Quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường

Từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới toàn diện (từ 1986) thị trường điện ảnh đã bắt đầu hình thành. Năm 2006, Luật Điện ảnh, Bộ Luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực nghệ thuật đã được Quốc hội ban hành, toàn bộ hoạt động điện ảnh được phát triển theo quy luật thị trường, có sự chuyển biến rõ rệt so với những thời kỳ trước. Cơ chế thị trường đã làm thay đổi quan niệm, phương thức phát hành và phổ biến phim. Phát hành phim, phổ biến phim trong cơ chế thị trường không thể đứng ngoài quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, những quy luật giúp cho thị trường điện ảnh sôi động và tăng trưởng. Cơ chế thị trường cũng đã tạo ra những thuận lợi và khó khăn đòi hỏi công tác quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh tổng thể để phù hợp với quy luật phát triển.

“Bùng nổ” các rạp chiếu

Kể từ khi mở cửa, cơ chế thị trường đã thu hút các công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng và nâng cấp rạp chiếu phim hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, số lượng phim nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng, tạo ra sự đa dạng về chất lượng phim, nguồn phim, thể loại phim chiếu phục vụ nhu cầu của khán giả trong nước. Đặc biệt, khán giả được tiếp cận cùng thời điểm ra rạp của những tác phẩm điện ảnh hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của CGV, từ năm 2014 đến nay (tức là trong vòng 10 năm) số lượng rạp chiếu phim cả nước tăng từ 79 rạp lên 212 rạp (tăng 168%). Tuy nhiên, sự phát triển này không đồng đều ở tất cả các tỉnh, thành mà tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai... và chủ yếu là các cụm rạp thuộc sở hữu và quản lý của các công ty tư nhân và liên doanh nước ngoài. Còn các rạp chiếu phim do các Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng của các tỉnh, địa phương quản lý và vận hành thì vẫn cũ kỹ, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu (1).

Cơ chế thị trường là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường phát hành, phổ biến phim diễn ra sôi động. Tạo ra sự tranh đua giữa các đơn vị phát hành, phổ biến phim (giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài), đòi hỏi các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim phải không ngừng tìm tòi, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh ngày càng cao của khán giả.

Với quy mô dân số 100 triệu, doanh thu phòng vé tăng bình quân 10%/năm từ giữa thập niên 2010. Sự xuất hiện của các công ty nước ngoài khiến số lượng rạp chiếu trên cả nước tăng vọt. Trong thế buộc phải cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, nhiều công ty nội địa như Galaxy và BHD cũng phải hiện đại hóa các rạp chiếu của mình.

Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô, số lượng của các hệ thống rạp tư nhân đã dẫn đến tình trạng Nhà nước không kiểm soát, không định hướng được hoạt động chiếu phim vì không điều tiết được lượng phim phát hành. Tỷ lệ phim Mỹ chiếu rạp áp đảo phim Việt Nam (gần 80% phim chiếu rạp). Mặt khác, các công ty nước ngoài, liên doanh chỉ hoạt động ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng) nên khán giả ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… không có điều kiện thưởng thức các tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO dẫn đến không có hạn ngạch nhập khẩu phim có cả mặt tích cực và tiêu cực (2).

“Miếng bánh” thị phần không đều

Bên cạnh yếu tố tích cực, cơ chế thị trường cũng tạo ra những tác động tiêu cực cho hoạt động phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam, đặc biệt là đối với công tác quản lý nhà nước. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, Nhà nước phải từng bước thực hiện cổ phần hóa và cắt giảm kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các đơn vị phát hành, phổ biến phim quốc doanh. Điều này đã dẫn đến tình trạng các đơn vị phổ biến phim quốc doanh phải hoạt động cầm chừng, không đủ tài lực để cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân có vốn từ nước ngoài, ở một số địa phương đơn vị phát hành, phổ biến phim đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng rạp, hoặc sáp nhập với các thiết chế văn hóa khác.

