Quảng Ninh là tỉnh địa đầu phía Đông Bắc nước ta, có đồng bằng, trung du miền núi, biên giới, biển đảo, với diện tích tự nhiên trên 6.100 km2, dân số trên 1.200.000 người thuộc 22 thành phần dân tộc. Do có nhiều lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội, tỉnh trở thành cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại của địa phương trong nhiều năm qua có những phát triển vượt bậc. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm gắn nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, các chỉ tiêu, mục tiêu chương trình, kế hoạch hành động bình đẳng giới với quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới ở Uông Bí, Quảng Ninh
Ảnh: Quang Thanh
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đã triển khai thực hiện một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã nhiều nội dung công việc thiết thực, như gắn việc thực hiện các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế, xã hội với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ; tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao vai trò của phụ nữ trong tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo. Cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt nhiều phong trào, cuộc vận động góp phần tích cực nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới. Các cấp Hội phụ nữ thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách về bình đẳng giới; chủ động hơn trong tham mưu với cấp ủy về việc quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ. Nhiều mô hình về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới tiếp tục được duy trì, nhân rộng, thu hút được sự tham gia của nam giới, kịp thời can thiệp khi có bạo lực giới xảy ra. Do đó, nhận thức của hệ thống chính trị, của xã hội, của gia đình và bản thân người phụ nữ tỉnh Quảng Ninh về bình đẳng giới, về phát triển phụ nữ được nâng cao rõ rệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được được thực hiện.
Theo Báo cáo số 140/BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh, về Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 có 10/56 đồng chí là nữ, chiếm 17,85% (tăng so với nhiệm kỳ 2005-2010 là 5,61%); tỉ lệ nữ giới trong số cán bộ cấp ủy các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc tỉnh tăng 4,93%; cấp cơ sở tăng 3,5%, vượt so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 10,2%. Số lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều chiếm tỉ lệ trên 30% và so với nhiệm kỳ 2006-2011: cấp tỉnh tăng 8,86%, cấp huyện tăng 5,01%, cấp xã tăng 10,34%. Số lượng nữ công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng nhanh: năm 2011 có 327 thạc sĩ, 1 tiến sĩ; đến năm 2017, có khoảng 1.000 thạc sĩ và 25 tiến sĩ. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp hiện đạt 24%, tăng 11,5% so với thời điểm năm 2012. Từ năm 2011 đến năm 2017, nữ lao động nông thôn được đào tạo nghề chiếm 54,9%. Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh giải quyết việc làm cho 2,8 vạn lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ đạt từ 45,05 - 46,2%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám và quản lý thai trung bình hằng năm đạt 95%, … (1). Kết quả này đã cho thấy rõ nét sự cải thiện về bình đẳng giới ở Quảng Ninh: từ việc chăm sóc sức khỏe cho nữ giới đến việc khuyến khích, tạo điều kiện cho họ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, rút ngắn khoảng cách giữa giới nam và giới nữ trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, vị thế, vi trò của phụ nữ trong xã hội được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới ở tỉnh Quảng Ninh cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.
