Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình có ấm no, hạnh phúc, mới thực sự trở thành gốc rễ tạo nên một xã hội văn minh, phồn thịnh và phát triển. Nhận thức rõ vấn đề đó, trong năm 2023, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố Hải Phòng tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, phong trào đã đạt được những kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố trong năm 2024. Trong đó, các nhiệm vụ công tác gia đình và phong trào xây dựng Gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, ông Lê Văn Chương - Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hải Phòng) cho biết: “Trong nhiều năm qua, công tác gia đình luôn được chúng tôi chú trọng và tăng cường các hoạt động văn hóa thiết thực, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Nhiều phong trào quần chúng, hội thi, hội diễn... được quần chúng Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia nhân dịp các ngày 8-3, 20-10, 28-6... Đồng thời, không ngừng tuyên truyền về giá trị của một gia đình hạnh phúc đối với sự phát triển của con trẻ. Tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, công tác dân vận cũng triển khai rất hiệu quả. Bằng chứng là thống kê các vụ bạo lực gia đình đã giảm đáng kể”.
Những kết quả đáng khích lệ
Theo Báo cáo Tổng kết Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa thành phố Hải Phòng năm 2023, Sở VHTT - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình như: Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 13-2-2023 của UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hải Phòng đến năm 2026, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 100/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 2074/QĐ-TTg ngày 10-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 101/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị cơ sở triển khai, thực hiện công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hóa và các mô hình câu lạc bộ gia đình; yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, tránh hình thức, chạy theo số lượng, không hiệu quả.
Trong đó, Hải Phòng chú trọng triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác gia đình như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3); tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (tháng 6); Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (25-11); duy trì hiệu quả phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, các mô hình câu lạc bộ gia đình…
Trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được của phong trào trong nhiều năm qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo thành phố chủ động tổ chức triển khai các hoạt động của ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó có nhiều ngành, đoàn thể đã tích cực triển khai hiệu quả các nội dung phong trào thông qua việc ký kết chương trình phối hợp, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và thúc đẩy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ngày một phát triển.
Nhiều mô hình, hoạt động nhằm xây dựng và phát huy kết quả xây dựng Gia đình văn hóa được triển khai xây dựng như: Hội nghị “Biểu dương khen thưởng Gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu” của Liên đoàn Lao động thành phố; công tác vận động, tuyên truyền đoàn viên thanh niên tổ chức lễ cưới văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc của Thành Đoàn Hải Phòng; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “3 tốt (tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt)” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa trong nông dân”, “Vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” của Hội Nông dân thành phố; phong trào “Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, rèn luyện hội viên gương mẫu, gia đình hội viên cựu chiến binh văn hóa” của Hội Cựu chiến binh thành phố...
Đặc biệt là các cuộc vận động “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng phát động; các mô hình “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ nhằm giảm thiểu tiêu cực của tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài” của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng…
Việc thực hiện các chương trình, liên kết phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào, đưa các nội dung, tiêu chí Gia đình văn hóa gần hơn, cụ thể, thiết thực hơn với mỗi gia đình.
Đồng chí Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố trao tặng công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu thành phố năm 2023 - Ảnh: Đỗ Hiền
Công tác tuyên truyền các nội dung, hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa được quan tâm chỉ đạo. Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố… có nhiều phóng sự, tin, bài tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, các tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình… Báo Hải Phòng, Chuyên đề An ninh Hải Phòng tiếp tục thực hiện nhiều phóng sự, chuyên đề, tin… tuyên truyền việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên toàn thành phố. Đài Phát thanh và Truyền hình thực hiện hàng trăm tin và nhiều phóng sự tuyên truyền về việc thực hiện phong trào Gia đình văn hóa, các chương trình tọa đàm, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình cũng tiếp tục được triển khai thực hiện…
Cùng với việc thông tin tuyên truyền trên hệ thống các phương tiện thông tin truyền thống, các cấp, các ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện nội dung, tiêu chuẩn gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức: tuyên truyền cổ động trực quan trong các tháng, đợt cao điểm như: Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động Vì trẻ em; các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3..; duy trì các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, gia đình phát triển bền vững; tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn có chủ đề về gia đình; phát tờ rơi, tờ gấp về giáo dục đạo đức lối sống gia đình, bình đẳng giới…
Công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội; tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt là các đợt tuyên truyền vận động Nhân dân đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa ở các làng, tổ dân phố văn hóa.
Với việc triển khai tích cực, đồng bộ của ban chỉ đạo các cấp, các ngành và đoàn thể cùng sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo Nhân dân mà cốt lõi là ý thức tự giác xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, mỗi thành viên, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Qua tổng hợp số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo các quận, huyện, toàn thành phố năm 2023 có: 604.211/638.701 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, bằng 94,6%. Các xã, phường, thị trấn, quận, huyện đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng, động viên các gia đình. Năm 2023, có 216 gia đình được Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tuyên dương, khen thưởng (1).
