Giáo dục chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên trong gia đình Hà Nội hiện nay

Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con người. Mỗi con người phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo dục trong gia đình. Trong các lứa tuổi, vị thành niên là giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của con người, có sự thay đổi mạnh mẽ cả về thể chất, tinh thần, tư duy, tình cảm, hành vi ứng xử...; là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu nhi và tuổi trưởng thành. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe vị thành niên luôn là vấn đề cần được các bậc cha mẹ quan tâm và dành nhiều thời gian cho việc này, bởi lẽ có khỏe về thể chất, con người mới vững về tinh thần, tạo niềm cảm hứng học tập, làm việc, lao động, hướng đến xây dựng một đời sống văn hóa lành mạnh.

Trẻ em có sức khỏe tốt hay không tốt phụ thuộc phần lớn vào việc chăm sóc trực tiếp của bố mẹ. Bởi lứa tuổi này, trẻ em chưa tự chăm sóc được bản thân một cách toàn diện. Lớn hơn, đến tuổi vị thành niên, khi chúng đã bắt đầu biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân thì vai trò giáo dục chăm sóc sức khỏe của gia đình đối với vị thành niên trở nên vô cùng quan trọng.

Hầu hết các gia đình có con tuổi vị thành niên ở Hà Nội đều quan tâm đến sức khỏe của con cái. Với bố mẹ, sức khỏe của con cái là quan trọng nhất. Vì vậy, việc thường xuyên nhắc nhở trẻ vị thành niên phải chú ý giữ gìn sức khỏe, cung cấp các kiến thức về cách thức tăng cường sức khỏe cho con cái là điều cần thiết.

Giáo dục vị thành niên tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe

Hầu hết các gia đình đều nhận thức được vai trò của luyện tập thể dục đối với sức khỏe của con cái. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên nói riêng và người dân nói chung ở Việt Nam hiện nay rất lười vận động, điều này rất có hại cho sức khỏe. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn. Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 bước (1).

Vì ý thức được vai trò của vận động đối với sức khỏe vị thành niên nên ngoài việc nhắc nhở bằng lời, động viên con phải tập thể dục bằng cách đi bộ, đạp xe, bơi lội, có những gia đình còn tạo điều kiện cho con tham gia các lớp, câu lạc bộ như bóng đá, gym, khiêu vũ… Trong số các hoạt động thể dục thể thao nâng cao thể lực, số đông vị thành niên lựa chọn chạy bộ. Các em thường chạy bộ vào buổi tối, trong đó có nhiều em duy trì chạy bộ thường xuyên nhờ chạy bộ cùng bố, mẹ hoặc anh chị em. Số các em chọn tập gym, khiêu vũ, bóng đá đều tham gia chủ yếu với nhóm bạn. Theo khảo sát, hầu hết các gia đình có con vị thành niên đều đánh giá cao vai trò của giáo dục chăm sóc sức khỏe cho con cái, đặc biệt là việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Bố mẹ ở các gia đình đô thị không có nhiều thời gian rảnh và con cái độ tuổi này cũng dành nhiều thời gian cho học tập nên họ ít cùng con luyện tập thể thao. Bố mẹ thường nhắc nhở, thúc giục con chủ động tập luyện. Nếu con thích vào câu lạc bộ nào đó hay tập ngoài các trung tâm, bố mẹ luôn ủng hộ và sẵn sàng cung cấp tiền cho con đi tập. Tỷ lệ trẻ vị thành niên tập ở các trung tâm không nhiều vì tốn kém về kinh phí và thời gian. Có những gia đình cũng sẵn sàng chi tiền cho con tham gia tập luyện ở các câu lạc bộ, trung tâm, nhưng trẻ lại không thích hoặc không chịu khó tập luyện. Phần lớn vị thành niên được khảo sát tỏ ra không hứng thú với việc tham gia rèn luyện thể thao ở các trung tâm và câu lạc bộ. Các em cho rằng: “Cả ngày con học ở trường rồi, các tối thứ hai, thứ ba, thứ sáu con học thêm ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đến 9h tối. Về đến nhà là mệt, con không còn sức để đến các trung tâm tập luyện” (phỏng vấn học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ). Qua việc điều tra bằng bảng hỏi đối với 282 học sinh các trường THPT ở Hà Nội năm 2019, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tỷ lệ nhất định trẻ vị thành niên không bao giờ tập luyện thể dục thể thao.

