Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được biết đến như cái nôi văn hóa đầu tiên của người Việt. Các giá trị văn hóa lâu đời tích tụ và tạo thành những đặc trưng điển hình trong đời sống làng xã của cư dân trong vùng, có sự khác biệt với các vùng khác ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Nghề nông trồng lúa nước khiến con người phải chung tay tồn tại. Sự khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, thường xuyên bị lũ lụt và môi trường xã hội nhiều giặc giã khiến cho làng Việt ở ĐBSH chặt chẽ trong liên kết. Điều này khác với làng xã phương Tây được Marx ví như “bao tải khoai tây” bởi nó chỉ là một tập hợp lỏng lẻo và rời rạc. Theo bước chân di cư của người Việt vào phương Nam lập làng thì làng Việt truyền thống ở ĐBSH cũng liên kết chặt hơn cả bởi sự cát cứ của không gian địa lý tự nhiên sông ngòi dày đặc, bởi tính đa nguyên, đa chức năng trong nội tại mỗi làng khiến cá nhân con người chỉ cần sống ở làng, trong làng, với làng là đủ. Điều này tạo nên những đặc điểm riêng biệt của làng xã người Việt mà chỉ ĐBSH có được. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, những đặc điểm đó vẫn hiện tồn trong cuộc sống ngày hôm nay. Nhận diện các đặc trưng đó, đưa chúng trở thành điểm nhấn thu hút sự quan tâm của khách du lịch là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các sản phẩm du lịch văn hóa ở ĐBSH đều tập trung khai thác giá trị di sản vật thể mà chưa làm rõ được các giá trị phi vật thể cấu thành nên những “chứng cứ” văn hóa hiện tại đó. Bởi vậy, việc xây dựng sản phẩm du lịch lấy các đặc trưng văn hóa làng xã làm giá trị tiêu biểu sẽ giúp làm mới các sản phẩm du lịch hiện tại, mang đến sự thưởng thức giá trị đích thực cho du khách, hướng đến sự phát triển bền vững tại điểm đến và toàn vùng.
Trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, các đặc trưng văn hóa của người Việt được hình thành, ăn sâu bám rễ vào đời sống làng quê. Các đặc trưng này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt “chỉ mặt đặt tên” và được công nhận rộng rãi bởi chính những cư dân trên mảnh đất này. Tuy nhiên, để cấu thành sản phẩm du lịch, cần định hình các đặc trưng này trong không gian cụ thể, nơi du khách có thể hình dung ra bối cảnh hình thành và tồn tại của các giá trị văn hóa đó. Do đó, bài viết này phân tách các đặc trưng văn hóa tiêu biểu theo hai dạng không gian: 1) không gian làng; 2) không gian nhà. Thêm vào đó, bài viết cũng nhận diện và tô đậm đặc trưng văn hóa trong các thực hành văn hóa như những chất liệu cụ thể cho việc cấu thành sản phẩm du lịch.
1. Tính cộng đồng
Tính cộng đồng được hình thành từ đời sống nông nghiệp lúa nước cần “đông tay hơn hay làm” đã tạo ra sự liên kết giữa những con người cùng huyết thống và cùng nơi tụ cư tạo thành sức mạnh tập thể. Tính cộng đồng được biểu hiện trong không gian làng với sự liên kết theo chiều ngang tạo thành xóm làng. Biểu tượng cho tính cộng đồng làng xã là hình ảnh “cây đa”, “bến nước”, “sân đình”, nơi mà cư dân làng xã lấy làm chỗ sinh hoạt chung. Sự liên kết làng xóm hình thành các tổ chức phường (liên kết các cá nhân cùng nghề), hội (liên kết các cá nhân cùng sở thích). Trong đời sống lễ hội, tục thờ Thành hoàng làng là biểu hiện cao nhất sự quy tụ niềm tin tín ngưỡng chung của cư dân làng xã. Trong trò chơi dân gian luôn phải có đông người tham gia, có sân chơi chung, luật chơi chung và mục đích chơi luôn đề cao sức mạnh tập thể. Trong các hình thức nghệ thuật biểu diễn, luôn không có sự phân định rõ ràng không gian dành cho diễn viên và khán giả như nghệ thuật biểu diễn của phương Tây. Chẳng hạn như chèo, tuồng... sàn diễn chỉ là manh chiếu giữa sân đình. Hay trong các câu hát luôn có sự giao lưu giữa diễn viên và khán giả.
Tính cộng đồng trong không gian nhà, có tính chất liên kết theo chiều dọc và giữa các thế hệ. Mối quan hệ gắn bó giữa các cá nhân trong gia đình và gia tộc theo truyền thống tôn ti, có phần đề cao vai trò của gia tộc hơn gia đình. Trong đời sống tâm linh là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Lễ Tết luôn là dịp đoàn tụ gia đình, thăm hỏi họ hàng. Trong đời sống ẩm thực, bữa ăn luôn mang quan niệm về sự sum vầy, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình mà biểu tượng là “bát nước mắm”. Trong phong tục cưới hỏi, người Việt luôn coi hôn nhân là sự liên kết giữa hai họ hơn là giữa hai cá nhân.
