Những cảm nhận về bộ phim Koyaanisqatsi

Ra mắt năm 1982, bộ phim Koyaanisqatsi được giới phê bình và khán giả đại chúng tán dương vì trải nghiệm độc nhất mà nó mang lại cho người xem. Là bộ phim tài liệu đầu tay của Godfrey Reggio, tuy là phim tài liệu nhưng phim không có cốt truyện cụ thể, không có lời dẫn, không có nhân vật. Thay vào đó, bộ phim là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc của Philip Glass và hình ảnh quay phim của Ron Fricke để tạo bầu không khí cũng như cảm xúc, ấn tượng về phim.

Cảnh trong phim Koyaanisqatsi - Ảnh internet

Tên phim Koyaanisqatsi là tiếng của người Hopi cổ xưa, một trong những dân tộc bản địa ở nước Mỹ. Việc chọn một ngôn ngữ đã gần như tuyệt chủng là dụ ý của đạo diễn khi đến tận cuối phim khán giả mới biết được ý nghĩa thật sự của nó. Tuy rằng người Hopi không xuất hiện trong phim nhưng dường như linh hồn và lời tiên tri của họ đã hiện diện trong phim qua các hình ảnh và âm thanh. Koyaanisqatsi có ý nghĩa ngắn gọn là cuộc sống mất cân bằng.

Bộ phim không có một mạch truyện thẳng, nhưng đạo diễn đã khéo léo bố cục phim cho cảnh mở đầu và cảnh kết là gần như cùng một hình ảnh. Khác với trường hợp trong phim Nhất Nhất (2000) của đạo diễn Dương Đức Xương khi ông bố cục phim như một cuộc đời, bắt đầu với cảnh đám cưới tượng trưng cho sự sống mới nở ra và kết thúc với cảnh đám tang tượng trưng cho cái chết lụi tàn, nhằm nhấn mạnh vào chủ đề về cuộc sống của con người vào đầu những năm 2000. Koyaanisqatsi thì lại mở đầu và kết thúc với các hình giống người được vẽ trên tường đá. Cần lưu ý là những hình này không được vẽ bởi người Hopi mà là người Fremont - hàng xóm của người Hopi, song, nó vẫn mang giá trị về văn hóa, lịch sử và quá khứ cổ xưa của nước Mỹ. Sự xuất hiện trở lại của những hình ảnh đó ở cuối phim đã thêm một lần khẳng định điều này.

Trước khi nhìn thấy bất kỳ thứ gì của phim ta nghe thấy linh hồn của nó qua âm những thanh. Âm nhạc của Philip Glass là một phần không thể tách rời bộ phim, giống như Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) với nhạc của John William, nhưng ở đây nó được đưa lên một tầng cao mới. Tiêu đề phim hiện lên cùng âm thanh dàn đồng ca với tông giọng trầm tạo tâm trạng cho những diễn biến sau đó. Thế rồi đột nhiên cả màn hình sáng lên vì những ngọn lửa đỏ. Phải một lúc sau khán giả mới nhận ra thứ họ đang thấy là một tên lửa vũ trụ - thành tựu đáng tự hào nhất của con người đang dần bay lên, tất cả đều được trình bày cho khán giả dưới hình thức quay chậm (slow motion). Ý nghĩa của hình ảnh này được làm rõ hơn cho khán giả ở cảnh cuối của phim.

Sau khúc dạo đầu đầy bí ẩn, bộ phim mới thực sự bắt đầu với cảnh đồi núi hoang mạc ở vùng Tây Nam nước Mỹ qua các con sông, những đám mây và khe núi. Hầu hết âm nhạc của cảnh đều là những nốt dài và trầm để nhấn mạnh vào sự bình yên của thiên nhiên hùng vĩ. Sau, âm nhạc có trở nên nhanh hơn, nhộn nhịp hơn, nhưng chỉ là để bắt kịp với hình ảnh camera đang chuyển động nhanh dần theo thời gian. Những hình ảnh thiên nhiên bình yên ấy nhanh chóng bị phá hủy bởi những vụ nổ bên sườn đồi. Sự hiện diện đầu tiên của con người diễn ra trong sự kết hợp giữa hình ảnh phá hủy thiên nhiên và âm nhạc với âm thanh mang tính u ám có thể khiến nhiều khán giả xem lần đầu hiểu ý nghĩa phim chỉ đơn giản là “biến đổi khí hậu”. Thế nhưng, bộ phim đã làm phức tạp hóa dòng suy nghĩ ấy trong diễn biến tiếp theo.

