Dư âm từ Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Từ ngày 11 đến 13/12/2020, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Liên hoan các Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Liên hoan được diễn ra trong không khí sôi nổi, vui tươi, phấn khởi, đoàn kết.

Ban Tổ chức khẳng định sự tham gia góp phần của các tập thể và cá nhân đã tạo nên sự thành công của Liên hoan năm 2020. Liên hoan dân ca Ví, Giặm lần này đã diễn theo đúng yêu cầu, mục đích, tiến trình do Ban Tổ chức đề ra, các CLB đã bám sát vào thể lệ của cuộc thi, thời lượng chương trình, tỷ lệ giữa lời cổ và mới được kết cấu đan xen hài hòa, không có sự trùng lặp. Các CLB đều có sự đầu tư về tác phẩm mới, dàn dựng công phu, chú trọng đến yếu tố mỹ thuật, phục trang, đạo cụ sân khấu, lược bớt đi sự rề rà trong lối hát dân ca mà chúng ta vẫn thường hay gặp. Các diễn viên, nghệ nhân đều cơ bản thể hiện được khả năng hát dân ca hay, rất say sưa và chính xác trong ca từ, có khá nhiều các nghệ nhân trẻ tuổi, nghệ nhân “tý hon” học tiểu học nhưng đã biết nắm bắt, thể hiện rất tốt kỹ năng, cách thức hát dân ca và các làn điệu khác.

Nghệ nhân trẻ tuổi đã vậy, nghệ nhân cao tuổi cũng say mê diễn, say mê hát làm tăng thêm sự cảm phục, mến phục của người nghe và khẳng định tình yêu đối với dân ca Ví, Giặm... Rất nhiều những nghệ nhân khác có ý thức trau dồi giọng hát, kỹ thuật hát, có sáng tạo riêng thể hiện âm ngữ của từng địa phương, từng thể loại Ví, Giặm; có cách trình diễn linh hoạt, thông minh, hóm hỉnh, kết hợp được sự triết lý, hồn nhiên, hấp dẫn… đã lôi cuốn được người xem, người nghe.

Bên cạnh đó, một số tiết mục đã sưu tầm được một số câu đối đáp mới, lạ. Một số tác giả đã say mê tìm hiểu, nghiên cứu để soạn lời cho một số tiết mục, tạo ra những nét mới trong Liên hoan.

Nhìn tổng thể, Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lần này được nâng lên về chất lượng, nội dung và nghệ thuật; các đơn vị tham gia thể hiện rõ gương mặt đại diện cho phong trào hát dân ca ở cơ sở. Đa phần các tiết mục đã phản ánh được không gian và môi trường diễn xướng mang sắc thái của địa phương, tính chất nghề nghiệp. Điều này chứng tỏ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng có sức sống mãnh liệt.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến vai trò của đội ngũ biên tập, đạo diễn, biên đạo múa ở các CLB đã có những ý tưởng, bố cục, động tác đòi hỏi kỹ thuật cao và có tay nghề để dàn dựng những tiết mục hát múa, múa minh họa.

Thành công của Liên hoan còn phải kể đến sự quan tâm theo dõi của khán giả là cán bộ, nhân dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận đã có mặt cổ vũ nhiệt tình trong suốt thời gian thi diễn. Liên hoan không đơn thuần là chuyện có giải hay không mà đã tạo được một sân chơi thú vị. Qua Liên hoan, Ban Tổ chức đã phát hiện được nhiều nhân tố, nhiều tài năng dân ca Ví, Giặm từ các địa phương, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, thúc đẩy phong trào hát dân ca Nghệ Tĩnh trong thời gian tới.

Song, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2020 cũng còn một số hạn chế cần phải được khắc phục, đó là:

Vẫn còn một số đơn vị không tổ chức Liên hoan cấp cơ sở; đây là một thiệt thòi lớn cho các CLB không được tham gia sân chơi của chính mình và cũng ảnh hưởng đến sự thành công của Liên hoan. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, sâu sát đến phong trào nói chung, hoạt động của các CLB nói riêng; cử CLB đi thi mang tính hình thức nên kết quả mang lại chưa cao.

