Làm lại phim ăn khách

Với tác động, ảnh hưởng rộng lớn cả về mặt giải trí đến kinh tế, nhiều bộ phim được làm lại không chỉ một lần, ở một số quốc gia mà có thể được làm đi, làm lại nhiều lần và ở nhiều quốc gia khác nhau. Có phim làm lại được chuyển thể từ phim chiếu rạp sang phim màn ảnh nhỏ và ngược lại. Không chỉ thu hút lượng lớn khán giả, việc làm lại các bộ phim còn phản ánh tình trạng khan hiếm những kịch bản hay.

Phim Thương nhớ ở ai làm lại từ phim Bến không chồng - Ảnh: tuyengiao.vn

Phim điện ảnh - truyền hình Việt Nam từng ghi nhận nhiều bộ phim hay, thu hút và phản ánh văn hóa, lịch sử, xã hội ở những giai đoạn nhất định. Phim hay trên màn ảnh lớn và nhỏ có thể kể đến nhiều bộ phim như Đất Phương Nam, Ván bài lật ngửa, Đồng tiền xương máu, Người đẹp Tây Đô (phim truyền hình), Mối tình đầu, Đêm hội Long Trì, Vị đắng tình yêu (phim chiếu rạp)... được đông đảo khán giả yêu mến và đã trở thành dấu son trong lịch sử điện ảnh - truyền hình cũng như khẳng định giá trị của một thời.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ từng rất thành công với nhiều kịch bản phim truyền hình nêu quan điểm: “Tôi đã từng đặt câu hỏi tại sao nhiều hãng phim không quan tâm đến việc làm lại những bộ phim có giá trị một thời. Nhất là những bộ phim về lịch sử, danh nhân văn hóa, thậm chí là phim truyện cổ tích... Những bộ phim phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt, bước ngoặt hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng đó rất cần được làm lại. Đó là những đề tài không bao giờ cũ, càng được làm nhiều càng khai thác được nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề mà bộ phim trước đó có thể chưa thể hiện được hết”.

Nhiều đạo diễn có cùng quan điểm khi cho rằng việc làm mới những bộ phim ăn khách một thời là ý tưởng rất hay, cần được khuyến khích. Cho dù là lịch sử hàng trăm năm hay những câu chuyện từng làm say đắm khán giả một thời thì vẫn còn nguyên vẹn đó các giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật đã ăn sâu trong tâm trí khán giả. Bây giờ nếu làm lại cho thế hệ khán giả hôm nay thì mỗi câu chuyện ngoài giá trị cũ cũng sẽ phả được hơi thở thời đại trong các tình tiết, câu chuyện, nhân vật. Ngoài nội dung, cách thể hiện của các bộ phim làm lại cũng sẽ tận dụng được các cách kể mới mẻ, hiện đại trong cách truyền tải.

Trong thực tế, có những câu chuyện tuy kể về con người, thời đại của thế hệ trước nhưng vẫn có thể là góc nhìn chung, bài học chung cho cuộc sống, con người của hiện tại. Ngoài ra, chính tư tưởng, nhân cách và nhân sinh quan của các nhân vật tầm vóc cũng góp phần phát triển tâm lý của những thế hệ hôm nay và đó là lý do để một số phim có thể được khai thác lại. Xét ở một góc độ khác thì không phải cứ bộ phim hay hoặc đã từng ghi dấu ấn là có thể làm lại. Với phim tâm lý xã hội có bối cảnh, nhân vật, quan điểm sống chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định thì việc làm lại khó phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, nếu không khéo léo làm lại từ khâu kịch bản. Với một số bộ phim, khi được làm lại dưới góc nhìn, lăng kính mới sẽ có thêm những kiến giải, thu hút thêm lượng khán giả mới, khán giả trẻ với một vấn đề, sự kiện, câu chuyện mà nhiều thế hệ từng say mê, từng thuộc nằm lòng.

Trong số những bộ phim truyền hình được làm lại từ phiên ảnh điện ảnh có Thương nhớ ở ai của hai đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh khi lên sóng đã thu hút đông đảo khán giả và để lại nhiều ấn tượng đối với giới chuyên môn. Phim cũng giành giải Cánh diều Vàng thể loại phim truyền hình. Bộ phim được xem như bản phim truyền hình dài tập chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng cũng như phim điện ảnh Bến không chồng do đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn vào năm 2000. Trong phiên bản truyền hình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh có nhiều đất để thỏa sức sáng tạo, miêu tả chi tiết và khắc họa rõ nét về làng Đông, về cảnh đời bế tắc của nhân vật Vạn. Phim cũng là cảnh đời ngang trái của những người đàn bà góa, bất hạnh như bà Nhân, bà Hơn hay Hạnh - những người bị chiến tranh cướp đi người đàn ông của đời mình. Bản phim truyền hình được đánh giá hay hơn bản điện ảnh cũng do anh làm trước đó. Một bản làm mới từ phim Việt chiếu rạp khá ăn khách, thành công nhưng nhờ có độ dài của phim truyền hình mà phim bồi đắp được nhiều nhân vật có tính cách, hoàn cảnh điển hình của một thời đã qua.

