Phát huy những chuẩn mực đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại

Trong suốt quá trình phát triển, gia đình Việt Nam đã hình thành và bồi đắp nên những quy tắc, chuẩn mực đúng đắn, tốt đẹp, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Dưới tác động mạnh mẽ của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xã hội đang có những biến đổi, do đó hệ giá trị gia đình Việt Nam cũng có nhiều biến động. Bên cạnh, việc tiếp nhận những giá trị mới, tiến bộ, phù hợp với thời đại, những giá trị đạo đức truyền thống tiếp tục được lưu truyền, giữ gìn, vun đắp và phát huy, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc, giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau, cùng hưởng thụ và chia sẻ các phúc lợi về vật chất và tinh thần.

Chuẩn mực đạo đức truyền thống là những quy tắc đạo đức điều chỉnh quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; những quy phạm về hành vi của con người trong vấn đề hôn nhân và gia đình, được hình thành, phát triển gắn liền với quá trình phát triển của gia đình truyền thống, mang tính tương đối ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những chuẩn mực mang ý nghĩa phổ biến trong gia đình bao gồm: tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ chồng - vợ; đạo hiếu trong quan hệ cha mẹ - con cái; hòa thuận trong quan hệ anh chị em. Những quy tắc đạo đức này là cơ sở để hình thành nên những hành động, ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình trở thành một khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong xã hội.

Ngày nay, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp để gìn giữ và phát huy những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII đã xác định: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội” (1). Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định rõ: Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, phải coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững.

Triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều địa phương đã chú trọng xây dựng các mô hình gia đình, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong đời sống xã hội như: xây dựng “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình thủy chung”, “Gia đình hòa thuận”, trong đó nhiều gia đình đã phấn đấu trở thành những tấm gương điển hình, tiên tiến, làm gương cho các gia đình khác noi theo; xây dựng mô hình, câu lạc bộ “Gia đình hiếu thảo”, “Gia đình hiếu thuận”, “Người cha tốt của con”, “Cha là tấm gương sáng của con”... để bồi đắp đạo hiếu, đức hy sinh của cha mẹ đối với con cái và ngược lại; tổ chức cuộc thi, mô hình, câu lạc bộ xây dựng gia đình “Ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cái hiếu thảo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, “Tuổi cao gương sáng”... nhằm củng cố và tăng cường quan hệ giữa ông bà với con cháu, nhiều gương sáng ông bà, con cháu được vinh danh, làm gương cho các gia đình khác noi theo.

Mối quan hệ anh chị em trong gia đình cũng không ngừng được vun đắp, gắn bó keo sơn, bền chặt. Mặc dù xã hội có nhiều biến đổi, nhưng sự yêu thương, hòa thuận, sẵn sàng giúp đỡ, bao bọc lẫn nhau giữa anh em ruột thịt vẫn giữ vị trí cao trong đời sống xã hội. Không ít gia đình, dù giàu có hay nghèo khó về vật chất nhưng con cái vẫn giữ trọn tình nghĩa, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người sinh sống xa gia đình, nhưng vào những dịp lễ, tết, cưới xin, ma chay, giỗ, chạp..., anh chị em lại quây quần cùng nhau gánh vác và giải quyết công việc. Không ít gia đình thiếu may mắn, bố mẹ không còn, anh chị trong gia đình đã thay thế bố mẹ, hy sinh cả bản thân, sự nghiệp của mình để lo lắng, chăm sóc cho các em và ngược lại người em cũng kính trọng, yêu quý anh chị, coi họ như tấm gương để học tập (2).

Theo kết quả nghiên cứu của PGS. Lê Ngọc Văn về biến đổi hệ giá trị gia đình Việt Nam sau 30 năm đổi mới, có 24,1% số người lựa chọn giá trị “ông bà, cha mẹ sống chung với con cháu” (3). Đây là một sự thay đổi rất lớn trong hệ giá trị của gia đình Việt Nam. Trước đây, các gia đình đều có chung một mơ ước xây dựng gia đình “tam tứ đại đồng đường”, ông bà, cha mẹ, cháu con được sống quây quần bên nhau dưới cùng một mái nhà, thế nhưng hiện nay ước mơ này không còn mang tính phổ biến nữa. Trong khi đó, chỉ báo “vợ chồng chung thủy” lại gần như được bảo lưu hoàn toàn so với truyền thống, có 96% số người được hỏi lựa chọn giá trị “vợ chồng chung thủy” (4). Điều này cho thấy, sự chung thủy luôn là giá trị được đề cao trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, trước đây, chung thủy là sự sống còn của gia đình, còn hiện nay, chung thủy là yếu tố quyết định sự tồn tại của tình yêu và chỉ có tình yêu mới có thể duy trì được hôn nhân. Sự chung thủy vợ chồng về cơ bản không còn xuất phát từ yêu cầu bảo đảm sinh tồn của gia đình mà chuyển sang sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý - tình cảm của các cá nhân.

