CÁC DẠNG NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN THÁI LAN


          Văn học Thái Lan hiện đại có nguồn gốc từ triều đại của vua Chulalongkorn. Theo các nhà nghiên cứu, văn học hiện đại Thái Lan được chia thành 7 giai đoạn: sự khởi đầu (AD 2443-2469- theo Phật lịch): từ năm 1899- 1925 (theo lịch phương tây); bình minh (AD 2470-2475): từ năm 1926- 1931; công ước nhà nước (AD 2476-2488): từ năm 1932- 1944; thời kỳ nổi loạn của hòa bình (AD 2489-2500): từ năm 1945-1956; giai đoạn của sự im lặng - một nguồn gốc của vở opera văn học (AD 2501-2506): từ năm 1957- 1962; tìm hiểu ý nghĩa (AD 2507-2515): từ năm 1963- 1971; hoa dân chủ (AD 2516- hiện nay): từ năm 1972- hiện nay (1).

         Ở giai đoạn văn học hiện đại thứ 3 (1932 1944) các thể loại văn học phát triển khá rầm rộ, đặc biệt tiểu thuyết đã đạt đến trình độ điêu luyện hơn khi đi sâu vào đề tài viết về những nỗi khổ của người dân. Sự đấu tranh đòi tự do của các nhà văn đã đạt được kết quả. Ban quản lý nhà nước được thành lập để thúc đẩy sự phát triển các hiệp hội văn hóa và văn học tại Thái Lan. Đây là tiền đề cho sự ra đời của khuynh hướng tiến bộ trong văn xuôi Thái Lan. Cùng thời điểm đó, chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, đất nước lại phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: thiếu thốn, giá cả tăng cao, bắt buộc một số tạp chí và nhà xuất bản phải đóng cửa. Hơn lúc nào hết, văn học cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

         Những năm 40 TK XX, trong đời sống văn học Thái Lan xuất hiện các khuynh hướng văn học: có khuynh hướng muốn bảo lưu truyền thống trong sáng tác hiện đại, có khuynh hướng đi vào miêu tả xung đột tâm lý giữa cá nhân và xã hội. Càng về sau, văn học hiện đại Thái Lan càng hướng sự chú ý của mình vào các chủ đề về cuộc sống hiện thực của những người dân bình thường. Có thể cho rằng đây là mốc hình thành khuynh hướng hiện thực của văn học hiện đại Thái Lan. Trong những năm 60 TK XX, ở Thái Lan đang diễn ra cuộc đấu tranh giữ gìn vị trí văn học dân tộc truyền thống, chống lại văn học theo chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Từ năm 1961 đến nay, công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa với 7 kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân, đã làm cho Thái Lan có những bước tiến vượt bậc về kinh tế. Văn hóa, xã hội cũng bị cuốn hút vào nhịp độ hối hả của sự phát triển. Văn hóa và lối sống phương Tây càng có dịp ồ ạt tràn vào, tấn công mạnh mẽ vào tất cả những gì thuộc về truyền thống Thái. Thái Lan đã có những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế, nhưng chỉ tập trung ở các thành phố, còn ở vùng nông thôn rộng lớn thì sự nghèo đói vẫn là người bạn đồng hành của dân chúng.

         Chính vì các lẽ đó mà các nhà thơ nhà văn hiện đại Thái Lan đã tập trung ngòi bút vào hai mục tiêu lớn: thứ nhất, ủng hộ những tư tưởng mới, lành mạnh và tiến bộ, có tác dụng thúc đẩy xã hội tiến lên đồng thời chống lại những yếu tố ngoại lai không phù hợp với truyền thống Thái; thứ hai, tiếp tục đi sâu vào chủ đề nông thôn nhằm nêu bật cuộc sống nghèo khổ cực nhọc của người nông dân trong bối cảnh sự phát triển hiện đại. Việc ra đời Hội nhà văn Tiến bộ với những sáng tác theo khuynh hướng hiện thực là một bước phát triển của văn xuôi Thái Lan trên con đường hiện đại hóa. Tài năng của các văn sĩ hiện thực Thái Lan được thể hiện rõ trong thể loại truyện ngắn.

