Cần thêm những bà đỡ mát tay

Không chỉ có phim truyện thu lãi cao, ở nhiều nước, một số bom tấn hoạt hình cũng có doanh thu ngất ngưởng. Nhiều dự án phim hoạt hình không chỉ thu hút khán giả nhiều lứa tuổi mà còn được chờ đợi ngay từ khi khởi động.

Phim hoạt hình Anh chàng cao kều

Việt Nam là một trong những nền điện ảnh có phim hoạt hình ra đời khá sớm ở khu vực Đông - Nam Á. Phim hoạt hình Việt Nam cũng từng giành một số giải thưởng quốc tế từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Sau hơn một nửa thế kỷ phát triển, hoạt hình Việt Nam được đánh giá là khai phá chưa xứng với tiềm năng. Trong khi nhiều nhân vật hoạt hình “ngoại” tạo cơn sốt phòng vé, đi kèm là trang phục, đồ chơi, bài hát hay sách truyện ăn theo… thì thật khó để kể ra tên nhân vật hoặc bộ phim hoạt hình thuần Việt được các khán giả nhí nhớ đến và mến mộ.

Với thời lượng ngắn, có thể thấy, ước mơ đưa phim hoạt hình Việt Nam ra rạp còn rất xa vời. Kinh phí làm phim lớn cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư ngần ngại đổ tiền vào mảng phim này. NSND, đạo diễn Phương Hoa, Trưởng Ban giám khảo phim hoạt hình tại LHP Việt Nam lần thứ XXII từng chia sẻ: “ Các sản phẩm tinh thần dành cho trẻ em không thể đòi hỏi có lãi ngay mà trước hết phải nhìn nhận ở giá trị cốt lõi là nhằm góp phần xây dựng, đào tạo. Nếu nhà nước coi phim hoạt hình là công cụ nghệ thuật để giáo dục trẻ em thì nên đầu tư kỹ lưỡng hơn, phải có quỹ riêng tài trợ và đặt ra mục tiêu lớn hơn cho những người làm phim hoạt hình. Nếu không được đầu tư một khoản tiền đủ làm phim truyện hoạt hình dài, có thể ra rạp thì mục tiêu chinh phục khán giả trong nước cũng khó chưa nói đến chuyện hoạt hình Việt Nam có thể xuất khẩu ra nước ngoài”.

Trong khi phim hoạt hình chưa thể ra rạp thì trên thực tế, nhiều tác phẩm hoạt hình quen thuộc của nước ngoài như Mickey, Igor, Rango… đều có sự góp mặt của người Việt trong đội ngũ họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật, âm thanh… Một số hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giớ từng có đơn vị sản xuất đặt ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Phim Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch - series phim hoạt hình Pháp từng “làm mưa làm gió” các kênh truyền hình thiếu nhi của Việt Nam và nhiều nước châu Âu, châu Á - được đặt hàng, gia công tại một số xưởng phim ở TP Hồ Chí Minh. Có khả năng và phương tiện nhưng còn rất nhiều trở ngại để các họa sĩ, nhà làm phim hoạt hình Việt Nam chứng tỏ bản thân ở thị trường phim trong nước.

Phim hoạt hình Chiếc mũi dài...

Khoảng vài năm gần đây (trước khi có COVID-19) thị trường phim hoạt hình Việt Nam có phần sôi động và đa sắc hơn nhờ sự nhập cuộc của các đơn vị tư nhân. Mặc dù số lượng còn khiêm tốn nhưng mỗi xưởng phim lại có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng làm phong phú sản phẩm, mang lại cho khán giả nhỏ tuổi những món ăn tinh thần thú vị và sự cảm nhận đa chiều.

Nổi bật trong việc tự sản xuất các nội dung hiện có Hi Pencil Studio (với loạt phim hoạt hình Xin chào Bút chì, Điều chúng mình chưa biết, chùm phim ngắn Truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, Bác Sago và những người bạn). Công ty Colory Animation (có loạt phim ngắn Dưới bóng cây hay series phim Cùng là dũng sĩ).

Cách đây vài năm, một trong những “hiện tượng” của làng hoạt hình là bộ phim Con Rồng cháu Tiên, sau khi ra mắt đã thu hút hơn 9 triệu lượt người xem trên YouTube cùng hàng chục ngàn lượt chia sẻ với nhiều phản hồi tích cực. Vẫn dựa trên truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam nhưng bộ phim dài 23 phút được đầu tư tới 2 tỷ đồng và êkip làm phim hơn 100 người. Sản phẩm có tạo hình bắt mắt, âm thanh và chuyển động sinh động, mượt mà. Với ưu thế về chi phí thấp, tính tương tác nhanh và khả năng lan tỏa, chia sẻ lớn, YouTube hay một số ứng dụng nội dung khác đang được xem là một hướng đi để phim hoạt hình Việt Nam tiếp cận và chinh phục khán giả.