Tình mẫu tử - Ảnh: Hà Hữu Nết

Trong xã hội hiện đại, một số giá trị đạo đức gia đình truyền thống đang có biểu hiện mai một hoặc bị biến dạng. Theo TS Lê Thị Bích Hồng: “Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp làm mọi việc trái với luân thường đạo lý. Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến” (5). Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mối quan hệ vợ chồng hiện nay, có những lúc bị biến đổi theo chiều hướng xấu, có khi chỉ còn là sự gắn kết về tiền bạc. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, ông bà với cháu, có không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo cho thế hệ tương lai và cũng có không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm, bất hiếu, bất nghĩa với ông bà, cha mẹ. Quan hệ anh em cũng nảy sinh những bất ổn, có khi chỉ vì đồng tiền, vì những lợi ích nhỏ nhoi, mà đánh mất tình nghĩa anh em ruột thịt, thậm chí có những vụ án đau lòng đã xảy ra. Những hiện tượng đó đang rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh đối với mỗi gia đình cũng như với xã hội.

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình trong xã hội hiện đại, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Chuẩn mực đạo đức của gia đình truyền thống không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc mỗi người, mỗi gia đình phấn đấu noi theo mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là tài sản tinh thần vô giá, liều thuốc vạn năng giúp mỗi người có những suy nghĩ, hành động đúng đắn, hợp lý trong công việc, cuộc sống. Vì vậy, cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống để mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhận thức đúng đắn, sâu sắc về những nét đẹp cũng như giá trị của đạo đức gia đình truyền thống đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình, giúp họ thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, rèn giũa phẩm chất đạo đức của bản thân.

Hai là, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị văn hóa gia đình tiên tiến.

Cần “gạn đục, khơi trong” những chuẩn mực đạo đức truyền thống, gìn giữ những giá trị tích cực và loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp. Cần tiếp tục vun trồng, nuôi dưỡng, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống như đức từ của cha mẹ đối với con cái, đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên; lòng chung thủy giữa vợ và chồng; sự nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau giữa anh chị em một nhà. Tuy nhiên, cần loại bỏ quan niệm trói buộc người phụ nữ theo chuẩn mực tình nghĩa, thủy chung của xã hội xưa, quy trách nhiệm gia đình thuộc về người phụ nữ, buộc họ phải chịu đựng và hy sinh vì gia đình mà không phát huy được vai trò trong xã hội. Nên tránh việc cha mẹ hay con cái tuyệt đối hóa đạo “Từ, hiếu, đức hy sinh” dẫn đến những sai lầm trong đối xử hằng ngày, cha mẹ nuông chiều con hết mức, sẽ làm cho con cái trở nên hư hỏng, chỉ biết thụ hưởng, sống thụ động, dựa dẫm, không tự lập. Hoặc ngược lại, những người con do tuyệt đối hóa đạo “hiếu” nên cha mẹ nói gì đều nghe hết, không phân biệt phải, trái, đúng sai. Khắc phục tư tưởng gia trưởng, xóa bỏ tư tưởng “quyền huynh, thế phụ”, áp đặt suy nghĩ, hành động của người già, người lớn đối với con cháu, ít lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của thế hệ trẻ, thiếu bình đẳng, tự do dân chủ trong gia đình.

Trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, cần thực hiện hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Xây dựng bầu không khí gia đình dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, yêu thương; củng cố gia phong, xây dựng gia giáo, giáo dục gia huấn cho các thế hệ trên cơ sở những giá trị đạo đức gia đình truyền thống. Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại, nhiều bận rộn, các gia đình nên cố gắng duy trì không gian sinh hoạt đầm ấm trong khoảnh khắc đời thường như mô hình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm gắn kết các thành viên gia đình

Ba là, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Xây dựng khu tập thể dân cư, làng bản văn hóa sẽ tạo môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, an toàn, thuận lợi để các gia đình đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (6), xây dựng văn hóa gia đình phải gắn kết với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa phong trào vào cuộc sống theo chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tránh tình trạng hình thức; xây dựng nếp sống văn hóa từ gia đình đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…; tạo điều kiện tối đa cho mọi người được tiếp cận các kiến thức kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế và phúc lợi xã hội; giúp các gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền chăm ngoan, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Xây dựng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, lồng ghép hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trong việc thực hiện các tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Ngày Gia đình Việt Nam với những chủ đề thiết thực. Thường xuyên nêu gương, khen thưởng những gia đình mẫu mực, đồng thời lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn, tạo dư luận trong cộng đồng, góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người cả về mặt thể chất lẫn tinh thần trong suốt cuộc đời, là nơi trao truyền những giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh hành vi của các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, gia đình có nhiều thay đổi nhưng những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp vẫn bền vững qua thời gian, là yếu tố nội sinh góp phần xây dựng gia đình trở thành tổ ấm, thành cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người. Mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhìn nhận đầy đủ về vấn đề này, chủ động kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam, đồng thời tiếp biến những giá trị tiến bộ của thời đại, tạo nền tảng vững chắc xây dựng gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 60.

2. Nguyễn Thị Ngân, Sự biến đổi của chức năng gia đình ở vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hiện nay, Đề tài cấp cơ sở, Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2013.

3, 4. Lê Ngọc Văn, Hệ giá trị gia đình Việt Nam: truyền thống và đổi mới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2017, số 11.

5. http://baovanhoa.vn

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Chính phủ, Hà Nội, 2016, tr.78.

Tác giả: Nguyễn Việt Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;