Vấn đề bao trùm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách bình đẳng giới còn nhiều bất cập, khó khăn. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, còn gặp nhiều vướng mắc. Công tác tham mưu triển khai hoạt động vì bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nhiều đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa hiệu quả; công tác thu thập, xử lý thông tin, thống kê số liệu về các lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa được đầy đủ, kịp thời. Một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu các biện pháp cụ thể để thực hiện Luật Bình đẳng giới. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế; chưa tích cực chủ động triển khai thực hiện bình đẳng giới, có tư tưởng định kiến giới, coi công tác bình đẳng giới là của phụ nữ, cho phụ nữ. Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cơ sở thường bị thay đổi về nhân sự hoặc nhân sự phải kiêm nhiệm quá nhiều việc, dẫn đến sự hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng. Mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên về giới và bình đẳng giới còn mỏng. Công tác chỉ đạo, giám sát, đánh giá của cấp ủy đảng cơ sở đối với việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu sát, chưa thường xuyên; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng vào năng lực, khả năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ. Hoạt động của Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” đôi lúc vẫn còn hạn chế, một số đơn vị chưa được thực hiện tốt việc quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ nữ. Việc bố trí cán bộ, kinh phí hoạt động cho công tác vì bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một số địa phương, sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức, cán bộ còn hạn chế về năng lực. Hàng năm, các địa phương cấp huyện, thị xã đều bố trí kinh phí nhưng rất thấp, với mức bình quân 20-50 triệu đồng/địa phương cho cả hai hoạt động (Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác bình đẳng giới). Với nguồn kinh phí này, các địa phương chủ yếu tập trung cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, các nội dung khác hầu như không có nguồn kinh phí để hoạt động, do đó có những hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Vấn đề nổi cộm tiếp theo là nhận thức chung của xã hội về bình đẳng giới chưa đồng đều, có nơi còn thấp. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiếu số còn nhiều khó khăn, chưa sâu rộng do địa hình phức tạp, hiểm trở và trình độ người dân hạn chế. Đặc thù của tỉnh Quảng Ninh với địa hình đồi núi, biển đảo, bao gồm nhiều dân tộc sinh sống, có xã chiếm tới trên 80% là người dân tộc. Tư tưởng gia trưởng, trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong nhân dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; trong khi đó, một bộ phận phụ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, ngại phấn đấu, chưa chủ động vượt khó, vươn lên.
Bên cạnh đó, có thể nói, sự bình đẳng giới trong một số lĩnh vực tuy có tiến bộ nhưng còn chậm, chỉ tiêu đạt được còn thấp. Công tác cán bộ nữ ở cấp tỉnh và một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng, tỷ lệ đạt thấp so với mục tiêu của tỉnh và quốc gia. Tình trạng chênh lệch giới tính ở các cấp học ngày càng rõ rệt và theo chiều hướng tăng, số trẻ em trai nhiều hơn số trẻ em gái. Trong cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, như tình trạng thất nghiệp, ly hôn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mại dâm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp,... tác động không nhỏ tới phụ nữ và trẻ em gái.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn trên địa bàn tỉnh còn cao. Hiện nay, tỷ lệ này ở mức cao 112 bé trai/100 bé gái do người dân khó thay đổi tư tưởng nếp nghĩ về “trọng nam khinh nữ”, thậm chí, nếp nghĩ này vẫn hằn sâu trong không ít đảng viên, cán bộ nhà nước, những người đang sinh sống ở những thành phố, thị xã... Việc một số cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên đã tác động tiêu cực đến công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Mặt khác, do đặc thù đánh bắt cá xa bờ là một trong những nghề truyền thống của địa phương, đòi hỏi lao động nặng nhọc, giữ vai trò trụ cột trong gia đình nên rất nhiều hộ cũng muốn sinh con trai để duy trì lực lượng lao động.
Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực giới chưa có xu hướng giảm, còn xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng; công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực giới chưa đạt hiệu quả. Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài qua đường biên giới với Trung Quốc trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường; các đối tượng thực hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi; lấy địa bàn Quảng Ninh để làm nơi trung chuyển, lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang bên kia biên giới. Các vụ bạo lực giới chưa có xu hướng giảm. Năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 221 vụ bạo lực giới, trong đó, hầu hết là bạo lực gia đình (194 vụ), 174 vụ có nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái, chiếm 88,6% (tăng 5,3% so với năm 2017) (2). Công tác can thiệp, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực còn lúng túng, chồng chéo, chưa hiệu quả; chưa có quy trình can thiệp và trợ giúp phù hợp thực tiễn.
Như vậy, trong những năm qua, mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách vì sự tiến bộ của phụ nữ, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách cần được giải quyết triệt để và mạnh mẽ hơn nữa.
_____________
1. UBND tỉnh Quảng Ninh, Báo cáo số 140/BC-UBND về Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 11-8-2017.
2. UBND tỉnh Quảng Ninh, Báo cáo số 28/BC-UBND về Tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh, ngày 22-2-2019.
Tác giả: Đinh Ngọc Tuyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019