2. Tính chất ưa ổn định và tự trị
Tính chất ưa ổn định và tự trị được hình thành bởi nguyên do người làm nông nghiệp lúa nước gieo hạt xuống phải đợi nảy mầm, rồi đợi đơm hoa, kết hạt và hưởng thụ thành quả cho nên có xu hướng ở một chỗ, bảo vệ thành quả của mình, do đó, hình thành tính tự trị và ưa ổn định. Biểu hiện của tính chất này trong không gian làng: thiên về tính tự trị, khép kín với biểu tượng “lũy tre làng”. Thực hành văn hóa tiêu biểu nhất là hương ước làng xã, thể hiện tinh thần “phép vua thua lệ làng”. Biểu hiện trong không gian nhà là sự thiên về ưa ổn định với quan niệm sống “ăn chắc, mặc bền”, ba việc mà một cá nhân phải phấn đấu trong cuộc đời mình “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Tính ưa ổn định này cũng thể hiện rõ trong mô hình vườn - ao - chuồng, mô hình tự cung tự cấp của người dân trong khuôn viên hộ gia đình.
3. Hòa hợp với tự nhiên
Tính chất này được hình thành bởi đời sống nông nghiệp sống dựa vào tự nhiên nên con người phải tìm cách sống thuận với tự nhiên. Biểu hiện trong không gian làng là thiên về đối phó với môi trường tự nhiên. Người Việt có xu hướng chọn nơi tụ cư là những mô đất cao để lập làng hoặc thiết lập mô hình làng nổi để ứng phó với môi trường tự nhiên sông nước dày đặc. Với môi trường sông nước, giao thông và phương tiện đi lại chủ yếu là phát triển giao thông đường thủy. Trong đời sống ẩm thực, người Việt có xu hướng “mùa nào thức ấy”.
Biểu hiện của tính chất này trong không gian nhà: thiên về tận dụng môi trường tự nhiên, rõ nét là trong cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật: cơm - rau - cá - thịt, chất liệu may mặc hoàn toàn từ tự nhiên: tơ tằm, tơ đay, tơ gai, tơ chuối. Quan niệm trong làm nhà “nhà cao, cửa rộng”, “lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam” để ứng phó với môi trường tự nhiên nóng ẩm. Vật liệu xây dựng nhà cửa và vật dụng gia đình hoàn toàn lấy từ sản phẩm của tự nhiên xung quanh môi trường sống.
4. Tính tổng hợp và biện chứng
Tính tổng hợp và biện chứng có nguyên nhân: người làm nông nghiệp luôn phải canh chừng đủ thứ “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm...” nên hình thành tư duy nhìn vào tổng thể và trọng mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Biểu hiện trong không gian làng rõ nét nhất là sự tích hợp tôn giáo, tín ngưỡng trong một không gian thờ tự. Những ngôi chùa “tiền Phật, hậu Thánh” là những minh chứng điển hình. Biểu hiện trong không gian nhà, cụ thể trong đời sống ẩm thực, với cách chế biến, cách bày biện lên mâm và cách ăn đều thể hiện sự hòa trộn, tổng hợp của nhiều thức, nhiều thứ, nhiều món, nhiều gia vị và mùi vị. Trong tổ chức đời sống cá nhân, con người coi trọng kinh nghiệm hơn là thực nghiệm như trong đời sống phương Tây. Kinh nghiệm này đã được đúc rút thành các câu tục ngữ như “được mùa lúa, úa mùa cau; được mùa cau, đau mùa lúa” trong ứng xử với môi trường tự nhiên; “trong rủi có may, trong họa có phúc” trong ứng xử với môi trường xã hội.
5. Tính linh hoạt và dung hòa
Tính chất này có nguyên nhân: người làm nghề nông phụ thuộc vào tự nhiên nhưng đời sống tự nhiên thay đổi thất thường khiến con người phải ứng phó linh hoạt và dung hòa. Biểu hiện trong không gian làng cụ thể ở nguyên tắc tổ chức đời sống tập thể: Duy tình, tương quan với tư duy duy lý ở xã hội phương Tây, duy ý chí ở Đông Á và duy linh ở Nam Á. Biểu hiện trong không gian nhà ở cách thức ứng xử đề cao sự hài hòa “dĩ hòa vi quý”, “một sự nhịn bằng chín sự lành”...
Những đặc trưng văn hóa truyền thống này là giá trị cốt lõi tạo thành sản phẩm du lịch trong không gian cụ thể (làng/nhà) với chất liệu cấu thành là các thực hành văn hóa truyền thống.
Các ý tưởng được đề xuất ở trên là gợi ý cho việc xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đời sống văn hóa làng xã người Việt vùng ĐBSH. Khi các sản phẩm du lịch văn hóa trong vùng dần trở nên quen thuộc thì việc đi tìm chiều sâu của các thực hành văn hóa, giải mã chúng để đặc trưng văn hóa vùng trở thành giá trị cốt lõi trong các sản phẩm du lịch là một cách thức làm mới sản phẩm du lịch, thu hút hơn nữa sự tham gia của khách du lịch trong và ngoài nước.
Tác giả: TS. Đặng Thị Phương Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021