Trong số hơn 500 bộ phim hoạt hình của hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất được đưa lên kênh YouTube riêng của hãng, có phim Bố của gà con (sản xuất năm 2014) từng đạt hơn 40 triệu lượt xem, Sự tích Hồ Ba Bể và Chú Mèo thông minh cùng có hơn 21 triệu lượt... Series Chat và Bop với 200 tập (mỗi tập thời lượng khoảng 3 phút) cũng thu hút hàng chục triệu lượt xem, cho thấy nhu cầu lớn của khán giả với các bộ phim hoạt hình thuần Việt. Hạc thần Studio từng giới thiệu series phim hoạt hình lịch sử Loa Thành rực lửa với độ dài 5 tập. Phim có sự pha trộn giữa yếu tố giả tưởng (vượt thời gian) và chất liệu lịch sử để tạo ra những chuyến phiêu lưu thu hút khán giả nhí. Nhóm Đuốc Mồi - đơn vị sản xuất của series phim hoạt hình lịch sử Việt sử kiêu hùng (qua hình thức gây quỹ cộng đồng) cũng cho ra mắt các tập với tên gọi Huyết mạch Trần gia sau khi Tử chiến thành Đa Bang - hồi 1: Giấy được đón nhận với gần 124 ngàn lượt xem. 

Có tiềm năng lớn nhưng bị phim ngoại áp đảo, chưa được đầu tư mạnh mẽ, khâu quảng cáo ít được chú trọng, đó là những tồn tại của phim hoạt hình Việt Nam, dù nội dung, công nghệ hay nhân sự đã được cải thiện. Để có thêm các bước đột phá cần có thêm thời gian, kinh phí... cũng như sự chung tay của những người làm nghề. Và đặc biệt là những Mạnh Thường Quân, những nhà đầu tư yêu thích ngôn ngữ phóng dụ, khoa trương của hoạt hình.

Mới đây, để tạo thuận lợi cho hoạt hình Việt, Cục Điện ảnh đã phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim Tài liệu (60 phút) và kịch bản phim Hoạt hình (90 phút) năm 2021”. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC cho biết, đây là lần đầu tiên, Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi viết kịch bản dài dành cho hai thể loại tài liệu và hoạt hình. Kết quả, đã có hơn năm mươi kịch bản phim hoạt hình gửi tới tham gia với sự đa dạng về thể loại, đề tài và nhân vật. Nhiều kịch bản lồng ghép yếu tố huyền sử với lịch sử, truyền thuyết. Có kịch bản dựa trên các truyện cổ tích Việt Nam, đề tài khoa học viễn tưởng, thế giới thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Có nhiều kịch bản kết hợp giả tưởng, xuyên không và thực tại. Nhiều kịch bản viết về thế giới động vật, những câu chuyện được nhân cách hóa sinh động…

Phim hoạt hình Người hùng

Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí, Trưởng ban Chung khảo Kịch bản phim hoạt hình chia sẻ: “Công nghệ số đã mở ra một trang mới cho phim hoạt hình hiện đại. Giờ đây, không chỉ gói gọn trong 10-20 phút mà kịch bản phim hoạt hình cần kể một câu chuyện dài. Một kịch bản dài cần xây dựng được câu chuyện đủ dầy, nhân vật đủ mọi tính cách, chuỗi hành động phiêu lưu hấp dẫn, bên cạnh đó là sự lãng mạn và hài hước… như vậy mới có thể thu hút khán giả trong 90 phút. Hi vọng, trong tương lai gần, kết quả của cuộc thi sẽ khích lệ các tác giả sáng tạo nhiều hơn những kịch bản phim hoạt hình có độ dài như vậy...”. Kết quả kịch bản Dưới bóng cây của nhóm tác giả Đoàn Trần Tuấn Anh, Phan Gia Nhật Linh, Đồng Thị Tân Khánh đoạt giải Nhất. Kịch bản Tò he nổi loạn, tác giả Đàm Thùy Dương đoạt giải Nhì. Kịch bản Gió thần, tác giả Nguyễn Anh Quốc và kịch bản Chuyến du hành tương lai, tác giả Nhiếp Thị Hải Anh đoạt giải Ba. Kịch bản Gươm báu Thuận Thiên, tác giả Lê Ngọc Minh đoạt giải Khuyến khích…

Đây được xem như một tín hiệu mừng để phim hoạt hình Việt Nam có thêm chất liệu (kịch bản) để làm nên các bộ phim hoạt hình dài tập. Tuy nhiên, để phim hoạt hình Việt Nam có thể khởi sắc rất cần có thêm những mạnh thường quân, những bà đỡ mát tay cho thể loại này phim đầy mầu sắc này.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;