Tóm tắt: Ổn định đời sống cho người dân phải di dân tái định cư (TĐC) phục vụ các dự án phát triển là bài toán phức tạp đặt ra cho các nhà quản lý từ những thập niên 80 của TK XX. Việc xác định rõ những khía cạnh của đời sống cần ổn định sẽ tạo tiền đề để người dân thích ứng linh hoạt với điều kiện sống mới sau khi chuyển cư. Trong bối cảnh di dân TĐC trở thành hiện tượng phổ biến trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay, các nhân tố để ổn định đời sống của người dân sẽ đa dạng và khác biệt đối với từng dự án cụ thể. Song, các nhân tố mang tính nền tảng vẫn có thể áp dụng cho nhiều trường hợp. Bài viết này nêu lên những yếu tố tạo sự ổn định cho nhóm đối tượng dân cư này thông qua nghiên cứu một số điểm TĐC thủy điện thuộc thành phố Sơn La.
Từ khóa: tái định cư, thủy điện Sơn La, thích ứng, chuyển đổi sinh kế và văn hóa, người Thái trắng.
Abstract: Establishing stable lives for people forcibly resettled due to development projects has been a complex challenge for authorities since the 1980s. Accurately identifying the critical aspects of life that require stabilization creates a foundation for local people to adapt successfully to new living conditions after migration. As migration and resettlement become increasingly common in national development, the factors contributing to people’s stability vary across projects. However, fundamental conditions such as infrastructure, livelihoods, and cultural preservation are applicable in many cases. This article examines the factors that contribute to economic and social stability for resettled populations at four hydropower resettlement sites in Son La city, based on data collected from in-depth interviews and questionnaires.
Keywords: resettlement, Son La hydropower, adaptation, livelihood and culture transformation, white Thai people.
Đồng bào Thái trắng giữ gìn bản sắc văn hóa tại vùng tái định cư thủy điện Sơn La - Ảnh: dantocmiennui.vn
1. Quan điểm về các thách thức và thích ứng của nhóm dân TĐC bắt buộc do các dự án phát triển
Sự chuyển dịch dân cư là hiện tượng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chính, khái niệm “di cư” hàm ý về “tính di động và sự dịch chuyển của con người trong không gian (từ nơi này sang nơi khác), dưới nhiều hình thức khác nhau (tự phát hoặc bắt buộc), trong một khoảng thời gian nhất định, có thời hạn hay lâu dài”. Trong khi đó, khái niệm “di dân” được hiểu là quá trình “nhà nước điều chuyển dân từ vùng này đến vùng khác nhằm phân bổ lại dân cư và mở mang các vùng kinh tế mới” và bước đầu sử dụng trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa (1). Trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh hoạt động di dân để phát triển các vùng kinh tế mới được đánh giá là có “cơ chế linh hoạt” (2), Nhà nước cũng chỉ đạo quá trình di dân TĐC để thực hiện các dự án phát triển.
Từ những năm 1980, Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng các nhà máy thủy điện và điều này đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ở nhiều khu vực trên khắp Việt Nam như Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, nhà máy thủy điện Sơn La liên quan đến khối lượng lớn cư dân ở vùng lòng hồ phải nhường chỗ xây dựng công trình thủy điện. Tính đến năm 2010 đã có 18.897 hộ với 91.100 nhân khẩu phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (3).
