NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG VĂN XUÔI

Tản văn du ký là một thể loại văn chương mới, mang lại cảm hứng cho nhiều tác giả trẻ. Đây là những câu chuyện nhỏ được ghi chép lại sau mỗi chuyến hành trình của tác giả đến vùng đất mới. Trong số những tác phẩm viết về vùng đất phương Nam nắng gió thì Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em của Anh Khang lại mang đậm tinh thần hiện đại, nhưng vẫn đầy chất lãng mạn. Người đọc tìm thấy ở những câu chuyện nhỏ ấy tình yêu quê hương, đất nước, con người sau những chuyến đi, để thấy rằng tim mỗi người là quê nhà nhỏ, là nơi để trở về.

         Đã có nhiều tác phẩm về những vùng đất được xuất bản trước đây, đa phần là truyện ngắn. Nhưng văn học hiện đại còn ghi nhận, dung dưỡng một thể loại văn chương mới, tản văn du ký, mang lại một làn gió của tinh thần trẻ cho những ghi chép này. Trong số những tác phẩm tản văn du ký viết về vùng đất phương Nam nắng gió thì Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em của Anh Khang để lại nhiều trăn trở cho độc giả khi cuốn sách khép lại.

         Những tác phẩm của Anh Khang mang hơi hướng lãng mạn hiện đại, chủ yếu là về những chuyến đi, những cảm xúc của một người trẻ bị cuốn hút bởi cuộc đời phiêu bạt, những chuyến rong ruổi của tâm hồn. Anh Khang say mê đi, chăm chỉ viết; những câu chuyện đời thường, những nỗi nhớ về từng vùng đất, những ấn tượng sâu đậm về các chuyến đi, được tác giả lột tả chân thực nhưng vẫn đậm chất lãng mạn.

         Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em được chia thành 3 phần với những câu chuyện ngắn về cảm xúc rất đời thường, được viết như những áng thơ được thể hiện dưới dạng văn xuôi. Cách viết này khiến cho tác phẩm đi vào lòng người nhẹ nhàng nhưng ưu tư của nó thì lại thấm rả rích vào tâm hồn độc giả. Qua những dòng hồi ký, có thể thấy rằng Anh Khang là một con người theo chủ nghĩa dịch chuyển. Anh đi nhiều, Áo, Hy Lạp, Ấn Độ, Pháp, cùng nhiều quốc gia khác. Mỗi nơi anh đi qua, đều để lại ấn tượng cho con người với tư tưởng lãng mạn ấy.

         Ở phần 1, Tim mỗi người là quê nhà nhỏ, là những câu chuyện về Sài Gòn, chốn phồn hoa đô hội phương Nam. Trong các câu chuyện của Anh Khang, Sài Gòn hoa lệ hiện lên với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, những hình ảnh thân quen đến ngỡ ngàng mà tác giả trìu mến gọi là người yêu đầu đời.

         Sang đến phần 2, Ai qua bao chốn xa..., vẫn bằng giọng văn mượt mà, ngọt ngào ấy, tác giả đưa người đọc đến với những xứ sở của thánh đường, thần thoại, cổ tích, hoang mạc phủ đầy cát trắng, đi qua Venice, Dubai, Sahara, hồ Alpsee, Milan, Singapore..., rồi trở về Đà Lạt để nhấp một tách trà nóng, để thấy rằng “Chỉ mình ta thành khẩn/ Đứng cười với tháng năm...”(1).

         Thế rồi, dù cho có đi đâu thì cũng đến lúc con người trở về với quê hương xứ sở, vậy nên ở phần 3, Thấy đâu vui cho bằng mái nhà, tác giả lặng lẽ quay về, để chứng kiến mình đã trưởng thành thế nào, đã chai sạn ra sao sau những chuyến đi, để nhủ thầm bản thân mình “đi đâu chăng nữa cũng chẳng thoát nổi trái tim mình”(2).

