Dư âm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Liên hoan phim (LHP) Việt Nam, người dân thành phố Đà Lạt cũng lần đầu được tham dự những hoạt động của LHP. Từ hoạt động chiếu phim trong hai chương trình Phim Dự thi và Phim Toàn cảnh đến các buổi giao lưu giữa nghệ sĩ và công chúng đều được người dân Đà Lạt hưởng ứng nồng nhiệt. Chính tình cảm nồng ấm của khán giả thành phố ngàn hoa đã góp phần giúp LHP Việt Nam lần thứ XXIII để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Khán giả Đà Lạt nồng nhiệt chào đón đoàn phim "Em và Trịnh"

Những con số ấn tượng

Trong bài phát biểu tại buổi lễ Bế mạc và Trao giải LHP Việt Nam lần thứ XXIII, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá, với nhiều chương trình hấp dẫn, đa dạng, phong phú, qua những số liệu đầy ấn tượng về các hoạt động của LHP, từ thực tế không khí hào hứng, sôi nổi, nhiều sắc màu tại thành phố Đà Lạt trong những ngày diễn ra LHP, đặc biệt từ ánh mắt, nụ cười của hàng trăm khán giả đến xem phim, từ không khí ấm áp, nồng nhiệt tại khuôn viên các trường Đại học Đà Lạt, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trường Lục quân của Tỉnh Lâm Đồng, các tụ điểm chiếu phim ngoài trời, chiếu phim lưu động…, Ban Chỉ đạo LHP cảm nhận được rằng, LHP - sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia đã hoàn thành tốt đẹp và ghi được dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả và các nghệ sĩ điện ảnh.

Để lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả Đà Lạt, buổi Lễ Khai mạc được diễn ra trong không gian rộng lớn tại Quảng trường Lâm Viên đã thu hút hơn 5 nghìn khán giả và hơn 350 nghệ sĩ tham dự. Nhiều khán giả từ thành phố và cả những khán giả từ các huyện đã có mặt rất sớm tại Quảng Trường Lâm Viên để chờ đón xem buổi lễ trực tiếp. Gần 500 nghìn lượt khán giả theo dõi trên các nền tảng số, hàng triệu khán giả theo dõi trực tiếp trên Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng và hơn 30 đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh tiếp sóng trực tiếp, khẳng định sức hấp dẫn của một sự kiện điện ảnh quốc gia.

Các em nhỏ xếp hàng vào xem phim hoạt hình trình chiếu trong LHP Việt Nam lần thứ XXIII

Là kỳ LHP Việt Nam có nhiều phim tham gia dự thi nhất từ trước đến nay, LHP Việt Nam lần thứ 23 đã đem tới nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các nghệ sĩ điện ảnh và cảm xúc hào hứng, ấn tượng đối với khán giả thành phố ngàn hoa qua những buổi chiếu phim và giao lưu trong không khí điện ảnh. Trong 5 ngày diễn ra LHP, đã có hơn 10.000 lượt khán giả đến xem phim tại hệ thống rạp Cinestar và 30 buổi chiếu phim lưu động, chiếu phim và giao lưu với các đoàn làm phim tại Trường Đại học Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng và Học viện lục quân của Lâm Đồng tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt . Đặc biệt, những buổi chiếu phim lưu động đã thu hút 7.500 lượt người xem là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Bốn bộ phim điện ảnh được trình chiếu trong “Chương trình phim Việt Nam được quay và lấy bối cảnh tại Đà Lạt qua các thời kỳ” bao gồm Chuyện tình trong ngõ hẹp, Tháng năm rực rỡ, Mối tình đầuEm và Trịnh cũng thu hút sự tham dự của đông đảo khán giả, bởi sự có mặt của các nghệ sĩ tham gia những bộ phim trước mỗi buổi chiếu như những bộ phim khác tham dự LHP. Công tác tổ chức và đón tiếp khán giả tại các rạp chiếu phim được nhân viên thực hiện chuyên nghiệp và nhiệt tình. Mặc dù lượng người đến xem khá đông và vào các khung giờ khác nhau (đầu suất, giữa suất và cuối các suất chiếu) nhưng đều được nhân viên hướng dẫn thân thiện, khiến khán giả đều rất hài lòng và hào hứng…

Triển lãm Đà Lạt khơi nguồn cảm hứng điện ảnh đã thu hút 1.500 lượt du khách và nhân dân thành phố Đà Lạt đến thưởng thức

Ngoài ra, Triển lãm Đà Lạt khơi nguồn cảm hứng điện ảnh đã thu hút 1.500 lượt du khách và nhân dân thành phố Đà Lạt đến thưởng thức. Nhiều nghệ sĩ và người xem Triển lãm đã rất cảm động, thấy tự hào khi được nhìn lại những hình ảnh trong các bộ phim của 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam xây dựng và phát triển.

