Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam: Hành trình tiếp nhận và phát triển

Đặng Thị Khuê, Di sản, 2009

Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art), một loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào Việt Nam từ thập kỷ 1990. Vậy nguyên nhân nào khiến cho Nghệ thuật Sắp đặt xuất hiện ở Việt Nam thập kỷ 1990? Thứ nhất, do nhu cầu nội tại của nghệ sĩ Việt Nam muốn vươn tới hình thức biểu đạt mới, vượt thoát ra khỏi giới hạn khung toan chật hẹp, tổ chức không gian qua một số thể nghiệm mang hình thức Sắp đặt, đáp ứng sự thay đổi của xã hội. Thứ hai, công cuộc Đổi mới kể từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), đặc biệt sau khi chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh Cấm vận (1994), đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Hơn nữa, thời kỳ này thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, thế giới trở nên phẳng, xóa nhòa ranh giới địa lý, con người có thể dễ dàng tiếp cận với mạng lưới thông tin toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực đến mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội và nghệ thuật... Bên cạnh sách báo nghệ thuật nhập ngoại, một số sách được dịch ra tiếng Việt, những dự án do các tổ chức nước ngoài hợp tác hoặc thực hiện độc lập tại Việt Nam, thì mạng internet cũng được xem là kênh thông tin có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, quan niệm nghệ thuật và sự tiếp nhận các loại hình nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Năm 1997, Việt Nam chính thức hòa mạng internet quốc tể cũng là một nhân tố tích cực, mở ra một cơ hội mới cho việc giao lưu, tiếp nhận tri thức khoa học, nghệ thuật, góp phần thu ngắn khoảng cách địa lý giữa các quốc gia. 

Bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam như vậy đã không chỉ thúc đẩy một số thể loại nghệ thuật truyền thống, mà còn là động lực cho sự tiếp nhận, phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại và quá trình hội nhập vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. Nhiều Gallery nghệ thuật của tư nhân ra đời, nhiều trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của nước ngoài hoạt động tại Hà Nội như Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản, Viện Goethe... là những địa chỉ đỡ đầu về không gian và một phần tài chính cho các loại hình nghệ thuật mới phát triển thời kỳ đầu. Bên cạnh những nỗ lực sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ, thì sự hỗ trợ về tài chính từ một số quỹ nước ngoài dành cho nghệ thuật như Quỹ Sida (Thụy Điển), Quỹ Ford (Mỹ), Quỹ CDF (Đan Mạch). Một số Gallery, Bảo tàng tư nhân như: Mai Bùi Gallery, Nhà Sàn Đức, Anh Khánh Studio, Ryllega Gallery (Hà Nội); Art Space Foundation (Huế); Blue Art Space (TP HCM)... đã góp phần nuôi dưỡng và thúc đẩy quá trình phát triển các loại hình nghệ thuật mới thời kỳ đầu ở Việt Nam. Hầu hết các nghệ sĩ thuộc thế hệ tiên phong làm Nghệ thuật Sắp đặt nhận được sự hỗ trợ tích cực về tài chính và không gian trưng bày tác phẩm từ các tổ chức Quỹ này.

Tuy nhiên, Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2005 vẫn chưa có danh mục cho các loại hình nghệ thuật mới tham dự: “Trong giấy mời gửi tác phẩm tham gia Triển lãm, gửi đến các nghệ sĩ đã ghi rõ ban tổ chức không nhận các tác phẩm Sắp đặt, Video Art hay Trình diễn!” [6, tr.114]. Trong cuộc chạy tiếp sức của quá trình phát triển nghệ thuật đương đại, không thể không kể vai trò tích cực của Nhà nước, tuy có hơi muộn: Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ nhất (2007). 

