Khi những bức tranh dân gian cất lời

Trên mảnh đất miền Bắc giàu truyền thống, những dòng tranh dân gian đã ra đời, gắn chặt với đời sống của người dân làng quê lẫn phố thị. Mỗi dòng tranh đều mang trong mình nét độc đáo riêng với những câu chuyện từ thuở xa xưa, nhưng những đường nét, mảng màu của chúng sau rối đều giao thoa trong tinh thần dân tộc bất chấp sự thăng trầm của lịch sử.

Tiến tài, Tiến lộc, tranh Kim hoàng

Sinh ra giữa lòng phố thị, lẩn khuất trong tiếng xôn xao của những con phố chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt, những bức tranh thờ, tranh treo Tết đậm chất phố phường của dòng tranh Hàng Trống không chỉ bật lên nét tinh tế của mảnh đất ngàn năm văn hiến, mà còn in đậm sự khéo léo, tỉ mỉ của những người nghệ nhân hào hoa.

Cách Hà Nội mấy chục cây số, tranh Đông Hồ lại thành hình trong một ngôi làng thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vì lẽ đó mà dòng tranh này lại mang nét độc đáo riêng của mình khi lấy những đề tài, sự vật gần gũi với người nông dân làm hình tượng hoặc chủ đề để biểu lộ tâm tình qua từng bức tranh.

Có phần bí ẩn hơn so với hai dòng tranh trên, dòng tranh Kim Hoàng xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII tại mảnh đất thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. Phát triển mạnh vào thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng vẫn được người dân nơi đây gọi một cách trìu mến là “tranh Đỏ”, với nét mộc mạc, tạo hình khác lạ mang tính cách điệu cao - đủ để tạo nên một bản sắc riêng giữa hai dòng tranh danh tiếng là Đông Hồ và Hàng Trống.

Dù đều là những bức tranh làm nên từ mộc bản do các nghệ nhân tạo mẫu và khắc trên gỗ thị sau đó in lên giấy dó, nhưng cách “sơ chế” tranh của cả ba dòng tranh đều khác nhau. Với tranh Hàng Trống, người nghệ nhân sẽ giữ nguyên màu giấy dó và vẽ trực tiếp lên tranh, trong khi các nghệ nhân Đông Hồ thì lại quét thêm lớp hồ điệp lên mặt giấy để tạo nên hiệu ứng óng ả của chất nền - để rồi từ đó “màu dân tộc” đã “sáng bừng trên giấy điệp”. Còn với tranh Kim Hoàng, người nghệ nhân sẽ nhuộm giấy dó bằng các màu đỏ điều, vàng, cam, hồng cánh sen - đó là lý do tranh Kim Hoàng còn được gọi là “tranh Đỏ”.

 

So sánh tranh Gà Đông Hồ và tranh Gà Kim Hoàng

Sang công đoạn in tranh, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng có cách thức in tương tự nhau đều in ngửa ván để lấy nét đen sau đó tô màu lên tranh. Ngược lại, nghệ nhân tranh Đông Hồ sẽ in sấp ván bằng nhiều mộc bản, mỗi mộc bản là một mảng màu, tùy theo bức tranh đó có bao nhiêu màu thì in bấy nhiêu ván. Sau khi in hết mộc bản màu thì tới in mộc bản nét để hoàn thiện bức tranh.

Về mặt bố cục, ba dòng tranh đều có bố cục tương đối đơn giản với hình chính luôn được vẽ to và chiếm nhiều không gian của tác phẩm - thường theo lối hình vuông, chữ nhật, hình tròn. Đáng chú ý, những câu thơ mô tả về ý nghĩa hoặc mang hàm ý chúc tụng cũng là một phần không thể thiếu trong bố cục tranh.

