KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN NỮ HẢI NGOẠI

Trong tác phẩm văn học, không gian nghệ thuật được xem là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, khiến tác phẩm tồn tại như một chỉnh thể. Không gian nghệ thuật thể hiện trường nhìn, chiều sâu cảm thụ cũng như quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ. Trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại, không gian nghệ thuật không chỉ phản ánh cái nhìn mang đậm chiều sâu nội cảm của các nhà văn nữ mà còn thấm đẫm những trải nghiệm thấm thía từ cuộc đời xa xứ của các tác giả. Bởi thế, trong những sáng tác ấy, không gian nghệ thuật hiện lên với những nét độc đáo, riêng biệt thông qua hai đặc tính nổi bật: tính phân hóa, khu biệt và tính cá thể hóa, tâm linh hóa trong không gian nghệ thuật. Với hai đặc tính này, không gian trong tiểu thuyết đã mở ra trường hoạt động của các nhân vật, tô đậm cho cuộc đời của những thân phận người Việt ở nước ngoài.

1, Không gian mang tính phân hóa, khu biệt

Tính phân hóa, khu biệt là một đặc tính không gian tiêu biểu trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại. Trong tiểu thuyết, các nhà văn thường xây dựng hai kiểu không gian mang tính đối lập, phân hóa rõ nét. Đó là cách nhìn mang tính khu biệt về một bên là không gian kinh đô lung linh, tráng lệ, một bên là không gian ngoại ô u tối, xám xịt.

Không gian kinh đô lung linh, tráng lệ

Không gian kinh đô chủ yếu gắn liền với những thành phố lớn, trung tâm của các cường quốc phương Tây như: Nga, Pháp, Đức. Từ góc nhìn trong nước, đây chính là miền không gian mơ ước của không ít nhân vật đến từ thế giới thứ ba. Trong sự hình dung của họ, đó là những kinh đô của ánh sáng, là Paris hay Berlin hoa lệ. Đó là miền đất hứa lung linh tráng lệ, rực rỡ ánh đèn, phủ trùm sắc đỏ lên hai chữ tương lai.

Thiên đường ấy không chỉ đặc trưng bởi ánh sáng, màu sắc mà còn đặc trưng bởi những đỉnh cao kiến trúc của nhân loại. Đó là tháp Eiffel, những tòa nhà chọc trời lát đá hoa cương với nội thất sang trọng, rèm cửa lộng lẫy, thảm đỏ kiêu xa, đồ gỗ kiểu cách, đèn chùm pha lê. Không gian ấy còn mang đặc trưng bởi những quảng trường, công viên, cung điện, đại lộ rộng lớn với những thanh âm nhộn nhịp, tấp nập của chốn phồn hoa đô hội với nhiều cửa hàng lớn nhỏ, nhiều khu vui chơi giải trí, nơi tụ tập đông đúc khách du lịch. Dù là Paris, Matxcơva, Leningrad hay Berlin thì đó đều là những điểm đến mong đợi có sức mời gọi mãnh liệt, thúc giục con người lên đường. Bằng những cách thức khác nhau, các nhân vật đều tìm đường đến những kinh đô tráng lệ ấy để gửi gắm hai chữ tương lai.

Trong tác phẩm Chinatown, hình dung của bố mẹ về Chinatown, Moscow, Paris đều là những thiên đường. Bởi thế, mọi sự toan tính, sắp đặt đều chỉ nhằm mục đích mở đường hướng đến một không gian tương lai rộng mở: “Mười bảy tuổi tôi lên đường sang Leningrad. Tương lai tôi rộng mở. Ngoài sân bay, bố tôi cất giọng ngâm: Ôi nước Nga thiên đường của các con tôi!” (1). Thậm chí, bố mẹ không cần phải đi Nga, chỉ cần ở nhà nhấm nháp cảnh con học ở Nga, nơi “những giảng đường mênh mông, giáo sư com lê ca vát, cặp da đen, ô tô đen, thư viện bạt ngàn sách, phòng thí nghiệm như những nhà máy thu nhỏ, sân bóng chuyền to bằng sân vận động Hàng Đẫy…” (2) đủ để họ hả lòng, hả dạ. Đối với gia đình của Thu Uyên trong Tìm trong nỗi nhớ, Berlin là một kinh đô trù phú, giàu có, là kho báu của Alibaba, con người nơi đây sống trong an nhàn, sung túc, hạnh phúc với những nồi cơm Thạch Sanh ăn vơi lại đầy.