         Tập Truyện ngắn Thái Lan đã xuất hiện vào những năm giữa TK XX như một sản phẩm của lịch sử và xã hội Thái Lan (2). Với sự ra đời của sản phẩm này, văn học Thái Lan gần như đoạn tuyệt hẳn với nền văn học cung đình và văn học Phật giáo, vốn tồn tại và ngự trị, chi phối văn học Thái Lan hàng nghìn năm.

         Trong tập truyện ngắn này, chúng ta thấy có một số kiểu nhân vật điển hình sau:

         Người lao động nghèo khổ, bị áp bức, bị dồn vào con đường tha hóa, nhưng vẫn cố vượt lên

        Tập truyện với 19 truyện ngắn, trong đó có bảy truyện xây dựng những nhân vật lao động nghèo khổ, bị áp bức, bị dồn vào con đường tha hóa, nhưng cuối cùng vẫn cố vượt thoát được. Đó là chàng thanh niên Ainu trong Cừu non lạc lối, lão Paban Phuvana trong Ánh sáng mới, cô gái xinh đẹp Xagia với mơ ước đổi đời nhờ vào sắc đẹp trong Sức mạnh đôi bàn tay, hay người anh trai của Thanh trong Người luật sư trẻ, tướng cướp Gơleo trăn trở đi tìm tdo trong Lần cuối cùng thức tỉnh, bác lái xe Su Xati trong Bước đường cùng, lão chính khách mê rượu Nai Kiên trong Chính khách

          Mỗi nhân vật với cuộc đời, số phận khác nhau đều là những con người đáng thương, chỉ vì hoàn cảnh xô đẩy mà suýt rơi vào con đường tha hóa, nhưng cuối cùng vẫn kịp nhận ra và thức tỉnh tâm hồn. Sự tha hóa của cuộc sống có thể đến từ rượu chè, từ quyền lực hay hấp dẫn hơn là sự quyến rũ của đồng tiền. Nhưng họ không phải là những kẻ tham lam vô độ, vốn dĩ đã có cuộc sống đủ đầy mà vẫn mơ tưởng đến giàu sang phú quý, chẳng qua bởi cuộc sống quá ngặt nghèo, khổ sở quá, họ cần tiền để cứu giúp bản thân và gia đình vượt qua những đói khổ, ốm đau, bệnh tật và chết chóc triền miên. Họ tưởng rằng quyền lực, tiền bạc, địa vị sẽ là những cứu cánh cho cuộc đời vốn dĩ quá tối tăm, khổ sở của mình. Nhưng rồi trên con đường của sự tha hóa ấy, các nhân vật hoặc tự mình nhận ra hoặc nhờ sự lôi kéo và thức tỉnh của những nhân vật tiến bộ, họ dần nhận ra chân lý thực sự của cuộc sống và con đường đích thực đi tìm hạnh phúc cho tầng lớp dân nghèo. Các nhà văn đã cố gắng khai thác những nét đẹp còn ẩn sâu trong tâm hồn của những con người nghèo khó bị tha hóa. Đó là cách xử lý nghệ thuật rất tiến bộ mà đầy chất nhân văn của các nhà văn Thái Lan.
 

           Tầng lớp thống trị, trọc phú, tha hóa và bóc lột người dân nghèo đến tận xương tủy

 

         Kiểu nhân vật phản diện thuộc tầng lớp thống trị trọc phú tha hóa cùng cực này chiếm số lượng khá nhiều, rải đều cả tập truyện ngắn. Đây là đối tượng chính mà các nhà văn Thái Lan hướng đến để phản ánh và đấu tranh. Xuyên suốt 19 truyện, hình ảnh những nhân vật tư sản, trọc phú, ông chủ, chính khách … xuất hiện trở đi trở lại khiến các nhân vật này trở thành những hình tượng điển hình cho tầng lớp thống trị trọc phú tha hóa của xã hội Thái Lan.

