Một số nét về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh

Cảnh trong phim "Đại thi hào Nguyễn Du" - Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

1. Một số nét về đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh trên thế giới

Khảo sát đa số các cơ sở đào tạo điện ảnh trên thế giới, thấy nhiều đặc điểm chung. Trong xu hướng, chương trình chung trong đào tạo của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển trên thế giới, khuynh hướng kết hợp chặt chẽ đào tạo nghệ thuật và kỹ thuật có ứng dụng công nghệ hiện đại đang được ưa chuộng, không chỉ đối với các hệ đào tạo ngắn hạn. Tại đa phần các cơ sở đào tạo đều có đầy đủ trang thiết bị cho đào tạo, nhất là làm phim thực hành. Phương pháp đào tạo được áp dụng phổ biến là sinh viên học thực hành là chính, lý thuyết gắn kết với hành nghề làm phim; đồng thời khuyến khích học viên làm phim thực nghiệm và sáng tạo ở mức cao nhất. Điểm chung của đầu vào các khóa học của nhiều trường đào tạo ngắn hạn là học viên đã có ít nhất 1 bằng đại học. Có những quốc gia, tại nhiều trường đại học đều có khoa điện ảnh (thành phố Busan, Hàn Quốc, trong 6 trường đại học đều có khoa Điện ảnh). Nhiều trường đại học gắn kết chặt chẽ đào tạo điện ảnh với truyền hình. Nhiều trường có chương trình tái đào tạo cho những người đang làm nghề, giúp họ cập nhật kỹ năng, kỹ thuật, phương pháp làm phim mới; sinh viên điện ảnh được hợp tác chéo với sinh viên từ các chuyên ngành khác. Đa số trường đào tạo theo định hướng ứng dụng…

2. Vài nét về các cơ sở đào tạo nhân lực điện ảnh trong nước

Những nhu cầu và vấn đề của điều kiện cần và đủ

Hiện nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam chưa hội đủ điều kiện cần và đủ để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới, do chưa có sự đồng bộ, tiên tiến, hiện đại trong hệ thống giáo trình; nhiều giáo trình còn chưa được thay đổi, cập nhật; nhất là phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho việc đào tạo mang nhiều tính ứng dụng đa ngành nghề còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại.

Nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước, trên nhiều phương diện, chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng và cũng chưa bắt kịp thị trường. Nhiều người được đào tạo chính quy nhưng không làm nghề; ngược lại, nhiều người làm nghề nhưng không được đào tạo. Một quy trình lớn bao gồm: giảng viên; đổi mới chương trình, giáo trình để phù hợp, tương thích; thư viện, học liệu; trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho đào tạo; phương thức tuyển sinh, phương pháp giảng dạy, mục tiêu giảng dạy - truyền nghề; môi trường, điều kiện hỗ trợ đào tạo; đào tạo nhân lực điện ảnh là đào tạo nghệ thuật đặc thù, đào tạo tài năng, nên không thể đào tạo theo hình thức đại trà, phổ cập, càng không thể đào tạo theo phong trào… đã và đang trở thành những nhu cầu cấp thiết, vấn đề cấp bách, cần được đáp ứng và đổi mới trong thực hiện.

Đối với đào tạo tài năng nghệ thuật điện ảnh càng cần sự đồng bộ, cân đối về ngành nghề, phù hợp về nhiều phương diện, điều kiện, yếu tố khách quan và chủ quan, bao gồm: chính sách vĩ mô, hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thương hiệu, năng khiếu - nhu cầu của người học, nguồn tuyển, cơ hội việc làm, cơ chế dung nạp tài năng, hội nhập quốc tế… cũng là những nhu cầu, vấn đề tương tự, luôn mang tính thời sự.

Do điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp, là sự tổng hòa của nghệ thuật, công nghệ và kinh tế, nên một tác phẩm điện ảnh là kết quả, sự kết hợp của nhiều ngành nghề, công đoạn, thành phần sáng tạo khác nhau, trong khi ở nhiều cơ sở đào tạo chưa đào tạo được những ê kíp giỏi theo cơ chế liên tài với nhau. Với loại hình nghệ thuật điện ảnh, không phải chỉ có đạo diễn là giải quyết được tất cả các vấn đề nghệ thuật và kỹ thuật. Có đạo diễn giỏi nhưng kịch bản, quay phim, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo… không đạt yêu cầu sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới chất lượng chung của tác phẩm; trong khi để tạo ra một bộ phim chất lượng cần phải có chất lượng đồng bộ, tương ứng, toàn diện ở tất cả các khâu. Chưa kể càng ngày, nhiều ngành học như quay phim, dựng phim, kỹ xảo, đạo diễn âm thanh… càng xác lập vị trí vững chắc trong “đầu ra” trong bảng ngành nghề đào tạo điện ảnh đương đại.

