Mạc Ngọc Liễn và di thư đầy trách nhiệm với đất nước

Tượng chân dung Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và phu nhân là Phúc Thành thái trưởng công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm quàn tại Đạo quán Linh Tiên (thuộc xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội)

 

Ngoài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Giáp Hải thì Mạc Ngọc Liễn cũng là một tấm gương lớn, suốt đời tận trung với triều đại mình phò tá: nhà Mạc. Đáng nói hơn, trước khi mất, Mạc Ngọc Liễn còn để lại di thư đầy trách nhiệm với đất nước!

Mạc Ngọc Liễn (1528-1594) chính tên Nguyễn Ngọc Liễn, quê xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội; con của Thái sư Tây quốc công Nguyễn Kính - khai quốc công thần nhà Mạc. Cha con Nguyễn Kính có công lớn với nhà Mạc nên đều được ban quốc tính (họ vua). Chưa hết, Mạc Ngọc Liễn còn là phò mã nhà Mạc khi được gả công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm.

Mạc Ngọc Liễn sinh ra khi nhà Mạc đã được thiết lập và trước khi ông mất thì nhà Mạc đã bị đánh đuổi khỏi Thăng Long. Thời đại ông sống là quãng thời gian nước Đại Việt bị chia cắt thành Nam Bắc triều: phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra) là nhà Mạc, phía Nam (từ Thanh Hóa trở vào) là nhà Lê Trung hưng.

Nhà Mạc nắm quyền chưa đầy hai mươi năm thì ông vua thứ ba (sau Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông) là Mạc Hiến Tông mất (1546). Con Mạc Hiến Tông là Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ lên thay, gọi là Mạc Tuyên Tông. Khiêm vương Mạc Kính Điển là người được Hiến Tông chọn làm phụ chính. Trong triều xảy ra biến loạn: Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi muốn lập người em của Mạc Thái Tông là Hoằng vương Mạc Chính Trung (con thứ hai của Mạc Thái Tổ) đã trưởng thành nhưng Mạc Kính Điển không thuận, quyết phò Phúc Nguyên lên ngôi. Tử Nghi lập tức cùng Chính Trung khởi binh nổi loạn. Nguyễn Ngọc Liễn chưa đầy 20 tuổi cùng cha đứng về phía Mạc Kính Điển, phò ấu chúa Tuyên Tông, sau 5 năm thì đánh bại Tử Nghi (năm 1551). Công lao 2 cha con ông được ghi nhận xứng đáng: Nguyễn Kính làm Thái úy Tây quốc công, Nguyễn Ngọc Liễn là Ngạn quận công.

Lúc bấy giờ, sự biến cung đình và chiến tranh xảy ra liên miên. Tháng 1 năm 1575, Mạc Ngọc Liễn cùng Khiêm vương Mạc Kính Điển mang quân đánh Nam triều ở Thanh Hóa. Kính Điển đánh hai huyện Thuỵ Nguyên, Yên Định; Ngọc Liễn đánh hai huyện Đông Sơn, Lôi Dương. Cùng với các mũi tiến công của Mạc Kính Điển và Mạc Ngọc Liễn thì nhà Mạc còn phái danh tướng Nguyễn Quyện và Hoàng quận công Mạc Đăng Lượng đánh Nghệ An. Tháng 8 năm 1575, trong khi Quyện, Mạc Đăng Lượng đánh thắng quân nhà Lê trên đất Nghệ thì quân Mạc lại bại ở xứ Thanh. Mạc Kính Điển và Mạc Ngọc Liễn buộc phải rút quân về.

Tháng 4 năm 1576, Mạc Ngọc Liễn cùng Mạc Kính Điển tiếp tục đánh Thanh Hóa: Kính Điển đánh Thuỵ Nguyên, Ngọc Liễn đánh Yên Định… còn Nguyễn Quyện, Mạc Đăng Lượng một lần nữa công phá Nghệ An. Sau một thời gian không giành được thắng lợi lại lui binh.

Tháng 10 năm 1578, Mạc Ngọc Liễn mang quân đánh chúa Bầu Vũ Công Kỷ ở châu Thu Vật (Tuyên Quang) nhưng bị thua trận, phải lui binh.

Tháng 7 năm 1580, Mạc Ngọc Liễn cùng Nguyễn Quyện, Mạc Đăng Lượng mang quân vào đánh phá vùng ven biển Thanh Hóa.

Chỉ ba tháng sau, Mạc Kính Điển mất. Sau đó, Mạc Đôn Nhượng (em út Mạc Kính Điển) lên thay làm Phụ chính. Mạc Ngọc Liễn đương nhiên trở thành đại thần hàng đầu của nhà Mạc, được phong tước Đà quốc công (năm 1584) nhưng nhà Mạc đã vào hồi suy yếu không thể cứu vãn.

Cuối năm 1591, quân nhà Lê Trung hưng dưới sự lãnh đạo của Trịnh Tùng rầm rộ đánh ra Bắc. Vua Mạc bấy giờ là Mạc Mậu Hợp (lên ngôi năm 1562) huy động hơn 10 vạn quân Bắc triều chống cự. Hai bên đánh nhau to, tới ngày 3 tháng 1 năm 1592, quân Mạc thua trận. Tháng 3 năm 1592, kinh thành Thăng Long bị quân Trịnh Tùng đốt phá. Tháng 11 cùng năm, Mạc Mậu Hợp bỏ chạy về Kim Thành (Hải Dương). Ngày 25 tháng 11, Trịnh Tùng đánh vào Kim Thành. Mạc Mậu Hợp tiếp tục thua chạy, không lâu sau bị quân Nam triều bắt sống và xử tử.

Điều đáng nói là khi quan quân nhà Mạc phải tháo chạy khỏi Thăng Long, Mạc Ngọc Liễn đã lập con Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung lên ngôi, lấy niên hiệu Càn Thống (tháng 3 năm 1593) mong khôi phục quyền lực, vinh hoa phú quý của một dòng họ. Ấy thế nhưng, sau những thất bại liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn, trước khi ốm mất (tháng 7 năm 1594), Mạc Ngọc Liễn để lại di thư cho Mạc Kính Cung rằng: "Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng” (xin xem Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, quyển XVII).

Một di thư đầy trách nhiệm! Mạc Ngọc Liễn đã sống trọn vẹn với thời đại nhà Mạc. Cha con ông phò tá hơn sáu thập niên suốt cả 5 đời vua nhưng khi sức cùng lực kiệt, nhìn rõ thời vận, ông đã rất có trách nhiệm với non sông, đất nước. Di thư sáng suốt kêu gọi thế lực nhà Mạc không “cõng rắn cắn gà nhà” (như vua Lê, vua Nguyễn sau này cầu viện quân Thanh, quân Xiêm), không cố giành ngôi báu bằng mọi giá, không đặt quyền lợi dòng họ lên trên quyền lợi dân tộc, không để dân vô tội phải mắc nạn binh đao triền miên, thêm lầm than đau khổ… đã phần nào “gỡ gạc” lại hình ảnh của một “ngụy triều”!

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

 

 

;