         Tiêu biểu nhất có thể kể đến Người luật sư trẻ của Ítxara Amăntakun với nhân vật trọc phú Phaoalaxê. Ấn tượng ban đầu về nhân vật dễ khiến người đọc hiểu nhầm đây là một nhà tư sản “có hồng phúc, nhiều kiến thức và kinh nghiệm” (3). Tuy nhiên, dưới con mắt của Thanh – chàng luật sư trẻ tuổi, thì rốt cuộc luật sư Phaoalaxê lại là kẻ chuyên giở những mánh khóe để lừa bịp người nghèo” (4). Hóa ra tài sản giàu có của Phaoalaxê có được là kết quả bòn rút từ những khu nhà ở “dột nát, nước đọng từng vũng xông lên mùi khăn khẳn, lúc nhúc những giòi bọ”. Gia tài của lão trọc phú càng nhiều thì nỗi khổ sở của những người dân nghèo trong khu nhà trọ càng tăng lên. Phaoalaxê có thể được coi là điển hình cho tầng lớp tư sản với bề ngoài lịch sự, danh tiếng nhưng bên trong thì có mọi thủ đoạn hèn hạ để lừa bịp và rút ruột người dân nghèo. Vốn đã là một tư sản cỡ bự, một Cônpha (tiếng gọi kính trọng dành cho các nhà giàu có, như người ta vẫn quen gọi bá tước) danh giá nhưng lão trọc phú này vẫn không ngừng bòn rút những đồng tiền máu xương của người nghèo khổ để làm đầy túi của mình. Quan điểm của lão ta là “ điều cốt yếu là phải moi được tiền bọn chúng” (5). Truyện ngắn là một trong những bức tranh phản chiếu chân thực và phê phán gay gắt tội ác của tầng lớp thống trị đối với dân nghèo. Văn học Thái Lan vốn chịu ảnh hưởng sự ôn hòa, nhân hậu của đạo Phật nên gần như rất ít đề cập thẳng thắn đến những mặt trái của tầng lớp được coi là tiêu biểu cho sức mạnh của chủ nghĩa Đại Thái này. Vì vậy, hơn bao giờ hết, sự ra đời của truyện ngắn này, với nghệ thuật xây dựng nhân vật phản diện thuộc tầng lớp thống trị, trọc phú tha hóa, đã đưa văn học Thái Lan tiến lên một bước trong quá trình hiện đại hóa. Sự tha hóa của dạng nhân vật này xét một cách toàn diện là sự tha hóa với mức độ cao nhất về nhân tính của con người. Đây là những điểm chót cùng chênh vênh giữa hai bờ vực nhân tính và thú tính trong tâm hồn của nhân vật. Tuy sự phê phán của các nhà văn Thái Lan chưa quá gay gắt như một số nền văn học phê phán khác trên thế giới nhưng cần nhìn nhận đây là một thành công xuất sắc của văn xuôi hiện đại Thái Lan.

 