Một vấn đề khác liên quan tới xu hướng chọn lựa ngành học, khi trong nước, nhiều thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo điện ảnh chủ yếu lựa chọn khoa đạo diễn hay diễn viên; đa số người đi học nước ngoài cũng muốn học làm đạo diễn, ít chọn học ngành nghề khác và Nhà nước khi xây dựng, phê duyện chỉ tiêu lại chủ yếu căn cứ theo đề xuất của bộ chủ quản, thông qua các cơ sở đào tạo.

Sự thành công của mỗi nền điện ảnh có được qua hành trình phát triển của nhiều thế hệ, ngành nghề điện ảnh (như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà sản xuất…), nên khó có thể phát triển nếu không có sự cân đối, đồng bộ trong đào tạo hoặc thiếu đi sự hợp tác, cộng hưởng từ tất cả các ngành nghề, từ chính các cơ sở đào tạo của loại hình nghệ thuật tổng hợp này, hoặc sự hợp tác từ các cơ sở đào tạo công lập và tư thục.

Mặt khác, trong bối cảnh truyền hình phát triển mạnh mẽ, nhiều học viên được đào tạo cho điện ảnh có xu hướng làm việc cho truyền hình, trong khi nguồn lực trẻ bổ sung cho điện ảnh hạn chế hoặc hầu như không có. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở nhiều chuyên ngành điện ảnh khác nhau chưa/ không có nhiều cơ hội cho “đầu ra”. Điều đó cũng cho thấy một nhu cầu và vấn đề của điều kiện cần và đủ thể hiện tập trung ở ba yếu tố mang tính gắn kết: chính sách của Nhà nước thu hút nguồn lực cho điện ảnh đủ mạnh; “cơ chế dung nạp tài năng” tạo điều kiện tốt nhất có thể cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khi ra trường để hành nghề và tinh thần nhập cuộc, dấn thân, đam mê nghề nghiệp của nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Vài nét về các cơ sở đào tạo điện ảnh công lập và dân lập

Dù cơ chế, cung cách quản lý, vận hành và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh có thể khác nhau, nhưng do cùng thực hiện mục tiêu đào tạo chung của Nhà nước, cho nên sản phẩm đào tạo của các trường góp phần đáng kể, dù ở các mức độ khác nhau, vào sự nghiệp đào tạo nói chung. Nhìn chung, mỗi cơ sở đào tạo ấy, không phân biệt công lập hay dân lập, đều có thế mạnh, hạn chế, thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức… riêng để phát huy và khắc phục. Trong sự đa dạng của các hệ đào tạo, bên cạnh chính quy, các chương trình của hệ đào tạo vừa làm vừa học, liên thông, ngắn hạn, du học tại chỗ… đang ngày càng có nhu cầu cao.

Hiện nay, ngoài hai cơ sở đại học công lập (trực thuộc Bộ VHTTDL) đào tạo các chuyên ngành Điện ảnh là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM còn có gần 10 cơ sở đại học, cao đẳng khác đào tạo một số chuyên ngành Điện ảnh. Đó là các trường như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ngành Diễn viên Kịch - Điện ảnh), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Cao đẳng Truyền hình Hà Nội, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Sài Gòn…

Dự kiến đến năm 2030, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có gần 2.000 sinh viên. Trường này đào tạo hệ đại học chính quy với 11 ngành (gồm 26 chuyên ngành), ngoài ngành Diễn viên kịch - Điện ảnh, ngành Biên kịch điện ảnh - truyền hình có 2 chuyên ngành (Biên kịch điện ảnh và Biên tập truyền hình), ngành Đạo diễn điện ảnh - Truyền hình và Quay phim (mỗi ngành đều có 2 chuyên ngành dành cho điện ảnh và truyền hình), ngành Thiết kế Mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh có 4 chuyên ngành. Tương tự như vậy là hệ cao học, nghiên cứu sinh với chuyên ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình điện ảnh - truyền hình. Trong khi đó, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tuyển sinh hằng năm trung bình khoảng 300 sinh viên hệ đại học, chủ yếu cho các chuyên ngành như Diễn viên kịch, điện ảnh, Đạo diễn Sân khấu, Đạo diễn điện ảnh - truyền hình và Quay phim. Tại cơ sở đào tạo này, trong cơ cấu và chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành hằng năm, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các chuyên ngành diễn viên, đạo diễn vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo (thậm chí số lượng hồ sơ ngành diễn viên có năm đạt trên 1.300, ngành Đạo diễn trên 1.000; trong khi có ngành khác chưa đến 100).

