Sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế - Ảnh: nghethuathue.edu.vn
Trường Đại học Nghệ thuật (ĐHNT), Đại học Huế thành lập từ những ngày đầu năm 1957 với tên gọi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Đây là một trong những đơn vị công lập đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gắn liền nhiệm vụ đào tạo tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trường ĐHNT, Đại học Huế là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng chương trình đào tạo chính khóa về nghệ thuật đương đại ở bậc Đại học. Việc đưa vào giảng dạy các học phần đương đại tại Trường ĐHNT đã cho thấy sự thích ứng kịp thời của nhà trường trong việc mở các mã ngành mới phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xã hội. Từ những chương trình workshop trao đổi nghệ thuật, nhiệm trú sáng tác ngắn hạn của các nghệ sĩ đương đại nước ngoài tại đơn vị, Trường ĐHNT, Đại học Huế đã chủ động tiếp cận các các xu hướng nghệ thuật mới nhằm tạo ra động lực và môi trường giáo dục cho các thể nghiệm sáng tác của sinh viên mỹ thuật tại Huế, qua đó phát hiện, định hướng, đóng góp trong công tác đào tạo tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
1. Bối cảnh
Huế là một trong những thành phố đưa các loại hình nghệ thuật đương đại khá sớm vào các chương trình văn hóa nghệ thuật tại địa phương. Từ những năm 2000, nghệ thuật Sắp đặt đã được phê duyệt tại chương trình Festival Huế. Người dân địa phương đã dần tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật đường phố thông qua các hoạt động nghệ thuật cộng đồng. Thương hiệu Festival Huế ngày càng được khẳng định hơn và ngày càng có nhiều đoàn nghệ thuật từ các quốc gia trên thế giới đến Huế để tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, năm học 2012 - 2013, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Trường ĐHNT chính thức đưa vào chương trình đào tạo chuyên ngành Tạo hình đa phương tiện thuộc khoa Hội họa (nay là khoa Mỹ thuật tạo hình) với 3 phân môn chính là: Video art, Nhiếp ảnh sáng tạo (Creative Photography) và Nghệ thuật sắp đặt (Installation art). Đây được xem là một trong những cột mốc quan trọng của nhà trường bởi thời điểm này, trường là đơn vị duy nhất trong cả nước có mã ngành đào tạo chính quy về chương trình nghệ thuật đương đại.
2. Công tác đào tạo chương trình nghệ thuật đương đại tại Trường ĐHNT
Năm 1996, nhà trường tiếp nhận nghệ sĩ Veronica Radulovic trong một tuần thuyết giảng về nghệ thuật đương đại cho giảng viên và sinh viên nhà trường, đây cũng là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại tại Trường ĐHNT. Để rồi từ đó nhiều chương trình workshop về nghệ thuật đương đại đã được diễn ra trong khuôn viên nhà trường. Thuật ngữ nghệ thuật mới cũng vì vậy mà lan toả trong giảng viên và sinh viên Trường ĐHNT. Nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, workshop được diễn ra trước khi nhà trường chính thức mở chuyên ngành Tạo hình đa phương tiện tại khoa Hội họa. Trong những năm đầu thành lập cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giảng viên giảng dạy, tài liệu giảng dạy… trong đó có cả những định kiến chưa phù hợp với mã ngành đào tạo về nghệ thuật đương đại. Rào cản này không chỉ đối với bên ngoài xã hội mà nhiều khi còn từ quan điểm đối với các giảng viên vốn theo yếu tố hàn lâm, chưa chấp nhận các hình thức của nghệ thuật mới.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm trong đổi mới chương trình, nhà trường cũng đã gửi một số giảng viên đi đào tạo nghệ thuật đương đại ngắn hạn tại Đại học Umea (Thụy Điển), Đại học New South Wales (Úc), Đại học Indiana (Mỹ) theo nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình giáo dục đại học của Đại học Huế. Nhiều giảng viên nhà trường đã được đào tạo và được tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Media tại Thái Lan cũng là một trong những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng các chương trình đào tạo.