         Tim mỗi người là quê nhà nhỏ

         Phần đầu tiên trong cuốn sách là ghi chép của tác giả về những hồi ức Sài Gòn khi anh ở cách xa thành phố thân yêu hàng ngàn cây số.

         Nhớ về Sài Gòn, tác giả nhớ về những điều thân quen, gần gũi tưởng chừng quá đỗi bình thường, về cha mẹ, những chuyến rong chơi ngang dọc thành phố, đèn xanh đỏ của mỗi ngã tư, cả về chợ, về nắng mưa 2 mùa, những con đường rợp bóng hàng cây... Chỉ bằng một vài nét phác họa, Anh Khang đưa người đọc đi dọc Sài Gòn, để thấy những bộn bề lo toan của một thành phố hiện đại không thể làm lu mờ đi ký ức lung linh về một thời thơ ấu cho đến khi lớn lên. Anh để người đọc biết yêu thương từng hạt nắng, giọt mưa, những vất vả của cha, nghĩ suy của mẹ, những cảm xúc trong trẻo của tình yêu đầu đời, rồi kết lại bằng sự rạn vỡ mong manh trong tâm hồn của chàng trai thành thị.

         Đọc Sau lưng mẹ, Nhà ở gần chợ, Trên vai cha..., độc giả tự thấy yêu hơn gia đình, nơi sinh thành từng sinh linh bé bỏng, nơi dung dưỡng những tâm hồn trong trẻo, ngọt ngào, chất phác đất phương Nam. Với ngòi bút đầy chất lãng mạn, tác giả đưa người đọc đi qua từng con phố chợ, những ngách nhỏ thành phố để đến với từng mái nhà nhỏ, nơi có cha, có mẹ, những buổi chợ đầu đời, nơi có tình yêu thương gia đình, những trò chơi hồn nhiên tuổi nhỏ. Bằng cách đó, độc giả như được trở về tuổi thơ cùng hàng ngàn ước mơ lấp lánh, thần tiên, cùng ký ức êm đềm dưới mái nhà yêu dấu. Với những người từng đi xa quê hương, những câu chuyện ấy luôn đưa lại cho họ những xúc cảm bâng khuâng, lưu luyến. Còn những người vẫn đang sống giữa thành phố đã sinh ra, nuôi họ lớn lên, lại càng yêu thêm từng hàng cây, con đường, yêu thêm gia đình, những phút giây được ở bên cạnh những người thân yêu dấu.

         Phận người ngã tư, Lạc giữa Sài Gòn... là những mảnh ghép chân thực đến ngỡ ngàng, mà chỉ cần để tâm một chút, sẽ thấy được một nét rất khác của thành phố xa hoa, chốn phồn hoa đô hội ấy. Chỉ qua những câu chuyện nhỏ bé, đời thường, tác giả đưa lại cái nhìn khác về một Sài Gòn hoa lệ trong tâm trí độc giả, như ai đó từng nói: Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo.

         Sài thành lớn lên theo Anh Khang, cùng anh chứng kiến những cuộc tình dở dang, đượm buồn nơi phố thị, thổi bùng lên trong anh những ý tưởng cho Cô đơn trên cao, Người thứ ba vô thường..., rồi cũng để anh thì thầm những lời tận sâu thẳm suy nghĩ với người con gái nào đó trong cuộc đời hay với chính bản thân mình như trong Nghĩ suy lận đận, Cho tim mình nghỉ mệt tí đi em!

         Cứ thế, Sài Gòn hiện lên theo sự nhận thức của Anh Khang đang lớn dần. Từng con phố, số nhà, những hàng cây, vỉa hè, bao ngã tư ngang dọc hay các cột đèn xanh đỏ... tất cả được tái hiện chân thực nhưng vẫn đượm tinh thần lãng mạn, chất lãng mạn đặc trưng của giọng văn tác giả.