Riêng các cơ sở đào tạo dân lập có đào tạo các chuyên ngành Điện ảnh đa số thuộc phía Nam, trong đó chủ yếu tại TP.HCM. Trong số đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tuyển sinh 3 chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình (Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình, Đạo diễn điện ảnh - truyền hình và Quay phim) từ năm học 2019-2020. Trường Đại học Văn Lang đào tạo 2 chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình (Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình và Đạo diễn điện ảnh - truyền hình). Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM đào tạo chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh và Đạo diễn sân khấu. Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đào tạo các hệ cao đẳng và trung cấp (được liên thông lên cao đẳng, đại học từ 1-1,5 năm tại trường); trong 38 chuyên ngành thuộc 14 khoa, khoa Nghệ thuật của trường này đào tạo 3 chuyên ngành là Đạo diễn sân khấu, Diễn viên kịch, điện ảnh và Quay phim. Các cơ sở này cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh điện ảnh.

Xét trong tương quan với các trường dân lập, hay với một cơ sở đào tạo công lập là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM không đào tạo nhiều chuyên ngành, và vì thế cũng không có đông giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, xét theo nhu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo điện ảnh - truyền hình, giáo trình được biên soạn mới… trường còn thiếu rất nhiều, ảnh hưởng đáng kể tới chương trình và quá trình đào tạo mang tính ứng dụng cao.

Nhìn chung, việc đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh tại các cơ sở đào tạo có một số đặc điểm sau: (xem bảng trang 109).

Đề án Đào tạo tài năng và đặt hàng đào tạo

Theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về viêc phê duyệt Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030 được ban hành ngày 8-7-2016 (ngày 12-8-2016, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 2836/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Chương trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên), sinh viên ngành Điện ảnh đều đã được cử đi đào tạo nước ngoài hằng năm từ ngân sách, tại Liên bang Nga, Mỹ, Úc, Anh… Tuy nhiên, bên cạnh việc lựa chọn đúng tài năng, việc đưa đi đào tạo khi sắp xếp, cân đối chỉ tiêu thì các ngành được ưu tiên vẫn là đạo diễn, quay phim, diễn viên… Trong đó, các ngành khác cũng quan trọng không kém là Biên kịch, Thiết kế mỹ thuật, Nhà sản xuất phim… thì hầu như không có. Đối với những ngành quan trọng hàng đầu khác, trong đó có Biên kịch, có năm thí sinh dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh.

Số lượng sinh viên được Nhà nước cử đi học chưa nhiều, mỗi năm chỉ trên 10 người, trong khi đã có nhiều học sinh tốt nghiệp THPT yêu thích điện ảnh và đi học nước ngoài theo những con đường khác nhau. Dù vậy, ngành học chủ yếu của những học sinh này vẫn là đạo diễn. Nhu cầu có thật này càng cho thấy sự cần thiết trong việc khắc phục thực trạng mất cân bằng trong đào tạo giữa những ngành nghề trong lĩnh vực điện ảnh, không chỉ từ nhu cầu của người học.

Dự kiến, đến năm 2026, Việt Nam sẽ tuyển chọn 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh đưa sang nước ngoài học tập. Hiện, 12 tài năng điện ảnh đầu tiên đã được đưa đi, trong đó có 10 người đi Mỹ, 2 người đi Úc. Dự kiến, tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án giai đoạn 1 vào năm 2025 và tổng kết, đánh giá toàn diện thực hiện Đề án giai đoạn 2 vào năm 2030.

Bên cạnh Đề án nói trên, theo đề án Đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL được phê duyệt vào đầu năm 2020, 14 ngành đặt hàng đào tạo do ngân sách nhà nước chi trả, trong đó có ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình. Đề án được triển khai sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực của ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình.

3. Một số nhóm giải pháp

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh và các mục tiêu trong các giai đoạn cụ thể; kết hợp với áp dụng kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo điện ảnh của thế giới.

Nhóm giải pháp chung trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh: Phát triển đào tạo; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên, nghiên cứu viên; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật; giải pháp về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển công tác học sinh, sinh viên; giải pháp về kiểm định chất lượng giáo dục; phát triển nguồn lực tài chính; phát triển hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo; giải pháp quản lý/ quản lý chất lượng đào tạo; phát triển các dịch vụ hỗ trợ đào tạo; giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu đào tạo.

