Nghệ sĩ tạo hình trẻ và môi trường thực hành sáng tạo nghệ thuật

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế - Ảnh: nghethuathue.edu.vn

 

Lịch sử phát triển của mỹ thuật cho thấy các nghệ sĩ tạo hình trẻ trong mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia, dân tộc đều luôn đóng vai trò quan trọng, tích cực và là động lực để nghệ thuật phát triển. Thực tế không phải bất cứ ai được coi là có tài năng sáng tạo cũng có thể trở thành một nghệ sĩ trẻ đúng nghĩa. Chương trình đào tạo ở các đại học rõ ràng chủ yếu đào tạo đội ngũ người làm nghề là trên hết, còn trong số đó họ có thể trở thành nghệ sĩ trẻ tài năng hay không lại là chuyện khác. Mặc dù các Hội Mỹ thuật từ trung ương đến địa phương đều luôn có những sự quan tâm đến đội ngũ nghệ sĩ tạo hình trẻ trong sự hòa nhập quốc tế, nhưng vẫn còn đó rất nhiều điều xa cách, vì vậy không ít nghệ sĩ trẻ phải lăn lộn lâu năm để tìm kiếm cơ hội phát triển và cuộc sống của họ luôn nặng trĩu bao âu lo, suy tư.

1. Lời dẫn

Trong đời sống mỹ thuật ở đất nước ta hiện nay, nghệ sĩ tạo hình trẻ ngày một xuất hiện nhiều hơn và đa số đã sớm tự khẳng định mình, trong đó phần lớn được học từ các trường mỹ thuật trong và ngoài nước. Họ nắm vững nguyên lý tạo hình, với các đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, cùng những kỹ năng sáng tạo tinh tế có hiệu quả sáng tác tốt. Với những nghệ sĩ tạo hình trẻ năng động thích tìm tòi, công việc sáng tạo là một trong những sự đam mê, thể hiện rõ tài năng của mỗi người.

Những kết quả sáng tạo, nghiên cứu có thể giúp nghệ sĩ tạo hình trẻ sớm phát huy được khả năng lĩnh hội kiến thức, sáng tạo mạnh mẽ, nhanh nhạy trong hội nhập quốc tế. Trong quá trình tiếp cận xã hội, làm việc họ sẽ có những đóng góp có hiệu quả nhất định và đó cũng là sự khởi đầu cho những tài năng nghệ thuật trên hành trính phát triển. Đó cũng là những nền tảng cơ sở tri thức và thực hành nghệ thuật, thực hành sáng tạo hữu ích, là “cú hích” để nảy nở, bộc phát những năng lực sáng tạo, báo hiệu mầm mống của những tài năng nghệ thuật tương lai. Sự kết hợp các kỹ năng và phương pháp sáng tạo mới thể hiện rõ năng lực của mỗi nghệ sĩ tạo hình trẻ, khơi dậy ở họ những tìm tòi, khám phá, những kỹ thuật tạo hình điêu luyện, giúp họ tận dụng được mọi nguồn lực trí tuệ để sáng tạo. Để đạt được những điều tưởng như tất yếu đó, không thể không nói đến không gian, môi trường thực hành nghệ thuật của họ, nơi nuôi dường và khơi dậy những năng lượng sáng tạo ở nghệ sĩ tạo hình trẻ một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất.

2.  Hiệu quả của việc tạo điều kiện cho nghệ sĩ tạo hình trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật quốc tế /thực hành nghệ thuật thường xuyên

Ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, nghệ sĩ tạo hình trẻ chỉ có thể tạo được cho mình một nền tảng chuyên môn căn bản để sáng tạo và phát triển kỹ năng tạo hình... khi được tạo điều kiện tối ưu để thực hành nghệ thuật thường xuyên. Bởi vì như Rodin nói: “Nghệ thuật dù là tình cảm, song nếu không có kiến thức khoa học về hình khối, tỷ lệ, màu sắc, không có kỹ thuật điêu luyện của bàn tay thì tình cảm dù tinh tế đến đâu cũng bị tê liệt” (1). Trong những năm qua việc được tham gia thực hành nghệ thuật ở các Studio Art, Workshop, các Festival nghệ thuật trong và ngoài nước, các hoạt động trao đổi nghệ sĩ và các diễn đàn nghệ thuật ở khu vực... đã luôn đem lại cho nghệ sĩ tạo hình trẻ sự tự tin và kinh nghiệm, bản lĩnh sáng tạo, nhanh nhạy tiếp nhận, chuyển hóa cái mới. Tính định hướng khách quan của sáng tạo qua các hoạt động thực hành nghệ thuật đem lại  những nhận thức mới, hiện đại về màu sắc, không gian, bố cục, khối hình, quan niệm sáng tạo cho mỗi người. Điều này cũng thúc đẩy việc tìm tòi tiếp cận những xu sáng tạo hướng tích cực cho nghệ sĩ tạo hình trẻ. Do vậy, khi có cơ hội thực hành nghệ thuật, giao lưu nghệ sĩ trẻ quốc tế hay trong nước sẽ có tính tiếp nối tri thức mỹ thuật, tạo cơ hội phát triển, mở rộng ngôn ngữ biểu đạt cho nghệ sĩ tạo hình trẻ và khơi dậy một cách tự tin, sự phát triển mạnh mẽ tài năng của mình.

Từ hoạt động chuyên môn, thực hành nghệ thuật thường xuyên sẽ giúp  nghệ sĩ tạo hình trẻ tự phát triển rộng mở sâu sắc cho mình hơn nữa về ngôn ngữ sáng tạo với những bình diện kỹ năng có tính thực tiễn ứng dụng trong sáng tác, thể hiện những bứt phá của họ không chỉ ở tác phẩm mà quan trọng hơn là nhìn thấy tương lai phát triển của chính mình. Tuy nhiên trong thực tế, nghệ sĩ tạo hình trẻ hiện nay vẫn còn có nhiều hạn chế ở năng lực phát triển, khả năng ứng biến và tự bồi bổ kiến thức, rèn luyện kỹ năng quan sát. Ngay cả những người được cho là có được tài năng nhưng có khi vẫn còn thiếu kinh nghiệm sáng tác. Họ ít được thực hành nghệ thuật đúng nghĩa hoặc do không có nhiều cơ hội tiếp cận cái mới, cái tiến bộ nên việc sáng tạo cũng khó đi đến tận cùng. Trong những trường hợp như vây, tài năng của họ có chớm nở thì cũng phải chịu rất nhiều hạn chế, trói buộc, ít cơ hội để phát triển, nuôi dưỡng tài năng nở rộ, chín muồi.

