• Thông tin tư liệu > Sách hay nên đọc

CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG LINH SƠN CỦA CAO HÀNH KIỆN

Sinh năm 1940, thời kỳ cuộc chiến tranh Trung - Nhật diễn ra khắc nghiệt, Cao Hành Kiện đã có những trải nghiệm tuổi thơ đầy ám ảnh. Chiến tranh kết thúc, tưởng rằng mọi thứ sẽ trở nên tươi sáng, nhưng thời điểm Trung Hoa bước ra khỏi cái bóng đè của Nhật lại là khởi đầu của một giai đoạn mới không kém phần bi thương. Một Trung Hoa đổ vỡ phải gây dựng, chấn chỉnh, để rồi sau đó, tiếp tục chìm đắm trong cuộc biến thiên dữ dội: đại cách mạng văn hóa (1966-1976). Quá khứ đau thương, khổ nhục của bản thân cùng những ký ức về lỗi lầm kinh hoàng của dân tộc đã tạo nên cảm thức cô đơn - nét đặc trưng thẩm mỹ nổi bật trong sáng tác Cao Hành Kiện.

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG NGÀN CÁNH HẠC CỦA YASUNARI KAWABATA

Tiếp thu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân tộc, học hỏi kỹ thuật biểu hiện của phương Tây hiện đại, tác giả Yasunari Kawabata đã vận dụng tài tình vào trong tác phẩm văn học, đem lại những thành công nhất định. Cảm thức về thời gian được sử dụng nhằm khai thác chiều sâu tâm lý trong dòng chảy ý thức của nhân vật. Trong Ngàn cánh hạc, cảm thức này thể hiện đặc trưng qua thời quy hồi, đảo lộn hoặc dung hợp. Với cách xử lý thời gian tinh tế, khác biệt, ông đã làm nên một thế giới nội tâm dồn nén cực độ, thăng hoa muôn vẻ của tình yêu giữa lòng nhân sinh. Từ đó, có thể thấy được kỹ thuật viết văn độc đáo, điêu luyện, góp phần vào thành công rực rỡ của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

BẢN TÌNH CA PHÁP DỊU ÊM

Victor Hugo đã từng nói rằng: “Niềm hạnh phúc lớn nhất đời là có thể tin chắc rằng mình được yêu. Được yêu vì chính con người thật của chúng ta. Bất chấp ta là ai”. Vượt ra khỏi những khuôn khổ của định kiến, thăng hoa lên thứ cảm xúc, có thể giúp con người ta hàn gắn lại trái tim tan vỡ từ những vấp ngã. Tình cảm gắn kết hai nhân vật lạ lùng trong không gian ngập tràn âm nhạc Schubert, Franz và Clara đã tạo nên được một bản giao hưởng thanh âm theo cách riêng của mình. Bằng lối giao đãi văn chương lịch thiệp, văn minh, đậm chất Paris, Philippe Labro đã kể cho chúng ta nghe về một tình yêu dịu êm như bản tình ca Pháp, nồng đượm như hương vị Bordeaux.

ĐỌC THƠ BÙI GIẢNG, BƯỚC CHÂN VÀO CÕI HƯ VÔ

Trong văn học miền Nam Việt Nam, Bùi Giáng xuất hiện trong đời sống văn chương, học thuật thời kỳ trước và sau năm 1975 trên bốn lĩnh vực: sáng tác thơ, nghiên cứu triết học, phê bình văn học và dịch thuật. Đặc biệt, thơ Bùi Giáng vừa thấm nhuần tư tưởng đạo đức, triết lý, vừa bí ẩn, hoang liêu, hồn nhiên, đùa giỡn tựa như một cuộc rong chơi. Thơ như bầu khí quyển bao bọc con người Bùi Giáng. Theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, Bùi Giáng là người “Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ” (1). Đó là cách làm thơ lạ lùng, mở ra một thế giới nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, thu hút độc giả.

KHÔNG - THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN GENJI CỦA M.SHIKIBU

Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu là tác phẩm có giá trị của văn chương thời Heian nói riêng, văn chương Nhật Bản nói chung. Đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển văn học thế giới với sự ra đời của thể loại tiểu thuyết, có ảnh hưởng sâu sắc đến những nhà văn hiện đại sau này. Đặc biệt trên phương diện nghệ thuật, tác phẩm đã đặt nền tảng cho kiểu kết cấu truyền thống trong việc viết tiểu thuyết Nhật Bản. Trong đó, nghệ thuật tổ chức không gian, thời gian đã được tác giả sử dụng đạt hiệu quả cao, phát huy vai trò liên kết của hai yếu tố này trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

