Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Cảnh trong phim Đại thi hào Nguyễn Du - ảnh: Đoàn làm phim

 

Với lợi thế của ngành nghệ thuật đi sau, điện ảnh đã tận dụng được nhiều thế mạnh của các loại hình trước đó như văn học, âm nhạc, hội hoạ… Vừa là ngành nghệ thuật lại vừa là ngành công nghiệp, điện ảnh cũng nhận được tối đa sự hỗ trợ từ khoa học, kỹ thuật, kỹ xảo. Với nhiều lợi thế, điện ảnh nhanh chóng trở thành môn nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa điện ảnh thành một trong những ngành Công nghiệp văn hóa mũi nhọn khi nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành nghệ thuật này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước để cùng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Nguồn nhân lực - Nhìn từ thực tế

Ngay sau khi ra khỏi cơ chế bao cấp, bước vào hội nhập thì điện ảnh là một trong những ngành nhận được sự xã hội hóa sâu rộng bởi tính đại chúng, thu hút cũng như khả năng sinh lời cao. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một làn sóng nhà nhà làm phim, người người làm phim đã nhanh chóng đưa điện ảnh Việt Nam thành bộ môn nghệ thuật được đông đảo người trong và ngoài ngành cùng tham gia. Sự nở rộ của điện ảnh thời kỳ đó có nhiều điểm nổi bật là số lượng người tham gia đông (xét ở góc độ đầu tư), thị trường phát triển (qua doanh thu phòng vé, số lượng khán giả), xây dựng được lớp ngôi sao có khả năng bán vé với những gương mặt nổi bật như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… Sự phát triển quá nhanh đã thu hút một lượng lớn người tham gia dù có nghề hay không có nghề. Hậu quả là thị trường phát triển nhanh về bề rộng với số lượng phim tăng nhanh nhưng lại thiếu hụt về chiều sâu, thiếu tính nghệ thuật khi các nhà đầu tư có dư tiền bạc, ít hiểu biết về nghề can thiệp sâu vào quy trình sản xuất của một bộ phim từ thay đổi nội dung, chọn diễn viên là người nhà, cánh hậu… Sự phát triển quá nóng khi số lượng không đi cùng chất lượng đã nhanh chóng đưa điện ảnh Việt Nam sa vào lối mòn, làm mất dần đi tình cảm, sự ủng hộ của khán giả. Đánh giá về điện ảnh giai đoạn này, các nhà quản lý, nhà làm phim, khán giả vẫn gọi giai đoạn này là sự nở rộ của dòng phim “mì ăn liền” với những hệ quả lâu dài về sự thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng nghiệp dư của nhiều bộ phim được sản xuất một cách vội vã. Sự sụp đổ của dòng phim “mỳ ăn liền” cũng kéo theo thị trường phim Việt sa sút với hàng loạt rạp chiếu tại các thành phố phải đóng cửa, chuyển đổi công năng, một số tỉnh thành không còn hệ thống rạp chiếu.

Sau giai đoạn nở rộ, điện ảnh Việt Nam bước vào quãng lặng khi vốn đầu tư từ nhà nước bị co hẹp, hạn chế. Sự đầu tư từ xã hội bị suy giảm đột ngột do hàng loạt dự án thua lỗ khiến cho việc gọi vốn sản xuất phim thêm khó khăn. 