 Trái ngược hoàn toàn với âm nhạc nhẹ nhàng, mang một chút cổ điển trong cảnh thiên nhiên đầu phim, thì khi những máy móc của con người được giới thiệu chúng được thay thế hoàn toàn bằng các nhạc cụ điện tử, nhấn mạnh vào sự tân tiến của công nghệ trước thiên nhiên. Các hình ảnh cứ thế cho khán giả thấy từ quy mô cho đến kích thước của các công trình công nghiệp đứng bên cạnh thiên nhiên như đập thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện hạt nhân... đến cả các cỗ máy công nghiệp nhỏ hơn như cần cẩu cũng được quay rất gần với chủ thể để tạo ra cảm giác chúng to hơn so với thực tế.

Có một khoảnh khắc trong đó âm nhạc quay trở lại với âm nhạc cổ sơ trong trường đoạn thiên nhiên đầu tiên, nhưng chỉ một lúc sau, âm nhạc đột ngột tăng tốc với âm thanh điện tử mà khán giả đã nghe trước đó. Tất cả là để chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự leo thang của công nghệ là bom nguyên tử, một quả bom nguyên tử được kích nổ thử nghiệm ở sa mạc vùng Tây nước Mỹ. Vụ nổ bom nguyên tử chính nó cũng là một hình ảnh rất mạnh mẽ, nhưng khi kết hợp với âm nhạc và những hình ảnh trước vụ nổ càng khiến cho nó trở nên khó tránh khỏi khi xét đến khía cạnh tiến bộ khoa học. Phim đã cho ta thấy trước điều này khi mở đầu trường đoạn sự phát triển công nghệ từ những vụ nổ đến các cỗ máy… và đỉnh điểm là vụ nổ bom nguyên tử. Sự phát triển và tiến bộ công nghệ là một chủ đề quan trọng và sẽ không ngừng được nhấn mạnh thêm nữa.

Sau quãng nghỉ ngắn, phim cắt ngang sang cảnh một gia đình đang nghỉ mát trên bãi cát nhỏ. Máy quay zoom dần ra cho khán giả thấy bãi cát mà gia đình đó đang nằm không phải là bãi cát tự nhiên, mà là bãi đất trống của một nhà máy khổng lồ cách ngay sau họ vài bước chân. Một hình ảnh hoàn hảo để bắt đầu một trường đoạn mới, một chương mới về con người và công nghệ.

Âm nhạc của cảnh là âm thanh từ một dàn hợp xướng, không có tiếng nhạc cụ mà chỉ có âm thanh đồng ca. Khác hẳn với trường đoạn trước, âm nhạc ở đây không sử dụng âm thanh u ám từ nhạc cụ điện tử mà ngược lại, nó nghe giống một bản tụng ca đang ca ngợi con người vì những gì họ đã làm được. Hình ảnh những tấm kính thủy tinh của một tòa nhà cao tầng phản chiếu lại bầu trời mây và hai chiếc máy bay dưới hiệu ứng của ống kính tiêu cự dài, nhìn từ xa như những thiên thần với đôi cánh là các vì sao là thứ mang đầy tính biểu tượng của phim. Âm thanh không có lời cụ thể, nhưng cách chúng được đặt cùng những hình ảnh trên càng làm cho tính ngợi ca thêm phần thấm thía.