Bảng 1: Mức độ tập luyện thể dục thể thao của trẻ vị thành niên

Mặc dù đưa ra lý do không có thời gian tập luyện, nhưng theo quan sát của chúng tôi, nếu có thời gian rảnh, trẻ vị thành niên cũng ít khi tập luyện thể thao thường xuyên mà lại dành thời gian đó để cùng nhóm bạn tán ngẫu, đi ăn uống vặt hoặc sử dụng điện thoại lướt web, mặc cho bố mẹ thúc giục con luyện tập. Bên cạnh các gia đình để con chủ động tập luyện thể thao, nếu con không tập cũng không sao, có những gia đình ngoài việc nhắc nhở, còn tìm các giải pháp mạnh để “ép” con tập luyện, vì họ cho rằng “ở tuổi này ương bướng và lười lắm, nếu không “ép” thì chúng khó rèn luyện lắm” (phỏng vấn phụ huynh Trường THPT Văn Hiến). Có bố mẹ phải chủ động mua cho con xe đạp thể thao, buộc con phải đi vào buổi tối hằng ngày. Có gia đình bố mẹ phải “ép” con đi bộ cùng mình vào những buổi chiều trước giờ cơm tối. Tất nhiên, để tạo thói quen chủ động thể dục, thường xuyên thể dục cho con cái vị thành niên không phải dễ. Vì tuổi này cá tính của con cái thể hiện rất rõ, nếu không thích, chúng khó có thể tập luyện.

Bảng 2: Mức độ tập luyện thể dục thể thao của ông bà, bố mẹ vị thành niên

Thông thường, gia đình có bố mẹ chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, con cái sẽ có tinh thần, ý thức tập luyện nâng cao thể lực. Đây là hiệu quả của hình thức giáo dục bằng cách noi gương.

Có thể trong gia đình vì lý do khác nhau, ông bà bố mẹ không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, nhưng ý thức về sức khỏe rất tốt nên họ vẫn thường xuyên nhắc nhở trẻ vị thành niên phải tập luyện, giữ gìn sức khỏe. Tất nhiên vẫn có tỷ lệ nhất định 11,7% không bao giờ nhắc nhở con cái tập luyện. Số gia đình này thường do bố mẹ làm ăn kinh doanh bận hoặc ở xa nên ít nhắc nhở con cái tập luyện. Trong số đó, có những vị thành niên chủ động thể dục như đi bộ, bơi lội mà không cần bố mẹ phải nhắc nhở, nhưng cũng có nhiều em nếu bố mẹ không nhắc, con cái cũng không chú ý đến tập luyện luôn. Điều này cũng tương ứng với việc trong các gia đình được khảo sát, tỷ lệ người lớn (ông bà, cha mẹ) thỉnh thoảng và không bao giờ tập thể dục thể thao vẫn còn rất nhiều, chiếm 39%.

Bảng 3: Mức độ ông bà, bố mẹ khuyến khích nhắc nhở vị thành niên tập thể dục thể thao

Giáo dục cho vị thành niên biết cách ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ nâng cao thể trạng

Ăn uống là nhu cầu hằng ngày của con người, nhưng ăn uống khoa học để nâng cao sức khỏe con người mới là điều mà các gia đình ở đô thị hiện nay ngày càng quan tâm. Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và một trong số nguyên nhân làm cho bệnh tật ngày càng gia tăng, đặc biệt là ngày càng gia tăng ở người trẻ, đó là chế độ ăn uống không hợp lý. Với điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, các gia đình ở đô thị có điều kiện quan tâm về vấn đề ăn uống của con cái hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển của nhu cầu ăn uống nhanh, gọn của giới trẻ hiện nay là sự xuất hiện ồ ạt của các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, các quán đồ ăn vặt vỉa hè, các quán nước, trà đá vỉa hè không được kiểm soát về mặt an toàn thực phẩm... Trong khi vị thành niên lại rất thích, thậm chí có nhiều em còn “nghiện” các món ăn nhanh, nếu sử dụng thường xuyên sẽ có hại cho sức khỏe… Việc giáo dục vị thành niên phải biết ăn uống điều độ khoa học cũng trở nên khó khăn khi thời gian ở nhà của con cái và bố mẹ không nhiều.

