Văn học cho thiếu nhi - những yếu tố gây hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi

Hiện đại hóa văn học thiếu nhi là một yêu cầu bắt buộc khi mà hầu hết những di sản văn học trong quá khứ của chúng ta đang gặp thách thức to lớn trong cuộc cạnh tranh với văn học thiếu nhi của nước ngoài được nhập khẩu mạnh mẽ vào trong nước những năm gần đây. Điều khó khăn nhất đối với người viết cho thiếu nhi lúc này có lẽ là ở việc nắm bắt thị hiếu thẩm mĩ của lớp trẻ đang biến đổi liên tục và ngày càng xa với truyền thống. Nếu người viết không đáp ứng được những nhu cầu thẩm mĩ mới của lớp trẻ thì mọi nỗ lực khác đều không có hiệu quả. Vì thế, việc tìm hiểu những yếu tố gây hấp dẫn đối với bạn đọc nhỏ tuổi là một công việc quan trọng và không ngừng nghỉ.

 

Khoảng 20 năm trước, trong truyện Kiếp tàn, tôi có xây dựng một nhân vật trẻ nhỏ trong một làng nghèo ở nông thôn trước cách mạng, khi mới sinh ra tiếng khóc của nó đã ồm ồm như tiếng người già và gương mặt nhăn nheo. Đó là một ẩn dụ nói lên rằng, những đứa trẻ sinh ra trong môi trường, trong nền văn hóa lạc hậu thì bản thân chúng đã lạc hậu và thiếu sức sống ngay từ khi xuất hiện trong cuộc sống này. 

Suốt nhiều năm tháng sau này, tôi thường nghĩ về nguồn gốc xã hội của sự hình thành nhân cách của con người. Một đứa trẻ không thể có cơ thể khỏe mạnh khi luôn thiếu ăn, thiếu nước sạch, và sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm, phải làm việc quá sức. Cũng tương tự như vậy, một đứa trẻ không thể phát triển trí tuệ và nhân cách một cách thuận lợi trong điều kiện lạc hậu về văn hóa. Nếu như đứa trẻ không được tiếp cận nền giáo dục hiện đại, tiếp cận những giá trị của tự do, bình đẳng, không được nuôi dưỡng trong tinh thần nhân văn và dân chủ, thiếu thông tin và phương pháp khoa học, thiếu điều kiện giao tiếp rộng rãi thì năng lực của chúng sẽ hạn chế rất nhiều. Và, trong các điều kiện văn hóa đó, không thể thiểu được văn học nghệ thuật. Nếu thiếu văn học và nghệ thuật, tâm hồn của những đứa trẻ sẽ trở nên cằn cỗi từ thuở mới chào đời.  

Tôi cho rằng việc Hội Nhà văn Việt Nam, trong những ngày đầu năm 2022 này đã phát động cuộc vận động lớn sáng tác văn học cho thiếu nhi là một tín hiệu tích cực, hướng văn học đến với một trong những bộ phận độc giả quan trọng nhất, xóa bỏ dần những khoảng trống, những điểm yếu tồn tại khá lâu trong nền văn học nước nhà. Và tôi rất tâm đắc với lời kêu gọi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với các nhà văn “hãy viết những tác phẩm nhân văn nhất dành cho các em”. 

Tuy nhiên, để cuộc vận động này có thể thu được những thành công, chúng ta cần phải suy nghĩ thêm về những đặc điểm tinh thần và sự tiếp nhận của thế hệ mới. Đặc điểm lớn nhất hiện nay là nền văn hóa đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng chưa từng có, cùng với đó là một thực trạng văn hóa đa dạng và sôi động với sự chuyển biến nhanh chóng đến mức trước đây không thể nào tưởng tượng được. 

Thời đại internet, trí tuệ nhân tạo đã đặt con người vào môi trường giao lưu rộng lớn, tiếp xúc không ngừng với thế giới ảo, thị hiếu thẩm mĩ đã có sự dịch chuyển khác xa với trước đây. Vì thế, yếu tố quyết định để tạo nên sự hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi là phải tạo ra một thế giới nghệ thuật với hệ thống tín hiệu thẩm mĩ mới, dễ tiếp nhận, phù hợp với thị hiếu. 

Trước đây, trong thời đại kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, con người tiếp xúc và gần gũi với thiên nhiên, với những bối cảnh thực của đời sống, thì ngày nay, khi không gian mạng trở thành một thế giới song song với thế giới thực và nhiều điều trước đây tưởng chừng phi thường đã hóa thành như một phần quen thuộc của đời sống. Chính vì vậy, những người trẻ tuổi, vốn sinh ra và lớn lên trong một thế giới mới, khác xa với các bậc cha anh, đã hình thành một tư duy và cảm thức có nhiều điểm mà người viết cho thiếu nhi hiện nay chưa thể thấu hiểu, đòi hỏi sự hòa nhập, sự nghiên cứu và dấn thân. 

