Tóm tắt: Quỳnh búp bê là phim truyện truyền hình tâm lý xã hội (melodrama). Phim có nhiều những tình tiết gây sốc, những “cú vặn” bất ngờ… các tình huống được xử lý hợp lý và diễn xuất tốt của các diễn viên, đặc biệt là cảnh kết. Bộ phim có cách kể chuyện đặc trưng của phim truyện truyền hình nhiều tập, với nhiều cốt truyện và nhiều nhân vật, được đánh giá là thành công, có giá trị nhân văn.
Từ khóa: Quỳnh búp bê, phim truyện truyền hình.
Abstract: Quynh doll is a social psychological TV series (melodrama). The film features many shocking details and unexpected twists. The situations are handled logically, and the acting is strong, especially in the final scene. The series employs a narrative style typical of multi-episode TV dramas, with multiple intertwined storylines and characters. It’s considered a successful work with significant humanistic value.
Keywords: Quynh doll, television series.
Dàn diễn viên tham gia phim Quỳnh búp bê - nguồn: internet
1. Kể chuyện trong bộ phim
Truyện phim trong Quỳnh búp bê được kể với 3 đặc điểm chính:
Thứ nhất, phim có cách kể tuyến tính với đa cốt truyện, đa nhân vật đan xen
Cốt truyện chính của phim là cuộc đời cô gái Quỳnh “búp bê”, bị xâm hại, mang bầu, mẹ đẻ đuổi đi, bị bán vào động mại dâm, làm gái “bán hoa”… Trải qua nhiều khó khăn, rồi hoàn lương và có cuộc sống bình lặng. Sự thay đổi của nhân vật này là cốt truyện và cũng là câu chuyện xuyên suốt của phim. Bên cạnh đó người xem cũng được chứng kiến số phận của 2 cô gái, là Lan “cave” và My “sói” qua các cốt truyện khác. Là gái “bán dâm”, muốn hoàn lương, nhưng bị phát hiện quá khứ, bị hủy hôn, bị làm nhục, bị tai nạn… cuối cùng nhờ bạn, cô ta được chữa khỏi, trở về với cuộc sống bình thường, là câu chuyện của Lan “cave”. Độc ác, mưu mô, đố kỵ, luôn tìm cách hại người, chọn làm má mì mại dâm và ma túy, phải vào tù… là câu chuyện của My “sói”. 3 cốt truyện, 3 câu chuyện về 3 cô gái đã trải suốt bộ phim, đan xen, tạo nên bức tranh tổng thể về cuộc đời của các cô gái bị sa chân vào nghề “bán hoa”, và sự lựa chọn của từng người, tạo nên cái kết cho số phận và cuộc đời.
Cùng 3 câu chuyện của các cô gái, nhiều cốt truyện phụ khác cũng tùy lúc xuất hiện. Chuyện của Cảnh, bảo kê của ổ mại dâm, từng đánh đập Quỳnh mỗi khi cô bỏ trốn, dần yêu và muốn cùng cô sống lương thiện, nhưng ân oán giang hồ khiến anh ta chết (tập 15); câu chuyện của Đào, em gái Lan “cave”, một sinh viên, suýt rơi vào cạm bẫy của My “sói” (tập 25)…
Số phận của 3 cô gái “bán hoa” với các mảng đời khốn khổ, quyện vào nhau. Khi động mại dâm bị đóng cửa (tập 15), cha con lão chủ phải trả giá cho việc làm phạm pháp của mình, các cô gái được giải thoát và họ có thể làm lại cuộc đời. 3 cách lựa chọn dẫn đến 3 cái kết khác nhau. Quỳnh sau bao sóng gió tìm lại được con và sống bình yên tại một vùng quê. Lan lộ thân phận từng là gái “bán dâm”, bị gia đình hắt hủi, rơi vào thảm cảnh - bị tâm thần, rồi được Quỳnh giúp đỡ, sống bình yên. My trả giá cho lựa chọn phạm tội, cũng như những gì đã gây ra.