Qua việc phỏng vấn các bậc cha mẹ có con vị thành niên ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, họ cũng không tán đồng việc để cho con mình ăn uống ở các quán đồ ăn nhanh, không đảm bảo vệ sinh. Họ thường nhắc nhở con cái không được ăn vặt, đặc biệt là ăn các đồ chiên rán vì nó ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển về thể chất. Nhiều gia đình không cho con tiền tiêu vặt để tránh việc con la cà các quán với bạn bè. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình, đặc biệt là các gia đình làm nghề kinh doanh tự do vẫn cho con tiền tiêu hằng ngày, để con tự ăn sáng, ăn quà vặt và ít kiểm soát việc ăn uống bên ngoài của con. Họ cho rằng “bây giờ chúng nó lớn rồi, không nên kiểm soát quá, mà cũng không kiểm soát nổi, nên cứ cho chúng nó tiền, chúng nó tự biết phải ăn cái gì. Nhà mình cũng nhắc con suốt rồi: đừng có ăn những đồ không tốt cho sức khỏe. Nhưng mình làm sao theo suốt chúng nó được” (phỏng vấn phụ huynh Trường THPT Việt Đức). Những gia đình ít quan tâm, theo sát con trong vấn đề ăn uống bên ngoài thường là các gia đình mà bố mẹ quá bận hoặc theo quan điểm con cái lớn rồi, cứ để cho chúng được chủ động. Nếu trẻ vị thành niên có ý thức ăn uống tốt, đảm bảo sức khỏe thì dù có thiếu sự quan tâm, nhắc nhở, giáo dục của bố mẹ chúng vẫn có thể lựa chọn cho mình những đồ ăn, thức uống hợp lý. Ở độ tuổi vị thành niên, hầu hết chúng vẫn ăn theo cảm tính, chưa biết lựa chọn các thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, cũng có những gia đình chưa chú trọng giáo dục cho con cái vị thành niên biết luyện tập thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe bản thân, nhưng bằng nhiều kênh thông tin khác nhau như giáo dục trong nhà trường, qua mạng lưới thông tin xã hội chúng cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ăn uống, sinh hoạt đều đặn, tập thể dục thể thao đối với sức khỏe của mình.

Việc sinh hoạt điều độ cũng là một cách tạo ra cuộc sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe con người. Trong các gia đình ở Hà Nội, bố mẹ cũng thường xuyên giáo dục con cái vị thành niên phải biết ăn uống, học hành, nghỉ ngơi đúng giờ, đúng mức. Và hầu hết trẻ vị thành niên đều nhận thức được việc sinh hoạt điều độ sẽ giúp cho sức khỏe tốt, nhưng việc thực hiện tiêu chí này lại không dễ dàng. Tuổi vị thành niên được coi là cái “tuổi ăn tuổi lớn”, nếu không có sự nhắc nhở của gia đình rất dễ sinh hoạt cẩu thả, thích gì làm nấy. Trong gia đình, nếu không có sự sát sao của bố mẹ, ông bà, chúng có thể ngủ cả ngày mà không cần ăn (khi được nghỉ học), chơi game cả đêm mà không cần ngủ, chát điện thoại hàng giờ mà không cần nghỉ ngơi… Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, trong các gia đình mà ông bà, bố mẹ nghiêm khắc, sát sao, giáo dục con thường xuyên thì con cái trong gia đình ở tuổi vị thành niên thường sẽ có lịch sinh hoạt điều độ, khoa học hơn. Ở những gia đình mà bố mẹ bận rộn (thường làm nghề kinh doanh tự do), con cái có lịch sinh hoạt thiếu tính nguyên tắc hơn. Đó là do việc nhắc nhở, giáo dục con cái bằng lời không bằng việc bố mẹ sát sao, cùng con thực hiện lịch sinh hoạt trong ngày. Có trẻ vị thành niên cho biết: “Bố mẹ con ra khỏi nhà rất sớm, vì bán hàng ăn sáng nên con cứ ngủ đến lúc nào dậy thì dậy, có lúc con ngủ “thâu” đến 11 giờ trưa”(phỏng vấn học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ). Nhiều phụ huynh cho rằng chúng lớn rồi tự phải biết nên làm gì và không nên làm gì, vì vậy không cần phải nhắc nhở. Vì cũng có những bậc cha mẹ đã nhắc nhở, giáo dục con nhiều lần về cách thức sinh hoạt cho khoa học, nhưng nói nhiều, con cái không nghe nên cũng nản, cuối cùng cũng không nhắc nhở nữa. Theo khoa học nghiên cứu về sức khỏe, việc ngủ sớm, đúng giờ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy vẫn còn trẻ vị thành niên thường xuyên đi ngủ muộn sau 12 giờ đêm. Ngoài lý do học muộn, các em hay chat, xem gameshow hoặc chơi trò chơi điện tử trên điện thoại. Việc này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe các em, nhưng vì đa số các em ngủ riêng phòng nên người lớn, cha mẹ không nhắc nhở con được.

