• Thông tin tư liệu > Sách hay nên đọc

CỌ XÁT MÔ THỨC VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT THẦN THÁNH VÀ BƯƠM BƯỚM

Viết về đề tài nông thôn đương đại, những năm 90 TK XX, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng đã đánh dấu sự khởi sắc; các tác giả đã mạnh dạn lật xới những vùng mảng còn khuất lấp của hiện thực làng xã Bắc Bộ thời hậu chiến. Tiểu thuyết viết về nông thôn ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong sứ mệnh cách tân lối viết cũng như khai thác hiện thực đời sống. Đỗ Minh Tuấn phản ánh hiện thực nông thôn qua những xung đột văn hóa, dùng ngòi bút hiện thực để phơi bày sự hỗn độn, chằng chịt mâu thuẫn trong lòng xã hội nông thôn thời hội nhập. Trần Đình Sử từng nhận định: “Thần thánh và bươm bướm không chỉ là tiểu thuyết về người nông dân, nông thôn Việt Nam trong thời buổi kinh tế thị trường, về khát vọng, tâm tư của họ, số phận của họ, mà chủ yếu, còn là tiểu thuyết về văn hóa Việt Nam, tâm thức Việt Nam” (1). Sự quyết liệt của Đỗ Minh Tuấn khi khai thác hiện thực thể hiện qua những cọ xát, đụng độ về mô thức văn hóa.

Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THỊ THU HUỆ VÀ TRÌ LỢI

Ý thức nữ quyền, còn gọi là chủ nghĩa nữ quyền, bắt nguồn từ phương Tây, là một hệ thống tư tưởng, ngôn luận xã hội và hành vi chính trị nhằm đòi hỏi quyền, lợi ích bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, thể hiện tinh thần tự chủ của người phụ nữ. Nguyễn Thị Thu Huệ và Trì Lợi, hai nhà văn nữ tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam và Trung Quốc thời hiện đại, đã chú trọng mô tả lối sống, tâm lý và số phận của người phụ nữ. Hậu thiên đường và Cuộc sống show là hai tác phẩm tiêu biểu của hai nhà văn này. Tìm hiểu ý thức nữ quyền được ẩn giấu trong hai tác phẩm trên giúp chúng ta hiểu được địa vị xã hội của người phụ nữ hiện đại trong xã hội Việt Nam và Trung Quốc.

SỰ HÌNH THÀNH TIỂU THUYẾT Ở ĐÔNG NAM Á, VẤN ĐỀ MANG TÍNH LỊCH SỬ

Nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu tiểu thuyết nói riêng trong khu vực Đông Nam Á cần bám sát theo tiến trình hình thành, phát triển của thể loại này từ những phạm vi khơi nguồn ra nó. Nói cách khác, để có một cái nhìn tổng quan, đầy đủ về tiểu thuyết của Đông Nam Á, phải xem xét một cách toàn diện, sâu sắc về từng vấn đề làm nảy sinh, phát triển thể loại này. Ở cuốn sách của tác giả Đức Ninh, Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại trong văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, nhận định về tiểu thuyết được khái quát theo 4 vùng, tương ứng với 4 quốc gia: Việt Nam, Inđônêxia, Campuchia, Lào, mang lại cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều cho tiểu thuyết, một thể loại văn chương trẻ của nền văn học nhân loại.

ĐIỆN BIÊN TRONG TRUYỆN NGẮN DU AN

Điện Biên là vùng đất nổi danh từ những năm giữa TK XX với chiến công lừng lẫy Điện Biên Phủ, là vùng văn hóa độc đáo, có vị trí chiến lược về an ninh, chính trị quốc gia. Ngoài ra, đây còn là một mảnh đất đẹp, thơ mộng, đang thay da đổi thịt từng ngày. Tiếp nối những mạch cảm hứng về đất và người Điện Biên trong các sáng tác của Nguyễn Khải, Mạc Phi..., Du An đem đến cho văn đàn những sáng tác về một mảnh đất hùng vĩ như lời thủ thỉ tâm tình, khi nhặt, khi khoan. Bài viết khảo sát tập truyện ngắn Người rừng, rừng người của tác giả để qua đó thấy được sức hấp hẫn của thiên nhiên cũng như sự thay da đổi thịt của một Điện Biên đang trên đà đổi mới, nhiều hứa hẹn hôm nay.

TÌNH HUỐNG GÂY CƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Đóng vai trò quyết định hiệu quả thẩm mỹ của một tác phẩm hài không thể không kể đến những tình huống gây cười. Hạt nhân của tình huống gây cười là các mâu thuẫn mang tính chất nghịch dị, phi lý, phản quy luật thông thường, phản lôgic, tạo nên yếu tố bất ngờ. Đó là cơ sở để tiếng cười bật ra một cách sảng khoái, mạnh mẽ. Việc tạo dựng những tình huống gây cười trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại rất phong phú. Bài viết tập trung vào một số tình huống cơ bản: lật tẩy, bóc mẽ, ăn may, nghịch dị, phi lý trớ trêu.

NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG TIỂU THUYẾT SAU 1975 CỦA NGUYỄN KHẢI

Nguyễn Khải (1930 - 2008) là một trong số những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đổi mới, cũng là một trong số những người có đóng góp quan trọng làm nên những thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Nếu như trong chiến tranh, giống như nhiều nhà văn cùng thời, Nguyễn Khải dành mối quan tâm đặc biệt cho nhân vật nông dân, người lính, cán bộ kháng chiến, những nhân vật tiêu biểu của đời sống cách mạng, thì sau 1975, đối tượng được ông quan tâm, dành nhiều tâm huyết là nhân vật người trí thức. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Khải, chúng ta thấy nhân vật người trí thức đã trở thành những dấu ấn sâu đậm, đặc biệt trong từng trang viết.

TÌM HIỂU QUAN ĐIỂM CỦA THEODOR W.ADORNO QUA LÝ THUYẾT MỸ HỌC

Câu hỏi quan trọng nhất của mỹ học cũng đồng thời là câu hỏi khó trả lời nhất, đó là: nghệ thuật là gì? Rất nhiều học giả đưa ra quan điểm nhưng cũng không thể định nghĩa được. Chúng ta sử dụng thuật ngữ này hàng ngày, đặc biệt dùng để tranh luận về mối quan hệ giữa mỹ học và đạo đức. Trong luận điểm về cặp đôi tính chất của nghệ thuật, Adorno đề cập đến vấn đề này. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nghệ thuật và xã hội đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc mỹ học của Adorno nói riêng, trường phái lý thuyết phê phán nói chung. Bài viết nhằm phân tích phê phán quan điểm của Theodor W. Adorno thông qua cách tư duy của ông trong tác phẩm Lý thuyết mỹ học.

QUAN NIỆM TRUNG, HIẾU CỦA PHAN BỘI CHÂU TRONG KHỔNG HỌC ĐĂNG

Trung và hiếu là hai phẩm chất đạo đức quan trọng, ai cũng cần có và nên cố gắng thực hiện. Hai phạm trù này chiếm vị trí trọng tâm trong học thuyết Nho giáo qua các đại diện tiêu biểu là Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử. Tuy nhiên, trong quan niệm của Tống Nho, tư tưởng về trung, hiếu đã bị thần bí hóa, tuyệt đối hóa, làm cho nội dung tư tưởng trung, hiếu ngày càng cứng nhắc, khác xa so với tôn chỉ của Nho giáo Khổng Mạnh. Chính tính phức tạp này dẫn đến tình trạng khi vào Việt Nam, tư tưởng trung, hiếu của Nho giáo đã tạo ra tác động trái chiều đến các nho sĩ Việt Nam. Bên cạnh những nho sĩ tiếp thu một cách thụ động tư tưởng trung, hiếu của Nho giáo, rất nhiều các nho sĩ để tâm vào việc mở rộng nội dung phạm trù này cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn lịch sử dân tộc. Phan Bội Châu là một trong những nhà nho chân chính đó.

GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA VI HỒNG

Vi Hồng, nhà văn tiêu biểu của văn học dân tộc Tày. Vi Hồng đã viết nhiều về đề tài miền núi, đặc biệt về dân tộc Tày, viết cho người Tày mình đọc, đồng thời các dân tộc khác hiểu về người Tày hơn. Tiểu thuyết Vi Hồng là một bức tranh khái quát về cuộc sống, con người miền núi. Ông gửi gắm tình yêu sâu sắc vào những trang văn về phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, suy nghĩ, tình cảm của người dân Việt Bắc qua giọng điệu trần thuật độc đáo.

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN NỮ HẢI NGOẠI

Trong tác phẩm văn học, không gian nghệ thuật được xem là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, khiến tác phẩm tồn tại như một chỉnh thể. Không gian nghệ thuật thể hiện trường nhìn, chiều sâu cảm thụ cũng như quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ. Trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại, không gian nghệ thuật không chỉ phản ánh cái nhìn mang đậm chiều sâu nội cảm của các nhà văn nữ mà còn thấm đẫm những trải nghiệm thấm thía từ cuộc đời xa xứ của các tác giả. Bởi thế, trong những sáng tác ấy, không gian nghệ thuật hiện lên với những nét độc đáo, riêng biệt thông qua hai đặc tính nổi bật: tính phân hóa, khu biệt và tính cá thể hóa, tâm linh hóa trong không gian nghệ thuật. Với hai đặc tính này, không gian trong tiểu thuyết đã mở ra trường hoạt động của các nhân vật, tô đậm cho cuộc đời của những thân phận người Việt ở nước ngoài.

THẾ GIỚI QUAN CỦA KWABATA NHÌN TỪ CẢM THỨC VÔ THƯỜNG TRONG NGÀN CÁNH HẠC

Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ TK VI, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, văn hóa Nhật Bản. Hấp thu những thành tựu của tôn giáo, tín ngưỡng bản địa được hun đúc trong văn hóa, văn học truyền thống, nhà văn Yasunari Kawabata đã sáng tạo nên những tác phẩm mang đậm sắc màu tôn giáo huyền bí. Tác giả thể hiện thế giới quan một cách sâu sắc, thăng hoa trong cảm quan vô thường mà Ngàn cánh hạc là một trường hợp tiêu biểu. Cảm quan vô thường được thể hiện qua lăng kính của nhà văn về thời gian cuộc đời, số phận phù du, sức mạnh của cái đẹp. Từ đó, nội dung tác phẩm, tư tưởng của nhà văn được sáng tỏ qua thế giới quan vô thường.