 Tính bền vững và giá trị của thực hành nghệ thuật hiệu quả là nghệ sĩ trẻ có điểm xuất phát tài năng một cách đúng đắn từ sự hiểu rõ văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng của dân tộc. Việc nắm bắt được đầy đủ các nguyên lý mỹ thuật truyền thống sẽ góp phần giúp nghệ sĩ tạo hình trẻ hiểu rõ hơn tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc và nhân loại. Từ đó thêm tự hào trân quý khi nhìn thấy được bản sắc sáng tạo đã in dấu đậm nét trong nền mỹ thuật dân tộc. Tuy nhiên, để nắm rõ hơn bản sắc văn hóa của dân tộc thì cần tìm hiểu, nhiều qua nghiên cứu các tư liệu mỹ thuật. Quy trình đó cho thấy chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất, phù hợp và có tính khả thi là thông qua hoạt động sáng tạo, phát triển tài năng mà nghệ sĩ tạo hình trẻ lựa chọn hướng đến. Tiến trình hình thành nhân cách và tài năng  của nghệ sĩ tạo hình trẻ phải phù hợp với những quy luật khách quan của sáng tạo nghệ thuật, mà điểm xuất phát đầu tiên là phải có định hướng sáng tạo một cách rõ nét, họ sẽ tự bồi bổ kỹ năng và kiến thức, giúp họ có nền tảng kiến thức về mỹ thuật vận dụng trong sáng tác. Từ hoạt động sáng tác, thực hành nghệ thuật có thể tạo ra những kết quả khác nhau, nảy sinh những quan niệm mới, hình thành các kỹ thuật tạo hình độc đáo, mới lạ, sinh động, tinh tế và hiệu quả, tạo ra những cấu trúc thẩm mỹ khác nhau, giúp ở họ trỗi dậy được năng lực chọn lọc, đánh giá tích cực và có những ứng dụng hiệu quả kiến thức được tích hợp vào thực tế.  Nhiệm vụ của các Hội Mỹ thuật là không chỉ quan tâm tạo điều kiện sáng tác cho nghệ sĩ tạo hình trẻ phải hiểu nghệ thuật phản ánh theo quy luật riêng của nó, với những họa sĩ nổi danh, tài năng của họ đọng lại ở những tác phẩm đặc sắc mà qua đó những quan niệm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ đặc trưng được hiện ra, nó chứa đựng các giá trị nhân văn, tư tưởng và lý tưởng thẩm mỹ của mỗi nghệ sĩ như là sự tất yếu. Ngoài những đặc điểm chung của nghệ sĩ tạo hình trẻ còn có những đặc điểm tâm lý, tính đặc thù trong chuyên môn, do vậy ngoài yêu cầu quản lý chung cũng cần có những linh hoạt trong phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất và phát triển được tài năng của mình. Các hoạt động tương tác, thực hành nghệ thuật mới nói chung góp phần nâng cao hiệu quả sáng tạo và thúc đẩy chất lượng sáng tác cho nghệ sĩ tạo hình trẻ, để sớm hình thành, phát triển những tài năng nghệ thuật của đất nước.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Cần quan tâm đặc biệt đến việc tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho nghệ sĩ tạo hình trẻ được tiếp cận với những thành tựu mới của mỹ thuật thế giới và khu vực. Thực tế là khi chúng ta mở cửa đón những làn gió mới tích cực của mỹ thuật thế giới đã góp phần làm cho mỹ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đời sống nghệ thuật ở Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều mặt với những dấu ấn, biểu hiện nghệ thuật, với những tính chất tạo hình khác lạ mà đa số do các nghệ sĩ tạo hình trẻ khởi xướng đã tạo nên những thành công nhất định trong sự đổi mới về sáng tạo và cách tiếp cận công chúng trong đó nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art), nghệ thuật Trình diễn (Performance Art) là những hình thức nghệ thuật tiêu biểu cho thời kỳ này.

Tạo ra những môi trường không gian sáng tạo lành mạnh, hiệu quả cho nghệ sĩ tạo hình trẻ được tự do sáng tạo, tránh những áp lực và tiêu cực, cản trở nhận thức và năng lực sáng tạo. Đặc biệt là tham gia các workshop, các xưởng thực hành trong và ngoài nước, giao lưu quốc tế, tạo cầu nối giữa nghệ sĩ trẻ với các nghệ sĩ danh tiếng để học hỏi, chia sẽ  kinh nghiệm sáng tác qua các Festival nghệ thuật. Qua đó, nghệ sĩ trẻ không những có cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo mà còn có sự tiếp cận tích cực với công chúng. Mặc dù các nghệ sĩ luôn có những quan niệm khác nhau, thậm chí là rất khác biệt nhưng họ đã tạo nên sự năng động, gấp gáp, linh hoạt hơn cho đời sống tinh thần của xã hội, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới lạ kích thích khả năng liên tưởng, sáng tạo cho công chúng. Vì vậy mà ngày càng có nhiều tác phẩm mỹ thuật mang phong cách tạo hình đương đại trở thành hình thức thu hút nghệ thuật mới, có sức mạnh thẩm mỹ ưu thế trong đời sống nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy cần tôn trọng tự do sáng tạo của nghệ sĩ tạo hình trẻ, giúp họ nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đất nước. Cũng vì vậy cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ trong phát biểu tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1962): “Cần khuyến khích, giúp đỡ tốt hơn nữa những anh chị em trẻ, nhưng phải chú ý làm cho họ giữ tình cảm chân thực, chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất vẻ sáng tạo” (2).