Trong khuôn khổ LHP, hai cuộc Hội thảo chuyên đề về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam và bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh với hơn 400 đại biểu tham dự, gần 30 ý kiến tham luận, góp ý kiến thẳng thắn, thiết thực, đề xuất giải pháp để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Đã có khoảng 800 tin, bài viết, phóng sự về LHP trên báo in, báo điện tử, báo hình, các nền tảng số khác, trong đó có hơn 600 tin, bài, chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Lâm Đồng và của các cơ quan báo chí trung ương, địa phương, trên các kênh thông tin truyền thông khác. Những con số trên đã cho thấy sức hấp dẫn với công chúng của LHP Việt Nam lần thứ XXIII.

Hội trường Đại học Đà Lạt chật kín khán giả

Sôi động không gian điện ảnh

Các buổi chiếu phim và giao lưu với các đoàn làm phim tại Trường Đại học Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng và Học viện lục quân của tỉnh tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt  cũng được các bạn học sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng. Sự xuất hiện và giao lưu của các đoàn làm phim Em và Trịnh; Đào, phở và piano đã thực sự tạo nên một không gian đậm chất điện ảnh, trẻ trung và sôi động trong những ngày diễn ra LHP tại Đà Lạt.

Đoàn làm phim "Em và Trịnh" giao lưu với sinh viên Đại học Đà Lạt

Chiều 22-11-2023 tại Trường Đại học Đà Lạt, trong khuôn khổ các hoạt động của LHP Việt Nam lần thứ XXIII, đoàn phim Em và Trịnh đã có buổi giao lưu sôi nổi với các giáo viên, sinh viên trường Đại học Đà Lạt. Đoàn làm phim gồm đạo diễn Phan Gia Nhật Linh; đạo diễn, diễn viên, NSƯT Trần Lực với vai diễn Trịnh Công Sơn thời trung niên; hai nữ diễn viên Lan Thy vai Bích Diễm (Diễm Xưa) và Hoàng Hà vai Dao Ánh (em gái Bích Diễm), người đẹp từng được Trịnh Công Sơn gửi hơn 300 thư tình tham gia giao lưu với sinh viên.

Sự có mặt của đoàn phim đã khuấy động không khí sôi nổi trẻ trung tại Đại học Đà Lạt. Hội trường chiếu phim Em và Trịnh không còn một chỗ trống. Bộ phim này thu hút sự chú ý của khán giả không chỉ bởi những ca khúc trường tồn với thời gian của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn bởi bối cảnh đẹp như thơ, trong đó có nhiều cảnh quay tại thành phố mộng mơ này. Đặc biệt, hai bối cảnh là dốc số 7 (hiện là quán cà phê Tiệm may Nhớ Hoài, số 7 Trần Hưng Đạo) và quán cà phê Tùng đã trở thành địa điểm check-in nổi tiếng tại Đà Lạt sau khi bộ phim trình chiếu. Trong buổi giao lưu, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, những bối cảnh lãng mạn, nên thơ của Đà Lạt chính là “gia vị” tăng thêm sức hút, cảm hứng sáng tác cho anh và ê-kíp làm phim.

Các bạn sinh viên Trường Đại học Đà Lạt hào hứng tham dự buổi giao lưu

Gửi đến khán giả những giai điệu của ca khúc Xin trả nợ người (trong OST Em và Trịnh), đạo diễn, NSƯT Trần Lực khiến khán giả vỗ tay không ngớt với tiếng đàn ghi ta và những giai điệu mang tiếng lòng trong câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ họ Trịnh. NSƯT Trần Lực thổ lộ, chính vai diễn Trịnh Công Sơn đã thắp lại ngọn lửa nghề trong anh. Tình yêu với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là động lực khiến anh có quyết tâm tập đàn guitar, tập hát, giảm cân… để vào vai nhạc sĩ trong phim và cũng từ vai diễn này, anh trở lại với điện ảnh sau nhiều năm chuyển sang làm kịch. Tại kỳ LHP này, anh góp mặt trong hai bộ phim Em và TrịnhĐào, phở và piano – cả hai bộ phim đều đoạt giải Bông Sen Bạc.