Các cốt truyện phụ cũng tạo nên những tuyến truyện phụ. Tuyến Đào và Quỳnh cũng khá phức tạp. Cho rằng chị gái mình làm “gái” là xấu xa, mà không hiểu, cô được đi học là nhờ tiền làm “gái” của chị, và suýt bị lừa làm “gái”, nếu Quỳnh không ngăn chặn... Tuyến Quỳnh và Thịnh, giang hồ hoàn lương, muốn cùng Quỳnh vượt qua khó khăn và giúp cô lấy lại niềm tin…
Liên kết với các tuyến truyện chính là nhân vật “mơ hồ”, lão bố dượng. Hận lão, Quỳnh định giết lão, nhưng khi xô xát, cô lại tự làm mình bị thương. Hoảng sợ, lão chạy ra ngoài bị xe cán chết. Nhân vật này mở ra, khép lại câu chuyện của Quỳnh.
Thứ hai, cách kể chuyện với các cốt truyện hợp lý và nhiều “cú vặn”
Xét theo các cấu trúc kể chuyện điện ảnh - truyền hình (1), các tuyến cốt truyện trong Quỳnh búp bê tuân theo cách kể 3 hồi nhân - quả. Tuy nhiên, câu chuyện được chia làm 2 phần, như đã nói, mỗi phần đều có cao trào và thoái trào riêng. Cao trào ở phần một là cái chết của Cảnh và đứa con của Quỳnh mất tích. Đây cũng là nguyên nhân của những sự kiện trong phần hai. Ở phần này, xô xát giữa Quỳnh với My, khiến mặt My bị sẹo, tạo hận thù sâu sắc giữa hai người. Cao trào ở phần hai là Quỳnh gặp lại bố dượng, và định tâm giết hắn, nhưng bị thương...
Quỳnh búp bê thu hút người xem bởi có cốt truyện tốt, đặc biệt là “cốt truyện vặn” (plot twist). “Cú vặn” đầu tiên, là cảnh một cô gái đang chạy trốn, được người phụ nữ trên xe khách đường dài giúp đỡ. Tưởng may, hóa ra mụ này đi kiếm gái cho các động mại dâm (tập 1). Hay khi chủ động mại dâm ép được Quỳnh “bán dâm”, nhưng vài phút sau, khách chửi bới ầm ĩ, vì cô đang có thai (tập 3). Hay “cú vặn”, Lan đang hạnh phúc, chờ được rước dâu, lại lộ chuyện làm “gái”, bị hủy hôn, gia đình ruồng bỏ (tập 16)…
Trong phim, kiểu cốt truyện “tình huống bế tắc” (cliffhange plot) được sử dụng. Quỳnh biết Cảnh bị chết, nhưng con trai mình không biết sống chết thế nào. Cả phần sau của phim là câu chuyện Quỳnh đi tìm con trai; My tung tin sai trái để Cảnh bị giết (tập 15); hay Cảnh luôn nghĩ Quỳnh hư hỏng, mà không biết cô bị bố dượng hãm hại, mẹ đẻ đuổi đi... Đặc biệt kiểu cốt truyện “tình huống bất ngờ” (unexpected plot) được sử dụng nhiều lần. Cảnh bị bọn côn đồ đánh hội đồng, Cấn xuất hiện cứu; Quỳnh bị nhốt, Cảnh xuất hiện cứu thoát; Lan bị tâm thần, được Quỳnh đưa vào viện…
Thứ ba, liên tục đẩy các xung đột lên cao trào, tạo sự lôi cuốn, hồi hộp
Cốt truyện thể hiện xung đột giữa những người có lợi ích mâu thuẫn, hoặc xung đột nội tâm… Không có nó, không có truyện. Trong Quỳnh búp bê xung đột chủ yếu là giữa các nhân vật với nhau. Chẳng hạn, xung đột giữa Quỳnh và lão chủ, vì cô không chịu “tiếp” khách; xung đột giữa Cảnh và Quỳnh, là người canh, không để Quỳnh trốn; xung đột giữa My và Quỳnh, vì đố kỵ, vì hận thù và sâu xa, không muốn Quỳnh hạnh phúc… Các xung đột xoắn xuýt, liên kết, cái này thúc đẩy cái kia, tạo nên sức căng của phim.
