“Trở về trong giấc mơ” - những trang thư có lửa

Đất nước đã thống nhất gần 50 năm, nhưng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức nhiều thế hệ về một thời khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, có biết bao người con đã hy sinh tuổi xuân, mãi mãi không trở về. Biết bao gia đình đã mất đi người thân yêu của mình. Giờ đây, những mất mát đó phần nào được vợi đi bởi những kỷ vật chiến trường mà người thân họ đã để lại.

Trong vô vàn những câu chuyện thời chiến, có một câu chuyện cảm động về mối tình của đôi trai tài - gái sắc anh Trần Minh Tiến và chị Vũ Lưu Liên. Trước khi ra trận, anh là một cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và Đội bóng sư đoàn 308; còn chị là một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn văn công xung kích tỉnh Hà Tây. Hai người đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng, cũng như những người trẻ cùng chí hướng thời đó, họ đã lựa chọn chia xa, gác lại tình riêng để cùng góp sức, chung vai vun đắp cho “khối tình chung” - tình yêu đất nước. Và điều giúp họ khỏa lấp nỗi nhớ nhung, động viên nhau vượt qua gian khổ của chiến tranh chính là những trang nhật ký, những cánh thư chan chứa lý tưởng, niềm tin, sự lạc quan và cả niềm thương nỗi nhớ.

Giữa những ngày tháng 7 lịch sử - tháng của những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cho ra mắt cuốn sách Trở về trong giấc mơ như một sự tri ân sâu sắc đối với liệt sĩ Trần Minh Tiến và hàng triệu các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn, tập hợp từ những trang nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến viết trong khoảng thời gian anh làm nhiệm vụ huấn luyện tại Vĩnh Yên - Tam Đảo, từ tháng 11-1966 đến tháng 3-1968, ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Trước khi hành quân vào miền Nam, anh đã gửi cuốn nhật ký này về cho người yêu cất giữ.

Đối với những người chiến sĩ khi ra chiến trường, ngoài vũ khí thì trong hành trang của họ còn có cây bút, cuốn nhật ký và những lá thư, bởi đó là phương tiện liên lạc duy nhất giữa họ và gia đình, người thân ở hậu phương. Đó là những lá thư từ quê nhà gửi đến hoặc cũng là những bức thư được họ kể cho người thân yêu của mình nghe về tình hình chiến trường, và cũng gửi gắm nỗi niềm xa cách cùng một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai đất nước hòa bình thống nhất. Những bức thư ấy đã trở thành sức mạnh động viên ý chí cho không chỉ những người ở lại mà còn cả những người ra trận.  

Trong nhật ký của mình, Trần Minh Tiến đã dành nhiều trang kể về những ngày nắng cháy da, cháy thịt, những đêm mưa tầm tã, rét tái tê, đơn vị của anh, ai cũng đeo nặng, hành quân liên tục hàng trăm cây số; tới nơi tập kết cũng không được nghỉ ngơi, mà phải đào hầm hào, dựng lán trại, học tập chính trị… thậm chí còn lao vào những trận chiến giả định với nhiều tình huống ác liệt. Chính sự tôi luyện đó đã góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam những chiến sĩ và đơn vị ưu tú nhất.

Cuốn nhật ký không chỉ ghi chép về việc luyện tập gian nan vất vả, mà đối với Trần Minh Tiến, nó còn là nơi để bộc bạch tâm sự, tình cảm sâu kín nhất trong lòng. Nó cũng là người bạn tâm tình, chia sẻ với anh những nỗi niềm, tâm tư, giúp anh thêm nghị lực, sức mạnh và niềm tin để vượt lên khó khăn, gian khổ.

Cuốn sách Trở về trong giấc mơ được xuất bản lần đầu tiên năm 2005. Trong lần xuất bản này, Nhà xuất bản đã kết hợp giữa xuất bản sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in mã QR kèm theo nội dung sách 109 bức thư của người lính trẻ Trần Minh Tiến gửi Lưu Liên. Theo đó, bạn đọc có thể quét mã QR in kèm nội dung sách để đọc và cảm nhận những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ sâu sắc đầy yêu thương và trách nhiệm đối với người yêu, đối với cuộc đời, đối với Tổ quốc của người lính trẻ Trần Minh Tiến. Trước đó, vào đầu năm 2021, bà Lưu Liên đã cung cấp thông tin để Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn, giới thiệu và xuất bản tập Những lá thư tình đi qua chiến tranh với 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi Lưu Liên. Nội dung tập sách đã cho người đọc thấy một tình yêu nồng nàn, tha thiết, nhưng trong sáng và cao đẹp của những người tự nguyện hy sinh hạnh phúc riêng của mình cho Tổ quốc. Tình yêu của họ rất riêng tư, nhưng lại được đặt trong tình yêu của quê hương, đất nước.

Cuốn sách Trở về trong giấc mơ dày hơn 200 trang, gồm 5 phần với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: Vừa tạm biệt người yêu, trái tim đầy xao xuyến; Tam Đảo mùa đông rét buốt thêm một cái Tết lính xa nhà; Nhớ em buồn muốn khóc!; Khổ luyện cùng những đêm mưa rừng không ngủ; Tạm biệt miền Bắc đi B và những trang viết cuối cùng. Hầu hết các trang viết, người lính trẻ Trần Minh Tiến đều nhắc tới Lưu Liên với tình cảm yêu quý và nỗi nhớ thương da diết. Qua đó, bạn đọc có thể cảm nhận được cuộc đấu tranh nội tâm của chàng trai trẻ khi phải lựa chọn giữa một bên là khát vọng tình yêu lứa đôi, và một bên là khát vọng cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Qua từng trang sách, bạn đọc sẽ thực sự xúc động trước những trang viết cẩn thận, chỉn chu, xuất phát từ tận đáy lòng, nhằm truyền tải một thông điệp rất thiêng liêng tới người yêu. Tình cảm đó đã khiến nỗi nhớ mong, sự chờ đợi của họ ngày càng tăng lên, cũng như sự mong muốn tột cùng về ngày đất nước toàn thắng, họ sẽ được gặp nhau. Tình yêu đó đã giúp anh chiến sĩ Trần Minh Tiến có thêm nghị lực và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong những tháng ngày rèn luyện và hành quân chiến đấu. Và chính tình yêu đó đã giúp Lưu Liên có những giấc mơ kỳ lạ - rằng cô như cùng hành quân ra trận và sống chết với người mình yêu ngoài chiến trường.  

Với liệt sĩ Trần Minh Tiến, thanh xuân của anh mãi mãi ở tuổi 23, nhưng cuốn nhật ký cùng các bức thư của anh sẽ tái hiện một cách chân thực số phận, cuộc đời của những con người Việt Nam đã làm nên lịch sử và trở thành một phần của lịch sử. Những lá thư đó chắc hẳn sẽ làm thổn thức bao trái tim độc giả, sẽ là “di sản phi vật thể”, dấu ấn trí tuệ, tâm hồn, nghị lực mà các anh hùng - liệt sĩ, các cựu chiến binh để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.  

Có thể nói, qua hơn 200 trang sách, vượt lên trên những cảm xúc riêng tư của tình yêu đôi lứa, cuốn sách sẽ khơi nguồn cảm hứng, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều hy sinh, mất mát, nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc cũng như hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước của thế hệ cha anh, để vững vàng bước tiếp trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

HỒNG VÂN

;