Nghệ thuật bài chòi dân gian: Khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập

Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở miền Nam Trung Bộ. Nét đặc sắc của môn nghệ thuật này gắn liền với vùng quê miền biển, dung dị và đằm thắm. Trong từng câu ca của Bài chòi phần nào cho thấy sức lôi cuốn của nghệ thuật diễn xướng đối với người dân lao động. Chơi - đánh - hô - hát là những thuật ngữ để diễn tả loại hình nghệ thuật Bài chòi. Đây là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng, là ký ức văn hóa vì nó lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Bộ môn nghệ thuật dân gian này chứa đựng những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ, được cộng đồng cư dân miền Trung Bộ gìn giữ qua bao thế hệ. Chính vì vậy, vào thời khắc 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 7/12/2017, Bài chòi đã được  UNESCO ghi danh. Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ - Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn cội Bài chòi

Trên dải đất miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), Bài chòi là sản phẩm tinh thần độc đáo của cư dân nơi đây. Người dân quê yêu cái mộc mạc của Bài chòi, mộ điệu cái hồn quyến rũ lòng người nên  có câu:

Rủ nhau đi đánh Bài chòi

Để con nó khóc mà lòi rốn (rún) ra

Mỗi khi Xuân về, Tết đến người dân trong làng thường đứng ra tổ chức hội đánh Bài chòi dân gian. Người đến với hội chơi không chỉ để chơi đánh bài mà chủ yếu để được thưởng thức môn nghệ thuật Bài chòi và để sống trong không khí tưng bừng, rộn rã của ngày Tết. Vì thế, dân gian gọi là “Hội Bài chòi xuân”:

Gió xuân phảng phất nhành tre

Mời bà con cô bác lắng nghe Bài chòi

Bài chòi là một thuật ngữ thuần Việt, gồm hai từ ghép: “Bài - Chòi”. Bài là con bài và Chòi là chòi tranh nhỏ có thang nối từ đất lên sàn ngồi, mô hình như chòi canh nương rẫy, những chòi được làm chất liệu tranh, tre là sản vật của vùng lúa nước Trung Bộ. Hội đánh Bài chòi thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, người ta dựng 9 chòi (có nơi 10 chòi), được xếp thành hình chữ nhật, nằm ở giữa đối diện với bàn Hội đồng (Ban Tổ chức) là chòi cái, 8 chòi chia ra thành hai bên, mỗi bên 4 chòi được gọi là chòi con. Bài chòi dùng để chỉ một trò chơi thuộc loại hình diễn xướng dân gian. Đánh Bài chòi là đánh bài trên chòi. Bài là những thẻ bài gồm 27 con (có nơi 30 con). Các nghệ nhân xưa phỏng theo bộ bài Tam cúc dân gian gồm 3 Pho: Pho văn, Pho vạn, Pho sách.

Ở khu vực Trung Bộ những năm gần đây, hoạt động biểu diễn Bài chòi không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết cổ tuyền, sinh hoạt cộng đồng dân cư… Hội Bài chòi được tổ chức là một trong những hoạt động biểu diễn có ý nghĩa và thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là hoạt động mang tính hội xuân, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa tinh thần cũng như gìn giữ nét đặc sắc lâu đời của người dân địa phương mỗi dịp Xuân về, Tết đến:

Vô đây quớ bạn vô đây

Đầu xuân bạn đến nơi này cầu may

Đã hơn nửa thế kỷ nay

Giờ khôi phục lại trò chơi này, bà con ơi

Vui xuân với hội Bài chòi

Nói lên bản sắc quê tôi đậm đà

Từ thiếu niên cho tới cụ già

Ai cũng mến mộ lời ca, tiếng đàn...

Hiện nay, lực lượng nghệ nhân Bài chòi dần được trẻ hóa, các thế hệ đi trước đã dành nhiều tâm huyết để sáng tạo, vun đắp cho thế hệ sau này. Đến thời điểm hiện tại, nhiều lớp nghệ nhân, diễn viên Bài chòi không chuyên từng bước trưởng thành và phát triển. Hội đánh Bài chòi dân gian của nhiều tỉnh được tổ chức và hoạt động phục vụ các lễ hội, Tết cổ truyền đều có sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên. Số nghệ nhân, diễn viên quần chúng có khả năng biểu diễn nghệ thuật Bài chòi ngày càng nâng lên cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật.

Đây là thời điểm thuận lợi để các địa phương phát triển, duy trì nghệ thuật Bài chòi. Bộ môn nghệ thuật này có sức lan tỏa rộng lớn và cuốn hút người dân địa phương cũng như các vùng lân cận. Trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhằm bảo tồn và phát huy một di sản văn hóa phi vật thể, nhiều nơi đã lập dự án phục dựng nghệ thuật Bài chòi dân gian theo diện rộng từ tỉnh, thành đến cơ sở, đồng thời tổ chức một số lớp tập huấn truyền dạy, nhằm nâng cao vốn kiến thức Bài chòi và khả năng diễn xướng của anh/chị Hiệu hô, hát Bài chòi dân gian.

Bảo tồn và phát huy Bài chòi trong thời kỳ hội nhập

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi của nhân loại trong thời kỳ hội nhập chắc hẳn đòi hỏi cho các nhà nghiên cứu và mỗi địa phương phải có cái nhìn khách quan và bao quát. Trước những khó khăn, thách thức, cần phải tìm ra hướng đi phù hợp cho loại hình nghệ thuật Bài chòi dân gian.