         Những câu chuyện nhỏ trong phần đầu của tác phẩm đã đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về Sài Gòn, làm sống dậy trong lòng những người con của đất phương Nam niềm tự hào, tình yêu với mảnh đất 2 mùa mưa nắng ấy. Với những ai chưa từng được biết đến Sài Gòn, tác phẩm đưa lại cái nhìn đầy chất thơ về vùng đất ấy. Đọc tác phẩm, sẽ có những người muốn một lần đến với Sài Gòn, để tận mắt chứng kiến những con đường, những góc phố đầy trăn trở mà tác giả đã nhắc đến. Phải chăng, đó cũng là một cách mà tác giả thể hiện tình cảm của mình với Sài Gòn, người yêu đầu đời của anh?

         Ai qua bao chốn xa...

         Ở phần thứ 2, tác giả ghi chép lại cảm xúc về những chuyến đi. Qua ngòi bút tác giả, Milan, Dubai, Santorini... hay cả gió cát vùng sa mạc Sahara hiện lên với tất cả vẻ kỳ bí, dịu dàng.

         Anh Khang đi nhiều, cũng nếm nhiều hương vị ẩm thực ở mọi nơi, những viên kem Gelato mát lạnh nước Ý, những chai rượu vang làm bằng nho lên men vùng Địa Trung Hải “mùi thơm lừng và vị nồng chát cứ dịu dặt làm say lòng du khách mà không hề để lại chút dư chấn lạc lõng của hậu vị the đắng...” (3). Tác giả đón sinh nhật của chính mình khi rong ruổi giữa sa mạc Sahara, được tặng một hình xăm henna, một nghi thức chúc phúc cổ xưa của người dân bản địa từ một cô nghệ nhân xinh đẹp của xứ sở cát trắng. Thế nhưng, sau khi rong ruổi qua những ngày mưa, từng tháng nắng trên nhiều miền đất, Anh Khang vẫn dường như thấy những mảnh đất ấy không khác xa là mấy so với câu chuyện cổ mà anh đã từng nghe thuở ấu thơ. Những cuộc phiêu lưu lang bạt qua những vùng đất xứ lạ chỉ càng làm cho tác giả nhớ hơn, yêu hơn quê nhà, Sài Gòn, thành phố thân thương đã ghi dấu, khắc sâu trong tâm khảm.

         Ở phần ghi chép này, Anh Khang đã mang đến cho độc giả một cái nhìn rộng hơn nỗi nhớ Sài Gòn. Theo bước chân của anh, người đọc đi từ ngạc nhiên này đến thú vị khác. Sự trải nghiệm của anh thôi thúc sự dịch chuyển trong tâm hồn những con người trẻ tuổi, đi để thấy mình trưởng thành, đi để muốn được trở về.

         Thấy đâu vui cho bằng mái nhà

         Phần cuối của cuốn sách là những ghi chép của một Anh Khang đã khác nhiều so với chàng trai chưa một lần bước chân trải nghiệm. Tác giả đã biết cách bình thản đối mặt với cô đơn, những nỗi đau mà cuộc đời mang lại, anh cũng biết buông bỏ những gì không cần thiết để thấy mình trưởng thành theo năm tháng. Sau chuyến đi, tác giả đã biết cảm thông hơn cho những số phận, những kiếp người, anh cũng thấy yêu bản thân, yêu gia đình mình nhiều hơn, bởi “chỉ có tình thân còn nhẫn nại ở lại phía sau lưng và luôn là nơi cứu rỗi mỗi khi chúng ta cần quay đầu và bắt đầu, sau tất cả vấp ngã lẫn cố chấp của hành trình lớn lên” (4).  Anh biết rằng: “Cô đơn không đáng sợ. Đáng sợ là những thứ cô đơn do tự mình sợ hãi mà không dám vươn mình ra đón nhận và đương đầu với cuộc đời!” (5).