Với biết bao mơ ước mong mỏi, các nhân vật đã tìm mọi con đường để đến với những kinh đô lung linh tráng lệ và giàu sang. Khi con thuyền cập bến, nhân vật như bị choáng ngợp bởi thiên đường mơ ước đã hiện ra trong tầm mắt: “Tôi và TH ra đứng bên cửa sổ, nhìn xuống thành phố lấp lánh dưới ánh đèn… choáng ngợp với những dự cảm về một tương lai còn chưa rõ nét nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ đẹp huyền bí đến nao lòng” (3).

Miêu tả không gian kinh đô lung linh, tráng lệ, các nhà văn nữ như muốn chỉ ra những ước mơ, khát vọng của những con người thuộc về thế giới thứ ba nhưng luôn khát khao về một vùng trời mới, chân trời mơ ước. Đó là lý do, nguyên nhân, cội nguồn của hành trình xa xứ. Chính bởi miền đất đầy hứa hẹn này mà họ đã quyết định ra đi, quyết định ở lại và quyết định ấy là nơi khởi đầu của mọi bi kịch đeo bám họ trong suốt quãng đời còn lại. Bởi không lâu sau khi đặt chân đến những kinh đô tráng lệ này, họ sẽ thấy rõ một hiện thực trần trụi, ẩn sâu trong cái vẻ ngoài lung linh, hào nhoáng ấy.

Không gian ngoại ô u tối, xám xịt

Trong tiểu thuyết, thức nhận về không gian của nhân vật đã có sự dịch chuyển rõ nét. Sự dịch chuyển ấy diễn ra nhanh chóng bởi sự lung linh tráng lệ của vùng trời mới chỉ lóe rạng trong những giờ phút ban đầu rồi nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho khu ngoại ô u tối, xám xịt.

Choáng ngợp bởi sự sa hoa, sang trọng, lộng lẫy của những kinh đô phồn thịnh, nhưng những nơi đó không phải là chốn dung thân của những con người xa xứ. Kinh đô của những con người xa xứ là vùng ngoại ô, bên lề thành phố. Không gian ấy không có những tòa nhà chọc trời hay những căn hộ vài triệu đô, thay nào đó là Clichy với HLM giá rẻ; là Belleville với những căn phòng rộng trên dưới chục mét vuông; là những khu ổ chuột với những căn phòng như những thùng hàng biển trên tầng bảy áp mái, không thang máy, mùa đông, mùa hè chênh nhau đến 40 độ; mùa hè nhiệt độ lên đến 42 độ, không quạt thông gió; mùa đông nhiệt độ xuống đến âm, không lò sưởi; đó là đồi gió hú với những ngôi nhà u ám, xám xịt được xây dựng cách đây khoảng năm thế kỷ, bị xuống cấp thê thảm nên được liệt vào danh sách những ngôi nhà hoang chờ ngày hóa kiếp… Đó là hiện thực di dân, một hiện thực khác xa so với những chân trời mong đợi. Ở nơi đó, con người mới thấm thía hết sự cô đơn, bi kịch, sự vỡ mộng, lạc loài.

Đối với người Pháp, đó là những vùng không gian không được nhớ đến vì thế, con người sống trong không gian ấy bị trôi dạt vào vùng lãng quên. Sự phân hóa, đối lập trong hai vùng không gian đã phơi bày thực trạng thảm hại của những thân phận di dân. Đó chính là khoảng cách của mức sống, sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, màu da… Bởi đối với người dân Bắc Phi, đó là nơi ở của đồ đĩ điếm, lũ mèo hoang, bọn chuột bẩn thỉu… Trong cách nhìn ấy, mới thấy hết được sự cô đơn, lạc loài, thất vọng của những con người vốn đã nuôi trong mình mơ ước về một vùng trời với bao mộng tưởng. Bởi ở nơi đó, những thân phận di dân không còn được nhớ đến, họ bị lãng quên ngay cả khi họ vẫn đang hiện tồn.

2. Không gian nghệ thuật mang tính cá thể hóa, tâm linh hóa

Không gian quê nhà - không gian của niềm thương và nỗi nhớ

Lấy bối cảnh chủ yếu ở hải ngoại, tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại ít tập trung miêu tả không gian quê nhà của các nhân vật. Tuy nhiên, không gian ấy vẫn thấp thoáng ẩn hiện trong những dòng ý thức của nhân vật. Được cá thể hóa, tâm linh hóa, không gian quê nhà luôn gắn liền với nỗi nhớ, niềm thương, với những dáng vẻ vừa quen, vừa lạ. Không gian ấy không chỉ làm thành hình thức nội tại bên trong của hình tượng thẩm mỹ mà còn góp phần làm bật lên tình cảnh, nỗi nhớ nhung sầu xứ của con người.