Chú trọng việc bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, giáo dục về trách nhiệm xã hội cho nghệ sĩ tạo hình trẻ. Trong thời đại mà khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, môi trường sáng tạo nghệ thuật dành cho nghệ sĩ tạo hình trẻ dù đã có những sự đổi mới, quan tâm và hiệu quả nhất định cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của nghệ sĩ trẻ cũng như đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho nghệ sĩ tạo hình trẻ thông qua hoạt động thực hành nghệ thuật là một công việc kì quan trọng trong việc phát triển mỹ thuật của đất nước hiện nay. Chỉ có qua thực hành nghệ thuật, nghệ sĩ tạo hình trẻ mới có được những ý tưởng sáng tạo mới độc đáo, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều cách thức, từ những cơ hội khác nhau, mỗi người có thể tự hoàn thiện mình.

Ngoài ra các tổ chức Hội Mỹ thuật Việt Nam và các Hội ở địa phương cần chủ động xây dựng, tìm kiếm các nguồn tài trợ, học bổng từ các tổ chức và doanh nghiệp cho các nghệ sĩ tạo hình trẻ, giúp họ có cơ hội và điều kiện kinh phí cho việc tham gia các hoạt động thực hành nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng các nền tảng trực tuyến quảng bá, giới thiệu, xuất bản các tài liệu về tác phẩm, tác giả và hoạt động chuyên môn, sáng tạo của nghệ sĩ tạo hình trẻ với công chúng.

 4. Lời kết

Mỹ thuật hiện đại ở Việt Nam đã được hình thành, phát triển từ đầu TK XX và vượt qua bao thử thách để tồn tại bên cạnh những giá trị tinh thần to lớn, trong đó nhiều nghệ sĩ tạo hình trẻ đã sớm có những tác phẩm in dấu bởi những hình tượng nghệ thuật sống động có giá trị thẩm mỹ. Trong thế kỷ của trí tuệ, hòa nhập và sáng tạo, cần nhìn thấy vai trò của nghệ sĩ tạo hình trẻ trong thời kỳ đổi, hòa nhập quốc tế có chiều sâu hiện nay, bởi vì họ là thế hệ sáng tạo trẻ tiềm năng, có trí tuệ, tư duy sáng tạo, năng lực tìm tòi chiếm lĩnh tri thức, năng lực thích ứng được với thực tiễn cuộc sống. Việc nâng cao chất lượng thực hành nghệ thuật sẽ góp phần giúp nghệ sĩ tạo hình trẻ hình thành và rèn luyện tư duy tích cực, tính linh hoạt trong sáng tạo, đáp ứng được đòi hỏi của một xã hội phát triển ngày càng cao. Nhìn từ sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình trẻ luôn có những đổi mới, đột biến nhưng rất khó nhận diện về hệ quả của nó trong tương lai, cho dù chúng đã được khơi dậy, mở toang cánh cửa để được nhìn nhận, phản ánh, ghi nhận đa chiều hơn. Thời gian trôi đi sự phán xét, đánh giá về nghệ sĩ tạo hình trẻ sẽ khác đi rất nhiều so với cảm quan của chúng ta hôm nay, nhưng điều đó cũng không thể thay đổi quy luật phát triển khách quan của nghệ thuật là phải có những lớp nghệ sĩ trẻ thay cho lớp trước và họ cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện để sáng tạo và tỏa sáng.

 

PGS, TS. PHAN THANH BÌNH

Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Huế

                             

1. Lê Quốc Bảo, Giáo trình Mỹ học (lưu hành nội bộ), Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật ấn hành, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 1984, tr. 45.

2. Hồ Chí Minh, Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 87.                                        

Tài liệu tham khảo

1. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2005.

2. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986 - 2006), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006

                            

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.

 

 

;