Nhóm giải pháp về củng cố đội ngũ giảng viên, phát hiện tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Điện ảnh; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên, nghiên cứu viên: Trong giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2045, phát triển đội ngũ cần được xác định là chiến lược trung tâm, tiền đề quan trọng để giữ vững quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; có chính sách giữ và thu hút chuyên gia giỏi trong nước, các chuyên gia đầu ngành (GS, PGS, NSND, NSƯT đến tuổi về hưu với chế độ hợp đồng); tận dụng cơ hội hỗ trợ, sử dụng chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài; lựa chọn và đầu tư cho đội ngũ giảng viên đầu ngành.

Nhóm giải pháp gồm các mục tiêu trọng tâm và các nội dung chủ yếu: Sự đồng bộ, cân đối; khắc phục khủng hoảng thừa và thiếu trong cơ cấu ngành nghề điện ảnh; xây dựng, bổ sung, nâng cấp đội ngũ giảng viên đối với cơ sở đào tạo cả công lập và dân lập; thay đổi chiến lược đầu tư đối với cơ sở đào tạo công lập; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo. Cùng với việc duy trì các loại hình đào tạo (chính quy, vừa làm, vừa học) kết hợp với xây dựng và phát triển loại hình đào tạo (liên thông, liên kết và văn bằng 2) và về cấp đào tạo (phát triển quy mô đào tạo trình độ đại học theo nhu cầu xã hội, tăng nhanh tỷ lệ đào tạo cao học; từng bước phát triển đào tạo NCS).

Xem xét việc trên thế giới không có mô hình trường đại học sân khấu - điện ảnh và xu hướng gắn kết mạnh mẽ đào tạo điện ảnh với truyền hình với việc cần có Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ chuyên sâu về đào tạo điện ảnh tại Việt Nam hiện nay; triển khai quỹ học bổng cho nhiều sinh viên theo học ở những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến bởi họ chính là nhân lực của ngành Điện ảnh Việt tương lai.

Nhóm giải pháp về đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, giáo trình; cấp thiết đầu tư hoàn thiện dự án trang thiết bị học liệu điện ảnh (trong đó có thư viện điện ảnh đặc thù và đúng tầm): Cấp thiết đầu tư phương tiện, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, làm phim với công nghệ điện ảnh hiện đại tại trường; tạo điều kiện để phát triển cơ sở vật chất đặc thù của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh; đầu tư toàn diện cho cơ sở đào tạo công lập xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp, theo kịp với hội nhập quốc tế về đào tạo…

Nhóm giải pháp về liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội, kết hợp tính chuyên nghiệp, tính kinh doanh và sự trợ giúp của công nghệ cao:

Thứ nhất là liên kết với các mô hình hoạt động điện ảnh xã hội hóa, đào tạo tốt gắn với sử dụng tốt; xây dựng cơ sở đào tạo điện ảnh như một trung tâm đào tạo dịch vụ điện ảnh, để không chỉ đào tạo mà còn chủ động tiến hành các hoạt động kinh doanh điện ảnh; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài, trước tiên với các nước trong khu vực châu Á, với các nước có nền điện ảnh phát triển (như Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Australia...).

Thứ hai là đào tạo theo nhu cầu xã hội hiệu quả (đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh trong nền kinh tế thị trường có sự tác động của toàn cầu hóa đòi hỏi không chỉ đào tạo những ngành nghề cơ sở đào tạo có mà đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng như những ngành nghề thị trường đang cần; định hướng đào tạo điện ảnh đương đại nếu không gắn với nghiên cứu khoa học, với tiếp cận thị trường thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo cũng như không tìm được “đầu ra” cho đào tạo).

Thứ ba là tính chuyên nghiệp, tính kinh doanh và sự trợ giúp của công nghệ cao là những đặc điểm, tiêu chí nổi bật của hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Ba đặc điểm này có quan hệ nội tại với nhau và đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh không thể không có giải pháp khả thi liên quan đến 3 đặc trưng, tiêu chí đó.

4. Kết luận

Để tạo ra sự đổi mới, đột phá trong đào nguồn nhân lực điện ảnh luôn cần chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả của Nhà nước, trong đó có việc tổng kết kịp thời các Đề án, dự án đào tạo điện ảnh; sự đồng tâm vào cuộc của các cơ sở đào tạo. Hơn nữa, cần có nguồn động lực, xung lực cho nhiều tổ chức và cá nhân, sự thay đổi tư duy đào tạo… trong hành trình thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chung là đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nền điện ảnh dân tộc và điện ảnh Việt Nam đương đại.

PGS, TS VŨ NGỌC THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;