Ở cảnh ngay sau đó, âm nhạc điện tử quay trở lại với những nốt quen thuộc, nhưng lần này âm nhạc không đen tối mà còn rất tươi sáng. Tiết tấu của nhạc cũng là một điểm đáng nói vì nó đủ nhanh để tạo cảm giác nhộn nhịp, nhưng đủ chậm để kết hợp hài hòa với hình ảnh. Một nửa hình ảnh của cảnh là các phương tiện giao thông đi lại trên con đường trải dài mãi, những chiếc ô tô di chuyển đồng nhất với nhau như trên dây chuyền sản suất tạo ra một cảm giác hài hòa đến lạ thường. Đó là lý do vì sao khi âm nhạc tăng thêm cao độ và hình ảnh chuyển từ phương tiện di chuyển trên đường phố sang các hình ảnh quân sự lại có cảm giác bất thường như vậy. Đầu tiên là những thước phim tài liệu Thế chiến II với cả hàng xe tăng xếp dài đến vô tận. Rồi quay lại hiện tại với những chiếc phi cơ mới, có thể bay qua sa mạc rộng lớn một cách dễ dàng, rồi đến những quả bom to nhỏ thả xuống, với hình ảnh được phóng lên (quả bom Fatman được thả xuống Nagasaki cũng hiện diện trong cảnh này). Cuối cùng là sự hủy diệt của chúng khi những chiếc máy bay nổ, xe tăng nổ, xe tiếp tế nổ, rừng cháy... Trong khi nửa đầu cho thấy chủ thể là các phương tiện giao thông có số lượng rất lớn, nhưng không có sự thay đổi về hình thái, thì nửa cuối được trình bày với một mức độ tăng lên cả về kích thước lẫn số lượng. Từ những hàng xe tăng đến máy bay khổng lồ rồi đến những quả bom với đủ kích cỡ và số lượng có khả năng hủy diệt tất cả. Sự tăng tiến cả về tiết tấu âm nhạc và tốc độ hình ảnh là lý do khiến cho đây là một trong những cảnh đáng nhớ nhất của phim khi nó không chỉ gây ấn tượng về mặt kỹ thuật mà còn là những gì nó có thể truyền tải trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Sự tương phản giữa đời sống thường ngày và thành tựu quân sự có thể xa rời nhau, nhưng phim đã cho thấy việc phát triển phiên bản mới của một chiếc chiến cơ không khác gì so với việc có một chiếc xe hơi đời mới. Chúng đều là những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Ngay sau sự hỗn loạn của công nghệ quân sự, hình ảnh được quay lại với đời sống hiện đại qua các tòa nhà cao tầng ở một thành phố nào đó, nhưng sau những gì đã chứng kiến nó trông thật nhàm chán. Hình ảnh kết hợp với tông màu chủ đạo nhạt nhẽo làm cho khán giả cảm thấy hụt hẫng. Chuyển động camera chậm cùng với cảnh gần như tĩnh, kết hợp với âm nhạc có âm lượng thấp rất khó nghe là “công cụ” để đạo diễn chuẩn bị cho khán giả đến những gì kế tiếp.

Hình ảnh những tòa nhà cao tầng hiện đại nhanh chóng bị cắt sang một khu đổ nát, âm nhạc trở nên bi thương hơn khi tiếng violin cất lên. Tiếp đó là hình ảnh những tòa nhà không cửa kính cùng với hàng mớ rác giữa đường và những con người chân đất ngồi bên vỉa hè phản ánh tình trạng đói nghèo của thành phố. Sau khoảnh khắc ngắn ngủi, âm nhạc ngay lập tức tăng tốc thêm với tiếng kèn thổi rất nhanh. Máy quay từ trực thăng lia qua hàng dãy nhà bỏ hoang cho khán giả thấy quy mô đáng lo ngại của sự hoang tàn. Thế rồi tất cả đều sụp đổ khi một nhà rồi hai nhà bị bom xây dựng phá hủy. Không chỉ những tòa ở khu bỏ hoang mà cả những ngôi nhà trong thành phố, cần cẩu, cây cầu cũng bị nổ tung. Vụ nổ là một môtip được tái hiện lại khá nhiều trong phim, nó có thể được xem là khởi đầu cho sự tái sinh những công trình, nhà máy... nhưng nhiều khi chúng được đưa ra dưới lăng kính tiêu cực, tượng trưng cho sự hủy diệt của con người đối với môi trường xung quanh và hủy diệt chính họ.