Bẵng đi một, hai thập kỷ, làn sóng các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim đã thổi một luồng gió mới vào điện ảnh Việt. Với tư duy làm phim mới, cách tiếp cận khác biệt, lối dàn dựng hiện đại và cả nguồn vốn dồi dào, dòng phim của những đạo diễn Việt kiều đã làm ấm lại thị trường điện ảnh. Khán giả bắt đầu trở lại rạp chiếu. Trên các diễn đàn, các bài viết so sánh, phê bình rôm rả xoay quanh những bộ phim của những đạo diễn gốc Việt như Charlie Nguyễn với Dòng máu anh hùng, Tonny Bùi với Ba mùa, Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu, Lưu Huỳnh với Áo lụa Hà Đông, Hồ Quang Minh với Thời xa vắng… Bên cạnh những câu chuyện mới, một số đạo diễn chọn kể lại những câu chuyện cũ chuyển thể từ các tác phẩm văn học như trường hợp của bộ phim Thời xa vắng của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh, Mê Thảo thời vang bóng của Việt Linh... Cùng với một lớp đạo diễn Việt kiều, nhiều kỹ thuật viên, diễn viên từ nước ngoài trở về tham gia vào thị trường phim cũng đem lại nhiều hy vọng với chất lượng phim được nâng cao. Một số phim có sự vượt trội về chất lượng, về kỹ thuật, về diễn xuất khi quy tụ được nhiều nhân tố mới như Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân… trong Dòng máu anh hùng, Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn, Kathy Uyên trong Để Mai tính… Lớp đạo diễn, diễn viên Việt kiều cũng liên tục được bổ sung những tên tuổi mới điển hình là Victor Vũ với hàng loạt bộ phim ăn khách như Scandal - Bí mật thảm đỏ, Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Hàm Trần với Đoạt hồn, Âm mưu giày gót nhọn, Siêu trộm… Lê Văn Kiệt với Bóng đè, Hai Phượng, Leon Lê với Song Lang… Hiện tại, đây vẫn lực lượng liên tục được bổ sung mới và luôn mang đến những bất ngờ mới cho điện ảnh Việt.

Những năm gần đây, ngoài các đạo diễn trong nước, đạo diễn Việt kiều, đạo diễn trong biên chế các hãng, công ty sản xuất… còn xuất hiện một lớp những nhà làm phim độc lập. Họ có thể đến từ các hãng, công ty phim trong nước với những dự án mang tính cá nhân như Bùi Thạc Chuyên, Lương Đình Dũng, Phan Đăng Di, Hà Lệ Diễm… Đó cũng có thể là những sinh viên du học điện ảnh ở nước ngoài về hoặc những bạn trẻ yêu thích làm phim. Hàng loạt những nhà làm phim độc lập như Nguyễn Hoàng Điệp với Đập cánh giữa không trung, Lê Bảo với Vị, Trịnh Đình Lê Minh với Thưa mẹ con đi, Trần Thanh Huy với Ròm, Hà Lệ Diễm với Những đứa trẻ trong sương…

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam đã quy tụ, tập hợp được khá nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên, kỹ thuật viên… đến từ nhiều nguồn, nhiều nơi khác nhau ở trong và ngoài nước. Những lực lượng đa dạng này đã và đang làm lên sự sôi động, phong phú của điện ảnh Việt trong nước cũng như trên các đấu trường điện ảnh, các Liên hoan phim, các chợ dự án, chợ phim khu vực và quốc tế.

Thực tế đó đặt ra cho điện ảnh Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức phải thu hút, quy tụ và tạo ra một môi trường để các cá nhân, các nhà đầu tư, các tài năng đều tìm thấy cơ hội và phát triển. Luật Điện ảnh bổ sung được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 cũng mở ra cơ hội để điện ảnh Việt Nam phát triển lên một tầm vóc mới. Vấn đề là, điện ảnh phải làm gì để tập hợp được các nguồn lực để cùng chung tay, phát triển điện ảnh Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn, đáp ứng kỳ vọng cũng như Chiến lược phát triển văn hóa đặt ra đến năm 2030 đặt ra.

Cần sự chung tay của các bên

Với một ngành nghệ thuật có tính mở như điện ảnh, việc huy động mọi lực lượng cả trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển thị trường cần có một tư duy, một chiến lược, một tầm nhìn cả trong ngắn và dài hạn. Để huy động, tập hợp được lực lượng sản xuất gồm các nhà đầu tư, đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên… đến từ các nguồn khác nhau, bên cạnh Luật Điện ảnh, các thông tư, nghị định  rất cần một sự điều tiết đến từ các cấp quản lý ngành, các hiệp hội, các hãng phim cũng như các luật liên quan về thuế, xuất nhập khẩu thiết bị… để cùng mở ra một môi trường làm nghề năng động, thông thoáng, chuyên nghiệp và phù hợp cho điện ảnh Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới.