Về giáo dục nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên: Gia đình chính là môi trường quan trọng trong việc phát triển cả về thể chất và tinh thần cho trẻ vị thành niên. Không những chỉ quan tâm tới sức khỏe thể chất mà ngày nay trước sự phức tạp của đời sống xã hội, áp lực của học tập, đời sống, các thành viên trong gia đình cũng cần quan tâm đến cả sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên. “Trong một báo cáo của UNICEF đã chỉ ra tỷ lệ cứ 1/7 trẻ vị thành niên (từ 10-19 tuổi) bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Những biểu hiện bao gồm lo âu, rối loạn cư xử, trầm cảm... có thể dẫn đến tổn hại về sức khỏe, cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này” (2). Cha mẹ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay đã rất ý thức về vai trò quan trọng của sức khỏe tinh thần đối với trẻ vị thành niên nên ngoài việc luôn cố gắng tạo ra môi trường sống tốt nhất có thể để con không phải chịu áp lực từ cuộc sống, từ việc học tập, họ cũng tìm cách để trang bị cho con những kiến thức cơ bản để tạo nên sức khỏe tinh thần tốt. Một phụ huynh học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ chia sẻ: “Tôi luôn nhắc con tôi phải tự biết bảo vệ chính mình trước những vấn đề phức tạp của các mối quan hệ bạn bè xung quanh, tránh những mâu thuẫn không cần thiết. Nếu có bất cứ việc gì khó xử, cần tìm người chia sẻ, bất kỳ ai cũng được, không nên giữ im lặng, nếu không con rất tổn hại về tinh thần”. Không phải cha mẹ nào cũng đủ nhận thức, sự tinh tế để giáo dục con tự biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nhiều cha mẹ chỉ nghĩ đơn giản là nuôi con ăn học được, cho chúng một đời sống vật chất tốt là đủ lắm rồi. Tuy nhiên, có những trẻ vị thành niên có đầy đủ về đời sống vật chất nhưng luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình vì không tìm được sự chia sẻ hay tự thấy áp lực học tập, gặp những rắc rối trong mối quan hệ với bạn bè, thậm chí là nạn nhân của bạo lực ngôn từ mà cha mẹ không biết. Vì vậy, giáo dục cho vị thành niên biết suy nghĩ tích cực, xây dựng lối sống lành mạnh, biết cách thoát khỏi những lo âu, áp lực chính là việc cần làm của cha mẹ trong thời đại ngày nay.

Trong một bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về giáo dục, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, chúng ta thấy rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em học sinh nói chung và vị thành niên nói riêng: “Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chúng ta còn phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt với những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần” (3).

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên

Thứ nhất, khi quan tâm đến vấn đề sức khỏe của vị thành niên cần coi trọng cả sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần; tránh tình trạng chỉ nghĩ đơn giản nhắc đến sức khỏe của vị thành niên phần lớn tập trung vào chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chúng ta cần giáo dục chăm sóc sức khỏe toàn diện cho con cái, vì tất cả các yếu tố đều quan trọng đối với con người, thể chất tốt sẽ làm cho con người có nguồn năng lượng tốt, góp phần xây dựng đời sống tinh thần tốt. Ngược lại, nếu sức khỏe tinh thần không tốt, con người dễ rơi vào các suy nghĩ tiêu cực, chán nản dẫn đến thể chất cũng suy yếu theo.

Thứ hai, muốn giáo dục tốt việc chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên, cha mẹ cần là tấm gương cho con cái trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của chính mình, của gia đình mình. Điều đó được thể hiện ở việc mỗi chúng ta cần tự biết chăm sóc sức khỏe bản thân, phải là người có sức khỏe tốt, có lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, có đời sống tinh thần phong phú. Có như vậy, việc giáo dục người khác mới có hiệu quả. Lứa tuổi vị thành niên đang có những thay đổi về tâm sinh lý, rất hay quan sát, thắc mắc và hay “phản biện”, vì vậy để thuyết phục chúng tích cực chăm sóc sức khỏe, cách tốt nhất là cha mẹ cũng cần là người đồng hành với con cái trong việc rèn luyện cả về thể chất và tinh thần.