Với những cốt truyện đó, câu chuyện đã được kể theo lý thuyết “năm bước kể chuyện của Todorov” (2): trạng thái cân bằng - mất cân bằng - nhận biết mất cân bằng - hiệu chỉnh mất cân bằng - tạo trạng thái cân bằng mới, và cứ thế, các cốt truyện được triển khai… Chẳng hạn sau những lần bỏ trốn của Quỳnh là tra tấn ép bán “dâm” (tập 1-2); Quỳnh lần đầu bán “dâm”, bị phát hiện có thai (tập 3), My gài bẫy Quỳnh và Cảnh, ly gián quan hệ của chủ và Cảnh (tập 10); My bày kế cho lão chủ ép Quỳnh bán dâm sau sinh (tập 11); Phong giết vợ Vũ, rồi 2 bố con đổ tội cho Cảnh (tập 13); My tung tin Cảnh giết vợ Vũ, để đàn em Vũ giết Cảnh và bắt con trai Quỳnh (tập 15); Lan bị hủy hôn do lộ quá khứ (tập 16); My gài để trả thù Quỳnh (tập 22); My gài Quỳnh gặp bố dượng, Quỳnh định giết hắn, nhưng lại tự bị thương (tập cuối)... Mạch truyện được thúc đẩy bởi cốt truyện, các nút thắt liên tiếp xảy ra, đẩy xung đột đến cao trào, làm câu chuyện phát triển.
2. Kết nối với người xem của bộ phim
Tác giả Bordwell, trong cuốn Kể chuyện trong phim truyện viết: “Khi xem bộ phim hay nhiều tập phim, để hiểu được câu chuyện, người xem thực hiện những hoạt động để hình thành cấu trúc truyện, mà đang trình ra trước họ. Theo các chỉ báo phim, người xem đưa ra giả thuyết và suy luận nhờ các lược đồ (schemata) và khung nhận thức (frame), cùng những kiến thức có sẵn. Rồi kiểm tra giả thuyết, lược đồ mà họ đưa ra, để tạo nên cấu trúc câu chuyện theo cách hiểu của mình” (3). Bộ phim lôi cuốn được người xem hay không, phụ thuộc vào cách đạo diễn tạo nên các chỉ báo, các liên kết của các tình huống, phù hợp với thời gian, không gian rõ ràng, rành mạch, khuyến khích người xem trải nghiệm, đưa ra suy luận và giả thuyết về các tình huống đó.
Phim Quỳnh búp bê kết nối được với người xem là do:
Thứ nhất, cốt truyện tạo khoảng trống, độ trễ, sự dư thừa, thao túng suy luận và giả thuyết của người xem
Các tác giả phim Quỳnh búp bê đã sử dụng thủ pháp độ trễ câu chuyện, tạo khoảng trống và sự lặp lại để thao túng suy luận và giả thuyết của người xem, tạo những “cú vặn” bất ngờ. Ở đầu tập 1, một cô gái đang chạy trốn, và có những người đàn ông tìm kiếm, dĩ nhiên, người xem sẽ đặt câu hỏi: cô gái là ai? xảy ra chuyện gì? sao lại hoảng sợ vậy? Giả thuyết xuất hiện. Chắc chạy trốn những người đàn ông kia... Khi được một người phụ nữ cứu và đưa lên xe khách, người xem thở phào vì cô được giải thoát. Ngay sau đó, người xem lại lo lắng khi biết người phụ nữ kia là mụ “buôn người” và bán cô gái. Cô gái rơi vào ổ mại dâm, người xem hiểu cô đã gặp tai họa và lo lắng. Những nguồn thông tin khác nhau (báo chí, phim ảnh...) trong cuộc sống đã tạo cho người xem những lược đồ, những suy nghĩ, giả thuyết về bọn buôn người, số phận các cô gái khi bị rơi vào tay chúng. Giả thuyết, mà họ có thể đưa ra, đều trùng hợp. Quỳnh sẽ không chịu “bán” dâm, tìm cách bỏ trốn, bị bắt lại, và phải chịu những trận đòn… Người xem chưa biết vì sao Quỳnh lại rơi vào hoàn cảnh này? Xen vào những cảnh ép buộc của lão chủ, quá