Có những tiết mục được dàn dựng theo kiểu ngẫu hứng trên sàn tập. Có cảm nhận là biên đạo, dàn dựng “sáng tạo” ngay trên sàn diễn, kiểu “sáng tạo” này đã biến diễn viên thành những người thợ bắt chước, không cần hiểu ý đồ của tác phẩm, không cần sáng tạo, không cần tư duy tạo cho người xem có cảm giác qua quýt cho xong với những thủ pháp cũ mèm, những mảnh trò đã dựng được lặp đi, lặp lại một cách sống sượng và nhạt nhẽo. Biên đạo, dàn dựng “vô lề lối” không biết bám vào sự đa dạng, phong phú, những đặc trưng, đặc điểm tiêu biểu của tác phẩm, tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên thể hiện qua từng động tác, điệu múa... Những hình ảnh đời thường được cách điệu hay đúng hơn là nghệ thuật hóa bằng tài năng của người diễn viên. Tính chất ước lệ nhưng không quá siêu thực, huyền bí, không đồ sộ, lộng lẫy mà bình dị, trong sáng, hài hòa cân đối, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, tình yêu đôi lứa, những nét sinh hoạt thông qua múa phụ họa dễ cảm thụ và dễ hiểu. Phần “hồn”, phần “sắc” và phải có sự liên kết lôgíc giữa nội dung và múa phụ họa, biên đạo xử lý tùy tiện để những lớp múa không ăn nhập vào hoàn cảnh trạng thái biểu cảm của tác phẩm, các động tác bê đỡ xử lý vụng về.

Khoa học kỹ thuật hôm nay đã góp phần cho sân khấu biểu diễn của chúng ta lung linh hơn, rực rỡ hơn, đẹp lộng lẫy hơn, âm thanh hay hơn, chúng ta một phần nào làm thỏa mãn cặp mắt, tai nghe của người xem thời hiện đại. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều tiết mục của chúng ta đã lạm dụng những kĩ thuật này một cách thái quá, sáo rỗng làm lu mờ những nội dung nghệ thuật cốt lõi, như: Âm lượng phần nhạc đệm quá lớn, lấn át phần lời diễn, gây hiệu ứng không tốt đối với khán giả cũng như làm mất đi tính mềm mại, thiết tha của loại hình âm nhạc này. Nhạc đã ghi âm sẵn nhưng lại thể hiện có nhạc cụ trong một số tiết mục là không cần thiết, thậm chí gây phản cảm, thiếu đồng bộ giữa nhạc cụ và âm thanh.

Một số tác giả chưa phân biệt được giữa dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển, dẫn đến cấu trúc chương trình, chọn lựa câu chữ, tiết mục còn lẫn lộn giữa cũ và mới, giữa trò diễn xướng cổ và hoạt ca dân ca ngày nay. Coi không gian diễn xướng như chỉ là sự bài trí, là bối cảnh mà thôi. Tiết mục do diễn viên thiếu nhi diễn nhưng lại sử dụng các câu hát chưa phù hợp lứa tuổi.

 Nhiều CLB còn chủ yếu là sưu tầm những tiết mục có sẵn để đưa vào chương trình, hầu hết các câu đối đáp trong diễn xướng đã được sử dụng nhiều, đem “xào xáo” lại dẫn đến tình trạng thiếu bản sắc riêng của địa phương và lại trùng lặp với nhiều CLB khác. Việc sử dụng đạo cụ, phục trang dù cách điệu, ước lệ hay tả thực thì cũng phải phục vụ cho chủ đề, tư tưởng của tác phẩm mình biểu diễn, tạo được không gian phù hợp để diễn viên diễn. Chúng ta còn lạm dụng về phục trang, hóa trang, đạo cụ gây phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, không phù hợp với tính chất, thời gian, không gian, địa điểm và hồn cốt của nội dung tác phẩm, phá cách quá giới hạn cho phép, chưa khai thác triệt  để việc sử dụng đạo cụ.

Khi hát dân ca, không ít nghệ nhân sử dụng quá nhiều thổ âm địa phương, hát lời không rõ, làm cho người nghe khó hiểu, khó cảm thụ cái hay, cái đẹp của dân ca Nghệ Tĩnh. Một số tiết mục lại lược bỏ các thổ ngữ làm giảm đi tính uyên thâm, hóm hỉnh của dân ca, làm cho khán giả cười một cách gượng gạo… Lực lượng nghệ nhân cao tuổi và tác giả viết, biên soạn dân ca trong Liên hoan lần này không nhiều…

Để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy, chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, chúng tôi, những người làm công tác văn hóa kính mong được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; sự vào cuộc có trách nhiệm và hiệu quả của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh giá trị di sản văn hóa trên quê hương.

Tác giả: Mai Quyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

;