Nghệ thuật Sắp đặt nói riêng, nghệ thuật hậu hiện đại nói chung là kết quả nảy sinh từ xã hội hậu công nghiệp phương Tây. Vậy xã hội Việt Nam mới chỉ là xã hội tiền công nghiệp lấy đâu ra cơ sở để nó tồn tại? Xét cho cùng, nghệ thuật là một bộ phận của văn hóa, một dạng “tri thức” đặc biệt. Nó là thứ “ngôn ngữ” quốc tế, phi lãnh thổ, không phụ thuộc vào biên giới hay dân tộc nên có sự cuốn hút kỳ diệu và sức lan tỏa mạnh mẽ. Khi đã là tri thức và phương tiện thì nó có tính nhân loại và phổ biến. Như vậy, Nghệ thuật Sắp đặt xuất hiện ở Việt Nam cũng là một dạng tiếp nhận “tri thức” đặc biệt trong dòng chảy tiếp biến văn hóa, là kết quả tác động tương hỗ giữa yếu tố nội sinh (truyền thống) và yếu tố ngoại sinh (hiện đại), trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế. 

Đinh Công Đạt, Hc sinh, 2006

Nghệ thuật Sắp đặt được tiếp nhận và phát triển tại Việt Nam do bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị và yêu cầu của xã hội đương đại. Bên cạnh nhân tố khách quan như đã nêu ở trên thì nhu cầu nội tại, hoàn cảnh văn hóa xã hội đã thúc đẩy tâm lý của chủ thể sáng tạo tìm đến cách thức sáng tạo mới, biểu đạt tư tưởng thẩm mỹ mới, đáp ứng sự thay đổi của xã hội đương đại. 

Có thể nói, tích hợp văn hóa nghệ thuật là nhu cầu tất yếu của bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Ngay từ những thể nghiệm Sắp đặt thời kỳ đầu của các nghệ sĩ Việt Nam, các hiện vật thủ công, yếu tố truyền thống (YTTT), chất liệu bản địa đã trở thành cầu nối tích cực giữa truyền thống với hiện đại, giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Tuy nhiên, sự tiếp nhận và thể nghiệm Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam (NTSĐVN) thời kỳ đầu hoàn toàn mang tính tự phát, do cá nhân hoặc một nhóm nghệ sĩ thực hiện. Hệ thống lý thuyết về loại hình nghệ thuật mới này còn chưa được phổ biến rộng rãi. Tác giả Đặng Thị Khuê, một trong những nghệ sĩ tiên phong trong thể nghiệm hình thức Sắp đặt, tâm sự: “Tôi đến với Nghệ thuật Sắp đặt từ khi chưa biết đến tên gọi của nó”; đồng thời tác giả bày tỏ: “Với cảm quan và lối tiếp cận thẩm mỹ Việt Nam, bạn hãy nhìn vào một góc phòng, một ban thờ nơi thờ cúng của mỗi căn nhà Việt Nam, nếu tách riêng ra và ở góc nhìn nghệ thuật: Nó là một tác phẩm trưng bày và Sắp đặt”. 

Quá trình phát triển của NTSĐVN giai đoạn này đã tạo nên hai thế hệ nghệ sĩ, một số nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi và phong cách riêng.

Từ năm 2000 trở về trước, thuộc thế hệ nghệ sĩ tiên phong làm Sắp đặt như: Vũ Dân Tân, Đặng Thị Khuê, Trần Trung Tín, Nguyễn Minh Thành, Trương Tân, Nguyễn Bảo Toàn, Trần Lương, Trần Anh Quân, Nguyễn Văn Tiến, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Văn Cường…


Nguyễn Bảo Toàn, Cầu mưa, 2016

Từ sau năm 2000 đến nay, thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ hai với số lượng khá đông đảo, trong đó một số nghệ sĩ được tiếp cận với các khóa học do chuyên gia, họa sĩ người nước ngoài thỉnh giảng tại các trường đào tạo nghệ thuật tại Hà Nội và TP HCM, giúp cho các nghệ sĩ có cơ hội tiếp thu lý thuyết, mở rộng thông tin về nghệ thuật đương đại trên thế giới. Các nghệ sĩ thuộc thế hệ này như: Lê Trần Hậu Anh, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Phương Linh, Oanh Phi Phi, Vương Văn Thạo, Nguyễn Trí Mạnh, Trần Trọng Vũ, Đinh Công Đạt, Vũ Đức Toàn, Nguyễn Ngọc Lâm, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, Đinh Khắc Thịnh, Phan Lê Chung, Phan Thảo Nguyên, Trương Công Tùng, Bùi Công Khánh, Nguyễn Minh Phương...   