Tham dự buổi giao lưu, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cho biết, chương trình giao lưu của các đoàn phim, nghệ sĩ điện ảnh với công chúng có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo thêm không khí sôi động, cuốn hút đối với công chúng và giới nghề điện ảnh.

Đoàn phim phim "Đào, phở và piano" giao lưu với khán giả

Chương trình giao lưu giữa đoàn làm phim Đào, phở và piano với các giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng diễn ra vào chiều ngày 23-11-2023 cũng thu hút sự tham dự của đông đảo khán giả, giáo viên và hơn 400 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ê-kíp làm phim có đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn, NSƯT Trần Lực, diễn viên Doãn Quốc Đam, nhà quay phim Đàng Năng Thành Toại, họa sĩ Vũ Việt Hưng, nhà sản xuất Phan Đình Thanh... Tại buổi giao lưu, các bạn học sinh đã được nghe đoàn làm phim, đạo diễn, các nghệ sĩ chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, về những câu chuyện khi làm nên bộ phim, về kỷ niệm, những cảnh quay, việc dựng bối cảnh, những thước phim đẹp, những nỗ lực để hoàn thành bộ phim đưa đến khán giả.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú đặt nhiều câu hỏi thú vị cho đoàn làm phim "Đào, phở và piano"

Trong không gian mộc mạc, chân tình, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn; đạo diễn, diễn viên, NSƯT Trần Lực, nam diễn viên Doãn Quốc Đam… bất ngờ được các “fan” là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng hô vang tên gọi trong hội trường giao lưu khiến tất cả đều xúc động. Doãn Quốc Đam chia sẻ niềm vui, sự trân quý với tình cảm của khán giả, đặc biệt là những em nhỏ đối với anh.

“Đó thực sự là nguồn động viên lớn lao để bản thân tôi tiếp tục cố gắng, có được những vai diễn chất lượng. Với mỗi vai diễn, tôi đều dành nhiều thời gian để đào sâu nghiên cứu về nhân vật, bối cảnh và diễn biến tâm lý để có thể khắc họa một cách chân thực, sinh động nhất” - Doãn Quốc Đam tâm sự.

Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn bày tỏ sự bất ngờ khi lần đầu tiên Đào, phở và piano được chiếu tại đây, nhưng những thông tin về đạo diễn, các diễn viên và nội dung phim lại được các khán giả trẻ nắm bắt, tìm hiểu thông tin khá kỹ càng. Lý giải về tên gọi của phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn khiến không khí trong hội trường trở nên sôi nổi. Các em học sinh đặt nhiều câu hỏi thú vị xoay quanh bộ phim, các nhân vật và quá trình làm phim. 

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng xem phim và giao lưu với đoàn phim

Vai diễn người họa sĩ già đại diện cho lớp trí thức hết màu vẽ đã dùng máu của mình tô lên lá cờ Tổ quốc của NSƯT Trần Lực đã truyền rung cảm mạnh mẽ đến các khán giả. Bộc bạch về chuyện đời, chuyện nghề, NSƯT Trần Lực đã truyền tình yêu điện ảnh cho các em học sinh; động viên, khích lệ các em hãy cứ ước mơ, nuôi lớn ước mơ của mình và quyết tâm thực hiện.

Những buổi giao lưu ấm áp thân tình này không chỉ truyền cái hay, cái đẹp của nghệ thuật điện ảnh đến các khán giả trẻ mà còn giúp các em thấu hiểu những công đoạn làm phim, những vất vả, tâm huyết và đam mê của những người làm phim, từ đó thêm trân trọng và yêu quý những tác phẩm điện ảnh của nước nhà.  

Có thể nói, LHP lần thứ XXIII tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã  để lại dấu ấn tốt đẹp cho những người làm nghề và công chúng . Những kết quả đạt được tại LHP lần này sẽ là những kinh nghiệm bổ ích và sự khích lệ Ban tổ chức trong những LHP tiếp theo, góp phần xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc  dân tộc  .

NGÔ HỒNG VÂN - Ảnh: TRẦN HUẤN

;