         Và, Anh Khang một lần nữa làm thức dậy trong lòng người đọc tình yêu dành cho mảnh đất đã sinh ra, nuôi lớn mình, yêu những hàn gắn của mảnh đất sau những vấp váp cuộc đời. Độc giả nhận thấy mình vững lòng hơn sau những chuyến đi xa, bởi đâu đó vẫn còn nơi để trở về, đó là quê hương.

         Đọc tác phẩm, tình yêu với quê hương, xứ sở, với nơi chôn rau, cắt rốn của độc giả dường như được khơi gợi một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Với những người trẻ tuổi, tác phẩm là một luồng gió nhẹ nhàng, khuyến khích những chuyến phiêu lưu đến những vùng đất mới, để hiểu thêm về con người, về thiên nhiên, để không lãng phí những năm tháng tuổi trẻ. Với những người đã từng trải qua mưa nắng cuộc đời, tác phẩm nhắc nhở về quá khứ tươi đẹp, về một Sài Gòn đầy nắng, gió, thổi bùng lên mong muốn được quay về quê hương, thắp lên tình yêu xứ sở.

         Trong vòng xoay thời đại, đang chi phối mạnh mẽ đời sống thành thị, nhất là một thành phố luôn sôi động như Sài Gòn, thì tác phẩm như một khoảng lặng của tâm hồn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận độc giả hướng đến những tác phẩm giải trí nhẹ nhàng. Do vừa đảm bảo được tính hiện đại, vừa mang tinh thần văn chương lãng mạn, nên Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em đáp ứng được mong muốn của một lượng lớn độc giả trong việc vẽ nên một thành phố thời hội nhập với tất cả nốt thăng, nốt trầm của nó.

         Sự phát triển không ngừng của thành phố đang rất cần những định hướng mới mẻ, không chỉ ở cuộc sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần. Bởi vậy, cuốn sách, một tác phẩm tản văn du ký, cùng với lối viết trẻ trung, năng động, hợp thời đại đã đặt một viên gạch cho nền móng vững chắc để xây dựng nên một thể loại văn chương mới, làm phong phú hơn cho cuộc sống tinh thần của giới trẻ, của toàn xã hội. Sài Gòn, cũng như bao thành phố khác của đất nước, những địa phương đang trên đà hội nhập, rất cần những món ăn tinh thần như thế, không chỉ để định hướng về văn hóa một cách văn minh mà còn đóng góp rất hữu ích về giá trị tinh thần cho xã hội hiện đại.

         Một cuốn hồi ký, có thể đáp ứng được 2 đối tượng độc giả, với 2 nhu cầu phiêu lưu, hoài niệm, có lẽ cũng là một điều mà không nhiều tác phẩm có thể làm được. Với nền văn học hiện đại, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em là một tác phẩm hồi ký về du khảo điển hình; được viết bởi một người còn rất trẻ, nhưng lại đưa đến cho độc giả cái nhìn vừa hoài cổ, vừa mới mẻ về Sài Gòn. Tác phẩm là một trong những cuốn tản văn du ký lắng đọng, có chiều sâu, để lại ấn tượng với độc giả dù chỉ đọc qua một lần.

         Những vần điệu uyển chuyển được diễn giải dưới dạng văn xuôi của Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em lắng lại trong lòng người đọc bởi tính nhạc, chất thơ sâu lắng. Tác phẩm tản văn du ký của Anh Khang, một người trẻ, đã ghi lại  dấu ấn trong dòng văn học lãng mạn hiện đại. Độc giả sẽ tìm được ở đó sự đồng điệu về tâm hồn, những phút bình lặng đáng yêu giữa bộn bề cuộc sống. Trên hết, tác phẩm đã giúp cho độc giả trẻ hiểu thêm, yêu hơn vùng đất Sài Gòn 2 mùa mưa nắng, sâu xa hơn là tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt, nơi sinh thành, dung dưỡng những tâm hồn lãng mạn trong dòng chảy văn chương thời đại.

         _______________

         1, 2, 3, 4, 5. Anh Khang, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2015, tr. 177, 215, 106, 198, 199.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU

;