Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế: Hành trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế là một hoạt động văn hóa được tổ chức định kỳ với quy mô lớn và có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Ngày hội là minh chứng sinh động của địa phương nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và khẳng định văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là một bộ phần không thể tách rời trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Vai trò của Ngày hội đối với đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 5 dân tộc thiểu số sinh sống và thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc mình, gồm: Tà Ôi, Pa Cô, Pahy, Cơ Tu và Bru - Vân Kiều, phân bố chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Nam Đông, A Lưới và một phần của các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà. Các dân tộc anh em sinh sống ở đây với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong mọi mặt của đời sống. Chính họ đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn có từ lâu đời ở nơi đây.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cấp, các ngành và UBND 2  huyện A Lưới, Nam Đông  tổ chức luân phiên, định kỳ 2 năm một lần Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế. Trải qua gần 30 năm, với 14 kỳ tổ chức, các hoạt động trong Ngày hội luôn được các đơn vị tổ chức, trong đó chủ đạo là ngành Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc cùng với 2 huyện A Lưới và Nam Đông chọn lọc các loại hình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, địa phương, vùng, miền, đảm bảo chất lượng, nội dung nghệ thuật, thể hiện được các tiêu chí về tính dân tộc, tính hiện đại, tính cộng đồng, tính đa dạng phong phú, độc đáo và có tính tuyên truyền giáo dục cao. Lực lượng chính tham gia Ngày hội là những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, các hạt nhân văn nghệ tại cơ sở… người dân tộc thiểu số tham gia với tư cách là chủ thể văn hóa và thực hành văn hóa của các dân tộc mình. Thông qua các kỳ tổ chức, Ngày hội đã tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, góp phần giới thiệu vốn văn hóa đặc sắc, sự phong phú, độc đáo, đa dạng của văn hóa các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế. Ngày hội cũng chính là lực đẩy nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…. Niềm vui, háo hức của mỗi kỳ Ngày hội, cũng là dịp để cộng đồng các dân tộc miền núi biểu thị tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thể hiện lòng biết ơn, tự hào được mang họ Bác Hồ. Đây là một nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế, cũng là một nét đặc thù trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Hiệu quả từ việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thông qua Ngày hội

Nhìn lại quá trình gần 30 năm triển khai, có thể thấy, tất cả các hoạt động được tổ chức trong ngày hội đã bám sát các yêu  cầu của đề án tổ chức định kỳ “Ngày hội giao lưu VHTTDL vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013-2020 của Bộ VHTTDL phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Có thể khẳng định, nhờ việc tổ chức các hoạt động Ngày hội nhiều giá trị văn hóa đã được tôn vinh, bảo tồn, phát huy, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một đã được phục dựng và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Các địa phương có đồng bào dân tộc miền núi đã cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện A Lưới đã thực hiện Đề án “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014  - 2020”, từ đề án này, 6 năm qua, huyện A Lưới đã mở 12 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ thu hút được trên 200 hội viên tham gia và trên 57 nghệ nhân truyền dạy. Các làng văn hóa đã thành lập trên 60 đội văn nghệ dân gian. Những ca khúc cách mạng từ lời Việt đã được chuyển thể sang lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu và các ca khúc từ lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sang lời Việt.

Không chỉ giữ gìn và phát huy văn hóa phi vật thể, cơ sở vật chất phục vụ đời sống tinh thần của người dân vùng cao cũng được khôi phục. Hai huyện A Lưới và Nam Đông bước đầu đã khôi phục một số nhà rông, nhà Gươl, nhà Târ đah. Đồng thời khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị không gian làng, bản theo kiến trúc truyền thống kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại các làng A Nôr (xã Hồng Kim) Pa Ris - Ka Vin (xã Lâm Đớt), A Hưa (xã Quảng Nhâm) và Pa Riing (xã Hồng Hạ)...

Truyền thống văn hóa và bản sắc văn hóa của các dân tộc đã, đang và từng bước được bảo tồn, khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu được phục dựng và tổ chức định kỳ theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như Ariêu A Da, Ariêu Piing, Ariêu Car, mừng nhà mới, mừng lúa mới, lễ cưới truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống, trang phục... được đưa vào chương trình hoạt động chính của Ngày hội và luôn thu hút sự quan tâm, tìm hiểu và đón xem của du khách các nhà nghiên cứu. Khi việc giữ gìn những giá trị văn hóa hiệu quả, đồng bào các dân tộc miền núi thường xuyên có “cơ hội” được khoe nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với bạn bè muôn phương thông qua các Hội diễn, liên hoan do khu vực và Trung ương tổ chức. Nét đẹp văn hóa từ các bản làng vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và từ những nét đẹp văn hóa ấy, lại gắn kết, lôi cuốn du khách khắp nơi đến với đồng bào.

Năm 2021, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV được tổ chức tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông đã tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19. Tuy nhiên, tinh thần và không khí của Ngày hội đã lan tỏa đến các bản làng, các nội dung hoạt động của Ngày hội đã được chuẩn bị chu đáo, khoa học, đảm bảo các yêu cầu của kế hoạch đã đề ra để khi dịch bệnh được khống chế, đồng bào các dân tộc miền núi trên địa bàn toàn tỉnh được tụ hội và khoe sắc về các giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của mình. Với những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao cùng với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đồng bào các dân tộc miền núi đã và đang cùng với người dân các địa phương trong toàn tỉnh góp sức xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Có thể khẳng định rằng, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã thể hiện được vai trò của mình trong việc kết nối và lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi. Đây chính là điều kiện “cần” để đồng bào các dân tộc nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo, là minh chứng sinh động thể hiện sự gặp gỡ giữa “ý Đảng - lòng dân” trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tác giả: Hằng Nguyễn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

;