Tây Nguyên là một trong các vùng có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú lớn nhất nước ta, với khoảng 20 đồng bào dân tộc tại chỗ (Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, Mnông, Cơ Ho, Ba Na, Mạ…). Xét trên nhiều phương diện, Tây Nguyên có tiềm năng, điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế. Bên cạnh việc sản xuất chính là làm nương rẫy, Tây Nguyên còn có các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như dệt vải, rèn, mộc, làm nhà, làm thuyền độc mộc, đan lát các dụng cụ gia đình bằng mây, tre… Trong đó, dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ lâu đời.
Dệt thổ cẩm - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Nghề dệt thổ cẩm thường gắn liền với người phụ nữ và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, bởi nó luôn gắn liền với đời sống, sinh hoạt và đã trở thành nét tinh hoa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bằng tình yêu, tâm huyết với nghề, nhiều nghệ nhân đã và đang nỗ lực gìn giữ, duy trì và tìm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Mỗi sản phẩm là một quá trình đan dệt, với nhiều công sức, óc sáng tạo, chứa đựng nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của những người phụ nữ dân tộc Tây Nguyên.
Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với người phụ nữ - Ảnh: Hồng Vân
Nghề dệt thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Tây Nguyên. Mỗi tấm thổ cẩm không chỉ là sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn là tác phẩm nghệ thuật chứa đựng bao tâm hồn, tình cảm của người thợ. Từ những sợi bông tự nhiên, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những họa tiết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã được tạo ra. Mỗi họa tiết trên tấm thổ cẩm đều mang một ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với cuộc sống, tín ngưỡng và quan niệm của người dân nơi đây. Thổ cẩm Tây Nguyên không chỉ là vật dụng sinh hoạt hằng ngày mà còn là biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và cũng là món quà quý giá để trao tặng trong các dịp lễ, Tết.
Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với đời sống tinh thần, vật chất của các tộc người. Qua các sản phẩm thổ cẩm, những bàn tay người thợ gửi gắm vào đó những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng. Người phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên khi lớn lên đều được mẹ dạy cho cách dệt vải để dệt cho mình và gia đình những bộ váy đẹp. Họ xem đây là nghề truyền thống của gia đình và có trách nhiệm truyền lại cho con cháu. Người con gái Ê Đê từ thuở lên 7, lên 10 đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng, phải tự tay dệt được bộ váy áo đẹp để dùng vào các dịp lễ, Tết, ngày hội của buôn làng.
Đối với các tộc người tại chỗ Tây Nguyên, văn hóa truyền thống dân tộc là điều quý báu nhất của đồng bào và mong muốn gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau. Hoa văn và màu sắc trên thổ cẩm của người Ê Đê thể hiện ý nghĩa của tộc người rất sâu sắc. Màu cơ bản và chủ đạo là màu đen và đỏ. Màu đen tượng trưng cho đất, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời. Các hoa văn trên thổ cẩm người Ê Đê luôn có gam màu sáng, nói lên sự mong muốn một tương lai sáng láng. Màu sắc chủ đạo trên thổ cẩm của người Mnông là màu đen và xanh; người Mạ chủ yếu là màu trắng và đỏ; người Ba Na thường sử dụng các màu đen, đỏ, vàng, trắng (trong đó, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu, màu vàng, màu trắng tượng trưng cho ánh sáng); người Gia Rai màu chủ đạo trên nền tấm dệt là đen, đỏ, vàng… Để có những tấm vải thổ cẩm đẹp với những đường nét, hoa văn họa tiết độc đáo là cả một quá trình lao động, sáng tạo, công phu từ trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt. Khung dệt của đồng bào Tây Nguyên nhỏ gọn, đơn giản, nhưng rất đa dạng, có loại chuyên dành cho việc dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như: túi, ví thổ cẩm, khăn địu, khố… Đây là sản phẩm dệt thổ cẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của các tộc người nơi đây.