Xây dựng các công trình thủy điện vì mục tiêu phát triển mang tầm quốc gia cùng với đó là bài toán ổn định về sinh kế và an ninh lương thực cho một bộ phận dân cư bị ảnh hưởng từ dự án trở thành hiện tượng xã hội nổi bật là chủ đề nghiên cứu của nhiều nhà khoa học (4). Hệ quả từ việc phải di chuyển để nhường đất xây dựng công trình thủy điện đối với nhóm dân cư còn thể hiện ở khía cạnh văn hóa và xã hội. Kirchherr và Charles cho rằng những ảnh hưởng xã hội này có thể xem xét dưới góc độ không gian, thời gian và yếu tố giá trị. Hai tác giả này đề xuất khung phân tích những ảnh hưởng xã hội gồm cấu trúc hạ tầng, cộng đồng và vấn đề sinh kế (5). Ngoài ra, đối với bối cảnh di dân TĐC, một số yếu tố cần lưu ý thêm khi nghiên cứu vấn đề biến đổi môi trường sống của người dân là mối quan hệ giữa cộng đồng người di cư đến và nhóm cư dân địa phương còn gọi là cộng đồng chủ. Theo gợi ý của Dao Nga, mâu thuẫn về đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực TĐC thường xảy ra giữa những người dân trong làng hơn là giữa người dân với chính quyền địa phương hoặc các cấp cao hơn (6).
Nhóm tác giả Phạm Quang Hoan đưa ra quan điểm tiếp cận văn hóa các nhóm tộc người ở vùng TĐC thủy điện Sơn La hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gồm bảy điểm cần lưu ý, trong đó nhấn mạnh: “phải nhìn nhận văn hóa tộc người trong xu thế vận động, biến đổi, giao lưu, hội nhập và phát triển bền vững trong điều kiện và hoàn cảnh tái định cư”. Đồng thời, các nhà nghiên cứu nêu lên hai chiều hướng tất yếu của quá trình TĐC, đó là “nhiều yếu tố văn hóa truyền thống dần sẽ bị mai một. Trong khi đó, các yếu tố văn hóa mới ngày càng ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống các tộc người”, dẫn đến xu thế “hòa đồng về văn hóa giữa các tộc người tại nơi tái định cư” (7).
Dựa trên dữ liệu thu thập từ các cuộc khảo sát, điền dã dân tộc học các năm 2019, 2023 và 2025 tại các điểm TĐC Quỳnh An, Quỳnh Tiến, Quỳnh Phố, và bản Lay, nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn bảng hỏi đối với 40 hộ gia đình TĐC, phỏng vấn sâu 8 trường hợp (gồm người dân và cán bộ xã) qua đó tập trung phân tích trải nghiệm của các hộ gia đình người Thái trắng trong diện TĐC bắt buộc từ xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai đến các xã và phường thuộc thành phố Sơn La. Nghiên cứu này chỉ ra thực trạng điều kiện sống của một số bản TĐC tại thành phố Sơn La, cụ thể là những biến đổi trong hoạt động sinh kế để ổn định đời sống và những thực hành văn hóa, xã hội của nhóm dân TĐC, từ đó cho thấy khả năng thích ứng của cộng đồng này với môi trường sống mới sau khi chuyển dịch dân cư.
2. Cuộc sống mới của cư dân tại các khu TĐC thủy điện Sơn La
Trước đây, xã Pắc Ma cũ có khoảng 500 hộ, sau khi TĐC, các hộ dân này chuyển đến nhiều nơi khác nhau: Yên Châu, Mai Sơn, Chiềng Sinh, Quỳnh An, Quỳnh Tiến, Quỳnh Phố và một số ở lại quê gốc. Ngoài một số hộ di dân tự do được Nhà nước thanh toán một khoản tiền, hình thức di dân theo kế hoạch của Nhà nước được sắp xếp chỗ ở mỗi hộ 400m2 và cấp đất sản xuất tính theo số nhân khẩu. Những điểm TĐC ở quanh thành phố Sơn La cho thấy quá trình di chuyển dân cư và tái thiết cuộc sống sau đó cơ bản diễn ra thuận lợi và tạo tiền đề vững chắc để nâng cao đời sống của người dân.