Một thực tế đang đặt ra là lực lượng làm phim vốn không nhiều nhưng lại khá tản mát. Nhiều đạo diễn ước tính, nếu có cùng lúc 4-5 dự án khởi quay thì sẽ thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực chất lượng cao tại tất cả các khâu, các thành phần, lĩnh vực trong quy trình sản xuất một bộ phim. 

Sự thiếu hụt này đến từ đào tạo. Hiện tại có hai trường là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đảm nhận đào tạo các lực lượng cho ngành điện ảnh Việt Nam từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, diễn viên… Ngoài ra, các Hiệp hội, các Đài, hãng sản xuất, các Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng, các cuộc thi… cũng có mở những lớp đào tạo ngắn về biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất hay diễn viên. Một số du học sinh tự bỏ tiền theo học các lớp đào tạo tại nước ngoài cũng bổ sung thêm vào nguồn nhân lực này. Tuy nhiên, lực lượng có đông nhưng thiếu nguồn lực chất lượng cao cùng sự đồng bộ ở các khâu như âm thanh, tiếng động, hóa trang… khiến cho nhiều êkip phải đắn đo, tranh giành khi có vài dự án triển khai cùng một thời điểm. Cách học, cách đào tạo cũng còn nhiều bất cập trong việc tạo ra một lực lượng hùng hậu, đồng bộ và chất lượng ở tất cả các khâu. Nhìn sang các nền điện ảnh khu vực, để phát triển và nâng tầm một nền điện ảnh thì vấn đề đào tạo không thể xem nhẹ. Hàn Quốc từng cử hàng ngàn sinh viên đi đào tạo tại nước ngoài ở tất cả các khâu và đó được xem là một trong các nguyên nhân để tạo nên sự phát triển vượt bậc của điện ảnh xứ Kim Chi. Ở nước ta, Chính phủ quan tâm đến vấn đề này khi ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở mức đến năm 2030... Trên thực tế chưa có đông đảo lực lượng gửi đi đào tạo khi nhiều sinh viên nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, không đủ trình độ ngoại ngữ, chuyên môn để theo học các khóa đào tạo tại nước ngoài. Điểm nghẽn đó sẽ cần nhiều hơn các giải pháp cả ở cấp quản lý, hoạch định lẫn các cá nhân để cùng nhau tháo gỡ.

Ngoài đào tạo thì điện ảnh là bộ môn nghệ thuật đầu tư tốn kém với lực lượng tham gia một bộ phim đông, kỹ thuật không ngừng đổi mới đòi hỏi nguồn kinh phí lớn cho việc sản xuất, quảng bá, phát hành… Việc thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia vào thị trường phim cũng được xem là mấu chốt của việc phát triển. Với các kỹ thuật từ thiết bị ghi hình, ghi tiếng, hậu kỳ đến kỹ thuật, kỹ xảo can thiệp vào các công đoạn cũng liên tục đổi mới, đòi hỏi sự cập nhật cũng như nguồn kinh phí “khủng” cho việc mua sắm, thuê mướn các thiết bị này. Khi thị trường phát triển với số đầu phim sản xuất mỗi năm mỗi tăng đã có những doanh nghiệp, đơn vị chuyên về thiết bị dễ dàng cho việc thuê mướn, sử dụng. Sự phát triển của thị trường thiết bị được xem như một bước hỗ trợ cho nền công nghiệp điện ảnh khi nó được mặc định là ngành nghệ thuật xa hoa và tốn kém.