Trong Tìm trong nỗi nhớ, không gian quê nhà hiện lên vừa rõ nét, vừa mờ ảo, vừa quen, vừa lạ. Đó là những ngả đường, góc phố gắn liền với những kỷ niệm một thời của nhân vật nhưng đó cũng chỉ còn là một chốn để thương, để nhớ. Nơi chốn ấy gắn bó máu thịt với nhân vật nên nỗi nhớ về nơi ấy không khi nào thôi ám ảnh, thôi da diết trong lòng nhân vật. Nhưng nơi ấy lại chẳng bao giờ có thể tìm lại được. Ngày họ ra đi, hình ảnh về quê hương đã đóng khung lại trong ký ức nhưng hình ảnh ấy lại không thể tìm lại được trong hiện tại. Lục tìm nỗi nhớ nơi có những góc phố, ngôi nhà, hàng cây, người lữ khách tha hương đã phải ngậm ngùi rằng: “Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều trong hơn chục năm qua, cuộc đời cô đã tách rời khỏi số phận của quê hương, cô đã phần nào trở thành người lạ” (4). Trở về để tìm lại nhưng tìm đâu cũng không thấy, nhân vật chỉ còn thấy mình trở thành kẻ lạ trên quê hương mình. Cuộc trở về đã quá muộn bởi qua thời gian, đã mất đi chỗ đứng trong hiện tại, không còn đủ sức để khỏa lấp đi nỗi nhớ. Sau gần hai chục năm rời xa quê hương, Hà Nội hiện lên trong Lan Chi vừa da diết, vừa mơ hồ: “Năm tháng trôi qua, nỗi giận hờn tan lẫn vào không gian như một tiếng thở dài không lưu dấu vết. Còn đọng lại là nỗi nhớ, lúc thoảng qua, lúc da diết, lúc hiển hiện rõ nét, lúc mơ hồ chập chờn” (5). Những con người tha hương ấy đã thấm thía quê hương mãi mãi sẽ chỉ còn là một chốn để thương để nhớ.

Trong Và khi tro bụi, không gian quê nhà cũng hiện lên trong nỗi nhớ, niềm thương gắn liền với những xót xa, ám ảnh mãnh liệt. Đó là một không gian kinh hoàng với bom rơi, đạn nổ, đất trời rung chuyển: “Tiếng đại bác xé gió rít trong đêm rồi rơi xuống đâu đó rất gần, chúng tôi nằm co người cầu Phật cho đạn rơi nơi khác, đừng rơi trên đầu mình. Một tiếng rít sát bên rồi một tiếng ầm lớn, một quả đạn rơi bên cạnh tường, nhà tôi sập” (6). Căn nhà ấy nằm cạnh chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ, nơi chứng kiến sự ra đi của cha, những nỗi buồn của mẹ, sự lớn lên của hai chị em, nhân vật tôi đã không bao giờ còn có thể trở về được nữa. Không gian ấy đồng nghĩa với một sự thật nghiệt ngã, đớn đau đến mức nhân vật tôi muốn quên đi, xóa nhòa hình ảnh tàn phá kinh hoàng bởi chiến tranh ấy trong trí nhớ. Nhưng khi chọn cách quên đi, “tôi đã không tìm được cái thứ keo gì để gắn lại các mảnh của cuộc đời lại với nhau và gắn chính mình vào với thế giới loài người. Tôi đã cố hết sức mình, nhưng mọi thứ đều rời rạc, tan tác và tôi mãi là một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để thôi trôi nổi” (7). Trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, không gian quê nhà đã trở thành gia đình, nguồn cội đối với người lữ khách. Vì thế, nó là cái đảm bảo cho sự yên ổn, giá trị, mà một khi rời bỏ, con người trở nên yếu đuối, trống rỗng như tự đánh mất mình.

Được cá thể hóa, tâm linh hóa, không gian quê nhà không chỉ trở thành biểu tượng về một nơi chốn đong đầy thương nhớ mà đó còn là biểu tượng của sự cô đơn, nỗi đau, sự ám ảnh. Nhớ thương da diết nhưng cảm giác trên quê hương, họ đã trở thành con người lạ hoặc nhớ lại quê hương đồng nghĩa với nhớ lại nỗi đau, sự mất mát kinh hoàng mà con người không thể nào nguôi ngoai đi được. Nó đã xoáy sâu vào sự cô đơn, bất hạnh cũng như mặc cảm thiếu quê hương trong mỗi con người xa xứ. Đó là một trong những bi kịch đối với cuộc đời họ, đeo bám họ mãi bởi cho đến khi cận kề cái chết, những con người ấy vẫn tha thiết được trở về vùng trời ấy để gửi lại tấm thân mình vào mảnh đất nơi mình đã được sinh ra.