Chuyển đổi sinh kế theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả
Hoạt động sản xuất của người dân có những thay đổi mạnh mẽ so với trước khi di dân TĐC thủy điện, đặc biệt liên quan đến giống cây trồng và địa hình của các khu vực đất sản xuất. Cây lương thực chủ lực trước khi TĐC là lúa, ngô và sắn. Sau khi TĐC người dân chuyển sang canh tác cây cà phê và trồng xen ghép các loại cây ăn quả như mận tam hoa, đào, xoài, nhãn. Khi chuyển tới nơi ở mới, người dân đã mua cây giống để trồng, trong đó, cà phê có giá 1.000 đồng -1.500 đồng/ cây giống, đào, mận có giá 5.000 đồng-6.000 đồng/ cây giống. Tương tự cà phê, cây ăn quả chủ yếu như mận, đào trồng đến năm thứ hai bắt đầu cho thu hoạch và từ năm thứ ba trở đi người dân có thể thu hoạch được nhiều quả hơn. Tập quán canh tác của người dân thay đổi do loại cây trồng ở khu TĐC khác so với ở quê cũ: “Trên kia thì làm lỗ, ruộng, nương, ở đây thì không làm, chỉ trồng hoa quả thôi, cà phê, mận tam hoa, mận hậu, bây giờ tiếp tục lại xoài nữa… Nói chung sống ở đây, đến vụ cà phê này, cà phê xong là đến mận tam hoa, đến mận hậu, lại đến xoài. Đấy, chỉ nghỉ tầm 3 tháng là đến vụ cà phê luôn, quanh năm như thế. Nếu có đất trồng nhãn nữa thì không được nghỉ” (8). Chia sẻ của người dân cho thấy sự đa dạng trong các loại cây trồng và khả năng xen canh, gối vụ để tận dụng diện tích đất sản xuất là điểm mới trong hoạt động sinh kế của người dân TĐC.
Cà phê là cây trồng phổ biến tại nơi TĐC, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế, thay thế các cây lương thực truyền thống ở nơi xuất cư. Điều kiện đất canh tác, phương thức trồng loại cây mới này cũng đem lại cho người nông dân nhiều kiến thức mới, thay đổi cách ứng xử với đất sản xuất trong bối cảnh quỹ đất sản xuất ngày càng thu hẹp. Lúc mới chuyển đến khu TĐC, người dân phải cải tạo khu vực đất sản xuất để trồng cây cà phê giống Arabica. Với sự giúp đỡ của nhiều bên chính quyền sở tại, cơ quan phụ trách nông nghiệp và cả cư dân sở tại, người dân ở khu TĐC làm quen với kỹ thuật trồng giống cây mới: “canh tác cây cà phê do trung tâm khuyến nông giới thiệu, sau đó anh em bản sở tại hướng dẫn cách trồng, ươm cây cà phê như thế nào” (anh L.V.T - 40 tuổi chia sẻ). Từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, người dân phát dọn, đào hố bón và ủ phân để trồng. Cây giống có thể mua hoặc tự ươm. Mặc dù người nông dân cũng biết rằng nếu có nước tưới vào mùa khô thì cây cà phê sẽ cho ra nhiều quả hơn, song do điều kiện vùng TĐC không có nước tưới nên họ không đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây dù muốn tăng năng xuất cây trồng nên chỉ đầu tư phân bón. Hiện nay, các hộ trong bản đều trồng cà phê và cho biết trồng cà phê nhàn hơn trồng cây lương thực truyền thống.
