Phú Thọ: Xây dựng chủ đề biểu tượng mang đặc trưng truyền thuyết Hùng Vương trong chương trình giáo dục địa phương

Phú Thọ là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa từ thời Hùng Vương dựng nước. Việc học sinh hiểu rõ một số biểu tượng mang đặc trưng truyền thuyết Hùng Vương sẽ giúp các em hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ. Từ đó, những giá trị truyền thống sẽ được các thế hệ học sinh gìn giữ và phát huy.

Truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên.

Nghiên cứu, xây dựng chuyên đề biểu tượng mang đặc trưng truyền thuyết Hùng Vương là một giải pháp có ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục địa phương. Một mặt làm sống dậy, từ đó bảo lưu, phát triển hệ thống các giá trị văn hóa; mặt khác, đây là con đường nhằm cá biệt hóa các sản phẩm du lịch nhất là sản phẩm lưu niệm. Phú Thọ là vùng đất Tổ - mảnh đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Văn học dân gian thời đại Hùng Vương, đặc biệt truyền thuyết là một bộ bách khoa toàn thư về đời sống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, là bảo tàng sống về lịch sử - văn hóa - xã hội thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương là nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử quan trọng, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo…, phản ánh rõ nét đời sống, văn hóa của dân tộc Việt buổi đầu dựng nước cũng như qua bao thăng trầm lịch sử. Việc khai thác hệ thống biểu tượng trong Truyền thuyết Hùng Vương nhằm phục vụ thiết kế các sản phẩm lưu niệm sẽ làm tăng cường chất lượng văn hóa, tạo ra tính đặc trưng văn hóa đất Tổ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch, từ đó thúc đẩy du lịch Phú Thọ nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung phát triển.

Truyền thuyết Hùng Vương là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian về thời đại Hùng Vương, là nhịp cầu, là sợi chỉ quan trọng kết nối giữa các thế hệ hôm nay, mai sau với quá khứ truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Truyền thuyết dân gian Hùng Vương tuy còn mộc mạc, dung dị, đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại phản ánh được rất sâu sắc về sự đa dạng của cuộc sống sinh hoạt và truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông ta từ ngàn đời.

Truyền thuyết đã phản ánh rất rõ sự gần gũi, gắn bó thân thiện giữa các triều đại với nhân dân, luôn hết lòng vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Các truyền thuyết đều phản ánh sâu đậm những tập tục, đời sống sinh hoạt và lao động của nhà vua. Chính bởi vậy mà cho tới nay, truyền thuyết thời Hùng Vương đã ăn sâu, ngấm vào tận máu thịt, xương tủy của con người, bắt rễ trong đời sống tinh thần của nhân dân mỗi làng, mỗi xã… Truyền thuyết Hùng Vương luôn tồn tại đồng hành cùng với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, xây dựng nên một truyền thống yêu nước nồng nàn, tình thương dân, yêu dân từ đó hình thành nên cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam, đồng thời truyền thuyết còn chứa đựng một khối lượng lớn những khát vọng về cuộc sống của cư dân Văn Lang với một nền văn minh lâu đời, văn minh sông Hồng - văn minh lúa nước. Mặt khác, truyền thuyết Hùng Vương phản ánh trình độ phát triển của cư dân nông nghiệp Văn Lang được bộc lộ rõ nét qua những công trình xây dựng, những công trình kiến trúc, những lâu đài, thành quách, cung điện và cả những cuộc rèn luyện binh sĩ chống giặc ngoại xâm, quá trình sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm như làm bánh, chế biến các món ăn…, nghệ thuật dân gian diễn xướng như hát xoan, hát ghẹo…, đặc biệt hơn cả chính là tục thờ cúng ông bà tổ tiên, tạo dựng nên chế độ cha truyền con nối, đạo nghĩa vợ chồng. Truyền thuyết còn phản ánh rõ nét về sự tiến bộ vượt bậc của ông cha ta chuyển từ một nền kinh tế nương rẫy sang một nền kinh tế trồng lúa nước kết hợp với chăn nuôi.

Không chỉ có vậy, truyền thuyết dân gian Hùng Vương cho thấy ghi nhớ công ơn của các thời đại Hùng Vương thông qua các phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục hôn nhân, phong tục tang ma, các ngày lễ tết, lễ hội, các phép ứng xử của toàn cộng đồng. Vì vậy, Truyền thuyết Hùng Vương từ lâu đã là hạt nhân nhân văn vĩ đại trong đời sống tâm linh của người Việt. Truyền thuyết đã hiện thực hóa khá rõ một cuộc sống đời thường vô cùng sinh động thông qua những việc làm, những nghĩa cử cao đẹp, bình dị, gần gũi. Truyền thuyết còn phản ánh lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, giáo dục sâu sắc với con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay về phép ứng xử trong gia đình, cũng như trong xã hội, thể hiện sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ thông qua các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với toàn xã hội và giữa con người với thiên nhiên.