khứ của cô mới hé lộ. Bố mất, mẹ lấy chồng, bố dượng cưỡng bức, mẹ ghen tuông đuổi đi. Sự lặp lại các cảnh Quỳnh trốn và những trận đòn để ép cô làm “gái”, giúp người xem hiểu hoàn cảnh, cũng như không cam chịu của cô. Người xem biết Quỳnh có thai vì bị cưỡng bức, nhưng các nhân vật trong phim không biết việc này, đã tạo nên các “cú vặn”. Lão chủ tức giận vì bị lừa, mua phải cô gái đang có thai. Cảnh có ấn tượng xấu, cho rằng cô ăn chơi, hư hỏng. Lan lại nghĩ Quỳnh không phải con nhà lành... Các tình tiết cứ tạo nên nỗi oan ức của Quỳnh, làm người xem muốn “bật mí”. Đây chính là “chất kết dính” phim với người xem. Họ tò mò và đưa ra các giả thuyết, xem Cấn, Cảnh, Lan… sẽ phản ứng thế nào, khi biết lý do mang thai của Quỳnh, và đợi nút thắt này được “mở”.
Người xem cũng theo dõi cách My hạ nhục Quỳnh; làm lão chủ nghi ngờ Cảnh, người đang dần yêu và bảo vệ cô… Nhân vật My không từ thủ đoạn để hại Quỳnh... Những tình huống gay cấn liên tục xảy ra buộc người xem phải có tư duy liên tục, đưa ra các giả thuyết và suy luận khác nhau, tạo nên liên kết chặt chẽ với hành động của nhân vật, tập trung vào câu chuyện. Kết thúc phần đầu, My công khai thừa nhận chuyện đã làm để hại Cảnh và Quỳnh, khiến cô mất kiểm soát, rạch trán của ả. Đây là nguyên nhân tạo nên mâu thuẫn giữa 2 nhân vật này ở phần sau.
Trong phần sau của phim, người xem đối diện với những khoảng trống để suy luận và đưa ra giả thuyết. Lan về quê và chuẩn bị lấy chồng. Người xem mừng, và hy vọng cô sẽ bình bình yên, quên đi quá khứ đen tối, bước vào cuộc đời mới. Nhưng họ lại chứng kiến màn từ hôn tàn nhẫn, sự khinh miệt của làng xóm, sự ruồng rẫy của gia đình… Người xem đi từ cú sốc này sang cú sốc khác trước sự khắt khe, cay nghiệt của người đời với cô. Vận rủi lặp đi lặp lại, sự dư thừa của các tình huống xấu đã tạo nên bi kịch cho Lan.
Thông tin về nhân vật bố dượng của Quỳnh cũng được làm trễ, khiến người xem tò mò về cô. Sự xuất hiện, cái chết của y phần nào đáp ứng mong muốn của người xem là Quỳnh được “trả thù”.
Thứ hai, xây dựng “cấu trúc cảm thông” của người xem
Khi bị cuốn hút bởi cách kể chuyện, người xem gắn kết với các nhân vật, tập trung sự chú ý, quan tâm của mình đến số phận, cũng như cảm nhận được nỗi đau, niềm vui của họ. Người xem phản ứng với tình huống, thách thức mà các nhân vật chính gặp phải, mong muốn họ vượt qua và đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, với các nhân vật phản diện, người xem muốn họ bị trừng phạt, trả giá cho những điều đã từng làm. Về phương diện lý thuyết, khái niệm Cấp độ kết nối với nhân vật trong phim của người xem, do Murray Smith đề xướng trong cuốn Kết nối nhân vật: Hư cấu, cảm xúc và điện ảnh (4), mà theo đó, sự kết nối (engaging) của người xem với nhân vật được thể hiện ở 3 cấp độ: sự nhận biết (recognition), sự đồng chỉnh (alignment) và lòng trung thành (allegiance). Có thể thấy, sự nhận biết là quá trình người xem xây dựng trong mình từng nhân vật theo đặc điểm của họ trong phim, rồi liên tục tái nhận dạng họ.