Có thể nói rằng, quá trình đào tạo tại Trường ĐHNT đã cơ bản đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội, đặc biệt đối với một địa phương có bề dày về nền tảng văn hoá nghệ thuật như tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thời gian qua, nhiều giảng viên sinh viên nhà trường cũng đã có những sự quan tâm đặc biệt đối với các chương trình đào tạo mới, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế đã đến làm việc với nhà trường. Điều này cho thấy nhu cầu về một môi trường học thuật và thực hành đối với các loại hình nghệ thuật đương đại là mang tính cấp thiết đáp ứng một số nhu cầu trong xã hội. Việc tạo điều kiện thuận lợi trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp đã từng bước thu hút và lan tỏa về các giá trị nghệ thuật cho các sinh viên cho dù ở hình thức hay thể loại nào đi chăng nữa.
3. Những khó khăn, thách thức
Từ những bở ngỡ ban đầu trong việc tiếp cận với các học phần mới, sinh viên Trường ĐHNT, đã dần khắc phục những khó khăn trong việc xây dựng ý tưởng, từ khâu phác thảo giấy, dựng trên máy tính đến khâu xây dựng mô hình, tìm kiếm chất liệu phù hợp với ý tưởng. Những vật liệu trong học phần Nghệ thuật sắp đặt đối với sinh viên là một sự thách thức về kinh phí, sự đầu tư về thời gian và công sức, đặc biệt là đối với các tác phẩm sắp đặt cần sinh viên phải quán xuyến với một không gian rộng lớn đòi hỏi nhiều chi phí vật liệu. Bên cạnh đó, sinh viên còn gặp rào cản trong các kỹ năng về việc sử dụng các thiết bị máy móc, an toàn điện và các vấn đề liên quan khác trong quá trình học tập bởi theo quy định các em cần phải được tập huấn về sử dụng các thiết bị, dụng cụ lao động tại xưởng. Hiện nay, xưởng thực hành của nhà trường có khá nhiều thiết bị sử dụng điện và các thiết bị sắc nhọn có thể gây nguy hiểm nếu sinh viên không có kỹ năng sử dụng thiết bị. Áp lực về thời lượng các học phần thực hành chưa đủ đáp ứng đủ thời gian như mong muốn để sinh viên có thể hoàn thành bài học một cách tốt nhất, nhiều đồ án tốt nghiệp sinh viên buộc phải làm thêm bài tại lớp ngoài giờ học cùng với sự trợ giúp của bạn bè và người thân. Ngoài ra, các không gian học thuật và thực hành đương đại ở Huế cũng khá hạn chế không được thuận lợi như hai trung tâm của đất nước khi thiếu vắng khá nhiều các Trung tâm nghệ thuật đương đại, Quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật từ các nước lớn như Pháp, Nhật Bản, Đức… Chính vì vậy, sinh viên cũng có phần “đơn độc” trong môi trường thực hành về nghệ thuật đương đại. Một yếu tố nữa là tài liệu nghiên cứu và học tập cho các chuyên ngành nghệ thuật đương đại không nhiều, đa phần bằng tiếng Anh nên cũng là một rào cản đối với các bạn sinh viên không giỏi ngoại ngữ. Hiện nay, các giáo trình đang được các giảng viên gấp rút hoàn thiện, học phần Video art đã xuất bản giáo trình tiếng Việt. Giáo trình nhiếp ảnh và sắp đặt cũng đang được biên soạn và thẩm định tại các hội đồng. Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn còn diễn ra tại các trường công lập, đặc biệt là đối với các giảng viên có trình độ cao về lĩnh vực Nghệ thuật.