Không gian tha hương, lưu lạc đầy bất an

Không gian tha hương đánh dấu bằng sự ra đi của nhân vật. Đó là không gian sân bay, bến tàu, nơi các nhân vật bắt đầu hành trình tha hương. Trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại, sân bay và bến tàu luôn xuất hiện trở đi trở lại và lần nào cũng trĩu nặng cảm xúc của con người trước con đường lưu lạc. Trong Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, đó là cảnh con thuyền lênh đênh trên biển, trên thuyền, sốt cao, mê sảng 4 ngày. Không gian tha hương ấy mở rộng theo ba chiều: trên cao (mặt trời thiêu đốt trên đầu), dưới thuyền (sóng biển sục sôi dưới lưng), trên thuyền (44 người phụ nữ và trẻ con ôm nhau khóc, 44 cái bụng rỗng không, 44 cái miệng khô khốc). Không gian vô định, chất chứa đầy những thảm họa, bất trắc ấy khiến con người càng trở nên hoang mang, bất an, sợ hãi.

Gắn liền với không gian này thường là nước mắt. Nước mắt gắn liền với nỗi nhớ, sự chia ly, xa cách. Nước mắt cũng gắn liền với nỗi cô đơn, sự hoang mang trong dự cảm về vùng trời xa lạ phía trước. Bởi thế, trong không gian của sự chia ly, xa cách, nhân vật dường như thất thần: “Tôi bước lên máy bay như một người ngơ ngẩn. Không biết mình đang làm gì. Không biết mình đang đi đâu” (8).

Không gian tha hương còn được thể hiện đầy đủ hơn qua những trải nghiệm của con người xa xứ. Không phải ngẫu nhiên trong cách nhìn về nước Nga của các nhân vật xa xứ khá giống nhau. Với Lan Chi, đó là thành phố Moscow mang dáng vẻ nghiệt ngã của thành phố mùa đông. Tuyết cứ rơi mãi, mỗi lúc một hối hả hơn, dạn dĩ hơn như không có cách nào ngừng lại được. Người ta có cảm giác như không đi đâu cho thoát nổi cái màu trắng ấy, đơn điệu đến tẻ ngắt, buồn bã đến thê lương. Với tôi trong Chinatown, đó cũng là một vùng đất trắng, lạnh lẽo đến tê tái người. Một năm rưỡi còn lại ở nước Nga là một năm rưỡi buồn thảm nhất đời. Trời lạnh đứt cả tai. Rõ ràng, không gian tha hương hiện lên trong cách nhìn của những con người xa xứ không còn là không gian nước Nga thiên đường đầy mộng tưởng mà trở thành một không gian chứa đựng tất cả sự nghiệt ngã, đơn điệu, tẻ ngắt. Không gian ấy gắn liền với sự cô đơn, xa lạ, buồn thảm đến thê lương của những con người xa xứ.

Với cái nhìn công tâm, từng trải, trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại, không gian nghệ thuật được hiện lên vừa chân thực, vừa sống động. Với hai đặc tính nổi bật là tính đối lập, phân hóa và tính cá thể hóa, tâm linh hóa, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết đã góp phần tạo nên trường hoạt động tích cực, góp phần biểu đạt khá thành công cuộc đời, số phận của những con người xa xứ. Không gian ấy đã tô đậm cho nghịch cảnh tha hương cùng nỗi nhớ nhung, sự khốn cùng của nhân vật. Những đặc tính ấy không chỉ tạo thành nét độc đáo trong sáng tác của các nhà văn xa xứ mà còn cho bạn đọc thấy được phần nào thân phận người Việt Nam ở nước ngoài. Đó chính là sự đóng góp tích cực của tiểu thuyết Việt Nam ở hải ngoại trong việc phản ánh số phận của một bộ phận những con người xa xứ.

_______________

1, 2. Thuận, Chinatown, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004, tr. 24, 64.

3, 4, 5, 8. Lê Ngọc Mai, Tìm trong nỗi nhớ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr. 7, 211, 7, 121.

6, 7. Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2006, tr.180, 183.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : VŨ THỊ HẠNH

;