Nghệ thuật Bài chòi là tiếng nói, là hơi thở dân gian của người dân các tỉnh, thành Nam Trung Bộ. Nhưng trên thực tế, chỉ một số địa phương duy trì hoạt động theo cách riêng, chủ yếu vào các dịp lễ Tết, hội hè hoặc theo xu hướng du lịch, như:  Hội An - Quảng Nam, Quy Nhơn - Bình Định, Tuy Hòa – Phú Yên, Nha Trang - Khánh Hòa,… số địa phương còn lại đã và đang tìm hướng đi cho mình.

Phát triển theo xu thế du lịch, đó là một hướng đi thuận lợi nhưng làm sao giữ được cái gốc của nghệ thuật Bài chòi mới là mấu chốt quan trọng. Ở lĩnh vực du lịch, nghệ thuật cần làm mới nó để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách. Nói cách khác, khán giả thưởng thức đến đâu thì nghệ thuật đáp ứng nhiều hơn đến đấy. Chính vì vậy, kiểu hô của Bài chòi hiện nay đã chuyển từ hô Bài chòi cổ sang Bài chòi mới có giai điệu âm nhạc, có tiết tấu. Bên cạnh đó, Bài chòi sử dụng hoặc vay mượn các điệu lý để thêm phần sinh động và phong phú, thu hút người nghe kể cả du khách người nước ngoài.

Tuy nhiên, hướng phát triển quá đà phần nào cũng làm mất đi cái giá trị đích thực của Bài chòi cổ. Hô, hát Bài chòi của một số ít địa phương, điệu Xuân nữ trong Bài chòi đã bị pha không còn cái gốc của Xuân nữ. Mặt khác, vóc dáng của Bài chòi đã thay thế kiểu hoạt động văn nghệ quần chúng, sử dụng các làn điệu thêm phần sinh động nhưng đã vay mượn làm pha lẫn, thay đổi xuất xứ của Bài chòi dân gian.

Sự phát triển là dựa trên tiếp thu, thừa hưởng và lan tỏa của từng vùng miền. Nhưng kiểu hô, hát Bài chòi hiện nay của một vài địa phương có sự vay mượn lẫn nhau theo cách “nhảy rào”, chính là do bất cập về “chọn sư để tầm”, nói cách khác là chọn nghệ nhân địa phương khác để nhân rộng mô hình địa phương mình, chứ không theo hướng tự nhiên lan tỏa của nó.

Có thể nói, Bình Định là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu và phục dựng Bài chòi cổ dân gian. Đơn giản và cũng dể hiểu vì Bình Định được xem là nơi hình thành và lan tỏa nghệ thuật Bài chòi dân gian. Nếu không nói là cách hô, hát của Bài chòi Bình Định phát triển theo tự nhiên, từ kiểu hô phôi thai đơn giản là “đọc nhịp” thơ bốn chữ, đến cách hô khó hơn theo vần điệu lục bát, sử dụng và chuyển nhiều làn điệu trong câu như điệu: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò quảng; kiểu hô Hò cán, hát Nam xuân (điệu tuồng) trong dâng thưởng, nên Bài chòi Bình Định đa dạng về trình thức, phong phú về làn điệu.                 

Vì vậy, nếu hô hát theo cách hiện nay thì chúng ta đang sân khấu hóa văn hóa, dần dần sẽ biến nghệ thuật Bài chòi dân gian thành chất hoạt động văn hóa văn nghệ hiện đại, chứ không còn giữ cái hồn cốt mà bản thân của nó đã tồn tại hơn mấy trăm năm. Ví như hô, hát Bài chòi dân gian lại có dàn dựng múa phụ họa; khi hô, hát đối đáp giao duyên lại diễn hài. Đôi lúc ta bắt gặp anh/chị Hiệu khi trình diễn trong Hội đánh Bài chòi dân gian còn mang những trang phục cách tân, đi giày tây, giày cao gót, áo dài cách điệu, mang đồng hồ, đeo lắc vàng tay… Qua đó, có thể thấy, để giữ gìn văn hóa dân gian là thách thức đầy cam go cần được định hướng đúng đắn.

Văn hóa dân gian là chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, việc cần nhất là bảo tồn và làm giàu giá trị di sản chứ không nên lấy nó để “làm giàu” bằng mọi cách. Ví như hình thức “bài tới” để được dâng thưởng, nó mang ý nghĩa tín ngưỡng nhân văn sâu sắc là “cầu lộc, cầu may” nên tiền đổi thẻ và tặng thưởng chỉ nên mang tính tượng trưng chứ đừng biến nó thành hình thức doanh thu chênh lệch từ việc bán thẻ. Để thay đổi cách nghĩ, cách làm thì lớp nghệ nhân trẻ cần nên hiểu rõ ý nghĩa của giá trị văn hóa cốt lõi, để cho dòng sông di sản chảy đúng mạch nguồn trong sạch và mang ý nghĩa đích thực của nó.

Đối với các nghệ nhân, những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc thì cần có chính sách quan tâm kịp thời. Lớp nghệ nhân dân gian những người góp công sức không nhỏ vào việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật Bài chòi đôi khi còn gặp nhiều khó khăn, vẫn phải “tìm kế mưu sinh”, nhất là thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nên cần lắm sự quan tâm đúng lúc của  xã hội.

Với các nghệ nhân dân gian đã được hưởng chính sách của Nhà nước, vấn đề không chỉ là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hằng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao? Nên chăng, cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, mở rộng hình thức truyền dạy, chăm sóc sức khỏe cho các nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, để họ có thể cống hiến lại cho cộng đồng, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi, một Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.

Tác giả: Nguyễn Phú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

;