Sinh kế của người dân trong bản TĐC bằng canh tác cây cà phê được cho là nhàn hơn so với trồng lúa và các cây lương thực khác như ngô, sắn. Tập quán trồng lúa do đó đã dần “phai nhạt” đối với những người lao động trẻ (từ 20-30 tuổi) khi bắt đầu chuyển đến khu vực TĐC. Vì không có điều kiện về diện tích canh tác và trồng lúa cũng được xem là vất vả hơn nhiều so với làm cà phê theo chia sẻ của người dân: “…giờ chỉ biết hái cà phê thôi. Bây giờ trở lại đi làm ruộng cũng không được. Như trước kia làm không được nghỉ. Đi hái cà phê thì mình thích đi lúc nào mình đi thôi”, còn nếu trồng lúa thì: “…phải đi đúng giờ, hay là không kịp ăn cơm, sợ trời mưa cứ phải chạy đi gom, xong lại phơi, nhiều việc”. Đối với hoạt động canh tác cây cà phê, công việc chủ yếu là bón phân đạm và thu hái, trung bình mỗi hộ trong bản thu hái được 5 đến 7 tấn một vụ. Sau khi hái về, người dân sẽ không chế biến cà phê mà bán cho các thương lái đến thu mua tận nơi: “hái xong bán tươi thôi, hái trên nương về bán luôn thôi”, “chỗ ngã ba này, tối bận thì kín mít luôn… mua tại bản, xe chở 3-4 tấn, có hôm nó về 2 xe” (9).
Trong những năm gần đây, định hướng chung của thành phố Sơn La đối với phát triển cây cà phê được thể hiện ở nhiều hoạt động từ mở rộng diện tích canh tác, xuất khẩu cà phê nhân và tổ chức hoạt động quảng bá. Thực hiện Kết luận số 1077-KL/TU ngày 10-10-2022 của Ban Thường vụ thành ủy về lãnh đạo phát triển cây cà phê: thực hiện trồng mới được 101ha; tái canh được gần 453ha (trong đó trồng tái canh được 173ha; ghép cải tạo 2,05ha; đốn cải tạo 27ha); trung bình hằng năm các đơn vị trên địa bàn thành phố xuất khẩu 6.000-9.000 tấn cà phê nhân, giá trị đạt trên 400 nghìn USD; tổ chức thành công “Ngày hội Cà phê thành phố Sơn La năm 2022”, phối hợp tổ chức “Lễ hội cà phê Arabica” của tỉnh năm 2023 tại thành phố Sơn La để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê địa phương (10). Với bối cảnh chính sách về phát triển cây cà phê nói chung của thành phố Sơn La, bà con các điểm TĐC cũng có nhiều lợi thế để yên tâm sản xuất và đầu tư nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê hoặc sản xuất chuyên sâu, tạo sản phẩm chế biến không chỉ dừng ở việc trồng và thu hoạch cà phê nhân.
Tập quán canh tác mới liên quan chặt chẽ đến quỹ đất được phân bổ cho các hộ TĐC. So với trước khi chuyển cư, diện tích đất canh tác thường nhỏ hơn và khu vực canh tác được quy định rõ ràng, nên người dân không thể tùy ý canh tác ở các địa bàn khác nhau. Mặt khác, cán bộ thôn cho biết người dân không còn tập quán bỏ hoang đất canh tác như khi còn ở quê cũ: “...đất thì cũng nhiều hơn, nó không quy hoạch như ở đây, không phân chia rõ ràng, ai thích làm đâu thì ở đấy. Xuống đây thì người ta phân theo nhân khẩu, hộ gia đình, hộ nào nhiều nhân khẩu thì được nhiều, ít nhân khẩu thì được ít thôi. Trên đấy thì kệ các anh, nhiều thì được nhiều, làm nương ngô… nó không phân chia rõ ràng, ai thích làm thế nào rồi có năm bỏ năm làm, xuống đây nó quy hoạch rõ ràng, của ai nấy dùng” (11).
Ngoài trồng trọt, hoạt động chăn nuôi của người dân ở bản cũng có những thay đổi so với trước khi TĐC. Ở quê cũ, người dân có tập quán thả rông trâu bò. Khi tới khu TĐC, người dân thực hiện nuôi nhốt, nhưng chủ yếu nuôi bò để bán hoặc dùng trong dịp quan trọng của gia đình. Ngoài ra, người dân cũng nuôi lợn song nếu bán không được giá hoặc đàn bị dịch bệnh thì người dân sẽ không tiếp tục chăn nuôi. Gia cầm như gà, vịt vẫn được các hộ nuôi để bán hoặc phục vụ nhu cầu của gia đình.