Tiếp đến lại là một khoảng lặng sau sự hỗn loạn, lần này nhạc nền là tiếng kèn đơn độc, lặng lẽ mỗi lúc dần rõ hơn. Hình ảnh đồng hành với âm nhạc là những tòa nhà chọc trời, nhưng không giống như cảnh trước, chúng không phải là những ngôi nhà hoang mà là những tòa nhà nguy nga, hoành tráng. Một sự đối lập với hình ảnh của những cảnh trước đó, lần đầu tiên khán giả được thấy con người khi họ nhìn lên một tòa nhà có kính phản chiếu lại bầu trời mây. Đây có thể là một dụng ý của đạo diễn khi hai cảnh lại có hình ảnh giống nhau như vậy, nó có thể mang ý nghĩa biểu tượng cho sự tiến bộ của con người so với thiên nhiên, ở một đầu khi ta mới gặp con người và một vài thứ công nghệ của họ, ở đầu còn lại là khi được chứng kiến rõ ràng quy mô của những tiến bộ khoa học công nghệ và lối sống ngày càng xa rời tự nhiên của con người. Đây cũng là cảnh đầu tiên mà chúng ta thực sự thấy những cá thể con người. Trong các cảnh khác, con người là một phần của lối sống đô thị với nhiều sắc thái, thì trong cảnh này con người chính là lối sống. Hiệu ứng slow-motion được sử dụng khi chủ thể trong khung hình là con người. Họ đi lại nói chuyện, có người nhìn thẳng vào máy quay có người chỉ đi qua trên phố mà chẳng ai mảy may đến quá nhiều thứ xung quanh. Máy quay có chọn ra một vài cá thể để cho khán giả thấy sự đa dạng trong sắc tộc, nghề nghiệp, giới tính... những người quá đỗi bình thường trong thế giới hiện đại.

Có thể nói, phân cảnh ngay sau đó là đoạn cao trào của cả bộ phim, đồng thời cũng là một trong những phân cảnh đáng kinh ngạc và ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh. Thật khó có từ ngữ nào diễn tả được những gì đạt được trong cảnh này. Nó vừa diễn tả rõ cảm giác trải nhiệm cuộc sống hiện đại qua con mắt mới mẻ, vừa cho thấy tốc độ phát triển đến kinh ngạc của các lĩnh vực, như sản xuất, công nghiệp, thương nghiệp... những lĩnh vực mà từ trước đến nay ta thường nghe được trên báo đài chứ chưa bao giờ thực sự chứng kiến. Âm nhạc của trường đoạn là một yếu tố chủ chốt để tạo ra trải nghiệm khó quên này, kỹ năng làm nhạc của nhạc sĩ Philip Glass đã đạt đỉnh cao nhất trong phim. Sự kết hợp hoàn hảo giữa nhạc điện tử, giàn hợp xướng và hình ảnh phim, hay nói đúng hơn là biên tập phim đã tạo nên sức hấp dẫn của cảnh phim. Cảnh bắt đầu chậm rồi dần tăng tốc theo thời lượng và cứ thế kéo dài đến hơn 20 phút của time-lapse (thuật ngữ chỉ kỹ thuật kết hợp những yếu tố của montage và chuyển động nhanh - fast motion) về cuộc sống và công nghệ. Xe ô tô chạy trên đường cao tốc với ánh đèn pha đã biến thành những vệt sáng đôi chảy như dòng sông bất tận trong đêm tối. Con người làm việc như những cỗ máy mà họ vận hành. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa con người và công nghệ đã tạo ra một hệ sinh thái hoạt động trơn tru đến kinh ngạc.