Trong quá trình thực hiện phong trào, hầu hết các hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đã chủ động phát triển kinh tế, tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh công tác, học tập đạt hiệu quả, năng suất, cùng hỗ trợ nhau xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình mở rộng sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất và hiệu quả cao. Những hộ gia đình văn hóa làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu đã giúp đỡ những hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn bằng cách cho vay vốn, mua cây, con giống không lấy lãi… Sự nỗ lực cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho người lao động của các gia đình văn hóa đã đóng góp tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2024, nhiều hộ gia đình văn hóa được UBND các quận, huyện tặng giấy khen do đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh năm 2024.
Bên cạnh đó, các gia đình văn hóa luôn đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là điểm tựa vững chắc trong việc đẩy lùi từng bước các tệ nạn xã hội, góp phần phòng chống các loại tội phạm, giữ vững ổn định, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa phát triển bền vững.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa còn có đóng góp tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước của địa phương; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tiên phong trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; là những tấm gương điển hình trong việc thực hiện hiến đất mở đường, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa, các công trình công cộng. Ở nhiều địa phương các gia đình văn hóa tiêu biểu trong việc hiến đất, trả đất, giải phóng mặt bằng các dự án, đóng góp ngày công sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mặt ngõ, lắp điện chiếu sáng tại các ngõ phố, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…
Việc thực hiện xây dựng gia đình văn hóa đã dần nâng cao nhận thức của mỗi người về vai trò gia đình trong đời sống xã hội. Các hộ gia đình văn hóa đã luôn chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, gia đình nền nếp, vợ chồng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, người lớn sống mẫu mực, con cháu trong gia đình hiếu thuận, lễ phép. Đã xuất hiện nhiều tấm gương gia đình văn hóa có 3, 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận và luôn quan tâm giáo dục con cháu theo nếp nhà truyền thống. Trong các gia đình văn hóa, bạo lực gia đình được loại bỏ, thực hiện bình đẳng giới, nuôi dạy con chăm ngoan, tích cực tham gia các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa của địa phương, hưởng ứng và thực hiện gia đình, dòng họ khuyến học, hiếu học; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa góp phần giữ gìn, tôn vinh, duy trì các giá trị văn hóa gia đình truyền thống của dân tộc: kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, anh em yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động… Đồng thời, lan tỏa nhận thức đến toàn xã hội về vai trò của gia đình - là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng tặng hoa Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” năm 2023 - Ảnh: Ngô Quang Dũng
Những khó khăn, tồn tại và giải pháp trong thời gian tới
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa năm 2024 cũng còn một số hạn chế:
Công tác tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa ở một số quận, huyện có nơi còn mang tính hình thức, kinh phí cho việc khen thưởng các gia đình theo quy định gặp nhiều khó khăn, chưa động viên được các gia đình. Kết quả bình xét danh hiệu gia đình văn hóa đôi khi còn mang tính hình thức, phong trào chưa thực sự phát triển bền vững.
Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh cộng cộng, vệ sinh môi trường của nhiều gia đình chưa tốt. Tình trạng bạo lực gia đình và phụ nữ kết hôn với người nước ngoài có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống của gia đình có biểu hiện mai một, nền nếp, gia phong trong một số gia đình bị xem nhẹ, vẫn còn có những gia đình bố mẹ không gương mẫu, con cháu chưa chăm ngoan.
Ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường khiến nhiều gia đình quá chú trọng phát triển kinh tế, xem nhẹ việc giáo dục và bảo vệ các thành viên đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và thành phố về xây dựng và phát triển thành phố, xây dựng đời sống văn hóa như: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác gia đình trong tình hình mới; Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thông báo kết luận số 92-TB/TU ngày 9-7-2012 của Ban thường vụ Thành ủy sơ kết thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 18-3-2008 của Ban thường vụ Thành ủy (khóa XIII) về phát triển văn hóa Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 13-2-3023 của UBND thành phố về thực hiện thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hải Phòng đến năm 2026, định hướng đến năm 2030 (2).
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác gia đình nói chung và phong trào xây dựng Gia đình văn hóa nói riêng. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hóa và các mô hình câu lạc bộ gia đình; yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” tránh hình thức, chạy theo số lượng, không hiệu quả (3).
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, chú trọng chất lượng, thực sự tôn vinh các điển hình tiên tiến. Vận động nhân dân tham gia đăng ký xây dựng gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức. Động viên khen thưởng kịp thời những gương người tốt, việc tốt, các cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào, tránh việc bình xét công nhận danh hiệu các gia đình văn hóa chạy theo số lượng và thành tích, không đảm bảo chất lượng phong trào.
Phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, phát huy hiệu quả các mô hình đã xây dựng có kết quả tốt, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ. Liên kết, phát huy tối đa kết quả các mô hình đã triển khai có hiệu quả để phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở các địa phương, làm cho các gia đình tự nguyện, tự giác tham gia phong trào. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc xây dựng gia đình trở thành gia đình văn hóa tiêu biểu, là những hạt nhân nòng cốt để vận động các gia đình khác cùng thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình… vận động nhân dân xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ và hạnh phúc; chú trọng công tác truyền thông về vai trò của gia đình, từng bước hướng tới ngày 28-6 thực sự là ngày sum họp của mỗi gia đình Việt Nam.
NGÔ HUYỀN
_______________
1, 2, 3. Theo Báo cáo Tổng kết Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa thành phố Hải Phòng năm 2023.