Điểm khác biệt làm nên nét riêng dễ nhận thấy nhất của ba dòng tranh có lẽ chính là màu sắc. Tỉ dụ như tranh Hàng Trống thường dùng màu phấm và mực tàu, thiên về màu lạnh với các sắc độ xanh khác nhau làm chủ đạo; cách thức tô màu tỉ mỉ chau chuốt. Trong khi đó, tranh Đông Hồ gợi ra những mảng màu tươi sáng, có độ xốp của những thớ gỗ và sự óng ánh của nền điệp. Tranh Đông Hồ thường được vẽ bằng màu tự nhiên, chẳng hạn như màu vàng lấy từ hoa hòe , màu son lấy từ đá son, màu xanh lấy từ gỉ đồng, màu đen lấy từ lá tre và tro rơm. Dù cũng dùng màu tự nhiên, nhưng cách thức tô màu của người nghệ nhân tranh Kim Hoàng lại khác hoàn toàn với cả hai dòng tranh trên khi họ thể hiện các nét phát gợi màu, nét chấm, điểm gợi sắc nhịp nhàng - còn gọi là “nhiễm sắc” - để gợi sự lấp lánh nhịp nhàng trên nền đỏ đậm.

Tuy cùng được khắc trên gỗ, nhưng đường nét của ba dòng tranh cũng có sự biến hoá phong phú. Ta dễ dàng nhận thấy sự tinh vi của tranh Hàng Trống qua các nét khắc nhỏ đầy chi tiết trên các bức tranh lớn - mà tiêu biểu là hai bức Công, Cá. Trái lại, tranh Đông Hồ thường có kích thước nhỏ với đường nét cứng cáp, dày dặn, khoẻ khắn bao trọn mảng hình vững vàng. Cân bằng giữa hai dòng tranh trên, đường nét tranh Kim Hoàng lại có phần sắc sảo, không quá chi tiết mà cũng chẳng đơn sơ, mang lại sự hài hoà khi các nghệ nhân điểm sắc màu, chen lẫn trong nét in là những nét bút uyển chuyển được người nghệ nhân vẽ bằng tay đầy công phu.

Điều thú vị đó là dù ba dòng tranh dân gian có chủ đề tương đối giống nhau, như cầu may mắn, gia đình sung túc, chan hòa, nhưng về mặt nghệ thuật tạo hình thì mỗi bức tranh lại có cách “khoe sắc” riêng. Chẳng hạn, với thể loại tranh chúc tụng, tranh Hàng Trống có bức Tam Đa với hình tượng ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ; tranh Đông Hồ lại nổi tiếng với em bé ôm gà “Vinh Hoa”, em bé ôm vịt “Phú Quý”, em bé ôm rùa “Lễ Trí”, em bé ôm cóc “Nhân Nghĩa”, tranh Kim Hoàng thì truyền tải nội dung chúc tụng của mình qua bức Tiến Tài, Tiến Lộc, Phúc Thọ. Ngay cả khi vẽ về một hình tượng giống nhau, tạo hình của ba dòng tranh cũng hoàn toàn khác biệt - hình ảnh con gà trong tranh Hàng Trống sở hữu vẻ oai vệ với màu sắc thiên về tả thực, con gà Đông Hồ lại mang màu sắc rực rỡ tươi sáng hơn, còn con gà Kim Hoàng thì hóa thân thành thần với hai bài thơ chữ Hán để vịnh công đức, kèm theo bùa chú để cầu bình an lẫn trấn yểm.

Dù những hình tượng có tỉ mi, chi tiết hay giản dị mộc mạc, dù cách thức in ấn phức tạp hay đơn giản, tựu trung lại các dòng tranh vẫn bộc lộ nét giao thoa trong vẻ đẹp của một vùng văn hoá đầy bản sắc. Chúng liên hệ với nhau, kế thừa lẫn nhau về ý tưởng, cách thức làm tranh, và đều hướng đến sự bình an, may mắn, sung túc, ấm no cho bách gia trăm họ. Ta cũng nhận thấy niềm tin vào chân thiện mỹ, niềm tin vào tín ngưỡng dân gian, tư tưởng Nho gia, Phật, Lão - tất cả hoà quyện trong tinh thần của bức tranh. Suy cho cùng, phải chăng đó chính là tình yêu cái đẹp và lòng hướng thiện - thứ mà chúng ta vẫn luôn gìn giữ bất chấp sự băng hoại của thời gian?.

TRẦN QUỐC ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

 

;