Khi xem phim, người xem nhận rõ đặc điểm của từng nhân vật như Quỳnh, My, Lan, Cảnh... và mỗi nhân vật có một diện mạo, tên gọi, cá tính riêng. Chẳng hạn, Quỳnh xinh đẹp, ngây thơ, tốt bụng và “bướng bỉnh”; Lan từng trải, có trách nhiệm với gia đình, bộc trực, hay giúp đỡ người khác; My xinh đẹp, ngang ngược, nham hiểm, đố kỵ…; Cảnh ngang tàng, quân tử, trung thành, sẵn sàng đối đầu, sẵn lòng chở che kẻ yếu… Mỗi nhân vật là một mảnh đời có tính cách, số phận khác nhau, làm người xem muốn liên kết và muốn tìm hiểu.
Khi tương tác với các nhân vật, trải nghiệm của người xem được cấu trúc theo hai cách chính. Những câu chuyện định hình trải nghiệm về nhân vật, về mức độ đồng chỉnh, mức độ gắn bó trong không gian, thời gian câu chuyện về họ và mức tiếp cận chủ quan của người xem với từng nhân vật. Trải nghiệm về nhân vật được định hình theo lòng trung thành với họ, ủng hộ hay phản đối về đạo đức, yêu ghét theo cách câu chuyện thể hiện.
Phim Quỳnh búp bê kết nối người xem với cuộc đời của các nhân vật trong xã hội, mà ở đó có những cô gái “làm tiền”, những tên ma cô, bảo kê làm ăn phi pháp, những kẻ lừa đảo, buôn người… Người xem có những hiểu biết về xã hội từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, để từ đó, bằng trải nghiệm của mình, họ hình dung ra số phận của nhân vật trong phim. Đây chính là sự đồng chỉnh với các nhân vật. Các nhân vật này đến với người xem một cách sống động và chân thực. Các nhân vật như từ cuộc đời thực bước vào phim, làm người xem nhận thức được những mảng tối, sáng của cuộc đời, cũng như những tệ nạn xã hội đang tồn tại… Bởi có sự đồng chỉnh của người xem, nên có sự đánh giá các nhân vật này.
Lòng trung thành của người xem với nhân vật cũng bền vững. Cuộc đời của Quỳnh, My hay Lan, Cảnh… mang lại cho người xem những ấn tượng sâu sắc, với cảm xúc yêu ghét rõ ràng. Thương xót Quỳnh vì một tuổi thơ bất hạnh, mà sa ngã, nhưng cô lại hướng thiện, muốn làm lại cuộc đời. Khi bị dồn đến đường cùng, cô chấp nhận giết kẻ ác ma, chứ không quay lại cuộc đời nhơ nhớp, mà y gián tiếp đẩy cô vào. Người xem vui mừng khi cô khỏi vết thương, tìm lại được con... Thương xót cho Lan, hiếu thảo, nhưng gia đình không thông cảm, bị ruồng bỏ, rồi điên dại. “Lan là nhân vật phải chịu quá nhiều bi kịch. Bị từ hôn ngay trong đám cưới vì lộ thân phận làm “gái”, bị cả gia đình ruồng bỏ đến mức hóa điên. Những chi tiết này khiến khán giả bức xúc vì phim bất công và “độc ác” với nhân vật Lan…” (5). Là nhân vật phản diện, phim thể hiện được hoàn cảnh, tính cách, những việc làm tàn ác của My. Cái kết của nhân vật làm người xem hài lòng.