Những thay đổi và hòa nhập với cơ sở vật chất và điều kiện sống mới
Trước khi TĐC, địa bàn cư trú và khu sản xuất không thuận lợi cho việc đi lại của người dân nên hoạt động canh tác gặp nhiều khó khăn. Do trồng ngô trên núi đá, người dân chỉ có thể gánh chứ không thể vận chuyển bằng phương tiện như xe máy: “Trên quê còn một số hộ thì có nương ở gần bờ sông thì còn đi thuyền được, có hộ không có… thì họ phải đi trèo lên núi từ sáng sớm 5h thì 8h mới đến nơi, ở trên kia thì khổ, sống ở đây thì nói chung chỗ này thì nhàn rồi”.
So với nơi ở cũ, giao thông ở khu TĐC thuận tiện cho việc đến trường học tập của trẻ em, người dân cũng dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế như khám chữa bệnh tại bệnh viện hoặc các phòng khám có chuyên môn cao: “trên quê cũ cùng một bản thôi nhưng nhà trường xa đấy, trước thì đường đá hộc, rải cấp khối thôi, đi bộ gần 2 cây đấy… ở đây thì toàn đường nhựa, đi một tí đến”. Ví dụ bản Quỳnh An, sau hơn 10 năm TĐC, đã tăng lên hơn 40 hộ so với 28 hộ khi mới chuyển cư. Số trẻ sinh tại bản mới là khoảng 30 cháu. Hiện nay, người dân khi sinh con thường xuống bệnh viện đa khoa tỉnh để thăm khám thay vì nhờ người trong bản đến đỡ đẻ ở nhà như trước đây, “ở trên quê cứ ở nhà đẻ tự nhiên, bây giờ hiện đại rồi cứ... đi kiểm tra, mấy ngày sắp đẻ cứ nằm luôn chờ trước. Bây giờ mổ phần nhiều...” (12).
Nhiều hộ gia đình dỡ nhà ở quê cũ, mang đến bản TĐC mới để dựng lại. Thậm chí “mộ của ông bà tổ tiên ở quê cũ cũng đào lên xong bốc về, chôn ở đây hết, nhà nước người ta cũng tính tiền cho”. Những hoạt động này giúp người dân an tâm để định cư trên vùng đất mới.
Về các điều kiện sống như nước sạch dùng cho sinh hoạt hằng ngày, tại nơi TĐC người dân thấy có sự thay đổi rõ rệt do được Nhà nước đầu tư xây dựng, quy hoạch ngay từ khi thành lập các khu TĐC. Trước đây, khi ở trên quê cũ người dân thường phải lấy nước ăn ở suối cách xa nhà: “phải 800m từ suối lên nhà, chừng mà đến mùa mưa thì khó khăn không có tiền xây bể đâu, chỉ mua hai cái thùng phuy hứng nước mưa để uống thôi. Bây giờ di xuống, nước thì Nhà nước làm cho đến tận nhà rồi. nước lấy trên hồ, bây giờ đang có đường ống nước sạch mắc về hết rồi” (13).
Phát huy các giá trị văn hóa xã hội truyền thống tốt đẹp tại nơi ở mới
Người dân vẫn duy trì việc thực hiện tập quán tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi, ăn lên nhà mới, làm lễ đầy tháng cho trẻ con. Để chuẩn bị cho lễ mừng thọ, người ta chọn ngày, mời người dân trong bản đến dự, nhà nào có điều kiện sẽ mổ bò. Khi trẻ đầy tháng, người dân làm lễ để báo cáo với tổ tiên, làm cơm mời anh em họ hàng trong bản đến dự để chia vui với gia đình. Dịp quan trọng này, các gia đình thường làm một đến hai chục mâm cơm, mời cả bản mỗi nhà một - hai người đến dự. Người dân ăn Tết Xíp xí 14 tháng Bảy hằng năm như khi còn ở Quỳnh Nhai. Vào dịp Tết Thái trắng này, dân trong bản mổ 4-5 con bò để ăn Tết, uống các loại rượu ngô, rượu gạo. Trang phục truyền thống mà người dân gọi là áo chàm vẫn được các phụ nữ lớn tuổi trong bản tự may để mặc.
