• Thông tin tư liệu > Sách hay nên đọc

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN NỮ HẢI NGOẠI

Trong tác phẩm văn học, không gian nghệ thuật được xem là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, khiến tác phẩm tồn tại như một chỉnh thể. Không gian nghệ thuật thể hiện trường nhìn, chiều sâu cảm thụ cũng như quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ. Trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại, không gian nghệ thuật không chỉ phản ánh cái nhìn mang đậm chiều sâu nội cảm của các nhà văn nữ mà còn thấm đẫm những trải nghiệm thấm thía từ cuộc đời xa xứ của các tác giả. Bởi thế, trong những sáng tác ấy, không gian nghệ thuật hiện lên với những nét độc đáo, riêng biệt thông qua hai đặc tính nổi bật: tính phân hóa, khu biệt và tính cá thể hóa, tâm linh hóa trong không gian nghệ thuật. Với hai đặc tính này, không gian trong tiểu thuyết đã mở ra trường hoạt động của các nhân vật, tô đậm cho cuộc đời của những thân phận người Việt ở nước ngoài.

THẾ GIỚI QUAN CỦA KWABATA NHÌN TỪ CẢM THỨC VÔ THƯỜNG TRONG NGÀN CÁNH HẠC

Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ TK VI, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, văn hóa Nhật Bản. Hấp thu những thành tựu của tôn giáo, tín ngưỡng bản địa được hun đúc trong văn hóa, văn học truyền thống, nhà văn Yasunari Kawabata đã sáng tạo nên những tác phẩm mang đậm sắc màu tôn giáo huyền bí. Tác giả thể hiện thế giới quan một cách sâu sắc, thăng hoa trong cảm quan vô thường mà Ngàn cánh hạc là một trường hợp tiêu biểu. Cảm quan vô thường được thể hiện qua lăng kính của nhà văn về thời gian cuộc đời, số phận phù du, sức mạnh của cái đẹp. Từ đó, nội dung tác phẩm, tư tưởng của nhà văn được sáng tỏ qua thế giới quan vô thường.

NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG VĂN XUÔI

Tản văn du ký là một thể loại văn chương mới, mang lại cảm hứng cho nhiều tác giả trẻ. Đây là những câu chuyện nhỏ được ghi chép lại sau mỗi chuyến hành trình của tác giả đến vùng đất mới. Trong số những tác phẩm viết về vùng đất phương Nam nắng gió thì Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em của Anh Khang lại mang đậm tinh thần hiện đại, nhưng vẫn đầy chất lãng mạn. Người đọc tìm thấy ở những câu chuyện nhỏ ấy tình yêu quê hương, đất nước, con người sau những chuyến đi, để thấy rằng tim mỗi người là quê nhà nhỏ, là nơi để trở về.

ĐỌC LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM

Nếu coi Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh như cột mốc mở đầu của việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam một cách khoa học, có hệ thống thì đến nay, nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã đi được một chặng đường ngót 100 năm. Trên thực tế, phải đến những năm 90 của TK XX, cao trào nghiên cứu văn hóa, lịch sử văn hóa mới xuất hiện, phải kể đến các giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (1997), Trần Quốc Vượng chủ biên (1997), Chu Xuân Diên (1999), gần hơn nữa là Lịch sử văn hóa Việt Nam của Huỳnh Công Bá (2008). Hơn nữa, những công trình lịch sử văn hóa thuộc các lĩnh vực như mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc, văn học… cũng đã tích lũy được một khối lượng tri thức khoa học hệ thống, tạo điều kiện để có thể bắt tay vào biên soạn những bộ lịch sử văn hóa chuyên biệt.

CUỘC SỐNG THÔN QUÊ TRONG THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI

Vẻ đẹp thôn quê là đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, ngay cả khi đất nước bị xâm lăng thì những yếu tố ngoại lai cũng không thể thay thế được những nét đẹp đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó. Đây là thời kỳ mà những “yếu tố dung dị thay thế yếu tố xa hoa” (1). Chính vì vậy, các nhà nho Việt Nam luôn dành những cảm xúc sâu lắng về cuộc sống làng quê thôn dã. Trước Nguyễn Trãi, các thi sĩ thời Trần cũng đã có những vần thơ mộc mạc, giản dị miêu tả bức tranh phong cảnh nơi thôn quê như: Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông, Quy hứng của Nguyễn Trung Ngạn, Giang thôn tức sự của Trần Quang Triều... Dòng mạch cảm xúc đó được phát triển trong sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Đặng Huy Trứ..., trong đó, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ quốc âm đầu tiên đã khắc họa bức tranh thôn dã với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, gần gũi và quen thuộc.

NHỮNG GÓC NHÌN VỀ HIỆN THỰC CHIẾN TRANH TRONG DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH, ĐẤT TRẮNG VÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Góc tiếp cận hiện thực chiến tranh ngắn nhất là nhằm đến khung cảnh chiến trường, nơi diễn ra những cuộc giao tranh. Đó chính là hiện thực chiến trận. Khắc họa hiện thực cuộc sống diễn ra nơi chiến trường đồng nghĩa với việc các tác giả mô tả bộ mặt, tính chất của cuộc chiến một cách chân thực, sống động và trực tiếp nhất. Với ưu thế của một cấu trúc tự sự lớn, tiểu thuyết có khả năng chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực trong tính toàn vẹn, tổng thể, gần gũi và sinh động. Chính nhờ đặc trưng đó, hiện thực chiến trận trong ba tiểu thuyết Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) đã được mô tả theo đúng tinh thần thể loại: đa dạng, đa chiều, có tầm vóc, quy mô, có sức chứa về dung lượng và khả năng bao quát hiện thực.

Cái nhìn phương Tây trong Pháp du hành trình nhật ký và Đi Tây

Ngành nghiên cứu văn hóa đã ra đời vào khoảng những năm 60 của TK XX với mong muốn tìm ra mối liên hệ giữa tác phẩm với bối cảnh văn hóa, xã hội, tư tưởng hệ, quyền lực đương thời. Trong số các trường phái phê bình của nghiên cứu văn hóa, hậu thực dân chỉ ra những di hại của tư tưởng đó lên văn hóa, chính trị, xã hội thuộc địa, đồng thời phát hiện những khả năng kháng cự, tự chủ tiềm tàng ở các chủ thể văn hóa thuộc địa. Trong số các khái niệm công cụ của phê bình hậu thực dân, cái nhìn là một khái niệm quan trọng để giải mã cơ chế sản sinh ra các diễn ngôn thực dân, của nhà văn thuộc địa. Chúng tôi muốn sử dụng khái niệm này để giải mã cái nhìn phương Tây, điều cơ bản làm nên sự khác biệt giữa hai tác phẩm Pháp du hành trình nhật ký, Đi Tây của Phạm Quỳnh, Nhất Linh, hai nhà văn, nhà chính trị, văn hóa tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn đầu TK XX.