nhập ổn định. Người trẻ thường có những sở thích, quan điểm, cá tính riêng nên họ luôn đề cao tự do cá nhân, vì vậy không tránh khỏi sự khác biệt và bất đồng trong lối sống. Từ sự khác biệt trong quan điểm sống dẫn tới lý do mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái. Thông thường, đối với vợ chồng trẻ, điều kiện kinh tế sẽ là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới mâu thuẫn trong gia đình, nhưng do đặc điểm nghề nghiệp của cư dân Việt Hưng tương đối ổn định, thu nhập của họ từ mức khá trở lên nên họ không bị quá áp lực về kinh tế. Thời gian đầu mới kết hôn, mọi yếu tố và các mối quan hệ xung quanh tác động tới vợ chồng trẻ chưa nhiều mà chủ yếu là sự khác biệt về cách sống. Do mỗi người đều muốn khẳng định cái tôi cá nhân, quan điểm cá nhân của mình đã dẫn tới sự bất đồng và mâu thuẫn.

Ứng xử giữa cha mẹ và con cái trong gia đình ở KĐT Việt Hưng được thể hiện rõ qua việc chăm lo cho các con, chú trọng trong việc lựa chọn trường, lớp, môi trường phát triển, nhưng cũng chú ý tới sở thích, sở trường riêng của các con. Họ cho rằng, việc đầu tư cho con mình được học hành là để phục vụ cho tương lai các con sau này chứ không vì mục đích dựa dẫm khi về già. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng luôn tôn trọng không gian riêng, sở thích riêng của con mình, nhưng điều này cũng dẫn tới nhu cầu gần gũi giữa con cái với cha mẹ không cao. Bên cạnh thời gian đi học ở trường thì khi về nhà, ngoài thời gian ăn uống sinh hoạt cùng gia đình, các con đều có phòng riêng, có thể nghe nhạc, xem phim hay lên mạng internet, miễn không ảnh hưởng tới việc học hành. Do khoảng cách về tuổi tác nên dẫn tới quan điểm sống của cha mẹ và con cái cũng xảy ra những khác biệt và mâu thuẫn (65,5%).

Ở KĐT Việt Hưng, bên cạnh số lượng lớn là gia đình hạt nhân còn có 21,5% tỷ lệ gia đình sống theo mô hình 3 thế hệ. Đa số các ông bà là những cán bộ, công nhân viên chức đã nghỉ hưu, dù không còn là trụ cột kinh tế trong gia đình, nhưng họ vẫn có khoản tiền lương hưu cùng phụ giúp con cái hoặc lo cho bản thân. Hơn thế, trình độ nhận thức của họ cũng tương đối cao nên trong quan điểm và cách sống của họ có phần hiện đại. Họ tôn trọng sở thích, lối sống riêng của con cháu mình chứ không áp đặt, nguyên tắc quá nhiều. Ngược lại, con cháu vẫn tôn trọng, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, nhưng cũng được tự do bày tỏ quan điểm sống hay quyết định những việc chi tiêu, mua sắm trong gia đình… Ông bà sống cùng với con cái luôn giúp đỡ con cháu mình trong các việc như trông nom nhà cửa, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc và đưa cháu đi học mỗi ngày.

Ngay cả những gia đình chỉ có 2 vợ chồng, nhưng họ vẫn đón ông bà ở quê lên để ông bà giúp đỡ. Tuy nhiên, do sự bận rộn trong công việc, dành thời gian quá nhiều cho học hành của các cháu cũng như việc tôn trọng sự tự do cá nhân nên đã vô tình tạo ra những khoảng cách nhất định giữa ông bà với con cháu trong gia đình.

3. Kết luận

Nhìn chung, văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng trong KĐT Việt Hưng thể hiện mặt tích cực trong việc chủ động xây dựng các mối quan hệ trên tinh thần tôn trọng tập thể, thực hiện các quy định chung của KĐT. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn được coi trọng dựa trên nền tảng gắn bó, yêu thương, vừa mang tính truyền thống lại có sự điều chỉnh phù hợp với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử của cư dân Việt Hưng vẫn có mặt hạn chế, xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách quan. Mối quan hệ của cư dân với cộng đồng, với gia đình còn thể hiện sự lỏng lẻo, xã giao, đề cao yếu tố cá nhân, thiếu tính chủ động và tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động văn hóa.

Nghiên cứu văn hóa ứng xử của cư dân trong KĐT Việt Hưng có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư, người làm quản lý và công tác xây dựng môi trường văn hóa đô thị. Bởi vậy, để nâng cao văn hóa ứng xử cần chú trọng đến các vấn đề cơ bản như sau: nâng cao nhận thức của cư dân về văn hóa ứng xử trong KĐT; phát huy vai trò của BQL đối với việc nâng cao văn hóa ứng xử của cư dân; Chú trọng vai trò của nhà đầu tư trong việc xây dựng văn hóa ứng xử; đảm bảo hiệu quả vai trò của chính quyền trong phát triển KĐT.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Bừng, Tâm lý học ứng xử, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.

2. Nguyễn Viết Chức, Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, Nxb Bộ Văn hóa - Thông tin, Viện Văn hóa, Hà Nội, 2002.

3. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, 1999.

4. Lê Như Hoa (chủ biên), Lối sống trong đời sống đô thị hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.

5. Nguyễn Thanh Tuấn, Biến đổi văn hóa đô thị Việt Nam hiện nay, Nxb Bộ Văn hóa - Thông tin, Viện Văn hóa, Hà Nội, 2000.

NGUYỄN THỊ HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;