Một số tác phẩm sắp đặt đã khẳng định được thành tựu với các giải thưởng ở trong nước như: Trái đất xanh, (2011, giải Nhất) tác giả Lê Trần Hậu Anh; Hình dung, (2017, giải Nhì) tác giả Đoàn Thị Ngọc Anh; Đơn hàng; (giải Nhì) tác giả Đào Văn Tân; Những bà mẹ quê, (giải Khuyến khích) tác giả Phạm Văn Quý; Ngóng, (2010, huy chương đồng) tác giả Trần Văn Thức; Chuyện quê, (2015, huy chương đồng) tác giả Kù Kao Khải.

Một số nghệ sĩ năng động, thường xuyên tham dự các hoạt động nghệ thuật quốc tế, có được giải thưởng, thu hút sự quan tâm của dư luận như: Nguyễn Minh Thành, Vương Văn Thạo; Lê Thừa Tiến, Phan Thảo Nguyên… Các tác phẩm Sắp đặt của Việt Nam xuất hiện tại triển lãm Biennale quốc tế và triển lãm ở châu Âu, châu Á, Mỹ để lại ấn tượng sâu sắc, lan tỏa giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Việt đến công chúng quốc tế. Thành tựu của NTSĐVN có YTTT giai đoạn này là một trong những minh chứng tiêu biểu, khẳng định vai trò và giá trị của YTTT trong nghệ thuật đương đại. Nói như tác giả bài viết “Truyền thống và hiện đại” đăng trên tạp chí Tia sáng cho rằng: “Phản ứng nhấn mạnh ý thức văn hóa bản địa là một trả lời nghịch lý nhưng thực tế đối với tiến trình toàn cầu hóa, không chỉ riêng Việt Nam” [8].

Trần Hậu Anh,Trung Thu, 2007

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mà các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam có YTTT đạt được trong giai đoạn này, nó cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định như: duy mỹ, thiếu chiều sâu ý niệm, chưa khai thác hiệu quả không gian di sản, chất liệu bản địa, hệ thống ký hiệu…

Tại Triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 cho thấy, số lượng tác phẩm Sắp đặt tham dự giảm đáng kể. Một phần nguyên nhân do các tổ chức Quỹ văn hóa nghệ thuật của nước ngoài không còn hỗ trợ tài chính cho nghệ sĩ. Song, nguyên nhân quan trọng là hoạt động thực hành sáng tác và triển lãm nghệ thuật đương đại đã vận hành theo một cách thức mới: mô hình dự án, kính phí được xã hội hóa, tổ chức theo chuyên đề, có cá nhân làm giám tuyển (Dự án nghệ thuật tại đường hầm nhà Quốc hội là ví dụ điển hình). NTSĐVN đang trở nên hoàn thiện hơn bởi sự thẳng thắn khắc phục những hạn chế đã nêu, từng bước khẳng định vị thế và giá trị nghệ thuật độc đáo của mình trong sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Trên hành trình tiếp nhận và phát triển, NTSĐVN đã tự nguyện trở về tìm lại các giá trị truyền thống để tạo ra sự khác biệt với một nhãn quan mới, hình thức biểu hiện mới trong thời đại giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

_______________

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Văn hóa - Thông tin, Vụ Mỹ thuật (2001), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1996 - 2000, Hà Nội.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Mỹ thuật Việt Nam (2005), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001 - 2005, Hà Nội.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Hội Mỹ thuật Việt Nam (2015), Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, Nxb Mỹ thuật.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (2017), Festival Mỹ thuật trẻ 2017, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

5. Jean - Francois Lyotard (2008), Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Nxb Tri Thức, Hà Nội.

6. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật (2005), Vấn đề hình thức và chất liệu trong nghệ thuật đương đại, Kỷ yếu hội thảo khoa học, tư liệu Viện Mỹ thuật.

7. Xu Gan (2002), Nghệ thuật Sắp đặt, Trần Hậu Yên Thế - Hà Thị Tường Thu - Phạm Trung Nghĩa dịch, tư liệu Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

8. tiasang.com.vn, Truyền thống và hiện đại, ngày bài viết được đưa lên internet 16/9/2009; ngày truy cập 1/5/2019. 

NGUYỄN HỮU ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;