Nguyên liệu để dệt là sợi được làm từ bông vải do đồng bào trồng trên rẫy. Để nhuộm màu, họ dùng lá, quả và vỏ cây trong rừng và sử dụng các kỹ thuật nhuộm để tạo màu cho sợi. Tùy từng loại vỏ, lá cây mà cho ra các loại màu khác nhau như: màu chàm từ cây chàm đen; màu đỏ từ cây thổ mật; màu nâu đen từ vỏ cây lộc vừng, vỏ cây Pal; màu vàng từ củ nghệ…
Chị Hồ Thị Viên - Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết: một tấm thổ cẩm có giá thành khá cao và cũng ít khách có nhu cầu sử dụng. Do vậy, các bà, các chị trong làng không dệt nhiều quần áo, chăn nữa vì giá cao mà chuyển hướng sang làm các sản phẩm như bộ trang sức bông tai, dây cột đầu, vòng cổ, vòng tay, túi đựng điện thoại, móc khóa, khăn trải bàn, tấm lót ly ấm uống nước, tấm trang trí trên tường, khăn quàng cổ, túi đựng laptop, ipad… Đây là các sản phẩm thông dụng để du khách dễ dàng mua làm quà lưu niệm vì giá cả hợp lý và nhu cầu sử dụng cao hơn. Đến nay, mặc dù làng nghề dệt thổ cẩm đã thành lập, đi vào hoạt động, tay nghề của nhiều người đã thành thạo… Nhưng vấn đề khó khăn là việc tìm đầu ra cho sản phẩm, do vẫn còn dệt thủ công nên giá sản phẩm cao hơn nhiều so với các loại vải công nghiệp. Bà con rất mong chính quyền tại địa phương có những định hướng, giải pháp nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm để bà con vừa có thể gìn giữ văn hóa dân tộc lại có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống.
Các nguyên liệu nhuộm màu cho sợi - Ảnh: Hồng Vân
Nghề dệt thổ cẩm thể hiện vai trò kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân tộc vì nó đã mang lại thu nhập cho nhiều gia đình (mặc dù không nhiều); nó còn là sản phẩm văn hóa, thể hiện phẩm chất đạo đức, giá trị của người phụ nữ trong cộng đồng. Trước đây, dệt thổ cẩm là nghề phổ biến dành cho nữ giới các DTTS, đặc biệt là các DTTS tại chỗ. Người phụ nữ được xem là đảm đang, khéo léo, giỏi giang là phải biết nghề dệt. Hiện nay, số người biết dệt hiện không nhiều, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi. Chị Kamom, dân tộc Châu Mạ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó với chị từ lâu, chị có thể dệt mọi lúc, mọi nơi. Chị dệt để thỏa lòng đam mê được dệt và cũng bán để có thêm thu nhập. Giới trẻ hiện không có đam mê với nghề dệt nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua các sản phẩm như tấm chăn, quần áo...
Hơn nữa, ở một số dân tộc hiện không trồng được bông, người dân phải dệt bằng các loại chỉ màu có sẵn. Theo chị Kamom, các sản phẩm thổ cẩm được dệt bằng bông có độ bền cao, nhưng không phải qua nhiều công đoạn nhuộm màu cho sợi. Dệt bằng chỉ màu rất tiện cho việc lựa chọn màu sắc hoa văn.
Hiện nay, khi thổ cẩm trở thành hàng hóa thì nhiều Hợp tác xã dệt thổ cẩm ra đời, song các Hợp tác xã này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa tìm được lối ra. Việc duy trì, tìm hướng phát triển cho nghề dệt thổ cẩm hiện đang là vấn đề nan giải. Những sản phẩm làm ra cũng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ hoặc ký gửi ở các hàng, khách sạn, các điểm du lịch… (nhưng cũng chỉ ở dạng trưng bày chứ ít khi tiêu thụ được).
Trước nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trong kế hoạch phát triển kinh tế của nhiều địa phương thời gian qua, chính quyền cũng đã có những động thái quan tâm đến các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của chính quyền địa phương và cơ quan văn hóa, trong vài năm gần đây, một số địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã phục hồi nghề dệt thổ cẩm, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Tại tỉnh Gia Lai, Phòng Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương tỉnh) cũng đã mang những sản phẩm thổ cẩm trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài nước nhằm tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có 106 câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm với hơn 1.600 phụ nữ tham gia. Các CLB tập trung chủ yếu ở các huyện như: Chư Păh, Phú Thiện, TP.Pleiku, Krông Pa… và số lượng CLB đang ngày một tăng lên.
Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thành lập một số tổ hợp tác dệt thổ cẩm, trong đó có Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Ngoài truyền dạy nghề cơ bản, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức các lớp nâng cao tay nghề cho thợ giỏi, trong đó có hướng dẫn cách tiết kiệm và phối màu sợi nguyên liệu, chế tác sản phẩm theo hướng hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ dệt cho cả ba DTTS tại chỗ là M’nông, Ê Đê, Mạ. Do vậy, nghề dệt thổ cẩm của các DTTS ở Đắk Nông được duy trì, các sản phẩm được bán ra thị trường Đà Nẵng, phục vụ nhiều du khách trong và ngoài nước…
Chị Kamom, dân tộc Châu Mạ say sưa dệt bên khung thêu - Ảnh: Hồng Vân
Một số giải pháp bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các DTTS khu vực Tây Nguyên
Thứ nhất, cần thường xuyên tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống ở từng địa phương hoặc khu vực. Đây sẽ là cách giới thiệu có hiệu quả và ấn tượng nhất những giá trị, cũng như sự đa dạng của sản phẩm dệt thổ cẩm trong đời sống của đồng bào các DTTS khu vực Tây Nguyên. Tỉnh phải coi nghề dệt thổ cẩm như một sản phẩm văn hóa thiết yếu để phát triển du lịch.
Thứ hai cần phải có một chính sách đồng bộ, phù hợp thì mới có thể phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc của đồng bào các DTTS.
Thứ ba, để khôi phục và phát triển được nghề truyền thống này trước nguy cơ mai một, cần phải có chính sách từ cấp chính quyền, các tỉnh cần khảo sát, điều tra, tổ chức, vận động, tạo nguồn lực mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm.
Thứ tư, các tỉnh cần phối hợp với các cơ quan liên quan mở các nhóm tổ hợp tác, tổ liên kết nhằm tạo cho chị em người DTTS cùng nhau sản xuất ra sản phẩm thổ cẩm, để giới thiệu bạn bè trong và ngoài địa phương. Đây vừa là sản phẩm du lịch thu hút đầu tư, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong đó, đặc biệt cần xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch; coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch, lấy việc phục vụ du khách là chủ yếu. Từ việc thu hút du khách tham quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa là khoảng cách gần có thể thực hiện được.
Thứ năm, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cần gắn với phát triển du lịch với sản phẩm nhiều mẫu mã, màu sắc và kiểu dệt khác nhau. Việc gắn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS với du lịch là hướng đi đúng không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cần hướng tới gắn sản xuất, tiêu thụ với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Về lâu dài, việc đầu tư cần dựa trên những đánh giá qua công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa của từng dân tộc và từng địa phương có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các DTTS.
Thứ sáu, để nghề dệt thổ cẩm truyền thống phát triển ổn định, rất cần có sự chủ động phối hợp với ngành Văn hóa, Du lịch trong và ngoài khu vực; sự liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề trong từng địa phương, trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên và tìm kiếm các doanh nghiệp chịu đảm nhiệm đầu ra cho sản phẩm.
Thứ bảy, để bảo tồn và phát huy giá trị được nghề dệt thổ cẩm tại Tây Nguyên cần nâng cao nhận thức về nghề cho thế hệ trẻ. Các đoàn, hội cần tập trung tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ cách làm của hội viên, động viên chị em thành lập các CLB, tổ dệt truyền thống để vừa bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, vừa góp phần cải thiện đời sống kinh tế.
Thứ tám, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương trong việc đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm truyền thống mới mong bảo tồn và phát huy được giá trị bản sắc các tộc người thiểu số Tây Nguyên.
Thứ chín, các dân tộc ở Tây Nguyên cần sử dụng các chất liệu mới và ứng dụng công nghệ vào dệt thổ cẩm, cách tân để tạo nên những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, mang lại nguồn thu nhập. Thổ cẩm đã và đang tìm lại chỗ đứng, không bó buộc trong phạm vi buôn làng mà đã kết hợp với du lịch, sáng tạo thành sản phẩm ở lĩnh vực thời trang, đồ lưu niệm, nội thất… tạo nên sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm.
Thứ mười, để thổ cẩm sống mãi, cùng với khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ, chính quyền địa phương cần chú trọng mở lớp dạy nghề, tăng cường quảng bá rộng rãi những sản phẩm thủ công truyền thống mang giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh việc khai thác và phát huy các làng nghề thổ cẩm truyền thống theo hướng phục vụ du lịch, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng cao…
Có thể nói, thổ cẩm là một phần bản sắc tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc khu vực Tây Nguyên, cần phải có sự cải tiến về sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng vẫn phải giữ được giá trị cốt lõi của văn hóa thổ cẩm của các DTTS. Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần có những phương án cụ thể hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các tộc người thiểu số trên địa bàn, đặc biệt quan tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.
NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
NGUYỄN DUY DŨNG – Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
_____________________
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn kỹ thuật chiết xuất màu thực vật phục vụ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2013.
2. Tôn Thị Ngọc Hạnh, Huỳnh Ngọc Thu, Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.