Hiện nay, ngoài việc kêu gọi vốn, hợp tác cùng sản xuất còn có một hình thức mới là kêu gọi vốn từ cộng đồng khi các nhà sản xuất có thể gọi vốn qua nền tảng mạng, qua các phần bán trước đi kèm quyền lợi cho các khán giả, tín đồ yêu điện ảnh có sở thích, ham muốn cùng đầu tư, sở hữu sản phẩm. Có những dự án chỉ gói gọn trong êkip sản xuất bao gồm các thành phần tham gia góp luôn cát - xê vào bộ phim với hình thức lời chia, lỗ chịu. Nhưng có phim lại thông qua các ứng dụng số để kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng tham gia góp vốn vào bộ phim… Dù với hình thức nào thì việc có thêm nhân lực, nguồn vốn đầu tư vào phim cũng giúp gia tăng số lượng đầu phim được sản xuất cũng như san sẻ bớt rủi ro từ thị trường.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, đầu ra cho phim là hệ thống rạp chiếu tại các tỉnh, thành cũng đòi hỏi phải có một tầm nhìn, một chiến lược hoạch định ở tầm cao để mỗi bộ phim có thể thuận lợi ra rạp và thu hồi vốn để tái sản xuất cho các dự án sau. Tại thị trường phát hành Việt Nam hiện nay, có nhiều lực lượng, thành phần tham gia vào mảng này trong đó có những cụm rạp, hệ thống cụm rạp tại các tỉnh, thành có 100% là vốn của các tập đoàn, công ty nước ngoài như CGV, Lotte… Một số doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng mở rộng mạng lưới phát hành, tạo sự đồng bộ từ sản xuất đến phát hành cho các sản phẩm của mình và hỗ trợ đồng nghiệp như BHD, Galaxy… Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên các doanh nghiệp trong nước tuy ý thức được tầm quan trọng của mảng phát hành cũng không có đủ tiềm lực, nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới. Một mảng thứ ba là các cụm rạp thuộc nhà nước mà Trung tâm Chiếu phim quốc gia là điển hình cũng ngày càng bị co hẹp do thiếu nguồn kinh phí lớn để mở rộng, mua sắm, trang bị thêm các thiết bị, phòng chiếu theo chuẩn kỹ thuật mới. Trong thực tế, đây cũng là mảng rất cần sự huy động, tham gia của các nhà đầu tư, các công ty, tập đoàn lớn bởi nếu không có đầu ra là hệ thống các phòng chiếu hiện đại và rộng khắp thì nguồn thu cho việc hòa vốn, có lãi và tái sản xuất của các tác phẩm được đầu tư lớn khó duy trì, hồi vốn cũng như tạo lợi nhuận để tái sản xuất. Hiện tại, phát triển mạng lưới các rạp, cụm rạp cũng là mảng thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển mạng lưới này do tính chất nhanh thu hồi vốn và có thể thu lãi từ việc phát hành các tác phẩm bom tấn trên thế giới, khu vực cũng như trong nước. Điều cần rút ra là phải có sự điều tiết của Nhà nước, các điều luật, thông tư, nghị định để tạo nên một môi trường phát triển hài hòa, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp ngoại và nội trong mảng phát hành phim. Một số nước đã sử dụng công cụ thuế, quy định số ngày, số thời gian dành cho phim nội tại tất cả các rạp, cụm rạp trong một năm vừa phát triển thị trường vừa bảo hộ các bộ phim trong nước sản xuất. Những vụ lùm xùm về tỷ lệ ăn chia giữa các rạp, cụm rạp có vốn nước ngoài với các nhà sản xuất phim trong nước thời gian qua cũng cho thấy cần sớm có những chính sách, quy định để phát triển thị trường này cũng như hỗ trợ nền sản xuất phim trong nước. Ngoài ra, cần duy trì những rạp chuyên biệt dành chiếu những bộ phim kinh điển, phim nghệ thuật. Hình thức này đã từng phát triển rất tốt như địa chỉ phòng chiếu tại 22A Hai Bà Trưng cũ (Hà Nội) hay Viện Phim Việt Nam để có thêm các kênh lựa chọn cho khán giả, góp phần nâng cao thị hiếu cũng như thêm lựa chọn, thêm đầu ra cho dòng phim nghệ thuật, dòng phim tác giả.