Tác giả Alberto N. García trong nghiên cứu về thái độ của người xem với nhân vật phản anh hùng: Cảm xúc đạo đức, nhân vật phản anh hùng và giới hạn của lòng trung thành (6) đã nhận xét về cách xây dựng loại nhân vật này, để có sự cảm thông của người xem. Theo đó, các nhân vật ấy cần: kiên định với tín ngưỡng của bản thân; gắn kết chặt chẽ với gia đình; là nạn nhân của cuộc đời khắc nghiệt; tốt hơn kẻ xấu khác. Đặt Cảnh vào cái “khuôn” điều kiện trên, nhân vật này đáp ứng cả 4 điều kiện. Anh này luôn kiên định với tín ngưỡng của riêng mình, là ngoan cố, trung thành với chủ vì mang ơn cứu mạng. Chỉ đến khi bố con lão chủ biến anh ta thành kẻ thế thân, lúc này, anh ta mới phản kháng, nhưng chỉ chọn cách bỏ đi với Quỳnh. Người xem nhận ra tố chất người hùng của Cảnh, sống tự trọng, có ơn tất báo… Cảnh cũng là nạn nhân của cuộc đời nghiệt ngã: mất con, vợ bỏ, bị gài bẫy, bị giết chết khi hy vọng về cuộc sống tốt đẹp bên Quỳnh. Nhân vật Lan cũng được xây dựng là nhân vật người hùng bi thảm. Là gái “làm tiền”, vì lo cho gia đình, vượt qua cản trở để thực hiện mục đích... Khi quay về, để làm lại cuộc đời, nhưng lại phải chịu sự nghiệt ngã, khổ đau của quá khứ… Cảnh và Lan là kiểu nhân vật khiếm khuyết đạo đức, người đời thường tránh quan hệ. Tuy nhiên, trong phim, họ lại có được sự cảm thông, sự đồng cảm của người xem.
Thứ ba, tạo phản hồi cảm xúc của người xem với số phận nhân vật
Trong cuốn Sự đồng cảm với các nhân vật hư cấu: Một nghiên cứu về các yếu tố liên quan từ lý thuyết tâm lý học xã hội và lý thuyết nhận thức điện ảnh (7), tác giả Victor Aertsen cho rằng có 7 loại cảm xúc cơ bản tạo nên sự đồng cảm của người xem với các nhân vật phim. Đó là: sự chấp thuận (approval), sự ngưỡng mộ (admiration), lòng trắc ẩn (compasssion), sự lôi cuốn (attraction), sự quen thuộc (familiarity), sự đồng điệu (homopjily), sự thân mật (intimacy).
Các nhân vật trong phim Quỳnh búp bê mang lại cho người xem hầu hết các cung bậc cảm xúc trên, dù các cảm xúc này đôi khi ngược nhau… Người xem ngưỡng mộ với Quỳnh khi thấy tinh thần không khuất phục lão chủ của cô. Bỏ trốn nhiều lần, dù bị bắt lại và bị bạo hành… Người xem ngưỡng mộ với Cảnh khi anh này cứu Quỳnh và con cô khỏi tay những tên ác ma, hay cách anh ta trả ơn cứu mạng của lão chủ, dù lão ta có những toan tính tồi tệ với mình. Người xem cũng cảm động trước tấm lòng chân thành của Lan đối với người thân và phẫn nộ với họ khi họ đối xử tệ bạc với cô… Dù các nhân vật như Cảnh, Lan, Quỳnh có những điểm không phù hợp với đạo đức xã hội, nhưng họ vẫn có ở người xem sự chấp nhận, sự thông cảm và sự xót thương. Thông thường, sự chấp thuận về đạo đức của người xem với các nhân vật được quy định bởi quan niệm về quy chuẩn đạo đức của chính họ, các đánh giá có ý thức, cũng như cảm tính của họ. Vì thế, người xem Quỳnh búp bê chấp nhận các nhân vật dựa trên sự cảm thông, đồng cảm với các nhân vật này… Ngay cả với nhân vật phản diện My, cũng có những điểm có thể nhận được sự thương cảm của người xem. Chẳng hạn, My bị người yêu phản bội, bị hủy dung trong lần xô xát với Quỳnh…
Kết luận