Mặt khác, cơ chế thị trường thúc đẩy các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động phát hành, phổ biến phim. Từ đó tạo ra những doanh nghiệp, tập đoàn có nguồn vốn khổng lồ, có đủ khả năng thống lĩnh thị trường phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, cả nước hiện có 5 cơ sở phát hành và phổ biến phim lớn; 7 cơ sở phát hành và phổ biến phim liên doanh với nước ngoài. Hiện, trong tổng số 146 hệ thống rạp và cụm rạp trên toàn quốc, các doanh nghiệp nước ngoài như CGV, Lotte và Platinum chiếm tới 88 cụm rạp (chiếm tỷ lệ 60,3%); các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như: Galaxy, BHD, Beta… chiếm 41 cụm rạp (chiếm tỷ lệ 28,1%) trong khi các doanh nghiệp nhà nước chỉ có 17 cụm rạp (chiếm tỷ lệ 11,6%) (3).

“Miếng bánh” kinh doanh điện ảnh hiện nay tại Việt Nam vì thế phần nào có thể xem là đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước. Với hoạt động phổ biến phim, sự tham gia của các đơn vị nước ngoài trên thực tế đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp người xem trong nước được thụ hưởng nhiều sự ưu việt về cơ sở hạ tầng tại các rạp chiếu, chất lượng và sự đa dạng các sản phẩm điện ảnh. Khán giả có nhiều lựa chọn hơn khi tới giải trí tại các rạp chiếu phim. Tiện nghi và sự hấp dẫn từ các chương trình chiếu phim đã biến các cụm rạp trở thành địa chỉ check-in không thể thiếu vào các dịp cuối tuần, các ngày lễ, Tết với nhiều người, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, đang xuất hiện một vấn đề và là nỗi băn khoăn lớn của các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam, đó là trong cuộc cạnh tranh đưa phim vào rạp, vì mục tiêu lợi nhuận đã có dấu hiệu phim Việt Nam bị hụt hơi trong việc xếp suất chiếu và tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Thực tế, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sở hữu các rạp chiếu thì họ có quyền đề ra những yêu cầu, điều kiện đối với nhà sản xuất phim, nếu nhà sản xuất hay đơn vị phát hành phim không tuân thủ, chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi hệ thống của họ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đầu tư với mục đích thâu tóm thị trường, để từ đó đặt ra những yêu cầu nhằm phục vụ cho mục đích riêng của mình, thậm chí đặt ra những yêu cầu phi lý thì đó lại là việc không còn bình thường. Chưa kể, tỷ lệ ăn chia giữa bên sản xuất với bên phát hành, chiếu phim hiện cũng đang là một vấn đề lớn khiến cho nhiều nhà sản xuất phim Việt Nam chùn bước khi quyết định đầu tư vốn làm phim.

Một số nhà sản xuất chia sẻ, vì không thể cạnh tranh với các phim “bom tấn” của các hãng lớn nước ngoài, nên phim Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi khi ra rạp. Nếu không đồng thuận với tỷ lệ ăn chia như rạp chiếu đề ra, thì phim khó có thể được sắp xếp suất chiếu ở các “khung giờ vàng”.

Theo khảo sát, khoảng thời gian từ 17h đến 22h hằng ngày, tối cuối tuần và các ngày lễ là thời điểm khán giả có nhu cầu xem phim nhiều nhất. Nhưng rạp phim thì có quyền xếp các suất chiếu về thời gian, cũng như ấn định số suất chiếu mỗi ngày. Do đó, việc sắp xếp này hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng đến kết quả doanh thu của một bộ phim nào đó; dù phim tốt về nội dung và nghệ thuật, nhưng nếu bị xếp các suất chiếu vào “khung giờ xấu”, thì việc thất bại về doanh thu có thể lường trước (4).

Việc thị trường chiếu phim bị phụ thuộc và chịu sự chi phối của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường phim.

Tiêu biểu tháng 4-2018, hai bộ phim Việt Nam được chờ đợi là Lật mặt: Ba chàng khuyết (đạo diễn Lý Hải) và 100 ngày bên em (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng) ra rạp. Dù lọt được vào hệ thống rạp chiếu lớn nhất nước, nhưng cả hai phim lại phải đối đầu với các phim “bom tấn” nước ngoài chiếu trong cùng thời điểm, như Avengers: Cuộc chiến vô cực (Avengers: Infinity War), Vùng đất câm lặng (A quiet place) và hai phim hoạt hình hấp dẫn Ngỗng vịt phiêu lưu ký (Duck duck goose), Hoàng tử hào hoa (Charming). Dĩ nhiên trong trường hợp này, các phim nước ngoài được nhà rạp ưu tiên hàng đầu về các suất chiếu khung giờ tốt. Dù không muốn, phim Việt Nam vẫn phải ngậm ngùi nhận các suất chiếu bất lợi về khung giờ.