Về việc cưới hỏi, trước khi TĐC người dân chủ yếu kết hôn nội bộ nhóm người Thái trắng, thì nay hiện tượng hôn nhân giữa các nhóm diễn ra phổ biến hơn (với người Thái đen, Mông, Kinh…). Sau khi kết hôn, con dâu phải thực hiện theo các tập tục của gia đình nhà chồng, nếu là người Thái trắng ở bản đi làm dâu người Thái đen ở bản khác thì cũng theo phong tục búi tóc ngược (tẳng cẩu), bởi người dân có quan niệm rằng việc này do những người lớn tuổi trong gia đình yêu cầu và liên quan đến các nghi lễ đời sống của tộc người: “nhà có ông cụ, bà cụ hồi xưa nó bắt theo phong tục của nó thì vẫn phải làm, không thì nó không làm lễ được”. Đám cưới có những thay đổi chủ yếu ở số lượng khách mời. Trước kia, số khách mời dự đám cưới ngồi trong nhà sàn là đủ, bây giờ có sự giao lưu các anh em trong và ngoài xã nên các đám cưới có số lượng vài chục mâm cỗ, phải đi thuê rạp, còn cỗ vẫn do người dân tự chuẩn bị.
Tập quán truyền thống mang tính cộng đồng vẫn được duy trì, ví dụ cả bản khi mới chuyển đến thì dựng ở đầu bản 1 căn nhà để làm nơi thờ cúng chung, giao cho các cụ cao tuổi trong bản phụ trách việc cúng và là nơi họp chung mỗi năm, vào dịp cuối năm người dân sẽ lên dọn dẹp. Khi gia đình nào trong bản có các sự kiện quan trọng như làm nhà mới, cưới xin, xin con nuôi, người dân cũng ra địa điểm này để cúng.
Nghi lễ quan trọng trong vòng đời như ma chay vẫn thực hiện theo tập quán của người Thái trắng. Cụ thể, khác với cộng đồng Thái đen ở thành phố Sơn La có tập quán hỏa thiêu, người Thái trắng theo phong tục là chôn người chết. Việc làm cơm cúng (còn gọi là “bó ngai”) do con trai của người đã khuất thực hiện sau khi được thày cúng đọc dẫn. Mặc dù vậy, điều kiện sống mới ở khu TĐC đã buộc người dân có một số thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Chẳng hạn như việc phân công người thực hiện các nghi lễ trong đám tang. Ở quê cũ, công việc như đào huyệt, khiêng người chết đi chôn hay làm lán đều do bà con họ hàng, con dâu con rể của người quá cố thực hiện. Khi chuyển đến khu TĐC, anh em họ hàng phân tán nên người dân không thể tiến hành công việc như khi còn ở quê cũ, họ cần sự giúp sức của các tổ chức đoàn thể xã hội: “Các chú thì không làm như quê cũ nữa, phân công thôi, ví dụ hội nông dân, thanh niên này đi đào huyệt, tổ phụ nữ thì nấu cơm, thanh niên có sức khỏe thì đi lấy cây lấy cối, cái nào nặng thì các thanh niên… nếu lấy họ thì không đủ người” (14).
Một số thay đổi khác trong nghi lễ quan trọng của người Thái ở khu vực TĐC liên quan đến trang phục của thày cúng mặc trong khi hành lễ: “trước ở trên quê thì các cụ đi cúng mặc áo Thái áo chàm, quấn khăn đen, bây giờ ở đây chỉ có áo đẹp là được rồi”. Cộng đồng TĐC cũng làm quen, học tập các món ăn mới từ người dân địa phương ở xung quanh khu TĐC: “chỉ lấy một đôi gà thôi mà xong mình đi chế biến nhiều món khác, không như quê cũ. Trên quê, trước chỉ có món xào này, món thịt luộc này, món xương làm cháo, giỏi nhất chỉ thế thôi” (15).