Sau khi phân tích cách kể chuyện bộ phim bộ truyền hình Quỳnh búp bê và các yếu tố kết nối với người xem của bộ phim, có thể rút ra những kết luận: Quỳnh búp bê thuộc thể loại phim tâm lý xã hội có mang tính hình sự, bộ phim có cách kể chuyện tuyến tính với đa cốt truyện, đa nhân vật. Cách kể tuyến tính trong phim chia làm 2 phần, với điểm chốt là sự đóng cửa nhà hàng Thiên Thai. Mạch truyện được thúc đẩy bởi cả cốt truyện và nhân vật, tập trung vào sự thay đổi số phận của cả 3 nhân vật chính là Quỳnh, My và Lan, trong đó Quỳnh là nhân vật trung tâm; Bộ phim sử dụng nhiều công cụ cốt truyện như: tình huống ngoài dự kiến; đánh lạc hướng; mục tiêu bí ẩn; tình huống mập mờ; tình tiết dự phòng; các cảnh hồi tưởng và cốt truyện vặn, nhằm tạo nên sức hút mạnh mẽ của câu chuyện, lôi kéo sự tò mò, sự hồi hộp, sự ngạc nhiên của người xem, gắn kết họ với bộ phim; Bộ phim sử dụng các cách kể chuyện, với các thủ pháp tạo khoảng trống, độ trễ, sự lặp lại tình huống lôi kéo suy luận và giả thuyết của người xem, giúp họ dễ dàng hiểu rõ các tình tiết câu chuyện. Người xem từ đó có sự nhận biết từng nhân vật, tạo ra sự đồng chỉnh, lòng trung thành với các nhân vật và những phản hồi đa dạng cảm xúc với câu chuyện.
________________
1. 4 story structures all Writer should know (4 cấu trúc kể chuyện cần biết), creators.wattpad.com, 1-8-2024.
2. blogs.grammar.sch.gg, 3-6-2022.
3. David Bordwell, Narration in The Fiction Film (Kể chuyện trong phim truyện), Uni. Wisconsin Press, USA, 1985, tr.10.
4. Murray Smith, Engaging Character: Futher Reflection (Kết nối nhân vật: Phản hồi xa hơn), trong Characters in fictional worlds: Understanding imaginary beings in literature, film, and other media (Nhân vật trong thế giới hư cấu: Hiểu về các nhân vật tưởng tượng trong văn học, phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác), Walter de Gruyter GmbH & Co, Ger, 2010, tr.232-258.
5. Linh Chi, Quỳnh búp bê bị khán giả đòi tẩy chay vì: độc ác, Lan “cave” phân trần, laodong.vn, 2-11-2018.
6. Alberto N. García, Moral Emotions, Antiheroes and the Limits of Allegiance (Cảm xúc đạo đức, nhân vật phản anh hùng và giới hạn của lòng trung thành), trong Emotion in Contemporary TV series (Cảm xúc trong phim truyền hình đương đại), Palgrave Macmilland, USA, 2016, tr.52-70.
7. Victor Aertsen, Sympathy for Fictional Characters: An Examination of The Factors Involved from a Social Psychology and Cognitive Film Theory (Sự đồng tình đối với các nhân vật hư cấu: Một nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến tâm lý học xã hội và quan điểm nhận thức từ kinh nghiệm), dspace.ceu.es, 24-9-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Linh, Kết có hậu chiều khán giả nhưng chi tiết vô lý “đùng đùng” của Quỳnh búp bê mới đáng nói, eva.vn, 21-11-2018.
2. Jason Mittell, Narrative Complexity in Comtemporary American Television (Kể chuyện phức tạp của truyền hình đương đại Mỹ), Journal The Velvet Lighttrap; Number 58, Fall 2006 by the University of Texas Press, P.O. Box 7819, Austin, TX 78713-7819, USA, tr.29-40.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 24-5-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 14-6-2025; Ngày duyệt bài: 25-6-2025.
ĐỖ THANH HẢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 611, tháng 7-2025