         Những người tiến bộ, đấu tranh loại bỏ sự tha hóa

         Kiểu nhân vật này là điểm sáng nhất của tập truyện ngắn, đồng thời là ước mơ đậm chất nhân văn mà các nhà văn gửi gắm thông qua tác phẩm. Đối lập hoàn toàn với kiểu nhân vật phản diện tha hóa, kiểu nhân vật này luôn khát khao đấu tranh với sự tha hóa và tìm con đường hạnh phúc cho tầng lớp bần cùng trong xã hội. Các nhà văn Thái Lan đặt kiểu nhân vật tiến bộ trong thế đối trọng với kiểu nhân vật phản diện tha hóa, để đem lại niềm tin cho người đọc về một nước Thái tươi sáng ở tương lai. Sự đối lập giữa đối tượng tha hóađối tượng xóa bỏ tha hóa càng làm rõ hơn giá trị nhân văn của tập truyện ngắn. Đây là mong ước thiết lập lại trật tự xã hội của các nhà văn có quan điểm dân chủ. Đồng thời đó cũng là hướng giải quyết tích cực mà các nhà văn lựa chọn cho các tác phẩm của mình. Nhân vật tiến bộ có thể là chàng trai Bao - nhân vật điển hình cho hạng người nghèo, nhưng có tư tưởng tiến bộ trong Hạng người ấy, là bác Naiman nghèo kiết xác trong Giúp một tí, là chàng trai trí thức Cônxai luôn đấu tranh vì công bằng của con người, bất kể cái chết vì nghèo đói và bệnh tật, bởi anh luôn chờ đợi và tin vào viễn cảnh tươi sáng ở tương lai trong Kẻ đợi chờ, là những công nhân đầy nhiệt huyết trong Sức mạnh đôi bàn tay, hay họ là những nhân vật không có tên tuổi cụ thể nhưng tấm lòng luôn ngời sáng với tinh thần đấu tranh vì dân nghèo trong Ánh sáng mới… Và tiêu biểu hơn cả là hình ảnh của chàng luật sư Thanh trong Người luật sư trẻ của Ítxara Amăntakun. Chàng trai này được xem là điển hình cho kiểu nhân vật tiến bộ của tập truyện ngắn với hành động đầy dũng cảm, dám đương đầu thách thức với kẻ giàu có và đầy quyền lực như trọc phú Phaoalaxê. Tuy chỉ là một luật sư mới ra trường, chưa có địa vị và rất nghèo khổ nhưng Thanh dám đứng ra làm nguyên cáo kiện ông chủ của mình là Phaoalaxê thay cho những người dân nghèo khổ- những người là nạn nhân bị nhà trọc phú của nước Thái bóc lột quanh năm. Anh đã đánh đổi vị trí từ chỗ là một nhân viên mẫn cán và trong tương lai có thể được là một luật sư danh tiếng dưới sự bảo trợ của Phaoalaxê để đổi lấy sự thất nghiệp và sự thù ghét của lão trọc phú. Thanh làm những điều ấy bởi anh thấy bất bình và muốn đòi lại công bằng dù chỉ là một chút nhỏ nhoi cho những người dân nghèo khổ, vô tội, đáng thương. Chàng trai trẻ tuổi là nhân vật được xây dựng để xóa bỏ những bất công và sự tha hóa của xã hội Thái Lan lúc bấy giờ. Dẫu chưa biết kết quả của sự đấu tranh ấy sẽ đi đến đâu, nhưng chỉ như thế cũng đủ khiến người đọc tin tưởng và hài lòng. Sự đấu tranh của Thanh không phải là vô nghĩa bởi nó thức tỉnh sự u mê tăm tối ở những người dân nghèo suốt đời bị bóc lột mà không hay biết, như anh trai Thanh và những người dân ở xóm nghèo.

         Nhìn chung, so với hai kiểu nhân vật trên thì việc xây dựng hình tượng các nhân vật tiến bộ này là một trong những thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu mang đặc trưng của khuynh hướng văn xuôi Thái Lan.

         Hình ảnh người công nhân

        Sự xuất hiện hình ảnh người công nhân là một trong những nét mới của văn xuôi Thái Lan. Lần đầu tiên văn học Thái được biết đến kiểu nhân vật tiến bộ xuất thân từ tầng lớp tiên tiến của xã hội. Công nhân xuất hiện trong văn học đã phản ánh sự thật lịch sử về sự ra đời và phát triển của xã hội Thái Lan hiện đại. Đồng thời đây là những yếu tố đem lại không khí mới cho văn học Thái Lan vì trước đó người đọc vốn rất quen thuộc với các nhân vật quý tộc, cung đình hoặc tăng lữ Phật giáo.

         Hình ảnh người công nhân trong tập truyện ngắn xuất hiện chưa nhiều, chỉ rải rác qua một số truyện ngắn trong tập truyện này. Đây là kiểu nhân vật có tư tưởng tiến bộ và có những phẩm chất ưu tú mà thời đại giao phó như: dũng cảm, can đảm, nhiệt tình, hăng hái, biết vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của bản thân để hy sinh vì việc lớn của đất nước. Tuy nhiên, việc làm của những người công nhân trong các tác phẩm mới chỉ được mô tả chung chung, chưa cụ thể. Độc giả chỉ biết họ đang đi đấu tranh cho lẽ phải, cho đất nước, nhưng họ làm những gì và làm bằng cách nào thì các tác phẩm chưa miêu tả chi tiết. Đây có lẽ là hạn chế về vốn sống, về sự trải nghiệm của các nhà văn. Nhưng với bối cảnh bị o ép về chính trị, sự ngột ngạt, kìm kẹp của chế độ độc tài quân sự Thái Lan lúc bấy giờ thì đây là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, những đóng góp của các nhà văn Thái Lan trên phương diện phát hiện và xây dựng kiểu nhân vật cách mạng là vô cùng đáng quý và đáng trân trọng. Sự xuất hiện hình ảnh người công nhân là một nỗ lực thành công ở phương diện nhân vật văn học trong các truyện ngắn của Thái Lan.