Truyền thuyết Hùng Vương vô cùng đa dạng với hàng trăm truyện và các dị bản đã thể hiện rất rõ thời kỳ lịch sử các Vua Hùng, truyền thống dân tộc. Truyền thuyết thời Hùng Vương đa dạng, phong phú như vậy nhưng chủ yếu lại tập trung vào sáng tác theo các nội dung chính như sau:

- Truyền thuyết về nguồn gốc hình thành các địa danh:

Truyền thuyết tuy không phải là lịch sử, giữa truyền thuyết và lịch sử  có độ chênh lệnh nhất định nhưng những truyền thuyết viết về việc phát tích, hình thành và lựa chọn các địa danh thì lại thổi hồn thêm cho các địa danh đó phần  nghĩa, làm cho chúng thêm giàu, thêm đẹp và thêm thơ mộng, làm cho con người thấy rõ hơn được tầm quan trọng và vai trò của mỗi vùng đất đối với mỗi con người, mỗi dân tộc và đối với Tổ quốc Việt Nam. Vua Hùng chọn nơi đóng đô đã rất cầu kỳ và cẩn thận quyết định lựa chọn vùng đất Phong Châu, nơi có thể dựng đất nước được muôn đời. Chính bởi sự coi trọng địa thế như vậy mà thời bấy giờ đã có không biết bao nhiêu cuộc khai phá, tìm kiếm và mở rộng những vùng đất mới, điều này đã được thể hiện qua rất nhiều truyền thuyết như: Hùng Vương chọn đất đóng đô, Thành Phong Châu, Sự tích ngòi Lạt, sự tích cầu Giải, Tìm nước theo chim….

- Truyền thuyết tái hiện công lao của những người có công xây dựng, bảo vệ đất nước:

Những con người tài hoa, tài tình, tài tử, những con người có công khai phá, phát hiện ra giá trị của cuộc sống đã làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta , thêm phần phong phú, đa dạng. Những công ơn đó, những con người đó được truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác thông qua truyền thuyết, huyền thoại hay những câu chuyện lịch sử. Thời Vua Hùng cũng có rất nhiều những truyền thuyết mang nội dung này như: Lạc Long Quân và Âu Cơ, Hùng Vương chọn đất đóng đô, Hùng Hải trị nước, Ông Hộ giết thuồng luồng, Tuấn Cương và Quế Hoa, chuyện ông Út Soi, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Vua Hùng đi săn, chuyện Đinh Thiên Tích, Cốt Tung đánh giặc, Tản Viên Sơn Thánh, Sơn Tinh Thủy Tinh, Ba anh em đội lốt rắn, Bảo Công, Cao Sơn và Quỷ Minh, Đại Hải đánh Thục, An Dương Vương lập cột đá thề, Bạch Thạch, Mộc Sanh, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương,…

-Truyền thuyết giải thích nguồn gốc của các sản vật tự nhiên:

Thiên nhiên của chúng ta vô cùng đa dạng và phong phú, chúng vừa mang đến cho chúng ta cuộc sống, nhưng chúng cũng có thể hủy diệt cuộc sống. Chính bởi vậy, việc phát hiện ra những sản vật từ thiên nhiên có thể giúp phục vụ cuộc sống là việc vô cùng quý giá. Từ việc phát hiện ra những giá trị đó, chúng ta có thể khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển chúng để cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Truyền thuyết thời Hùng Vương đã phản ánh rất rõ về việc phát hiện và phát triển những sản vật như: Khoai lang, Cây kiệu, Cây cau, Dưa hấu, Sự tích hát Xoan,… và những truyền thuyết diễn tả các cuộc thi, cuộc chơi như: thi nấu cơm, tục cướp kén,…

Có thể khẳng định, với truyền thống lịch sử - văn hóa hàng ngàn năm, các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là những tài nguyên nhân văn vô giá, là cơ sở để tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương thể hiện rõ diện mạo văn hóa vùng đất Tổ mà không nơi nào có được. Truyền thống lịch sử - văn hóa ấy tạo nên nền tảng vững chắc, là động lực để tỉnh Phú Thọ phát huy trong thời kỳ đổi mới. Những giá trị to lớn ấy hoàn toàn có thể khai thác, thiết kế thành các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, tạo nên lợi thế trong phát triển du lịch của Phú Thọ.

* Vua Hùng

Hùng Vương là tên gọi 18 đời vua Hùng. Từ xưa đến nay, nhân dân ta vẫn luôn tưởng nhớ công lao to lớn trong việc mở rộng bờ cõi và xây dựng đất nước của các vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định sự biết ơn, lòng kính trọng sâu sắc qua lời dạy thấm thía: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Hùng Vương là biểu tượng cho sự đoàn kết gắn bó cộng đồng, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất để giữ gìn và bảo vệ đất nước. Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền: “Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam”.

* Biểu tượng bọc trăm con trai

Biểu tượng bọc trăm con trai mang ý nghĩa về nguồn gốc cao quý “Con Rồng -  cháu Tiên” của người Việt,  thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Điều này là một giá trị vĩnh hằng, có tính cộng đồng và mang niềm tự hào dân tộc. Biểu tượng “bọc trăm con trai” còn thể hiện sự sinh sôi nảy nở, khát vọng con cháu đầy nhà trong sự đùm bọc, yêu thương nhau. Trên khía cạnh cộng đồng dân tộc, biểu tượng “bọc trăm con trai” mang khát vọng đoàn kết; với bạn bè quốc tế, đó là biểu thị của niềm tự hào; về phía mỗi gia đình, cá nhân, đó là niềm mong ước con cháu sinh sôi, sum họp.