Thứ ba, các thành viên trong gia đình cũng không nên cứng nhắc, nguyên tắc máy móc, “ép buộc” con tập luyện, theo đuổi môn thể thao mà con không thích, không có cảm hứng. Ở tuổi vị thành niên, đang trong độ tuổi dậy thì, cha mẹ, nhất là trong các gia đình ở đô thị Hà Nội luôn có “khát vọng” muốn con mình phải cao lớn, vì vậy thường có xu thế cho con tham gia bơi lội, bóng rổ, tập gym. Nếu đây là những môn thể thao con có cảm hứng thì rất tốt, song nếu ngược lại, việc tập luyện sẽ kém hiệu quả và vô tình, nó lại tạo hiệu ứng ngược, làm cho con cái chán nản, tập luyện theo kiểu đối phó, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Môn thể thao nào cũng có những ưu điểm riêng, do vậy cha mẹ hãy hướng con đến những môn thể thao phù hợp cả về sở thích và thể chất của con.

Thứ tư, cha mẹ cũng không nên có tư tưởng “đại khái”, dễ dãi quá trong việc đáp ứng sở thích ăn uống thiếu lành mạnh của con, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con cái. Vì điều kiện làm ăn, có những cha mẹ bận rộn, thiếu thời gian chăm lo vấn đề ăn uống cho gia đình, hay để cho con tự lo ăn uống, sinh hoạt, trong khi tuổi vị thành niên lại thích những món ăn nhanh, ăn vặt, đây là những món ăn nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến thể chất. Ngược lại, có những cha mẹ rất quan tâm con cái, thấy con mình gầy yếu, ăn ít nên khi thấy con đề xuất muốn ăn uống cái gì cũng chiều ngay, mặc dù đó là những đồ ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc hình thành nên thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh là quá trình lâu dài cần sự kiên trì và nghệ thuật của những bậc làm cha, làm mẹ. Vì vậy, muốn con khỏe cả về thể chất và tinh thần, không có cách nào khác, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, lắng nghe, chia sẻ với con, kiên trì giáo dục con bằng tình thương và sự nghiêm khắc.

Thứ năm, gia đình cùng với nhà trường phải kết hợp chặt chẽ trong việc giáo dục trẻ vị thành niên về chăm sóc sức khỏe. Gia đình định hướng tư duy, suy nghĩ tích cực, tạo môi trường sống tích cực, nhắc nhở con thường xuyên tạo dựng thói quen tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe. Nhà trường bằng chương trình dạy học với những môn giáo dục thể chất, các hoạt động trải nghiệm thực tế, các hoạt động ngoại khóa... tuyên truyền, giáo dục vị thành niên nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.

Gia đình là tổ ấm của mỗi con người, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, tạo ra nguồn lực phát triển xã hội. Mỗi con người khỏe mới tạo nên một xã hội khỏe. Muốn tạo nên nguồn nhân lực tốt cho xã hội thì gia đình, trường học và toàn xã hội cần phải quan tâm đến giáo dục chăm sóc sức khỏe cho mỗi cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Quan tâm, biết cách giáo dục vị thành niên tốt, chúng ta mới thêm hy vọng vào nguồn nhân lực tương lai của xã hội khỏe cả về thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, tạo động lực cho phát triển bền vững đất nước.

________________

1. Báo động xu hướng bệnh tật trẻ hóa, bachmai.gov.vn, 27-11-2019.

2. Trường Thịnh, Bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên, dantri.com.vn, 27-6-2022.

3. Mỹ Anh, Giáo dục, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dangcongsan.vn, 10-2-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Lô Cần, Quan niệm mới về giáo dục trong gia đình, Nxb Lao động xã hội, 2015.

2. Đặng Cảnh Khanh, Tội phạm vị thành niên và những phân tích xã hội học, Nxb Dân trí, 2017.

3. Nguyễn Thị Hoa, Ảnh hưởng của nhóm bạn không chính thức tiêu cực đối với hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, 2004.

4. Phan Thị Mai Hương (chủ biên), Thái độ vô cảm trong gia đình của trẻ vị thành niên, Nxb Khoa học xã hội, 2018.

5. Đặng Vũ Cảnh Linh, Vị thành niên và chính sách vị thành niên, Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội, 2003.

6. Huỳnh Văn Sơn, Những băn khoăn của tuổi vị thành niên, Nxb Giáo dục, 2007.

7. Chu Trung Thanh, Giáo dục đón đầu cho con em ở tuổi vị thành niên (12-17 tuổi), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2010.

8. Thách Ngọc Yến, Vai trò của gia đình trong giáo dục con cái nhằm hạn chế những nguy cơ trẻ em đi lang thang, Tạp chí Giáo dục, số 155, 2007, tr.10-11.

TS TRẦN THỊ THU NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;