Theo quan sát của người viết bài này, thị hiếu văn học của trẻ bao gồm những yếu tố ổn định và những yếu tố biến đổi do sự tác động của các yếu tố có tính thời đại. Và việc sáng tác văn học cho thiếu nhi, muốn đạt đến sự tối ưu hóa, gây hấp dẫn cho các em cần kết hợp một cách nhuần nhuyễn những yếu tố đó để tạo nên thế giới nghệ thuật trong tác phẩm.

Các yếu tố ổn định, theo chúng tôi, gồm: sự độc đáo của hình tượng, cốt truyện ly kỳ, nhiều bất ngờ lắt léo và kỳ ảo. Điểm qua vài truyện dân gian Việt Nam đạt được yếu tố này thường được các em tìm đọc. Chẳng hạn như qua truyện Thạch Sanh, các em say mê với chi tiết Thạch Sanh đánh nhau với chằn tinh, Thạch Sanh cứu công chúa dưới hang, Thạch Sanh cùng con vua Thủy Tề xuống vương quốc Thủy Tề và được tặng chiếc nồi kỳ lạ. Ở truyện Sọ Dừa, các em bị ấn tượng mạnh với hình tượng Sọ Dừa bề ngoài chỉ như một chiếc Sọ Dừa nhưng biết biến hóa thành một chàng trai khôi ngô biết thổi sáo, rồi sau trở thành một trạng nguyên tài giỏi. Hay ở truyện Cây khế, các em sẽ thích thú với chi tiết con chim đưa người em đến đảo vàng để trả ơn vì cho chim ăn khế… Tương tự như vậy, những tác phẩm của văn học thế giới như Nàng tiên cá hay Tây du ký để lại ấn tượng sâu sắc cho các em về những nhân vật không thể phai nhòa và thế giới nghệ thuật, ở đó hàm chứa biết bao điều kỳ diệu. Trong giai đoạn hiện nay, những tác phẩm viết về những nhân vật có quyền năng, phép thuật vẫn tiếp tục thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi, mà Harry Potter là một ví dụ điển hình. 

Do bản tính hiếu động, trẻ em thường thích những nhân vật hoạt động liên tục. Câu chuyện mà các em yêu thích thường phải duy trì được độ căng của câu chuyện từ đầu đến cuối với các chi tiết liên tục xâu chuỗi nhau và mâu thuẫn càng lúc càng được đẩy cao kích thích trí tò mò của trẻ. Sức sống của những tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký, hay Tây du ký, Robinson Crusoe … là những gợi ý đáng quan tâm cho những người viết văn học thiếu nhi. 

Ngoài những tác phẩm có sức sống lâu dài với những đặc điểm đã nói đến ở trên, phần lớn các tác phẩm văn học thiếu nhi cần chú ý đến những đặc điểm thu hút có tính thời đại. Dưới tác động của công nghệ hiện đại, cho phép con người mở rộng các biên độ nhận thức và liên tưởng, nhiều tác phẩm văn học cho thiếu nhi hiện nay có xu hướng phát triển theo hướng viễn tưởng. Nhân vật có thể được đặt trong một thế giới của người máy; có thể tham gia vào những hành trình về quá khứ, đi đến tương lai; có thể xuyên thấu qua các tầng thế giới, phiêu du vào thế giới trong lòng đất, trong lòng đại dương hay trong vũ trụ, hoặc trong thế giới ảo… Và ở đó, nhân vật có thể đối mặt với những tình huống kỳ lạ, những vấn đề mới mẻ chưa từng có tiền lệ. Yếu tố đột phá, tạo nên sự phi thường sẽ hình thành và tạo thành những tín hiệu thẩm mĩ mới cho tác phẩm. Với những biến đổi mãnh liệt về trong thiên hướng sáng tạo như vậy, giá trị của văn học thiếu nhi không chỉ nằm ở khía cạnh phản ánh hiện thực, giáo dục nhân cách mà còn cần nhấn mạnh ở chức năng giải trí, ở khả năng kích thích trí tưởng tượng và liên tưởng của trẻ. Trong hành trình phát triển của lịch sử, trí tưởng tượng có trước, ước mơ có trước, sau đó, qua thời gian, những hành động của con người sẽ biến những ước mơ, những điều tưởng tượng thành hiện thực hiện hữu trong đời sống. Tôi cho rằng, điều này dần dần có thể được xem xét như một ưu thế nổi bật, một đặc điểm đáng chú ý của văn học thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.

Văn học thiếu nhi Việt Nam trong mấy chục năm nay đã khai thác khá nhiều về đề tài lịch sử, hoặc dựng lên bức tranh về làng quê, về những kỷ niệm ấu thơ của người viết… Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm phần lớn thuộc về thời quá khứ. Trong nỗ lực đối mới mảng văn học thiếu nhi, có lẽ các nhà văn cần ưu tiên cho việc tìm hiểu, hình thành các chất liệu thẩm mĩ mới nhằm tạo ra trong mỗi tác phẩm một thế giới nghệ thuật mang đặc trưng của đời sống hiện đại.

THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;