4. Một số kiến nghị và đề xuất
Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, những mã ngành đào tạo mang tính chuyên sâu và đặc thù như ngành Tạo hình đa phương tiện tại Trường ĐHNT, trước hết cần một sự hỗ trợ và đồng bộ trong việc triển khai hệ thống đào tạo một cách bài bản và thống nhất trong chương trình. Điều này cần một sự quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo Trường ĐHNT, tập thể lãnh đạo Khoa cũng như các giảng viên cơ hữu, đặc biệt là những giảng viên chuyên ngành Tạo hình đa phương tiện trực tiếp tại đơn vị. Bên cạnh đó là sự cần thiết hỗ trợ của Đại học Huế, sự hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật các cấp từ Trung ương đến địa phương, qua đó sẽ tạo một cơ chế đặc thù, hành lang pháp lý trong công tác mở ngành, duy trì ngành cũng như phát triển một số ngành học nghệ thuật đặc thù liên quan khác trong tương lai. Điều này sẽ là một sự động viên khích lệ đối với những người công tác giáo dục và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đây sẽ là một bệ đỡ vững chắc, là tiền đề cho sự đảm bảo phát triển những ngành học phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn một số vướng mắc trong cơ chế hoạt động nghề nghiệp, các chính sách đặc thù về lĩnh vực hoạt động chuyên môn, đào tạo chuyên sâu, các quy định mở ngành, điều kiện bổ nhiệm nhân sự trưởng ngành và một số vấn đề liên quan khác vẫn cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa để góp phần trong việc ổn định các cơ sở giáo dục nghệ thuật thuộc khối công lập. Việc đối mặt với áp lực tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật cũng phần nào chưa tạo được sự yên tâm, phát huy sức cống hiến của người dạy và người học. Bên cạnh đó, việc thành lập các quỹ học bổng tài năng trẻ cũng là một trong những điều cần thiết nhằm phát hiện và hỗ trợ đối với những tài năng trẻ trong lĩnh vực thực hành nghệ thuật nói chung và đối với nghệ thuật đương đại nói riêng.
5. Đôi lời kết
Trong thời gian qua công tác đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ luôn là một vấn đề quan trọng đặt ra hàng đầu, đây được xem là nhiệm vụ trọng yếu của Trường ĐHNT. Tập thể lãnh đạo trường ĐHNT luôn quan tâm bằng nhiều chính sách khác nhau đối với các ngành học và môn học đặc thù. Đặc biệt là các hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật đương đại luôn được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện tại nhà trường. Các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế cũng được nhà trường triển khai trong nhiều năm qua, trong đó chủ yếu là các hoạt động trao đổi với các trường Nghệ thuật tại Thái Lan. Nhiều lượt nghệ sĩ đương đại nổi tiếng từ các nước Đức, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Úc, Thái Lan… đã thực hiện các chương trình nhiệm trú, workshop thực hành về Video art, nghệ thuật sắp đặt (Installation art), nghệ thuật trình diễn (Performance art), nghệ thuật âm thanh (Sound art) cho sinh viên nhà trường. Thông qua các hoạt động này, nhiều sinh viên đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, từ đó phục vụ trong việc học tập và sáng tác. Lĩnh vực này cũng còn nhiều thách thức đặt ra trong công tác đào tạo bởi đây là một trong những mảng chuyên sâu của nghệ thuật, đòi hỏi sinh viên cần tích lũy các kiến thức và kinh nghiệm trong các hoạt động học tập, thực hành và sáng tác.
Với sự kỳ vọng về phát triển các chuyên ngành mỹ thuật nói chung và đối với lĩnh vực nghệ thuật đương đại nói riêng Trường ĐHNT đã từng bước kết nối với các đơn vị đối tác trong cùng lĩnh vực thông qua nhiều biên bản ký kết MOU, workshop, triển lãm nhằm tăng cường trao đổi học thuật và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại các bên nhằm tạo mọi cơ hội trải nghiệm cho sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường. Trong thời gian tới, nhà trường cũng đã đề ra nhiều chiến lược phát triển trong giai đoạn mới nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đây cũng là một sự kết nối bắt nhịp giữa vai trò giáo dục và nhu cầu xã hội theo xu hướng phát triển giáo dục đa lĩnh vực, đa ngành hiện nay.
TS. PHAN LÊ CHUNG
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế
Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.