Như vậy, ở đây đang nổi lên hai vấn đề cần quan tâm: Trong kinh tế thị trường và coi tác phẩm điện ảnh như một sản phẩm hàng hóa, các nhà sản xuất, bán hàng đều phải tuân theo quy luật thị trường. Và trong cuộc cạnh tranh sống còn này, mỗi doanh nghiệp phải tìm được cách đi phù hợp để tồn tại. Về văn hóa thì mọi chuyện không đơn giản, bởi kinh doanh văn hóa là kinh doanh trong một lĩnh vực đặc thù với hàng hóa đặc biệt là tác phẩm nghệ thuật, nên không thể vì lợi nhuận mà coi nhẹ văn hóa.

Trong suốt giai đoạn 2010-2018, các doanh nghiệp hoạt động điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị về việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trong phát hành, phổ biến phim, lấn át, gây khó khăn cho phim Việt Nam khi đưa vào phổ biến tại hệ thống rạp do nước ngoài đầu tư. Các nhà sản xuất này cũng tỏ ý lo ngại về việc các rạp chỉ tập trung chiếu phim nước ngoài sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam nói chung”.

Cần chính sách để “không thua trên sân nhà”

Trong lúc các cụm rạp chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài cạnh tranh gay gắt thị trường tại Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời, khả thi, thỏa đáng cho các rạp phim thuộc nhà nước quản lý, cụ thể:

Nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động phát hành, phổ biến phim, bảo đảm bảo nguyên tắc phát triển thị trường phát hành, phổ biến phim dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Cần có cơ chế giảm sát chặt chẽ và có ý kiến kịp thời về các nội dung thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển thị trường phát hành, phổ biến phim trong các văn bản pháp luật của Nhà nước; đồng thời tăng cường đôn đốc để công tác thể chế hóa này bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng.

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động phát hành, phổ biến phim nhằm điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn phát triển của thị trường phát hành, phổ biến phim trong xu thế phát triển của công nghệ và phương tiện truyền thông đa phương tiện.

Bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim trên cơ sở của Luật Điện ảnh và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, điều tiết các hoạt động phát hành, phổ biến theo hướng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu hướng phát triển của thị trường phát hành, phổ biến phim thế giới.

Thực hiện việc cải tiến thủ tục hành chính đối với hoạt động phát hành, phổ biến phim theo tinh thần minh bạch, đơn giản; thực hiện việc thống kê theo dõi các lĩnh vực hoạt động phát hành, phổ biến phim để đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của thị trường phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, cơ quan nhà nước cần tập xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy như: Thông tư quy định điều kiện được cấp Giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh; Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn cung cấp dịch vụ phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; Thông tư quy định chế độ chính sách đặc thù đối với các đội chiếu bóng lưu động (Điểm b, Khoản 2, Điều 5 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15); Thông tư về việc thực hiện chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 5, Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15); Ban hành thay thế Thông tư số 16/2013/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Rạp chiếu phim.

Đã đến lúc cần có chính sách cụ thể của Nhà nước, bảo trợ cho các nhà sản xuất, phát hành, chiếu phim trong nước, để thị trường điện ảnh điều tiết hài hòa hơn, bảo đảm phim Việt Nam có cơ hội đến với khán giả nhiều hơn. Hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ thấy sự khởi sắc trong công tác phát hành, phổ biến phim ở cả các tỉnh và địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền.

_______________

1. Công văn số 32/CJCGVVN-2023 ngày 26-4-2023 của Công ty CGV gửi Cục Điện ảnh.

2, 3. Công văn số 279/BC-BVHTTDL ngày 5-11-2021 của Bộ VHTTDL về Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Kết quả khảo sát Đề án Trung tâm phát hành, phổ biến phim trực tuyến do Cục Điện ảnh thực hiện tháng 6-2022 tại Hà Nội và TP.HCM.

TS NGUYỄN THỊ THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;