Thành công của phim Thương nhớ ở ai cũng là chất xúc tác quan trọng cho nhiều dự án làm mới khác. Trong đó, những dự án đáng chờ đợi có bản điện ảnh của một vài phim truyền hình ăn khách trong đó bản điện ảnh của phim truyền hình Đất Phương Nam. 

Mặc dù tạo phiên bản mới trên nền kịch bản tốt có sẵn, được kiểm chứng qua thực tế nhưng để thu hút khán giả, đòi hỏi êkip thực hiện cần nhiều sáng tạo mang tính đặc thù. Những sáng tạo này sẽ giúp phiên bản có điểm nhấn, khác biệt với phim gốc, đặc biệt câu chuyện phim cũng phải mang hơi thở thời đại hơn. Trong hai cách làm trên thì làm phiên bản truyền hình từ phim gốc điện ảnh, biên kịch sẽ dễ dàng viết lại kịch bản hơn so với làm phim điện ảnh từ phim truyền hình nhiều tập. Bởi điện ảnh chỉ gói gọn trong thời lượng nhất định còn truyền hình nhiều tập, thời lượng dài, đủ đất để biên kịch hư cấu thêm tình tiết, tạo cao trào câu chuyện. Điểm quan trọng của phim làm mới là cần biên kịch hiểu tác phẩm, biết rõ điểm cốt lõi của mạch phim để thêm, bớt hợp lý, thuyết phục khán giả. Đấy cũng là lý do nhiều biên kịch của phim gốc được mời làm biên kịch cho phiên bản mới.

Trong dự án phiên bản điện ảnh Đất Phương Nam, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng từng là biên kịch và đạo diễn bản truyền hình rất thành công trước đây. Ông cho biết: “Chưa thể nói gì nhiều về dự án phim này. Chúng tôi vẫn đang tuyển chọn diễn viên. Đây là khâu quan trọng phải lo trước” - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ. 

Theo những thông tin được công bố, phim sẽ quay mất một năm để khai thác đúng cảnh sắc theo mùa của rừng Nam Bộ. Trong thời kỳ công nghệ phát triển, khán giả lẫn người trong giới kỳ vọng được thấy lại một Đất Phương Nam mới mẻ và không kém phần hấp dẫn trên màn ảnh rộng.

Phim Về nhà đi con lấy cảm hứng từ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc

Trên thế giới từng có nhiều phim làm lại từ phim truyền hình ăn khách sang bản điện ảnh và ngược lại. Phim Chiến tranh giữa các vì sao là một ví dụ. Sau 9 phần phim chiếu rạp ăn khách, các nhà làm phim đang phát triển series phim truyền hình cùng tên để thỏa mãn tiếp giấc mơ sáng tạo. Mới đây, bộ phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn: Hàm Trần) được chọn làm đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự Liên hoan Phim Sundance của Mỹ. Đây là bộ phim hợp tác hiếm hoi giữa Nhà nước và tư nhân. Phim do Cục Điện ảnh kết hợp cùng BHD và các đối tác sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ VHTTDL. Chưa có nhiều nội dung phim được tiết lộ nhưng tên phim gợi nhắc rất nhiều đến kỉ niệm của những thế hệ 6x, 7x là Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác. Chuyện kể về cậu bé Hùng bị mất mẹ và gặp Maika - cô bé đến từ hành tinh khác. Trong khi Hùng giúp Maika đi tìm bạn và giúp cô bé tìm đường về nhà cũng là lúc chính Maika đã giúp Hùng vượt qua nỗi mất mát lớn lao và bắt đầu có thể tìm được những người bạn và trở lại với cuộc sống… Với tên Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, nhiều người liên tưởng tới bộ phim nổi tiếng một thời của điện ảnh nước ngoài chiếu trên truyền hình và gắn bó với nhiều trẻ em Việt - những người nay đã là phụ huynh khi nhớ lại kỷ niệm của mình về phim ảnh.

Trước dịch và dự kiến sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn được đánh giá là sôi động. Bên cạnh những xu hướng như Việt hóa, chuyển thể thì làm mới tác phẩm cũ vẫn được công chúng đón nhận. Nhưng giới chuyên môn cũng cảnh báo rằng tác phẩm kinh điển đều từng tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả nên phiên bản mới muốn thành công buộc phải có yếu tố đặc biệt hơn từ câu chuyện đến diễn xuất của diễn viên. Có như thế, các bộ phim làm lại mới thu hút được khán giả và tạo thành công cho bộ phim. 

PHƯƠNG HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

;