Sau 20 phút time-lapse âm nhạc bất ngờ dừng lại, máy quay từ trực thăng ở phía trên các tòa nhà cao tầng nhìn xuống những gì vừa diễn ra, hình ảnh chuyển động với tốc độ bình thường cùng với âm nhạc gần như mất dần trong khoảnh khắc trước khi máy quay cắt ra xa dần khỏi thành phố, rồi tất cả biến thành các con chip điện tử, máy tính... Trong tiếng nhạc trầm u, máy quay hướng lại cảnh thành phố lần cuối với chuyển động lướt qua, dưới một lăng kính nhận thức sâu hơn về hậu quả của phát triển quá nhanh là sự cô đơn, đói nghèo, bệnh tật... mặc dù không phải tất cả hậu quả trên đều đến từ sự phát triển của công nghệ, nhưng sự phát triển chắc chắn có đóng góp một phần không nhỏ tạo nên chúng. Có lẽ rằng quá trình hiện đại hóa, công nghệ hóa đã lấy mất đi phần nào đó ở chúng ta được thể hiện qua hình ảnh hàng người đi lại trong một ngân hàng, nhưng qua kỹ thuật phim đã biến những con người ấy thành ra như những bóng ma. Rõ ràng khi cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên “điện tử hóa”, đặc biệt là với tốc độ như hiện tại thì sẽ có sự trả giá. Điều mà phim muốn nói ở đây chính là sự điện tử hóa con người hay nói cách khác là sự mất đi phần người để rồi rất có thể con người cũng trở thành một phần của công nghệ, máy móc.

Cuối cùng, bộ phim đến với hồi kết bằng một lời tiên tri của người Hopi, hình ảnh phim quay lại với cảnh tên lửa vũ trụ được phóng lên ở đầu phim, tuy không phải là cùng loại tên lửa nhưng hình ảnh ẩn dụ vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Con tàu tên lửa bay lên không trung cùng với âm nhạc quen thuộc ở đầu phim tạo ra cảm giác vừa hùng vĩ, vừa ẩn chứa điều gì đó đáng lo ngại. Con tàu đột nhiên nổ tung giữa bầu trời, một mảnh tàu được máy quay đặc tả khi nó vừa cháy, vừa rơi xuống khoảng không tưởng chừng như vô tận. Qua hiệu ứng tua chậm, mảnh tàu cứ rơi xuống mà chẳng bao giờ chạm đất, sau đó hình ảnh mờ dần rồi chuyển sang các hình nhân được vẽ trên vách hang đá.

Dường như con người đã hoàn thành đúng một vòng lịch sử, từ đỉnh cao công nghệ quay trở lại với hình vẽ và hang động. Nhưng bộ phim chưa dừng lại ở đó mà cuối phim là hai phần chú thích cho khán giả, phần thứ nhất là định nghĩa của động từ Koyaanisqatsi (từ ngôn ngữ Hopi).

1. Ko-yaa-nis-qatsi = Cuộc sống điên loạn - mất cân bằng - tan rã.

2. Lời bài hát cuối phim: “Nếu ta đào những thứ quý hiếm ra khỏi lòng đất, ta sẽ tự mang đến tai họa”. “Gần ngày Thanh tẩy, sẽ có mạng nhện giăng khắp trời cao. Một thùng đựng tro sẽ một ngày bị vung lên trời, thứ có thể đốt cả đất liền và bốc hơi cả đại dương”.

Đã 40 năm kể từ khi bộ phim Koyaanisqatsi ra rạp, trong hoàn cảnh thế giới ngày càng chịu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai với một mức độ tăng lên chưa từng có, tỷ lệ với tốc độ phát triển không kiểm soát của nhân loại, Koyaanisqatsi hay lời tiên tri của người Hopi đang ngày càng trở nên ứng nghiệm. Nếu cuộc sống của con người hiện đại không chịu thay đổi, một ngày nào đó chúng ta sẽ giống như chiếc tên lửa kia khi cùng với tham vọng chinh phục thế giới, chúng ta sẽ thất bại và cùng với nó rơi mãi xuống vực thẳm để rồi quay lại với hang đá như người tối cổ.

Ths LÊ PHƯƠNG MAI - TẠ ĐỨC LỘC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;