Những đặc điểm về tổ chức xã hội và thực hành văn hóa nêu trên của bản TĐC cho thấy người dân một mặt gìn giữ những phong tục truyền thống như ở quê cũ, mặt khác đã có những thay đổi so với trước khi chuyển cư do tác động của việc di dân và ảnh hưởng từ văn hóa của cộng đồng sở tại.
3. Kết luận
Bài viết tập trung tìm hiểu một dạng thức di dân thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đó là di dân TĐC bắt buộc do các công trình thủy điện. Các thách thức đặt ra với nhóm dân phải TĐC đó là sự thay đổi khu vực sinh sống và sản xuất làm xáo trộn cuộc sống của người dân và buộc họ phải mất một khoảng thời gian để ổn định. Trước những thách thức này, người dân vùng TĐC đã có những ứng phó linh hoạt trong hoạt động sinh kế với việc làm quen với giống cây trồng mới, cách thức canh tác, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thói quen sản xuất nông nghiệp. Các yếu tố mang tính nền tảng như thiết chế xã hội và các thực hành văn hóa dù có những điểm mới nảy sinh song vẫn cơ bản duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp mà người dân hun đúc từ nhiều đời. Cùng với chủ trương, chính sách đúng đắn về TĐC của Nhà nước, sự thực hiện hiệu quả của chính quyền địa phương, người dân ở các điểm TĐC có thể vượt qua những khó khăn ban đầu do việc chuyển cư, gắn kết với cộng đồng sở tại và tăng cường khả năng thích ứng với môi trường mới để xây dựng một cuộc sống ấm no, phát triển bền vững trên vùng đất mới (16).
______________________
1, 2. Nguyễn Văn Chính, Di cư, đói nghèo và phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021, tr.14, 97-111.
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 196/2004/QĐTTG ngày 29-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La, 2004.
4. Pham Huu Ty, Baas Laura, Tran Thi Phuong, Nguyen Quang Tan, Impoverishment Persistence in Hydropower Dam-Induced Resettled Communities: A Sociological Investigation on Livelihood and Food Security in Vietnam (Tình trạng đói nghèo ở các cộng đồng TĐC do xây dựng đập thủy điện: Một cuộc điều tra xã hội học về sinh kế và an ninh lương thực ở Việt Nam), Tạp chí Khoa học xã hội, 2023, 12(4), tr.222.
5. Kirchherr and Charles, The social impacts of dams: A new framework for scholarly analysis (Những ảnh hưởng xã hội của các đập: Một khung phân tích mới về phân tích học thuật), Environmental impact assessment Review, 60 (2016), pp. 99-114.
6. Dao Nga, Political Responses to Dam-Induced Resettlement in Northern Uplands Vietnam (Các phản hồi về quản lý nhà nước từ việc tái định cư do xây dựng đập thủy điện ở miền núi phía Bắc Việt Nam), Journal of Agrarian Change, Vol.16, No.2 (2015), pp.291-317.
7. Phạm Quang Hoan (chủ biên), Văn hóa các tộc người vùng lòng hồ và vùng tái định cư thủy điện Sơn La, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.1000.
8, 9, 11, 12, 13, 14, 15. Tài liệu phỏng vấn, 2019, 2023, 2025.
10. Thành ủy Sơn La, Báo cáo “Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 -2030”, 2024.
16. Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, đề tài Mã số: CS.2023.06
Ngày Tòa soạn nhận bài: 1-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 13-3-2025; Ngày duyệt đăng: 26-3-2024.
Ths LƯƠNG THỊ MINH NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025