* Hạt lúa thần

Biểu tượng cho nền văn minh bản địa thời Văn Lang được hình thành trên cơ sở nền nông nghiệp lúa nước đã được phản ánh qua câu chuyện Hạt lúa thần. Hạt lúa không chỉ là một loại ngũ cốc nuôi sống con người, mà đã được gửi gắm vào đó một niềm tin mãnh liệt về cuộc sống no đủ. Hạt lúa thần thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với mong ước mùa màng bội thu, sự no ấm, sung túc, giàu có.

* Trầu cau

Trầu cau là hình tượng đã đi vào tiềm thức người Việt, trở thành một hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt, trong thi ca và trong đời sống hàng ngày. Từ câu chuyện tình éo le, hình ảnh trầu cau quấn quýt mang hàm ý về tình yêu thủy chung, gắn kết yêu thương. Có thể chuyển mã “trầu cau” từ hình tượng văn học sang một biểu tượng văn hóa biểu thị khát vọng lứa đôi hạnh phúc. Tình yêu và nguyện ước gắn bó yêu thương hàng nghìn năm vẫn dâng trào trên mọi miền đất có con người sinh sống.

* Bánh chưng - bánh dày

Bánh chưng - bánh dày là vật phẩm sáng tạo của Lang Liêu dâng vua cha và đã được vua cha nhường ngôi. Triết lý âm dương về trời đất “đất như cái mâm vuông, trời như cái bát úp” hòa hợp trong cặp đôi bánh chưng - bánh dầy, có nếp - có tẻ. Cặp bánh đó là sản vật của trí tuệ  và mang lại may mắn cho Lang Liêu. Biểu tượng bánh chưng - bánh dầy còn mang thông điệp về trí tuệ, tài năng, sự sung túc,  thịnh vượng.

* Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao

Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là bộ linh vật được Vua Hùng thứ 18 nhắc đến trong yêu cầu sính lễ đối với Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nhờ bộ lễ vật này mà Sơn Tinh đã trở thành con rể của Vua Hùng. Như vậy biểu tượng bộ ba linh vật trên chính là biểu tượng cho ước mơ, khát vọng chiến thắng và chế ngự thiên tai. Chữ “chín” trong các sính lễ còn được hiểu là những con vật đó phải trong độ tuổi trưởng thành, độ tuổi sung mãn nhất. Thực vậy, voi con thì chưa có ngà, gà tơ thì chưa có cựa, ngựa non thì chưa đủ bờm để ra oai. Ngà voi, cựa gà, bờm ngựa chính là dấu hiệu xác định mức độ “chín” hay độ trưởng thành, ngoài ra nó còn thể hiện sự mạnh mẽ, uy nghi, trang trọng của các loài đó, cũng là sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái.

* Chim Lạc

Trên mặt trống đồng thường xuất hiện tám con chim Lạc có hướng quay ngược chiều kim đồng hồ được thể hiện đẹp nhất đường nét phóng khoáng và rất có "thần". Không phải ngẫu nhiên mà người Việt cổ lại yêu thích hình tượng chim như vậy, chim gần gũi với người Việt cổ trồng lúa nước, chim và người quấn quýt bên nhau trên những thửa ruộng Lạc (Lạc Điền). 

Truyền thuyết Hùng Vương là một chuyên đề quan trọng nằm trong khung chương trình giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ bởi Truyền thuyết Hùng Vương từ bao đời nay thấm sâu vào nhân dân Việt Nam, có thể ví như mạch nước ngọt chẳng bao giờ cạn, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Đó là những câu chuyện đẹp về nguồn gốc dân tộc, về công cuộc dựng nước buổi đầu, về những chiến công, hay những kỳ tích chống thiên nhiên và chống ngoại xâm, để xây dựng, bảo vệ cuộc sống và đất nước. Qua Truyền thuyết Hùng Vương, chúng ta thấy rõ hơn về một địa bàn cư dân bản địa chung lưng đấu cật dũng cảm, cần cù xây dựng nên một hình thức nhà nước, đất nước đầu tiên. Truyền thuyết phản ánh quá trình vận động lịch sử của dân tộc ta từ thời kỳ mở nước suốt từ Lạc Long Quân, Âu Cơ cho tới Trưng Vương kháng Mã Viện. Điều đó chứng tỏ về một xã hội bản địa phát triển, có một nền văn hóa độc lập, riêng biệt và lâu đời. Truyền thuyết Hùng Vương còn gắn với phong tục tập quán, sinh hoạt và địa lý, ngôn ngữ ở địa phương. Do vậy truyền thuyết Hùng Vương đã trở thành gia sản quý báu không chỉ ở vùng đất Tổ mà còn là của cả nước, đó là những câu chuyện hồn nhiên mộc mạc truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác để làm sáng tỏ những truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Tác giả: TS. Hà Thị Lịch

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

;