         Sự thể hiện đầy đủ mối tương quan trong quan hệ biện chứng giữa hoàn cảnh và tính cách là một trong những thành tựu của các nhà văn. Các truyện ngắn đã tạo ra được các hoàn cảnh điển hình nổi bật, tạo điều kiện cho các tính cách điển hình phát triển. Tiêu biểu là Người luật sư trẻ của Ítxara Amăntakun. Hoàn cảnh điển hình của câu chuyện đầy éo le khi Thanh- một chàng luật sư nghèo khổ trẻ tuổi- đại biểu của tầng lớp nghèo khổ có được dịp may khi vào làm nhân viên tập sự cho văn phòng luật sư Phaoalaxê- đại biểu cho tầng lớp trên và là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp bóc lột dân nghèo. Chính Thanh được giao công việc là người trực tiếp đi thu tiền nhà hàng tháng- những đồng tiền bòn rút từ mồ hôi nước mắt của những người dân nghèo cho lão trọc phú. Công việc sẽ là đơn giản nếu như Thanh không phát hiện ra việc làm gian dối, bịp bợm để ăn chặn tiền của người dân vốn dĩ quá nghèo khổ của lão tư sản này. Lúc này nhân vật điển hình là Thanh sẽ được đặt vào trong sự lựa chọn giữa hai con đường: hoặc làm ngơ trước nỗi khổ của người nghèo và làm tròn sứ mệnh của kẻ làm công, hoặc đại diện cho người nghèo đứng lên đòi lại công bằng. Không chút băn khoăn, chàng trai trẻ đã chọn con đường thứ hai để đi theo. Hoàn cảnh của câu chuyện đặt nhân vật vào tâm thế sẵn sàng bị tha hóa và gục ngã trước quyền lực. Thế nhưng nhân vật của chúng ta không những không bị hoàn cảnh tác động và chi phối mà ngược lại anh đã chi phối hoàn cảnh ấy. Thanh không những đứng đơn kiện lão chủ tham lam, độc ác mà còn mở mang đầu óc cho những người dân vốn bao năm nay bị lừa bịp mà không hay biết. Thanh đã thức tỉnh anh trai mình, từ chỗ thần tượng lão chủ Phaoalaxê đến chỗ nhận ra “bao lâu nay tôi làm việc như một thằng mù” (6) và khẳng định “ Thanh đã chọn cho mình con đường đúng đắn” (6). Kết thúc câu chuyện không rõ chàng luật sư trẻ tuổi có thắng kiện không, nhưng với người đọc, đấy đã là một kết thúc đẹp, một điểm sáng của bức tranh văn học Thái Lan trong bối cảnh bị kìm kẹp của chế độ độc tài.

         Các nhà văn Thái Lan đã có ý thức bước đầu xây dựng được tính cách nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nhưng họ lại chưa thành công trong việc phản ánh những vấn đề chung rộng lớn của xã hội, chưa vẽ được những bức tranh đậm nét về đấu tranh giai cấp. Tuy nhiên thành công ban đầu này sẽ là tiền đề cho sự phát triển nghệ thuật, xây dựng điển hình hóa của văn học Thái Lan về sau.

         Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng đóng góp của các nhà văn Thái Lan và những truyện ngắn này với nền văn học hiện đại là vô cùng to lớn. Những truyện ngắn này có thể chưa phải là những tác phẩm hay nhất của các nhà văn hiện đại Thái Lan, song trong một chừng mực nào đó nó đã tạo ra các nhân vật điển hình theo xu thế thời đại, tiêu biểu cho sức sống đang vươn lên của dòng văn học hiện thực Thái Lan. Đồng thời các nhà văn hiện thực Thái Lan đã góp phần đưa văn xuôi trở thành một trong những thể loại đạt thành tựu to lớn của văn học hiện đại Thái Lan.

          _______________

         1. Theo winbookclub.com/frontpage.php

         2. Thanh Hương dịch, Truyện ngắn Thái Lan, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964.

         3, 4, 5, 6. Thanh Hương dịch, Truyện ngắn Người luật sư trẻ trong tập Truyện ngắn Thái Lan, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tr.96, 97, 101, 103.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : NGUYỄN THỊ LÝ

;