• Thông tin tư liệu > Sách hay nên đọc

Trách nhiệm nêu gương trong tác phẩm Đạo đức cách mạng

Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong các bài nói, bài viết của mình, Người sử dụng từ nêu gương, làm gương với tần suất rất cao. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng công việc này của mọi tổ chức, lực lượng cách mạng, cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Tháng 12 - 1958, trước tình hình mới của cách mạng, với bút danh Trần Lực, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng. Đây là tác phẩm đầu tiên, duy nhất trình bày một cách hệ thống, hoàn chỉnh, bao quát những vấn đề cơ bản của Người về đạo đức cách mạng. Trong đó, Người rất coi trọng, đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Lời độc thoại với việc xây dựng không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Lời độc thoại là một hình thức ngôn ngữ được sử dụng với tần số cao trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Mang tính tự do cao của một ý nghĩ nên lời độc thoại góp phần quan trọng giúp xây dựng không gian nghệ thuật trong tác phẩm của nữ tác giả. Cùng với không gian hiện thực thường thấy, lời độc thoại là nhân tố góp phần tạo nên sự đa dạng với kiểu không gian tâm lý. Bên cạnh đó, đây cũng là phương tiện hữu hiệu để tác giả xây dựng một không gian luôn có sự mở rộng và xáo trộn thông qua khả năng liên tưởng linh hoạt của ý nghĩ nội tâm.

Biên niên ký chim vặn dây cót thế giới thực và ảo

Biên niên ký chim vặn dây cót là tác phẩm nổi tiếng của Haruki Murakami. Tiểu thuyết này được xuất bản ở Nhật Bản năm 1996, ở Việt Nam năm 2006 qua bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn giới phê bình khó tính mà còn rất nhiều tầng lớp bạn đọc ở các quốc gia khác nhau. Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc, ngoài khối lượng chữ đồ sộ còn ẩn chứa trong mình sự khó hiểu điển hình của một tiểu thuyết hiện đại có chất lượng. Đọc, cảm nhận tác phẩm, người thưởng thức phải vứt bỏ mọi giáo điều, định kiến; những gì bạn tin là đúng, cho là có trong cuộc sống thực lại không thể áp dụng hay là cơ sở để bạn hiểu tác phẩm này, bởi đó là một thế giới thực, ảo đan xen.

Bi kịch gia đình trong truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Vũ Thị Huyền Trang là cây bút trẻ, khá thành công trong thể loại truyện ngắn những năm gần đây. Các tác phẩm của chị luôn thể hiện cái nhìn đồng cảm đối với những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Trong đó, mảng truyện ngắn viết về đề tài hôn nhân, gia đình được đánh giá là thành công hơn cả. Truyện của chị đôi khi chỉ là những lát cắt vụn vặt trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tất cả những tình huống mà con người có thể dễ dàng chứng kiến ở bên ngoài xã hội. Song, Huyền Trang lại khéo léo tái tạo, nhào nặn nên một thế giới nghệ thuật gần gũi, mang đậm triết lý nhân sinh.

Xung quanh hành trình Đường về với mẹ chữ của Vi Hồng

Trong số các tác giả có tên tuổi của nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Vi Hồng là một cây bút tiêu biểu của núi rừng Việt Bắc. Với Vi Hồng, sáng tác trước hết là để chia sẻ tâm tư, tình cảm với mọi người, “quyết định trốn vào lâu đài văn chương, nghiên cứu và sáng tác một cách miệt mài trong lâu đài văn chương và giữa biển cả khổ đau có gào thét cũng chẳng nghe thấy được…”, sau là để góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa Tày, làm cho diện mạo văn học dân tộc Tày nói riêng và văn học dân tộc thiểu số nói chung trở nên phong phú, đa dạng. Có thể thấy, bên cạnh sự thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết (16 tiểu thuyết), nhà văn còn quan tâm đến thể loại truyện ngắn (12 truyện ngắn). Đặc biệt, ông có những sáng tác dành riêng cho thiếu nhi, trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm Đường về với mẹ chữ (1994), giải A Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nxb Kim Đồng (1996 - 1997).

Cốt truyện phiêu lưu trong Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup

Văn học Ấn Độ có lịch sử trường tồn hơn 3.000 năm với những đỉnh cao chói lọi, từ cổ đại (bắt đầu từ 1.000 năm trước CN) đến hiện đại (nửa đầu TK XX), nổi bật nhất là Rabinranath Tagore với giải Nobel năm 1913. Tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột là tác phẩm đã đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá, đưa tên tuổi của Vikas Swarup, một tác giả văn học đương đại Ấn Độ vượt ra khỏi biên giới đất Ấn. Góp phần không nhỏ làm nên sức hấp dẫn, thành công của thiên tiểu thuyết Ấn Độ này chính là kiểu cốt truyện phiêu lưu. Dựa trên quan niệm của IU. M. Lotman (một đại diện tiêu biểu cho trường phái cấu trúc Nga) về đặc trưng của kiểu cốt truyện phiêu lưu, bài viết nghiên cứu cốt truyện của Triệu phú khu ổ chuột từ ba yếu tố: không gian phiêu lưu, biến cố, nhân vật phiêu lưu, trên cơ sở đó, khẳng định những sáng tạo, cách tân độc đáo của Vikas Swarup.