Hội nhập vào dòng chảy chung

Với tính mở của bộ môn nghệ thuật là điện ảnh, để duy trì, phát triển và quảng bá tốt thì không thể tách rời điện ảnh Việt Nam ra khỏi môi trường chung của khu vực và thế giới.

Nhìn sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đều có những chính sách thu hút các nguồn lực để phát triển không chỉ điện ảnh trong nước mà còn hỗ trợ phát triển, quảng bá cho văn hóa và du lịch của nước sở tại ra với khu vực và thế giới. Các chính sách thu hút ngoài liên kết, hợp tác cùng sản xuất các bộ phim còn có tổ chức các Liên hoan Phim, các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, nhiều nước có chính sách hoàn thuế, miễn giảm thuế nhằm thu hút các đoàn phim lớn trên thế giới đến quay và sản xuất phim. Thực tế đã chứng minh, việc các đoàn phim lớn đến quay sẽ tạo ra các dịch vụ đi kèm như lượng nhân công tại chỗ tham gia phục vụ, phát triển việc cho thuê mướn các trang thiết bị… Ngoài ra, các thành phần tham gia như kỹ thuật, diễn viên, trợ lý… còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, học hỏi và nâng cao tay nghề.

Những ưu việt đó đã được nhìn nhận và đưa vào trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 với sự rút ngắn, bỏ bớt các thủ tục đối với các đoàn nước ngoài vào quay phim, sản xuất phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần có sự chung tay, đồng bộ của các ngành khác, các bộ luật khác ngoài Luật Điện ảnh để việc đầu tư, hoàn thuế, miễn giảm thuế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực ngoài ưu điểm sẵn có là thiên nhiên, phong cảnh hữu tình, tươi đẹp.

Trở lại với câu hỏi: Làm thế nào để huy động các nguồn lực cho phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thì để thực hiện nó cần sự đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, các khâu từ hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, luật, nghị định… đến tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh công bằng để tất cả cùng phát triển. Hiện tại, một số tỉnh thành trong cả nước như TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Huế… đã có những chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho điện ảnh qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đoàn làm phim đến quay phim, ghi hình tại tỉnh hay tổ chức những Liên hoan Phim gắn với thành phố. Liên hoan Phim quốc tế Đà Nẵng lần thứ nhất và sắp tới đây là Liên hoan phim quốc tế TP.HCM dự định sẽ tổ chức lần đầu tiên vào năm 2024 sẽ góp thêm những hoạt động, giao lưu và quảng bá cho điện ảnh Việt Nam ra với khu vực và thế giới.

Ngoài ra, cần có các chính sách để thu hút, tận dụng các nguồn lực cho phát triển điện ảnh ở tất cả các khâu, các chu trình từ đào tạo, mua sắm, cho thuê trang thiết bị, sản xuất, phát hành phim đến việc tổ chức các cuộc thi, các Liên hoan Phim… Càng có đông nguồn lực, có nhiều mảng hấp dẫn thu hút được nhân lực, nguồn vốn tham gia thì điện ảnh Việt Nam càng có thêm cơ hội để phát triển, mở rộng và quảng bá. Tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển được bao xa, bao lâu ngoài sự hỗ trợ, ủng hộ của Nhà nước thì chính sự tham gia, chung tay của tất cả các nguồn lực, nguồn vốn từ các thành phần trong xã hội, các tập đoàn, các hãng, công ty và cả các cá nhân trong và ngoài nước sẽ quyết định đến quy mô, tầm vóc và sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

 

NGÔ THỊ MINH NGUYỆT

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 –Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

 

 

;