Giáp Hải - Vị quan chính trực thời Mạc

Giáp Hải (1517-1586) hiệu là Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc - nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông thông minh, giỏi giang từ bé nhưng suốt thời thơ ấu đã phải chứng kiến những biến động xã hội to lớn, trong đó có sự kiện Mạc Đăng Dung giành ngôi báu từ nhà Lê.

Những năm đầu trị vì đất nước, nhà Mạc có không ít chính sách tiến bộ để thu hút và trọng dụng nhân tài, kể cả những người từng làm việc cho triều đại cũ, rổi tổ chức các khoa thi. Trong bối cảnh đó, Giáp Hải đã đi thi và đỗ Trạng nguyên (vào đời Mạc Đăng Doanh) khi mới ngoài hai mươi tuổi (năm 1538). Cùng với Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải thuộc hàng những nhân vật ưu tú nhất của một thời đại. Chẳng vậy mà nhà Mạc chỉ tồn tại 65 năm thì có đến 49 năm được sự phò tá của Giáp Hải. Ông từng giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu bộ (Chưởng lục Bộ sự - nắm việc sáu Bộ) kiêm Đông các Đại học sĩ, coi việc ở tòa Kinh diên, tước Kế Khê bá, Thiếu bảo Luân Quận công, Thái bảo Sách Quốc công, được vua ban lá cờ thêu câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam tuấn/Quốc lão Đế sư thiên hạ tôn (Đỗ Trạng nguyên, làm Tể tướng, danh cao như ngôi sao Đẩu ở trời Nam/ Đã Quốc lão, lại là thầy dạy của vua, cả thiên hạ tôn vinh).

Quyền cao chức trọng là thế nhưng điều khiến muôn đời sau còn nhắc đến Giáp Hải là sự chính trực của ông. Sự chính trực ấy càng có ý nghĩa ở thời đại vua sáng đã qua, tôi hiền ngày càng ít - từ trong triều đình đến ngoài xã hội, đâu đâu cũng ngang trái, nhiễu nhương.

Giáp Hải đỗ đạt không lâu thì Mạc Đăng Doanh mất (1540). Sau những năm tháng thái bình thịnh trị “một đi không trở lại” dưới triều Mạc Đăng Doanh, các đời vua kế vị dần sa sút. Rất nhiều lần Giáp Hải khuyên vua chăm lo chính sự, củng cố lòng dân, giảm bớt việc phu phen tạp dịch, quan tâm phòng bị đất nước. Ông từng dâng sớ cảnh tỉnh nhà vua 6 điều đáng sợ:

“…Nay chính sự mỗi ngày một bậy… làm lễ tiên tổ… lễ vật kính dâng cẩu thả. Ấy là một điều đáng sợ. Nay những người bên cạnh bệ hạ quen thói nịnh hót, dỗ dành chơi bời để cầu hợp ý bệ hạ. Cung cấm là chỗ rất nghiêm mà nay ra vào không cấm kỵ, tuyên bố mệnh lệnh và thu nạp lời can là việc rất cẩn thận mà nay bị che lấp không thông. Ấy là hai điều đáng sợ.

Nay các quan trên dưới, người không ham lợi mười phần chỉ được hai, ba, còn ngoài ra đắm đuối về lợi cả. Nào nhũng lạm quan tước, nào chiếm đoạt ruộng đất, các quan phiên trấn sách nhiễu và mua rẻ của dân không việc gì là không làm. Ấy là ba điều đáng sợ.

Nay xem quan lại trong ngoài, kể là chính đáng thì mười người chỉ độ hai, ba, còn đều là gian tà cả. Khi có sắc chỉ truyền việc gì thì quan lại sách nhiễu. Khi có kiện cáo to nhỏ thì đòi tiền đút lót, không biết đâu là cùng. Ấy là bốn điều đáng sợ.

Nay việc công, việc tư đều bị sách nhiễu khổ sở, dân khó lòng sống được, vậy thì nước nương tựa vào ai? Ấy là năm điều đáng sợ. Nay tướng soái trái ngược nhau, mỗi người một ý, quân sao thắng được? Ấy là sáu điều đáng sợ.

Ngoài ra còn nhiều việc trái ngược đạo lý không kể xiết được… xin bệ hạ tự răn, lo sợ, thay đổi việc chính thối nát. Khi lòng dân đã hòa thì ý trời cũng thuận. Nếu bệ hạ chỉ say đắm về sự yên vui, không chịu răn chừa sửa đổi thì sẽ có ngày suy vong, không sao giữ được nữa”.

Ngay trong tờ sớ cáo quan (nhưng không được đồng ý), ông cũng bày tỏ: “…Thần lo lúc trị, nghĩ lúc nguy, áy náy lòng già không thể thôi được. Xin bệ hạ giữa đạo TRUNG, mưu việc lớn, lấy việc kính Trời làm chỗ tựa, lấy khiêm cung làm đầu, chăm đường chính học, thân bậc chính nhân, thực ý, ngay lòng, ngăn điều trái, bớt lòng dục, không gần tiếng hay sắc đẹp, không ham của cải, không say sưa về rượu chè, không đắm đuối về chỗ vui; ngăn kẻ nịnh hót, răn việc du đãng; để cho chính hóa rộng khắp, dân yên nước thịnh, tiến tới trị bình. Thần dẫu yên nghỉ nơi ruộng vườn cũng được dự hưởng phúc thái bình” (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 141-142).

Có thể nói, những đóng góp, sự chính trực của Giáp Hải đã vượt lên trên giới hạn của một triều đại. Bởi nhà Mạc sau đó ít lâu hết vai trò lịch sử mà tên tuổi Giáp Hải vẫn còn như ngôi sao Đẩu trên bầu trời Đại Việt thế kỷ XVI. Ông là vị đại khoa, danh thần nhà Mạc nhưng trên hết là danh nhân văn hóa Việt Nam.

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;