Nỗi buồn của chiến tranh hay mỹ học của nỗi buồn

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh viết về một đề tài đã quen thuộc - đề tài chiến tranh. Cái mới ở tiểu thuyết này được dồn tụ trong cái nhìn và cảm hứng bi kịch, mặc dù mới chỉ là thử nghiệm ban đầu nhưng đã đạt được thành công trong kỹ thuật dòng ý thức. Cái bi và cảm hứng bi kịch trở thành vấn đề được giới nghiên cứu quan tâm, trong đó tập trung xác lập hệ thống lý luận về cái bi cũng như biểu hiện của nó trong văn học. Tuy nhiên, nghiên cứu cái bi trong Nỗi buồn chiến tranh vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Vì vậy, từ góc nhìn mỹ học, nghiên cứu này góp thêm một hướng tiếp cận Nỗi buồn chiến tranh, cũng như tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Cái nhìn phương Tây trong Pháp du hành trình nhật ký và Đi Tây

Ngành nghiên cứu văn hóa đã ra đời vào khoảng những năm 60 của TK XX với mong muốn tìm ra mối liên hệ giữa tác phẩm với bối cảnh văn hóa, xã hội, tư tưởng hệ, quyền lực đương thời. Trong số các trường phái phê bình của nghiên cứu văn hóa, hậu thực dân chỉ ra những di hại của tư tưởng đó lên văn hóa, chính trị, xã hội thuộc địa, đồng thời phát hiện những khả năng kháng cự, tự chủ tiềm tàng ở các chủ thể văn hóa thuộc địa. Trong số các khái niệm công cụ của phê bình hậu thực dân, cái nhìn là một khái niệm quan trọng để giải mã cơ chế sản sinh ra các diễn ngôn thực dân, của nhà văn thuộc địa. Chúng tôi muốn sử dụng khái niệm này để giải mã cái nhìn phương Tây, điều cơ bản làm nên sự khác biệt giữa hai tác phẩm Pháp du hành trình nhật ký, Đi Tây của Phạm Quỳnh, Nhất Linh, hai nhà văn, nhà chính trị, văn hóa tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn đầu TK XX.

THÔNG ĐIỆP VĂN HÓA QUA BÃO TÁP TRIỀU TRẦN

Sự thay đổi hệ hình tư duy, quan điểm triết, mỹ học trong không gian thế giới phẳng những thập niên cuối TK XX, đầu TK XXI đã mở đường cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam phát triển đa hướng. Không còn những ngôi đền thiêng mà nhà tiểu thuyết chỉ có thể ngưỡng vọng, chiêm bái. Tất cả đã trở thành chất liệu sống động để tác giả kiến tạo nên thế giới riêng theo quy luật của các giá trị nhân văn. Đặc tính linh hoạt, mềm dẻo trong phẩm chất mở, sự tự do bất tận của tư duy tiểu thuyết làm cho họ khó lòng phân chia, gọi tên, xếp hạng đối với thể tài này. Các nỗ lực như thế, khi cần, đều phải dựa vào một tiêu chí có tính tiên quyết đó là thông điệp tác phẩm, tư duy thể loại. Chúng tôi khai triển quan điểm trên để kiến giải những điểm khả thủ trong bộ trường thiên tiểu thuyết Bão táp triều Trần của tác giả Hoàng Quốc Hải.

TIỂU THUYẾT KIẾP NGƯỜI 3 - LẠNH NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THI PHÁP THỂ LOẠI

Từ năm 1986, công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước đã tạo bước ngoặt trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… Văn học cũng bước sang một giai đoạn mới với những khởi sắc đầy hứa hẹn. Quan niệm, tư duy nghệ thuật có sự đổi mới khiến cho thi pháp thể loại trong sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ cũng chuyển mình theo. Trong đời sống văn học, tiểu thuyết từ thời điểm đầu đổi mới đến nay là một chặng đường đủ dài để khẳng định vị thế, vai trò của nó trong tiến trình văn học Việt Nam.

CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG LINH SƠN CỦA CAO HÀNH KIỆN

Sinh năm 1940, thời kỳ cuộc chiến tranh Trung - Nhật diễn ra khắc nghiệt, Cao Hành Kiện đã có những trải nghiệm tuổi thơ đầy ám ảnh. Chiến tranh kết thúc, tưởng rằng mọi thứ sẽ trở nên tươi sáng, nhưng thời điểm Trung Hoa bước ra khỏi cái bóng đè của Nhật lại là khởi đầu của một giai đoạn mới không kém phần bi thương. Một Trung Hoa đổ vỡ phải gây dựng, chấn chỉnh, để rồi sau đó, tiếp tục chìm đắm trong cuộc biến thiên dữ dội: đại cách mạng văn hóa (1966-1976). Quá khứ đau thương, khổ nhục của bản thân cùng những ký ức về lỗi lầm kinh hoàng của dân tộc đã tạo nên cảm thức cô đơn - nét đặc trưng thẩm mỹ nổi bật trong sáng tác Cao Hành Kiện.

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG NGÀN CÁNH HẠC CỦA YASUNARI KAWABATA

Tiếp thu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân tộc, học hỏi kỹ thuật biểu hiện của phương Tây hiện đại, tác giả Yasunari Kawabata đã vận dụng tài tình vào trong tác phẩm văn học, đem lại những thành công nhất định. Cảm thức về thời gian được sử dụng nhằm khai thác chiều sâu tâm lý trong dòng chảy ý thức của nhân vật. Trong Ngàn cánh hạc, cảm thức này thể hiện đặc trưng qua thời quy hồi, đảo lộn hoặc dung hợp. Với cách xử lý thời gian tinh tế, khác biệt, ông đã làm nên một thế giới nội tâm dồn nén cực độ, thăng hoa muôn vẻ của tình yêu giữa lòng nhân sinh. Từ đó, có thể thấy được kỹ thuật viết văn độc đáo, điêu luyện, góp phần vào thành công rực rỡ của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.