KIỂU NHÂN VẬT ĐÁM ĐÔNG TRONG HUYNH ĐỀ CỦA DƯ HOA

Thuộc nhà văn thế hệ tiên phong cho lớp thứ hai của trào lưu văn học cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Dư Hoa được đánh giá là cây bút đầy cá tính, người kế thừa, phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất. Cùng hấp thụ tinh hoa văn hóa truyền thống được tích lũy từ ngàn đời, lại tiếp thu rộng rãi nguồn ảnh hưởng của văn học phương Tây hiện đại, hai tác giả có nhiều nét tương đồng trên phương diện nghệ thuật. Đặc biệt, trong sáng tác của hai nhà văn đồng hương Chiết Giang đều thấy xuất hiện kiểu nhân vật rất ấn tượng, mang đậm đặc trưng tính cách Trung Hoa, nhân vật đám đông. Tuy thuộc dạng nhân vật phụ, không mang tên tuổi, ngoại hình, lai lịch, tính cách cụ thể song nhân vật đám đông giữ vai trò không nhỏ trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

BẢN HÒA ÂM CỦA CỔ TÍCH VỚI TRIẾT LÝ PHƯƠNG ĐÔNG

Nhà giả kim không phải tác phẩm tiên phong cho xu hướng cổ tích hiện đại. Trước đó, Hoàng tử bé của A.S.Exupery, Công chúa nhỏ của F.H.Burnett đã mang lại tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Trong nền văn học Brazil thời bấy giờ thể loại này không có chỗ đứng xứng đáng, nhưng Paulo Coelho đã đặt hết tâm huyết, niềm tin vào Nhà giả kim, ông cho rằng, câu chuyện cổ tích chân phương, sâu sắc này không thể bị lãng quên. Năm 2008, tác phẩm được dịch ra 56 thứ tiếng, bán ra 65 triệu bản, được đông đảo độc giả trên thế giới đón nhận. Trên hết, cuốn tiểu thuyết mỏng, nhẹ như thơ này là một bản hòa âm của cổ tích lung linh với triết lý phương Đông sâu sắc.

CẢM QUAN CÔNG GIÁO CỦA NGUYÊN HỒNG QUA BỈ VỎ

Nguyên Hồng là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực Việt Nam TK XX. Với ông, “niềm tin không bao giờ lụi tắt ở phía ánh sáng của tâm hồn con người” (1). Văn của ông có những cảm xúc rất chân thành, hồn nhiên, nguyên sơ, thống thiết. Có được điều đó bởi nhà văn đã sống trong những sẻ chia, yêu thương của những con người cần lao khốn khó, được niềm tin Công giáo nâng đỡ. Lòng nhân đạo trong ông với chủ nghĩa nhân văn cổ truyền, cùng tinh thần bác ái của Kitô giáo có sự giao hòa với nhau một cách nhuần nhuyễn. Bỉ vỏ, được viết khi nhà văn mới 19 tuổi, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực Việt Nam cũng là tác phẩm đẫm cảm quan công giáo của tác giả. Yếu tố Công giáo trong tác phẩm biểu hiện ở những môtip, hình ảnh, chi tiết gần gũi. Qua đó, người đọc được tiếp xúc với những tư tưởng, triết lý của Công giáo như tinh thần vị tha, nhân ái, sự nỗ lực trong hành trình hoàn thiện bản thân.

CỌ XÁT MÔ THỨC VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT THẦN THÁNH VÀ BƯƠM BƯỚM

Viết về đề tài nông thôn đương đại, những năm 90 TK XX, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng đã đánh dấu sự khởi sắc; các tác giả đã mạnh dạn lật xới những vùng mảng còn khuất lấp của hiện thực làng xã Bắc Bộ thời hậu chiến. Tiểu thuyết viết về nông thôn ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong sứ mệnh cách tân lối viết cũng như khai thác hiện thực đời sống. Đỗ Minh Tuấn phản ánh hiện thực nông thôn qua những xung đột văn hóa, dùng ngòi bút hiện thực để phơi bày sự hỗn độn, chằng chịt mâu thuẫn trong lòng xã hội nông thôn thời hội nhập. Trần Đình Sử từng nhận định: “Thần thánh và bươm bướm không chỉ là tiểu thuyết về người nông dân, nông thôn Việt Nam trong thời buổi kinh tế thị trường, về khát vọng, tâm tư của họ, số phận của họ, mà chủ yếu, còn là tiểu thuyết về văn hóa Việt Nam, tâm thức Việt Nam” (1). Sự quyết liệt của Đỗ Minh Tuấn khi khai thác hiện thực thể hiện qua những cọ xát, đụng độ về mô thức văn hóa.

Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THỊ THU HUỆ VÀ TRÌ LỢI

Ý thức nữ quyền, còn gọi là chủ nghĩa nữ quyền, bắt nguồn từ phương Tây, là một hệ thống tư tưởng, ngôn luận xã hội và hành vi chính trị nhằm đòi hỏi quyền, lợi ích bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, thể hiện tinh thần tự chủ của người phụ nữ. Nguyễn Thị Thu Huệ và Trì Lợi, hai nhà văn nữ tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam và Trung Quốc thời hiện đại, đã chú trọng mô tả lối sống, tâm lý và số phận của người phụ nữ. Hậu thiên đường và Cuộc sống show là hai tác phẩm tiêu biểu của hai nhà văn này. Tìm hiểu ý thức nữ quyền được ẩn giấu trong hai tác phẩm trên giúp chúng ta hiểu được địa vị xã hội của người phụ nữ hiện đại trong xã hội Việt Nam và Trung Quốc.